Nếu không tỉnh táo khi viết, trong một tiềm thức không thể nhớ nào đó, rất có thể, câu văn của bạn sẽ mang phong cách Nguyễn Huy Thiệp. Dĩ nhiên là thế, khi trong suốt hơn 20 năm, khó ai có thể soán ngôi “ông vua truyện ngắn”.
1. Trong hơn năm trở lại đây, Nguyễn Huy Thiệp gây ồn ào với Vong bướm (Nhã Nam & NXB Thời Đại), tuyển tập những sáng tác mới nhất của Nguyễn Huy Thiệp, dĩ nhiên không còn là truyện ngắn, cũng chẳng phải là tiểu thuyết viết theo lối nhạo đời theo thể loại “ba xu”, mà là kịch bản sân khấu. Cũng chưa biết khi nào có đạo diễn đủ tầm đủ tài để dựng Vong bướm thành vở diễn. Giờ đây, NXB Trẻ lại lần lượt giới thiệu lại một số tuyển tập mang tên tác giả Nguyễn Huy Thiệp, cuốn gần đây nhất Hạc vừa bay vừa kêu thảng thốt, cũng nằm trong mong mỏi làm sống lại tươi mới giá trị văn chương một thời đó.
Trong tuyển tập truyện ngắn Hạc vừa bay vừa kêu thảng thốt với Giọt máu, Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết, Thiên văn, Thương nhớ đồng quê, Cánh buồm nâu thủa ấy… bạn sẽ có dịp đọc lại những dòng viết của một tư duy thông tuệ, cảm xúc đọng đầy dù lời văn lạnh lẽo theo cái nhìn người ngoài cuộc, một lần nhìn lại, để hiểu hơn vì sao sau hơn 20 năm, đã là giá trị, thì khó mà bị phủ bụi, và ai yêu thương văn chương, vẫn đắng đót với văn Nguyễn Huy Thiệp nhiều thế, vẫn chê trách cái ẩn ức vắng mặt trong văn Nguyễn Huy Thiệp ngoa ngôn thế và rồi vẫn bị “bắt chước” lối viết của Nguyễn Huy Thiệp lắm thế.
|
2. “Ở Nhã Nam, tháng Tư có mưa.
Tôi sẽ kể chuyện này cho anh, vì anh, anh bạn ạ, bởi đến 50 tuổi anh sẽ thành ông lão.
Tôi sẽ kể chuyện này cho chị, vì chị, chị bạn ạ, bởi đến 40 tuổi chị sẽ trở thành bà lão.
Tôi sẽ kể chuyện này cho cậu, cậu im đi, cậu còn trẻ quá, cậu là thằng ngốc.
Tôi sẽ kể chuyện này cho cô, vì cô sẽ đi lấy chồng. Lúc ấy chỉ toàn những nhọc nhằn thôi, không ai kể chuyện cho cô nghe cả.
Ở Nhã Nam, tháng Tư có mưa”.
Chỉ vì những dòng mở đầu Mưa Nhã Nam của Nguyễn Huy Thiệp, mà tôi quyết dừng thơ để chuyển sang truyện ngắn. Dẫu là thơ, thì làm sao thơ bằng những câu trên. Mà dẫu là truyện ngắn, làm sao rung động từng mạch viết, với những câu trên. Thế là tôi viết văn, đơn giản, bởi Nguyễn Huy Thiệp đã thôi thúc tôi viết. Kể cả tiểu thuyết, cũng đơn giản từ bài tiểu luận Trò chuyện với hoa thủy tiên của ông nức tiếng một thời.
Khi đã tin từng trang văn của ông, thì tin mọi thứ ông viết, ông nói. Qua những gì đã đọc từ Nguyễn Huy Thiệp, tôi nghe lời và làm theo.
Với tôi, Nguyễn Huy Thiệp là thầy, dù ông chưa dạy tôi cách viết, mà mới bảo tôi cách sống, sao cho có thể yêu văn mà vẫn sống được giữa cõi đời không văn.
Bạn trẻ! Nếu bạn ấp ủ mong muốn học cách viết văn và ước mơ (dù phù du) là trở thành nhà văn, đừng quên đọc, đọc thật nhiều những gì có thể. Và sẽ khiếm khuyết nếu không lật từng trang truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, bắt đầu từ Hạc vừa bay vừa kêu thảng thốt…
Nguồn: TT&VH