Nguyễn Thị Thúy Hạnh

 


(Đọc di chữ của Nguyễn Thị Thúy Hạnh, Nxb Hội Nhà văn, 2017)

Tôi thích sự thú nhận là một gương mặt chữ của Nguyễn Thị Thúy Hạnh hơn là một sự cách ngôn trong câu thơ: ta đi giặt áo thơ/ mặc mới một mùa chữ.

di chữ mang lại nhiều day dứt, ám ảnh về ngôn ngữ của người viết. Chẳng phải ngay từ khi sinh ra loài người đã được ban tặng một món quà vô giá và đương nhiên, đó là ngôn ngữ, để cách này hay cách khác con người đối thoại với nhau, với thế giới hay với chính mình. Nhưng trong một thế giới hỗn mang, đa ngữ thì việc tìm ra thứ ngôn ngữ riêng biệt, như một bản sắc và sự khẳng định lại là câu chuyện khác: nơi hợp chủng quốc ngôn ngữ/ tôi phiên dịch tôi. Đó là khi Nguyễn Thị Thúy Hạnh cảm thấy ngôn ngữ loạn lạc hay nỗi hoài nghi nhưng đêm nay ai lắng nghe tôi/ khi tôi viết bằng một ngôn ngữ khác. Với nhà thơ, hơn cả những chức năng thông thường, ngôn ngữ cho phép họ truy vấn đến cùng tận, vượt qua những giới hạn. Một thế giới khác mà ngôn ngữ đem lại, không hẳn là một thế giới của tưởng tượng và đáng sống hơn, mà ở đó, nhà thơ nhìn được rõ hơn, thật hơn về thân phận và cuộc đời. Không phải là sự cực đoan mà là một niềm đam mê khi trở lại với thơ, hay sự khoái lạc của cô đơn mà nhà thơ đang tận hưởng khi nhận ra chỉ ngôn ngữ vây quanh bầu bạn.

Nếu, thơ ca, chỉ là một màn giễu nhại của thân phận thì ngôn ngữ là kẻ đồng lõa không thể thay thế mà nhà thơ trong nỗi dằn vặt đã kiến tạo nên: tôi chỉ có bàn tay/ cầm ngôn ngữ đau thương; trên da thịt ngôn ngữ tứa máu. Nhà thơ chính là người đầu tiên có cảm giác nhạy cảm trước ngôn ngữ và là người sau cùng rời đi trước những gãy đổ, không quên mang theo ngôn ngữ của mình. Nhưng đó là một sự tổn thương nghiêm trọng khi xét đến cùng, ngôn ngữ là đại diện cho nguồn gốc con người, nó gắn liền với lịch sử và văn hóa dân tộc. Và như thế, vô hình trung ngôn ngữ đã mang một thân phận. Nguyễn Thị Thúy Hạnh đang dùng ngôn ngữ để chạm tới những phần đau xót, để chữa lành những tổn thương, để một lớp da non, một lớp ngôn ngữ thực sự của bản thể chị được tái sinh trong một màu áo mới. Đó là cách để hiểu thơ chị. Thế nên, trong nỗi chênh vênh của đời sống hay trong phút giờ cô độc, cái mà chị giữ lại và còn lại chính là ngôn ngữ: anh chỉ khóc khi, ngôn ngữ của anh là ngôn ngữ cuối cùng.

Nguyễn Thị Thúy Hạnh trong lời dẫn mở tập thơ đã viết: Ngôn từ – một tồn tại cưu mang, cho phép tôi bất chấp mọi nỗi bi ai mà tin rằng, ngay cả khi ở dưới vực thẳm, chúng ta vẫn có thể nhìn thấy những đám mây bay – những đám mây thơ… Và trong thơ chị, điều khiến tôi ấn tượng chính là thân phận của ngôn ngữ qua những cách nhìn, trong những hoàn cảnh. Chúng ta vẫn dùng ngôn ngữ cố nhiên như một chất liệu để nói và viết. Đứng ngoài những xác lập, thơ Nguyễn Thị Thúy Hạnh dùng ngôn ngữ để nói đến những điều phi ngôn ngữ: nấm mồ của ngôn ngữ/ đòi giải thoát linh hồn. Cũng có thể là một sự kết hợp ngẫu hứng nhưng đâu phải phi lí khi ngôn ngữ làm tình với tư tưởng để hoài thai ra một sự khác biệt.

không ai có thể giết tôi được, tôi tự vệ bằng từ; tôi thở bằng ngôn ngữ khác; thân thể tôi liệm bằng chữ… khi đã mang lại một thân phận cho ngôn ngữ là khi nhà thơ chấp nhận một cuộc sống khác do nó mang lại.
NGUYỄN THỊ KIM NHUNG chọn và giới thiệu

Nhạc tranh

Người nằm hát bên lề đường thành phố
những giọt lệ thiêng
trên bờ môi gầy
nắng trôi theo cung đàn
nhịp xúc xắc đỏ đen dị dạng

Hoa nở
ẩm ướt sắc màu
hương khô
tiếng cười thiếu nữ thơm mùi táo đỏ
mặt trăng lên từ bờ vai mảnh dẻ
tiếng sương vỡ trong thinh không

Trên dây đàn
lả lướt
những ngón tay như hoa huệ như sóng lượn như cầu vồng
như con thuyền
đậu vào một bến sông.

Những cuộc gặp dưới chân thánh giá

Đêm nay chúng ta ôm nhau
ngồi đọc hết những im ắng
em tô son cho hồng thân phận

Nơi hợp chủng quốc ngôn ngữ
tôi phiên dịch tôi
tôi chảy một dòng sông khác

Mùa xuân tróc vảy
nở những cành bi ai
mùa thu hân hoan trên tay
đi qua bể dâu thì gặp được người
người ngước đôi mắt gầy đói nhìn tôi

Ta đốt lửa trường thành mà sưởi
cầu cho môi răng thương xót nói lời.


Trong nỗi đau rùng rợn

Những con sâu bò trên cánh huệ
nỗi buồn đục khoét trái tim
phải chăng sự trong sáng không thể nào bao bọc?
em lặng thinh
bấm một cung đàn…

Sự buốt lạnh từ cánh huệ truyền sang
nhuộm trắng mái tóc
em thay nước bình hoa
những con sâu không biến mất

Trong bức tranh của em
hoa huệ trắng vẫn là hoa huệ trắng
nhưng từ kí ức
hương thơm không làm quên lãng
những con sâu trên cánh hoa.

Văn nghệ Quân đội

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài

Exit mobile version