THẦN DƯỢC

 

 

Truyện ngắn của DU AN

Kính tặng Bác K.


Tôi phải lấy vợ thôi chú ạ.

Tối qua tôi nằm mơ… Một đứa con gái mười tám. Trắng lắm. Vú như thế này này… Nó bảo ngủ với nó. Tôi bảo: Hượm đã, về làm vợ anh nhé. Nó cứ nguây nguẩy. Tức quá, tôi quát to: Không lấy anh, chó nó lấy. Thế là nó cúi mặt, chớp chớp mắt… Chết cha mày rồi. Thế là hai đứa yêu nhau luôn.

Tôi cười sằng sặc, ghế và người cùng chổng vó. Vợ tôi cũng sằng sặc từ trong bếp ra:

– Nói phét. Chắc là thích quá, lúc nào cũng mơ.

– Thật đấy mà. Đẹp ối giời ôi! Lão Găng vẫn còn giọng ngon ngon.

Tôi khoái lão Găng. Vợ tôi gần đây cũng thiện cảm với lão.

Gia cảnh lão cũng vào diện có cái để nói.

Vợ mất đã ba năm. Con, ba cô gái đã lấy chồng; theo thứ tự từ cả đến út: Lanh chủ quán cà phê Ban Tím trên thị trấn, Thơm bán thịt ở chợ và Hoa giáo viên mầm non. Mỗi tháng ngoài gạo nước, thịt cá, cám bã; lão được cô cả cấp cho hai trăm nghìn bảo là chè thuốc.

Lão ở một mình với ảnh vợ trên bàn thờ. Nỗi buồn đau đã tạm vơi. Bốn gian nhà gỗ tròn chênh vênh trên taluy. Quá rộng.

Sáng sáng ngủ dậy, việc đầu tiên là cho lợn ăn. Trong tiếng bồm bộp, lão lẩm bẩm: Như mày mà sướng. Việc thứ hai, sau khi đánh răng rửa mặt, quần áo chỉnh tề; lão đứng trước ban thờ mời “vợ” ăn sáng. Người di ảnh chưa già, cứ nhìn đôi mắt, bầu má thì khoảng trên dưới bốn mươi. Hồi còn sống người ấy đi với con, ai cũng bảo hai chị em. Còn lão, thì… hai ông cháu đi đâu đấy. Lão chỉ da da xương xương, còn khỏe chán. Thấy tức tức, lão xuống tấn, gồng tay. Cũng có tí con chuột.

Tôi dạy học và làm thơ. Gần đây in được hai bài ở tạp chí văn nghệ tỉnh. Sang khoe lão, lão bảo: Thơ tán gái. Lí thuyết xuông. Tôi nóng mặt, cầm quyển sách chưa gấp trang, về. Dại, nói với bức vách.

Tôi giận mất ba hôm, thì hôm nay lão sang kể giấc mơ với gái mười tám như trên. Đợi vợ tôi vác cuốc khuất cổng, lão ghé vào tai tôi, mặt quan trọng: Chú đi với anh nhé. Đi đâu? Hỏi vợ. Ai? Cái cô mười tám ấy.

Tôi lại một phen cười, nói trong “đau bụng”: Em thì thơ tán gái, lí thuyết xuông; còn bác đi hỏi người trong mơ làm vợ. Hòa nhé… Thôi dẹp, đến giờ bác cho lợn ăn rồi đấy. Tôi đắc ý, chơi lại lão một vố. Nhưng không, lão xua tay: Thật! Nói phét tôi làm cái giẻ lau nhà chú. Cái đứa trong mơ là một đứa… Tôi biết rõ nhà, con ông… ở San Pa Pai. Chú sẽ thay mặt anh, bảo hoàn cảnh như thế… như thế… muốn một người vợ. Em làm ông mối á? Đại loại thế, gì chú cũng thầy giáo nói năng văn hoa, rõ ràng.

Chết cha tôi rồi, vào đấy kiểu gì chả dính phụ huynh… Có khi “em” của lão lại chính là học sinh mình. Lúc ấy thì đẹp mặt thầy Du nhẩy. Tôi đực người, nghĩ cách. Trong khi chưa nghĩ ra cách gì tôi hỏi: Thế nó thật là mười tám không? Không dám chắc, nhưng có hơn thì cũng vài ba tuổi. Làm cháu chưa được còn làm vợ, lúc ấy vênh váo lại khổ bác. Thôi bác ạ, bác có ý định lấy vợ em không phản đối nhưng từ từ chọn bà nào cân xứng một tí. Thị trấn này chả ma nào nó dám mình. Sao lại không, bác còn khỏe, một mình một nhà… Nhất định sẽ có, em sẽ tìm giúp bác.

Tôi chù chừ thế thôi, tôi mà giúp được! Viết thì có nhõn hai anh tre trẻ hội văn nghệ bảo hay… Còn mồm ra kém lắm; nhát gừng, nhát giềng. Chuyện tình duyên phải dẻo, đầy trai nhìn phát nôn thế mà kiên trì hót, gái trong buồng phải chạy ra.

Chú là cái thằng nhát chết. Thôi, cứ ở nhà mà hầu cái đám thanh tra thanh mẹ nó đi. Việc tôi, tôi tự lo. Lão lột mặt tôi, phơi trần lí do. Lão về, không khí có vẻ nặng.

– Vừa nãy bố với bác Găng chửi nhau à?

– Đâu. Bố bao giờ chửi nhau với ai.

– Con chào bác ngoài cổng, bác bảo về mà chào cái thằng bố mày.

– Không phải chửi nhau mà chuyện bác Găng…

Tôi kìm lại được, trẻ con không nên cho biết. Hay là con giúp bố… dạo này bác Găng bác ấy cứ thế nào. Thế… thế… Bác đi đâu thì đi theo. Hai bố con tôi ngoắc tay.

Lão không sang nhà tôi. Tôi kiễng chân ngớn cổ, trên hàng rào dâm bụt. Vẫn đang ngồi. Soi gương. Giơ trái, phải, lùi xa, tiến gần. Có tiếng lợn bộp bộp. Sao lại cho ăn trưa. Thôi chết, có khi sắp đi. Tôi gọi thằng con, không có nhà. Ra đường gọi, nhìn, không thấy. Túi quần tôi chợt rung lên… Alô thầy lên dạy ngay tiết một nhé, cô Loan đẻ. Tôi cuống cuồng mặc quần áo, xách cặp. Xe vừa nổ máy đã phóng. Phụt khói tức.

Tối hôm ấy nhà tôi được một phen tán loạn. Thằng con đi đâu không về. Người lên đài truyền thanh nhờ thông báo. Người dò tìm nhà những đứa con hay chơi. Người nhảy xuống các đầm ao khoắng… Mười giờ, các ngả về, mặt ai cũng có tang. Vợ tôi khóc ới con ơi… chưa hết câu thì thằng Thanh vót một cái qua bậu cửa: Con chào bố mẹ. Mẹ ôm chầm, bố sờ nắn. Hoàn hồn, tôi quát: Đi đâu mà giờ này mới về. Con vào San Pa Pai. Tôi giơ tay định tát thì nó bảo: Bác Găng ngủ trong đó rồi… Tôi à lên một tiếng. May vợ tôi không hỏi gì.

Tiếng lợn éc, rồi cả con đâm sang bếp nhà tôi. Phải gió, về nhà mày đi, vợ tôi bộp que củi vào lưng thằng lợn. Bác Găng ơi! Sang bắt lợn không em thịt đây này. Im. Queng, vung văng, nồi cơm nguội ụp. Pộp pạp. Giời đất ơi, cho lợn sang ăn sáng nhà người ta à…

Chửi, than, dậm chân bình bịch. Tôi tung chăn dậy, thế là toi một buổi không có tiết.

Về đi… thế thế… ngoan nào. Tôi nhẹ nhàng lùa lợn. Vợ tôi chống nạnh nhìn. Thị kinh ngạc… cái tay từ từ xuôi xuống đùi. Thị chưa bao giờ dám gọi chồng dậy, thế mà lợn gọi dậy được. Thôi anh cầm luôn cả nồi cơm “ăn dở” sang bên đấy.

Tôi thành gã chăn lợn, nói rối hộ.

Chăn lợn. Việc đầu tiên là cắt cái áo phin từ năm mới ra trường của tôi ra, bện thành sợi dây. Buộc chéo từ nách lên cổ lợn. Xong cái “chuồng dây” bên gốc muỗm. Việc thứ hai, cho ăn. Không kể nồi cơm nguội sáng ấy, cám trong thùng nhà lão còn đúng ba bữa. Bữa thứ tư, tôi ứng. Bữa thứ năm, eng éc rung cây muỗm. Hoa (con út lão) đến, xách một túi cám con cò. Bố cháu đâu? Bố mày lên chợ mua thuốc lào. Tôi nhận túi cám, hòa sống. Tiếng bộp bộp vang lên.

Tôi đã nói rối rồi, đứng về phe lão rồi. Về nhà khẳng định thêm một lần nữa… Vợ tôi hỏi: Anh làm gì mà như thằng ô sin ở bên đấy. Đáp: Giữ lợn cho bác Găng buộc. Thích lợn sang đây ăn cơm không?

Mấy hôm liền vợ tôi mải đám nương, không hỏi han, căn vặn. Tôi thấy vui vui việc chăm lợn… và lo cho lão Găng. Có khi bố này ở rể, già cả không phải xuống ruộng lên rừng nhưng đại loại lấy lòng bên ngoại. Như tôi, hồi tìm hiểu, tối nào cũng đến nhà nàng bóc sắn hộ, thống kê chắc cũng dăm tấn.

Không có tin tức gì về lão Găng. San Pa Pai, người ta vẫn ra chợ, lớp tôi có ba học sinh. Lắng nghe, chả ai nói gì. Tôi không dám hỏi.

Ối giời ôi có người chết dưới rãnh. Tôi chạy từ trên giường, hình như dẵm vào chân vợ. Lão Găng. Tôi sờ ngực, tiếng thình thình đẩy lên. Tôi xốc lão dậy, ật ưỡng dìu vào nhà. Vợ tôi cho lão uống nước gừng. Tôi nắn chân, xoa bóp cũng bằng gừng. Lão mở mắt nói một câu như thế này: Một lần rồi chết cũng đáng. Khuôn mặt lão rạng rỡ. Vợ tôi cảm động, đang đi nấu cháo. Lão hỏi: Xe đạp có việc gì không? Tôi đáp: Bánh trước mới vành số 7 thôi. Nhanh cũng phải một tháng nữa mới cưới, tôi đi bằng gì. Lão lại nhắm mắt. Tôi lay lay bảo: Tí em tháo bánh trước xe em, cho hẳn bác. Yên tâm nghỉ ngơi đi. Lão lại mở mắt.

Buổi chiều, lão vén áo, vuốt vuốt bập bềnh đám xương sườn: Chỉ xước nhõn chỗ này. Chân tay êm ro. Lão chạy chạy, mồm hô: 1, 2, 3, ha… ha… ý bảo tôi ổn chưa. Chú em biết tại sao anh lao xuống rãnh mà không việc gì không? Cao người chả bán được chứ sao… Nhầm. Thần dược đấy. Chú có biết không… Sướng không thể tả nổi… Tôi bay về nhà báo tin cho chú… Chú làm thơ tán gái, vứt mẹ nó đi, viết cho anh một chuyện. Đầu tiên anh gặp cô ấy ở… Anh đi theo, biết rõ nhà… Anh gặp ông bố… Anh bên cô ấy… Không chịu… Mãi đến một đêm… Sướng không thể tả nổi…

Tôi chưa bao giờ viết truyện ngắn. Toàn thơ là thơ: Anh nhìn thấy em tắm suối/ Ghen với con cá con tôm/ Đùa nô trên tòa thiên nhiên hùng vĩ/ Anh ước thành con cá con tôm… Đại loại lãng mạn thế. Giấu vợ tít trong quyển sổ bằng bàn tay để trong tập lí lịch viết hỏng.

“Chú viết cho anh một chuyện!”. Lần này thì trốn đằng trời. Văn học ơi ít nhất mày cũng phải làm một viên B1 chứ. Thầy Du ơi, ai ngồi với thầy cả buổi, cho cười chảy nước mắt khoái trá. Ai mấy lần “được” nói chuyện với sếp, phải săn thời cơ, phải túi quà…?

Tôi dặn đi dặn lại lão: Tuyệt đối không để lợn kêu. Lão hỏi để làm gì. Tôi bảo à quên nếu vợ em về thì bác sặc thuốc lào một cái… Hụ hụ như thế này này.

Tôi ngồi trước tờ giấy trắng. Em ở đâu? Nghĩ ra cái tít rồi, vẫn không dám đặt bút. Tôi thấy dòng chữ trên khoảng không. Một chàng trai, không một trái tim khao khát yêu thương đang dò dẫm, con đường mới mở, đất đỏ bết. Có tiếng chào ông đi đâu. Giọng nói trẻ trung cất lên trong nắng mai: Tôi đi tìm hạnh phúc. Tiếng xích líp reo vang bình minh. Chòm râu bay bay…

Độ một giờ trưa thì chú cho lợn ăn hộ tôi nhé. Cám tôi hòa sẵn trong cái nồi ở bếp ý. Vâng, thôi bác đừng nói nữa. À quên, bọn chúng nó đến thì bảo tôi lên chợ mua thuốc lào nhé. V…â…ng, bác đi thì cứ đi đi. Tôi đã bắt được mạch cảm hứng. Loáng thoáng nghe và loáng thoáng trả lời.

Bây giờ thì tôi chỉ việc cầm lái cho bút đi đúng dòng. Băng, lướt trên đại lộ tình yêu. Tèn tén ten em về với anh. Hai ta bốn gian nhà tranh, pháo mừng tiếng lợn vỗ tay ngoài máng. Tình yêu không là năm tháng, một ngày cũng là thần tiên. Tôi hát, ngân reo và đọc lại, đọc lại. Chỉ cần sửa mỗi cái nhan đề: Em ở đâu? thành Em về với anh.

Xong cái truyện ngắn (Chẳng biết có phải không?). Xin đọc lại lần nữa…

EM VỀ VỚI ANH

Ngày tháng năm dài lê thê

Anh, bốn gian nhà gianh, nghe tiếng bước chân mình. Thạch sùng tặc lưỡi, tắc kè nhòe đêm.

Anh tù nhân của cô đơn. Khói thuốc, những vòng tròn bay đi. Thân xác này để làm chi? Trái tim lồng ngực sao giam được. Thình thịch vòng tay ai nhịp nhịp.

Anh, chịu án chung thân. Người thăm nuôi gạo, tiền đủ để lần sau đến vẫn thấy chưa chết.

Anh, chăn chiếu thở dài. Nằm nghiêng kẹp thương nhớ. Tỉnh dậy véo đùi vẫn giấc mơ.

Anh, giời đày. Cao xanh cao quá, nghe tiếng lợn kêu giật mình, còn hai tồn tại.

Anh, mưa không giọt nước. Nước mắt ngày xưa đã cạn. Bây giờ lại đầy lên.

Em, nàng tiên từ buổi Viđiô. Ngơ ngác người ta yêu nhau. Nhắm mắt người ta không quần áo.

Em, bước nhẹ con nai mùa xanh. Suối, suối sâu đến đâu váy em kéo lên đến đấy.

Anh là làn gió bay theo em. Anh là con cá, là hòn đá, là bậc cầu thang, là cây sào nứa, là con thoi… Anh và em loang loáng.

Tình yêu không tuổi. Ba cái gối thành một hàng rào. Tiếng gà sang canh giục thúc. Anh ơi! Em ơi! Nước mắt tân hôn và nước mắt tái hôn.

Em ơi! Chúng mình vẫn nuôi lợn. Đón em về anh sẽ làm chuồng, không buộc ở gốc muỗm nữa. Chúng ta sẽ hát bài ca bình minh và xế chiều.

Ổn. Nhưng đoạn cuối sao gờn gợn. Em ơi! Chúng mình vẫn nuôi lợn… thô quá. Tình yêu ai lại nói thế. Thay đi. Em ơi! Chúng mình nuôi tình yêu hòa hai mái tóc. Được. Hợp cảnh hợp tình, nó nói lên được cái khao khát đã thỏa. Tôi chấm (.), tô vòng tròn thật đậm. Ngả người châm điếu thuốc. Khói bay mơ màng sung sướng, y như mình lấy được vợ mới.

– Ra đẩy hộ bao thóc cái!

– Chết ở trong nhà rồi hay sao!

Tiếng the thé của vợ. Hình như xe đổ. Đổ thật. Tôi chạy ra. Thị nằm đè lên bao thóc, bánh xe; hai chân giãy giãy. Tôi kéo tay vợ, để nhẹ bên hàng rào. Cởi dây chun, ì ạch lôi cái bao ra. Dựng xe.

Giải quyết xong “sự cố”, tôi len lén vào bếp nấu cơm. Muốn nhanh, đổ cho tí dầu, bếp bùng lên. Khói dầu sặc sụa.

– Giỏi nhể! Tôi biết ngay mà. Ông lên đây! Lên ngay đây!

Mặt thị đỏ gay, cú ngã xe vừa nãy và tờ giấy trên tay. Tôi giằng lấy tờ giấy. Thị gạt tay, khỏe như Minh Vượng. Tôi cúi mặt nghe tuyên án… Không ngủ cùng, bảo soạn bài khuya. Không đi đâu cùng, bảo bận. Không chuyện với vợ mà cứ hi hí ở trên phòng… Giờ thì còn chối nữa không. Con nào… con nào… Giời đất ơi, tôi thức khuya dậy sớm hàng xay hàng sáo để nuôi nó theo gái.

Thị tru lên từng hồi. Hai tay giơ lên, đập xuống thảm thiết. Tôi chạy vòng quanh: Tôi xin! Tôi xin! Khe khẽ cái mồm chứ. Chả phải khẽ gì sất… Ối giời ôi có thầy giáo theo gái…

Đến nước này thì tôi phải “vũ phu”. Tôi bịt mồm thị, thị giãy giụa. Tôi ghé sát vào tai: Mẹ mày nhầm rồi. Đấy là chuyện của lão Găng. Sắp lấy vợ đấy. Không tin, làm sao nhời nhẽ như trẻ con yêu nhau thế. Thị không giãy nữa, giọng đã nhẹ. Tôi bồi tiếp: Lão Găng được đấy, một mình mò mẫm thành công rồi. “Ấy” rồi. Ở đâu? Trong San Pa Pai ý. Đẹp lắm, đúng là trời thương. Thế anh nhìn thấy rồi à? Đâu, lão ấy về tả thế chứ.

Tối, lão Găng về sớm. Tôi nghe tiếng điếu cày, chạy sang. Tôi hỏi: Tiến độ đến đâu rồi? Lão bảo: Đã xong hết phần nhà gái. Bố mẹ, anh em, cô ta đồng ý. Nhưng… bây giờ mới khó, ba đứa nhà tôi chết cũng phản đối. Thì cứ nói thẳng: chúng mày có hạnh phúc của chúng mày. Tao cũng phải tìm hạnh phúc của tao. Không được, rồi mặt chúng nó như cái lệnh… Tôi chịu được nhưng cô ấy trẻ người non dạ. Bỏ về là tôi chết. Lão Găng ngả người, cổ treo trên thành ghế, hai mắt mở to. Lão đang tìm cách giải mâu thuẫn – Hạnh phúc các con, hạnh phúc bố. Im lặng, một con nhện rơi xuống bàn. Cái này phải nhờ nhà em, món thuyết khách tình duyên nó làm được đấy. Ừ, mai tôi sang nói với thím ấy. Ông cầm cái điếu nhả khói. Tôi cũng bắn thử một điếu.

Tôi về nói ngay với vợ. Vợ tôi giãy nảy. Tôi phân tích, dẫn chứng, vợ tôi xuôi xuôi… Được, em sẽ cố gắng.

Sáng hôm sau, vừa bảnh mắt thì bên nhà lão Găng ầm ầm.

– Bố giở chứng rồi. Còn sống được mấy nỗi. Thử hỏi bố còn thiếu cái gì? Tiếng cô cả.

– Con xin bố. Cố nhịn đi. Vợ nữa lằng nhằng phức tạp lắm. Tiếng cô hai.

– Thôi, dứt khoát là không. Nếu cố tình, cắt gạo tiền. Lấy về tự mà nuôi nhau. Tiếng cô út.

– Thôi bố ạ… Cần thì tối nay con điều cho một đứa quán con xuống. Chỉ sợ phải khiêng bố đi viện thôi. Lại tiếng cô cả.

Ghê quá. Tôi vào nhà. Lão Găng như con gà rù ngồi xổm trên ghế. Chợt lão đứng phăng dậy, quăng cái ghế đánh rầm vào cánh cửa:

– Tiên nhân chúng mày. Tao còn sống, tao có quyền quyết định đời tao.

Lão khóc hu hu. Tôi ôm lão, tôi cũng rung lên.

Ba cô gái biến. Cô cả nguýt lại một câu: Từ mai lên nương mà cày cuốc nuôi lấy tình yêu.

Hỏng rồi. Tôi than thở. Hay là để thư thư cho tình hình dịu lại đã bác. Không được, ngần này tuổi đầu, tôi không phải thằng Sở Khanh.

Tối đó, vợ chồng tôi đi ba nhà con gái lão thuyết phục. Không căng thẳng, nanh nọc nhưng vẫn một hai lắc đầu. Vợ tôi nhũn nhặn đến không ngờ, bảo một câu kinh điển – Con nuôi cha không bằng bà chăm ông. Tôi bảo dầu sao việc bố cháu lấy vợ vẫn diễn ra. Lấy thì kệ ông ấy, chúng tôi hết trách nhiệm. Tôi thộn mặt, nói ngu quá.

Đám cưới lão Găng vẫn diễn ra. Thực chất chỉ là năm mâm tại nhà gái. Nhà trai có bốn người: Vợ chồng con cái nhà tôi và lão “ông rể”. Tôi vào vai trưởng nhà trai, có nhời. Lúng búng, ngượng ngập, đến những từ ngữ không né được đành nói trống không. Vợ tôi cướp “diễn đàn”: Bác Găng đây, hoàn cảnh thì gia đình ta đã biết. Thôi hạnh phúc không có sớm muộn, mong tất cả chúng ta cùng yêu thương vun vén. Hay. Tôi nhìn lão Găng, ông bố bà mẹ, cô dâu nét mặt đã tự nhiên.

Tối mịt thì đoàn lấy dâu về. Mãi không ai nói với ai. Đến suối, tôi mới pha một câu: Chú rể phải cõng cô dâu chứ. Nào ghé vai vào, lại gần đây, tôi kéo cả hai người. Cháu đi được, chú kệ cháu… Vợ tôi nắm tay tôi lùi lại: Tiền cỗ lão Găng chắc phải vay ngân hàng nhỉ? Ừ, khổ thân lão, chết không biết có trả được hết không. Tôi thở dài. Vợ tôi ghé vào tai: Năm triệu rồi, không lo. Năm triệu nào? Hôm qua em lên chợ, con Lanh gọi vào quán, đưa một bọc bảo cô lo giúp chúng cháu. Thôi cứ cầm hộ đây, hôm nào nói với lão. Có thế chứ. Thế sao chúng nó không đi. Ai dám lộ mặt, hỏi anh nhé, bây giờ anh cưới vợ… em đi có mà mặt dày một mét.

Gần đến nhà, vợ tôi rảo chân lên trước. Lão Găng về bật điện, lấy chai rượu, rót. Vợ tôi sang, ôm cái chiếu: Nào đặt ai dải giường chưa. Thôi, thím cứ làm, đại khái thôi. Đại khái là thế nào, hạnh phúc nào chả giống hạnh phúc nào.

Chúng tôi cùng ngắm cái giường. Đôi chim bồ câu trong trái tim giữa chiếu mớm mỏ nhau. Lão Găng nhìn giường, nhìn cô vợ. Thế là từ nay em không phải cho lợn ăn hộ nữa. Tôi nói, vợ tôi lườm. Lão Găng vột vạt: Chết! Nói mới nhớ. Từ sáng đến giờ chưa cho ăn. Sao nó không kêu nhỉ? Thì tất cả phải cùng cho xong việc lớn đã chứ. Cô vợ lặng lẽ xuống bếp, một lúc quay lên hỏi: Cám ở chỗ nào… nhỉ. Đừng nói trống không, phải bảo: Anh ơi cám ở chỗ nào anh nhỉ. Cô ta đỏ mặt.

Bây giờ tôi mới nhìn kĩ cô. Cao, gầy, ngực phẳng, đuôi mắt đã nhíu nhíu. Chỉ đôi má hồng lên thèn thẹn. Tên là Man phải không bác nhỉ. Ừ. Hôm tối bác ngủ lại trong ấy, trai cả bản kêu khóc như ri: Thế là mất em Man rồi. Lão cười, nghiêng đầu nhìn vợ như báu vật.

Từ hôm ấy lão Găng có tên là Găng Man. Như bao vợ chồng khác tên kép: Hùng Lan, Tuấn Thanh, Minh Lệ, Dũng Hiền…

“Giữ ý đấy, tuần trăng mật không sang nhà lão”. Vợ tôi dặn. Tôi cười: Có ở nhà đâu mà sang. Thế đi đâu? Lên đồi lấy rau lợn. Cả hai à? Ừ, vợ mới mà.

Tối về, họ ngủ sớm. Một lần thấy lão đánh răng ngoài giếng, tôi tẫm tợt nói sang: Mải vui quên hết anh em nhỉ. Thì sang chơi… Lão nói khi đã khuất vào trong nhà.

Tôi sắp quên thói quen “ngồi lê” với lão, thì một buổi vợ tôi vào bàn kéo tôi ra bờ rào.

Ọe… ọe… ọe. Cố lên em. Tiếng hổn hển. Tiếng vỗ vỗ ngực.

Lão Găng tay ôm bụng vợ, tay vuốt ngực. Tại anh đấy. Em bảo để sang năm cứ đòi. Thôi chiều nay em nằm im trên giường, tuyệt đối không được ra gió. Thế anh bỏ em một mình á? Ứ đâu. Cô bé ngốc ơi, anh đi kiếm cho em một con cá chép…

Vợ tôi nhìn tôi, tôi nhe răng. Tình yêu của mình hai mươi năm trước cũng có “Ứ cần đâu!”. Vào nhà, vợ tôi hỏi: Mới cưới được một tuần, hay là của người khác rồi? Linh tinh, tính từ hôm lão ở rịt trong đấy cũng hơn tháng rồi. Thế à? Mạnh nhỉ. Chuyện… ai mà chả mạnh.

Tối ấy vợ chồng tôi mang chục trứng gà sang thăm, nhân thể nói chuyện năm triệu của các con lão. Vợ tôi ngồi giường với Man. Tôi với lão ngồi bàn. Một lúc thì ba cô con gái đến. Tôi thủ thế… sẽ nói một câu. Một câu thôi, thật sâu cay.

– Con chào bố. Cháu chào chú… Em chào chị. À cô ở đây nữa, ngoài đường vào quáng mắt quá.

– Con đổ gạo vào thùng rồi nhé. Làm sao nồi thịt kho mặn thế, bố tiết kiệm à.

– Bố làm chuồng lợn rồi à. Khéo tay ghê.

Tôi lặng im quan sát. Ba cô con. Rồi lão. Lão bảo chúng mày uống nước, nói chuyện với dì. Dì. Ba đứa cùng nhìn, mặt mắt căng lên.

À quên con mang chai rượu thuốc cho bố. Cô cả nói và đặt chai lên bàn. Vợ tôi bảo nhất bác Găng, đúng là con gái rượu. Lão Găng bảo tôi chỉ uống trước lúc đi ngủ lưng cốc. Cô hai, cô út chạy lại bàn thì thào vào tai lão. Lão bảo ờ.

Ba cô về. Vợ chồng tôi về. Vợ tôi bảo chỉ lo chúng nó xé xác cái Man thôi. Tôi bảo xé xác thì cho một chày.

Trưa hôm sau, lão Găng mang nửa chai rượu sang nhà tôi. Tôi bảo nhà em còn đầy hai bình. Lão xua tay: Thần dược, một người uống hai người vui đấy. Tôi rót luôn hai chén, chúc mừng lão: Như vậy là hòa bình rồi nhỉ. Lão lắc đầu: Chưa. Làm sao? Man nó cứ đòi về, không cho lại bắt vào ở trong bản với nó. Đừng, cứ ở đây, mọi chuyện dần dần giải quyết. Khó quá, đấy chú thấy mặt mũi chúng nó tối hôm qua. Thôi kệ mặt mũi, con cái nào bỏ bố.

Tôi và vợ tôi làm sợi dây giữa vợ chồng lão và con lão. Sợi dây ấy đang ngắn lại, nhưng mãi không hết sợi dây.

Thời gian trôi. Tám tháng sau lão có con trai.

Lão ru con:

Ngày tháng a năm dài a lê thê ý a

Anh bốn ý gian nhà gianh ới a nghe tiếng bước chân mình

Em ơi a nước mắt tân hôn và ới a nước mắt tái hôn

Chúng ta này là sẽ hát bài ca bình y minh và a xế chiều…

Lão ru lão. Tôi chạy sang. Trời đất! Văn xuôi ai đi ngâm. Liều quá. Lão nói giọng thằng cu: ú ẳng o ố on ình âm ỉ (chú chẳng cho bố con mình ngâm nhỉ). Thế thì chú chuyển thành thơ cho anh hát; thằng cu có vẻ khoái đấy.

Tôi định nói sao bác bảo thơ em toàn thơ tán gái… nhưng thôi.

Thơ ơi lão già đang cần thơ lắm.

Tôi sẽ nói với các con lão điều này.