1. Hắn đứng nhìn đoàn người chạy. Hắn không biết họ chạy đi đâu và làm gì phải chạy không như bình thường. Hắn cho đây là trò chơi đuổi bắt. Mỉm cười, rồi lại hét to giữa trời, gãi đầu đoạn thủng thẳng đi vô chợ. Chẳng một ai buồn quan tâm về điều nầy, bởi hắn sống thế và làm thế từ bấy lâu nay; thì cái chuyện hò hét, nhảy la, cười nói là không lạ đối với dân cư ở đây. Hôm nay lại khác hơn mọi khi, hắn đứng lặng nhìn. Nét vô tư hiện trên mặt hắn. Lôi Xích Lô cũng lấy làm lạ. Ngưởng cổ ngáp dài, chưởi đổng một tiếng như than thở với trời, đưa tay đuổi con ruồi trâu đậu trên mép miệng, Lôi nói lẩm bẫm: – Mẹ kiếp! đời thật chó má. Không hiểu sao lại kéo nhau chạy như điên. Chạy đi đâu? Không đứng lại để xem cớ gì. Thấy vậy Lôi Xích Lô cũng bàng hoàng theo sự thế. Bỗng sực nhớ bầy con ở nhà đang nheo nhóc miếng ăn, vợ gầy mọp, vạch áo đút cái vú khô vô miệng thằng con cho bú. Lôi hình dung gia cảnh mà kinh hoàng. Ngồi cả buổi chưa có một ”cuốc”. Lôi Xích Lô khiếp!
Trời tháng tư ngập khói, không biết ngọn khói nầy từ đâu bay tới làm cho bầu trời đang xanh trở nên u ám. Những tiếng la thất thanh, những tiếng đồn nhảm, một đồn mười, không nói có, đổ hô, đổ thừa cho nhau, pha lẫn tiếng trẻ con khóc biến cảnh đời thành hỗn mang, vô luật hay đây là chiến thuật tâm lý của cái thời đang giao tranh giữa chó và người dành nhau nắm xương khô. Hắn cho thằng cha xích lô điên, Lôi Xích Lô cho hắn thằng điên; mà thực hắn điên từ lâu. Cả thế gian nầy biết hắn điên.
Ảnh minh họa
Chợ mới mở hàng, hắn đứng nhìn nồi cháo lòng bốc hơi, khịt mũi như thèm ăn, mặt lấm la, lấm liếc muốn chụp miếng gan luộc bỏ vô miệng. Chờ chực, lơ đãng, hắn đớp một miếng vừa chạy, vừa la như đuổi kẻ cướp, mụ bán cháo quay người, vói miệng chưởi vào hắn như tát nước, thằng điên cắm đầu chạy giữa bụi mờ. Chẳng ai buồn dõi mắt theo.
– Mả mẹ nó! Cái phường thất đức. Kẻ chạy xuôi, người chạy ngược lại thêm bọn phá hoại, núp sau lưng đánh với đâm. Kiểu nầy có nước bốc cứt ăn. Mụ Đẽo nói.
Buổi chợ hôm đó nháo lên. Thằng nghèo thì đứng yên coi tình thế ra sao để liệu bề, thằng giàu thì sợ mất của hùa nhau chạy trối chết, bỏ hoang cái nhà mới xây năm rồi, bao nhiêu hy vọng đổ xuống, chẳng phải đứng lại mà cầm cây sào để chống mái nhà. Bửa đó thằng điên đứng lặng câm không nói. Lôi Xích Lô lắc đầu ngao ngán cuộc đời. Một thằng điên, một thằng nghèo có phải cái tội trời hành hay cái tội đời gán cho bọn chúng. Sự thể khi nào cũng dành ưu tiên cho đám người này. Lôi chắc lưỡi lên yên xe đạp đi tìm khách sộp chạy loạn. Y kiếm bộn bạc hôm đó. Thằng điên đi lửng thửng dưới mưa tìm nơi trú ngụ. Cảnh chiều lắng xuống chỉ nghe tiếng súng, tiếng nổ khi gần khi xa, chớp loé như ma trơi. Người trong làng gục đầu bên cây đèn dầu nghe tiếng khóc mưa đêm.
Hơn cả năm qua sanh hoạt chả mấy thay đổi, nghèo lại nghèo thêm. Dân cư vắng dần. Một số phải lên đường trả nợ núi sông, một số lở ông, lở thằng, đội tay đứng đường, chữ được chữ mất lại du nhập mấy cái từ ngụy tặc vô người, đứng lơ láo giữa bãi đời. Phụ nữ trẻ già đều mang gương mặt âu sầu, hình như họ đang chịu đựng đắng cay nào đó trên mảnh đời đang sống. Bầu trời hôm ấy không tươi. Tất cả đổi thay không còn nề nếp như xưa. O Cháu lê bước trên đường chiều từ chợ về nhà. O vừa đi vừa suy nghĩ. Không phải suy tính thiệt hơn mà O suy xét cái vận con người, đổi thay bất thường, thiệt giả bất ngờ. O ngó cái thân O, ngó cái thân thằng con trai độc mà làm O ngao ngán sự đời.
Thôi! thì mặc ai nói nắng nói mưa, O cứ đôi gánh trên vai, hến khô, hến ướt cũng là cơm hến. Có dư hột nào thì dành cho thằng Cự. Nhưng không phải bòn về mà nó ăn, suốt ngày cứ chạy rông ngoài đường, bốc hốt ba cái thứ cơm thừa cá cặn, ăn hối ăn để, có khi chạy dưới mưa như trẻ con chơi nước. Cự đâu còn trẻ con mà đùa vui. Hắn bây giờ cũng quá 25; O Cháu kể qua loa mỗi khi khách ăn hến hoặc ở chợ Riềng hỏi sự thế gia cảnh đời O nhưng O Cháu đâu có ưa chi mấy điều ấy. O ghét ai nói đến Cự. O đành lòng ngậm đắng và đau khổ mỗi khi gọi Cự là ”Cự điên” như đời đặc tên cho nó. O Cháu hận lắm.
Năm lên 12, tánh tình và người ngợm trở chứng, bữa tới trường, bữa đi ngơ ngơ như đứa mất hồn. O Cháu nhắm mắt nuôi con tới ngày nào hay ngày ấy. Hắn lên tới 16, thầy Thận xác định hắn bị vương âm hồn. O Cháu không tin thầy, O cho thầy tu mà nói cái kiểu nầy là giết cả đám. Điên sao hắn biết cửa biết nhà, điên sao biết mẹ với con, biết đói biết no, thấy gái đẹp còn liếc, còn dòm, ưa ghẹo. Điên đâu mà điên. O Cháu trách dân trong làng, trong thôn a dua, có ít xít cho nhiều, hùa nhau làm loạn, nuôi ong tay áo giết người vô tội. Hắn có tên hẳn hoi. Chỉ có điều hắn bất mãn cái gì mà sinh ra chứng khùng khùng. – hắn biết tui là mạ hắn. O Cháu nói một mình trong bụng. Thấy con mình vậy lại càng thương hơn. Mặc thiên hạ cho hắn điên hay khùng. O Cháu tự bào chửa cho mình, vì tự ái mà nói lên lời đa ngoa, chứ suy ra trong ngũ tạng máu me của O, thằng cháu gọi bằng O ruột điên-cực-lạc, hết thuốc chửa. Điên bị còng, bị xích. May ở xa một cõi chẳng một ai thân thuộc trong làng Đại Vệ cho nên O dập tắt khoẻ và coi như chuyện thiên hạ, hề nà làm chi. Cự sinh chứng ấy là có ít nhiều huyết thống của O trong đó. Giờ O ngậm nghe. Mà đôi khi Cự tĩnh keo chả thấy điên với khùng. O Cháu nghĩ không ra lẽ âm dương. O lủi thủi ra ngoài chái hốt nắm trú đun miếng nước chè còn dư hôm qua trong ấm nhôm.
2. Duệ ngồi trước cửa nhà O Cháu. Ngồi từ trưa tới chiều mà chẳng thấy một ai lấp ló. Duệ đói bụng; mong O về để ”kiếm chút cháo” dém vô bao tử. Trời âm u xuống thấp, cảnh nông thôn lúc nầy không còn thi vị như trong sách vở thuở còn đi học, nó đìu hiu và buồn tẻ. Mấy bụi chuối mọc quanh nhà, lá vàng khô rủ dài, la đà xuống tận đất. Duệ nhìn bầu trời, cảnh vật mà xúc cảm về một hương xưa đã mất. Nghe tiếng chân đạp trên lá Duệ mừng, ngóng nhìn, chẳng thấy ma nào cả, chỉ nghe tiếng gió thổi xào xạc qua lùm cây, lát sau mới nhận ra O Cháu lú đầu về ngoài ngõ. Hai bên chất vấn đôi điều đoạn đi vào nhà. Ngọn đèn dầu hà tiện nhả sáng, mùi âm khí lợn cợn trong cõi u trầm. Thoáng thấy một chõng tre và hai tấm ván mộc không chưn ngưạ thả xuống nền đất làm chỗ ăn, ngủ.
– Ăn đoại hến nguội nầy đi. O Cháu nói.
– O có người con trai nay ở đâu? Nghe anh đi tu? Duệ nói.
Cái sự tình của Duệ và O Cháu chỉ có hai người biết. O Cháu không thích ai đả động đến Cự và giờ đây đến Duệ. O chứa chấp Duệ ở trong nhà có lý do kín của O; có điều tra lý lịch thì O nói: – Cho thằng cháu làm thợ mộc ở trong nhà, dân bần cố mà tra với hỏi làm chó gì ; hơn nữa nhà mẹ quá, con điên khoan hồng một chút có sao đâu mà bắt con người ta lên rừng đốn củi, giữ bò – Chơi vậy vô hậu quá! O Cháu sắp xếp trong đầu để tùy nghi ứng xử, mỗi khi có ”ka-ki” hỏi thăm sức khoẻ. Mà ngặc gặp phải thằng con trời hành, có chất điên trong người, nhưng nói tiêu tội có khi cũng bình thường hơn cả bình thường; cũng biết nghe đờn ca xướng hát, cũng biết nhăm nhi đôi chút, nhưng Cự-điên có cái giỏi mà trong đám nhậu phục sát đất, uống không thấy ”xỉn”, không xì điên, không nói sảng mà ăn nói lại có tình. Rứa mới ngụy! Nhưng rồi tánh nào, tật nấy Cự-điên trở chứng cũ, nhiều khi khùng lên kéo đầu mấy bác, mấy chú, thằng nầy, thằng nọ ra chưởi trổng, chưởi nghe đáo để vô cùng mà hắn chưởi đâu phải chú bác gì của hắn, chưởi ẩu chơi thôi, bất luận chưởi ai, trúng tên ai ráng chịu. Nhiều lúc bà con nghe mà tái-thần-hồn.
– Mẹ nó! chưởi kiểu nầy có ngày đi theo gánh Lệ Thủy không chừng. Rô hớt tóc nói.
– Hết người bắt tù, bắt chi thằng điên nuôi tốn cơm. Cối xe kéo nói.
– Điên có ba loại điên. Cự-điên thuộc dạng điên trí thức thời đại. Biết nhậu, biết hò hát, biết cà phê thuốc lá, biết ngâm thơ. Cự-điên chơi ráo, húp ẩu bất cứ cái gì, chớp được là húp chả e lệ. Cự-điên, điên kiểu ”đại học sĩ” Bùi Chu đó bây nghe! Đừng khinh, anh hùng đó. Tụi bây nói thì hay nhưng chưởi được như nó không? Hay trịt! Hai Mít nói.
– Nghe đâu mạ Cự-điên bửa ni phá luật, chứa tay thợ mộc trong nhà, nghe giả độc thân. Ở với Cự-điên không biết có điên lây không? Rọm mài dao nói.
– Mạ nó có lý do của mạ nó. Thợ mộc có lý do của thợ mộc. Kệ người ta tụi bây xía vô chi rứa? Thằng đó khác gì mình. Có hắn ở trong làng biết đâu có lợi. Lôi Xích Lô nói.
Đang nhậu ngon, nói ba hoa chích chòe sướng miệng, nhìn quanh không thấy Cự-điên. Cuộc vui của đám lu la còn kéo dài, có thằng xỉn cũng chưởi như Cự-điện. Ở đằng xa dường như có 2 ông đội nón màu lục đi tới tay cầm đèn pin chiếu sáng, canh kẻ trộm. Trời mới ngó vậy mà chừ đã tối đen. Nhà O Cháu vẫn còn lù mù chưa lên đèn. Không thấy Cự-điên mà cũng chả thấy Duệ-Thợ-Mộc, hay họ đợi mặt trời lặn mới về hoặc còn quấy phá đâu đây. Duệ mới ra quân đâu chừng tuần lễ mà nay có mối ngọt, chị Mùi cho gọi vào quán đóng ba cái bàn, cái ghế với kệ kê hàng. Duệ rớt trúng hủ nếp. Duệ cưa đục có vẻ rành nghề, nheo mắt nhắm đường thẳng còn hơn cả thước đo. Chị Mùi liếc mắt cười mỉm. Duệ chưa biết gì dân tính trong làng, trong thôn, trong xóm, ”lính mới nhập ngũ” nhưng Duệ có hồn nghệ sĩ cho nên ít bàng quan chuyện thiên hạ. Cúi đầu làm. Ka-ki xanh bước vô quán chị Mùi mua một xị về xã nhắm, đưa đôi mắt diều hâu nhìn chị Mùi, rồi nhăn răng cười nham nhở, Duệ hơi ớn mấy vị nầy. Hăng xúc xích lắm!
– Duệ-Thợ-Mộc coi bộ có mòi làm ăn ra. Cối xe kéo nói.
– Rớt vô chị Mùi khoẻ re. Chị ở quá, gặp Duệ-Thợ-Mộc độc thân, lại ra dáng ”dân chơi thứ thiệt” không chừng hợp rơ với chị Mùi. Hai Mít nói.
– Bà Mùi còn nhớ người tình chưa cưới năm nào. Nghe tết năm Thân giả đi ”bán muối” dưới La Ỷ. Đi luôn không về. Chị Mùi có để tang. Lôi Xích Lô nói.
Họ đang ngồi ba láp thấy Cự-điên đi lơ lửng như say, gương mặt buồn, tay cầm chai xá-xị không biết đế hay nước lạnh, cúi đầu hướng về nhà. Có thằng kêu giựt Cự-điên, Cự-điên chả thèm nghe. Trong đám văng tục hai chữ nghe dòn tan: – Đ.m. đồ điên.
3. Duệ ở nhà O Cháu với Cự-điên gần 3 năm; trên răng dưới bộ đồ lòng, không hộ khẩu, không giấy tờ tùy thân, dần dà làng Đại Vệ, thôn Diên Văn, xóm Trệt biết danh Duệ-Thợ-Mộc ngọt tay nghề. Chưa tới 3 năm sắc diện Duệ đổi hẳn, có thịt có da, thỉnh thoảng thấy ngồi ngó quán cho chị Mùi đi gội đầu bồ kết. Duệ vô hình chung biến ra ông chủ nghiệp dư ở làng Đại Vệ. Mà lạ 2 năm lui tới với chị Mùi không thấy chị bụng u, thịt nở gì cả. Nhưng những gì giữa chị Mùi và Duệ-Thợ-Mộc Cự-điên biết ráo. Cự-điên có cái khoái đi bắt tôm, mò ốc ban đêm trên sông Cái Rún giữa trời về khuya. Cự-điên trở thành ghiền.
– Duệ dạy tôi hát đi! Cự-điên nói.
– Ừ! để tôi bày anh hát nhưng phải hát thiệt hay đừng phá nghe anh Cự. Duệ nói.
– Duệ đừng đi. Ở đây với mạ tui. Buồn vui có nhau. Cự nói.
– Không có nơi nào để đi và để đến.Vì tất cả không có thật cho nên tui không đi. Duệ nói.
Cự điên rút trong túi ra chai xị-đế, thả xuống đất, rót rượu vào chén sành bể miệng, ép Duệ uống. Cả hai anh em uống không còn thấy điên, họ hò hát như kẻ điên. – Rượu làng Kình phê thật. Duệ nói trong họng. Lúc ấy trời chuyển qua nửa đêm, có sấm chớp ở xa.
Cả hai hát trong đêm vắng. Đang vui bỗng Duệ buồn vì nhớ bài ca Nguyễn Hữu Thiết (người cùng quê với Duệ): ”trong đêm trăng… tiếng chày khuya…” Duệ nhớ về đồi núi cheo leo năm xưa nơi Duệ đã cùng thề với đồng đội cuối đông năm nào… để rồi chia xa.
Trời bắt đầu rải hạt lấm tấm trên vai hai kẻ chịu tiếng đời. Cả hai ngồi đợi mưa.