Thể phận của chữ gắn liền với hành trình tâm thức được cấu sinh, hiệp thành từ hiện thực lẫn hư cấu mà người viết tiếp nhận và chuyển thể. Một cuộc hạnh ngộ “Trăng màu hổ phách”như hương trời vấn vít giữa tầng không, đẩy sáng tạo đến biên độ của mộng mơ nguyên lành và cả những sự thật đắng cay.
Cao Nguyệt Nguyên, một nữ nhà văn trẻ thuộc thế hệ 9X, đã tạo nên một thế giới nhân vật của mình như thế trong tập truyện ngắn đầu tay “Trăng màu hổ phách”. Sở hữu một giọng văn là hợp chất của mây (bồng bềnh), ánh trăng (sáng, dịu), nước (mềm), đất (cứng) được khuấy đều trong trí tưởng hồn nhiên còn vương lại của một kẻ bí ẩn, lẩn khuất trên từng trang viết. 11truyện ngắn, 11 mảnh ghép của khối rubic đa sắc màu nhưng cùng hướng về một cực điểm: vết sẹo thân phận người. Một Bống đầy khao khát rồi lạc bước trong “Lạc khúc”, là Ràng đau đớn về mối tình không vẹn toàn với Mái “Trên đỉnh Chumpua” giá lạnh, đơn côi; là Khoa quỷ dở người, quằn quại trong cơn mê hoan lạc của “Mùa quỷ hành”, là Tuyến vỡ nát của vầng trăng trinh suốt trong một gia đình rối như canh hẹ của “Trăng màu hổ phách”, là Thúy bơ vơ, lạc lõng giữa sự lựa chọn của người mẹ đứt gánh trong “Sóng ô đầu”, là Dín và Súa đầy mất mát thời hậu chiến trong “Đảo mây và bồ câu xám”..
Cao Nguyệt Nguyên từng chia sẻ về chất liệu sáng tạo của mình: “Đa số những truyện ngắn tôi viết đều dựa trên những nhân vật trong cuộc sống thực, những người đã gặp, những chuyện tôi đã trải qua”. Nhiều tác phẩm của Cao Nguyệt Nguyên có sự thể nghiệm về bút pháp, cấu tứ và hình thức diễn đạt như Trăng màu hổ phách, người hai mặt… Vì lẽ tác giả quan niệm rằng: “Đối với người viết trẻ, không nên ngại thể nghiệm các hình thức viết, hãy thỏa sức sáng tạo của mình ở nhiều dạng thể loại, dần dần sẽ tìm ra được phong cách riêng của mình”. 11 truyện ngắn trong một tập đầy đặn, vừa phải, làm khó người đọc một cách mềm mại, khơi gợi sự tưởng tượng ẩn giấu trong không gian huyền ảo, cuốn hút.
Tập truyện “Trăng màu hổ phách” có thể chia làm ba chủ đề xuyên suốt là cuộc đổi thay của những miền quê đang dần đánh mất đi những “tồn thể” truyền thống (Hương trời, Tinh đất xóm Điều, Trên đỉnh Chumpua ; bi kịch buồn thảm trong các gia đình (Trăng màu hổ phách, Đảo mây và bồ câu xám) và tâm lí tình dục của những con người méo mó (Lạc khúc, Mùa quỷ hành, San hô đỏ trên đá)…
Người đọc cảm nhận sự xáo trộn của những vùng quê hẻo lánh bởi những “lột xác” cố tình, đi ngược lại những giá trị truyền thống. Trong “Hương trời”, nhân vật Hà, dù chỉ là con nuôi của ông Nhẫn, người làm trà sen nổi tiếng, ra sức bảo vệ ao sen và nghề gia truyền vốn dĩ rất kén người chế biến “Ướp sen bằng sức sao có thể thanh thảo bằng chính tâm hồn người làm nó”. Công việc làm sen được tác giả miêu tả rất chi tiết: “Chè xanh được sao tròn búp, giòn rộp trong lớp lá sen. Một lớp gạo sen lấm tấm như ngàn vạn hạt ngọc li ti rải lót đáy chum sành. Chè rắc lên, đều đều… Mồ hôi thánh thót, cách một lớp chè, lại một lớp gạo sen”. Vậy nhưng, người con trai ruột duy nhất của ông Nhẫn lại cứ chực bán đất, bán ao sen để lấy tiền làm việc khác. Từ đó, không khí thanh tao của một gia đình làm nghề tâm hồn đã không còn yên bình như trước: “Đêm cô lại như mực, vắng lặng đến mức có thể nghe thấy cả tiếng thở đau đớn của hương trời”. Một thái độ phản ứng cương mãnh, quyết bảo vệ từng gốc sen của người gìn giữ nghề cổ truyền đã gắn bó như máu thịt: “Ông Nhẫn cố hơi tàn chạy ra chặn trước mũi xe, tay lăm lăm rựa. Một cây sen chết sẽ có một người chết”. Tinh thần ấy của ông Nhẫn và Hà cuối cùng đã bảo vệ được ao sen, nghề làm trà sen, sau này khi ông Nhẫn mất người con ruột thức tỉnh, đã nhường phần nghề và ao sen lại cho Hà. Dù là một kết thúc có hậu nhưng đã gióng lên hồi chuông như “tiếng thở đau đớn của hương trời” trong các làng quê Việt Nam bây giờ giữa tân và cựu, giữa lợi ích vật chất và giá trị truyền thống.
“Tinh đất xóm Điều” tiến xa hơn một bước sự thoái hóa nghiêm trọng của đạo đức ở làng xã trong một gia đình đầy nứt vỡ. Bà Loan, một cụ già neo đơn dù có con cái đề huề nhưng vẫn bị lão Gạc (con rể), bà Mùi (con gái) bỏ rơi, chẳng thèm đếm xỉa ở một làng quê được mệnh danh “Cái đất chó ăn đá gà ăn sỏi bao năm nay”. Nhờ một dự án khai thác đất sét, làng quê ấy thoắt biến “giờ trở thành vàng cốm trong chớp mắt”. Con cháu từ lâu bỏ rơi bà bỗng nhiên quay ngoắc 1800 với “nghĩa cử”: “Bốc bà cụ xuống nhà mình, lấy đất giồng cây mà lấy đền bù”. Bà Loan ngạc nhiên trước thái độ kì lạ của con rể, con gái vốn từ lâu xem mẹ như người dưng, giờ quay lại một nhà xôm tụ. Nhưng rồi dự án lấy đất không thực hiện, cả nhà ông Gạc thất vọng vô cùng đến nỗi “Suốt ba ngày Lão Gạc không ăn được gì, nằm một chỗ, môi bợt ra”. Con cháu lại biết chuyện xã hỗ trợ người già cô đơn thì nghĩ đến kế “bốc” bà quay trở lại vì “Bà mình mà tách ra, hộ khẩu riêng thì ăn chắc một suất”. Tác giả đã đẩy câu chuyện lên đỉnh điểm của cái rởm đời, thối nát ngay trong chính tình thân nội gia, tiền bạc đã xóa đi mọi ranh giới của trách nhiệm, yêu thương. Sống trong một gia đình như vậy, Thanh – con gái ông Gạc, bà Mùi trở thành sản phẩm của sự xuống cấp, hiện thân cao nhất cho thứ “lý tưởng chết người” mà cha mẹ cô là đại diện. Thanh đi học xa nhà, trở thành một cô gái khác bao cô gái chân quê “…tóc duỗi thẳng, quần bò bó chẽn, hai đầu gối đi va vào nhau”. Bà ngoại cô lo lắng cho cái sự “hỏng” ngoại hình của mình thì Thanh đã có “lập trường cứng”: “Bà cứ lo hão, thời bây giờ, hỏng là ra tiền ra của đấy bà ạ”. Với Thanh chỉ có tiền là cao nhất, ngay cả “cái ngàn vàng” được cha mẹ coi trọng Thanh chỉ phán một câu: “Con xin tiền mẹ nộp học, mẹ không cho, con bán rồi”. Mọi giá trị đều được quy đổi bằng tiền, kể cả trinh tiết: “Thôi, con sẽ trích một khoản đi tân trang lại. Vá là xong”. Mọi giá trị bị đảo lộn trong truyện ngắn “Tinh đất xóm Điều”, một sự thoái hóa có tiến trình của một gia đình, một bộ mặt làng quê trước làn sóng đầy uy lực của đồng tiền.
Không dừng lại ở những làng quê đồng bằng, đồng tiền và sự phá hoại đạo đức, lối sống của nó còn vươn vòi đến những miền non cao núi thẳm. Tác giả Cao Nguyệt Nguyên đã dựng nên một cuộc “thay da” như thế trong “Trên đỉnh Chumpua”. Ràng và Mái là một đôi trai gái H’mông yêu nhau và cũng là nạn nhân của đồng tiền khi phong trào du lịch nở rộ, vươn đến các bản của đôi uyên ương. Ràng rơi vào tình cảnh “…biết Jon say Mái lắm, chợ phiên nào cũng rình dưới chợ” và nổi cơn ghen “Thằng Jon trả bao nhiêu tiền để đưa Mái đi chơi, để tay Mái ôm vòng qua ngực thế?”. Bi kịch của Ràng từ đó, ê chề thất vọng vì một tình yêu “Đã hẹn nhau rồi sao cái bụng bạc thế, ngực đã kề ngực rồi sao lại đi với thằng Jon” chỉ vì một lí do: “Mái đi kiếm tiền”, “Mái muốn cưỡi xe máy lên đồi, ở nhà nghèo lắm”. Du lịch đã đem tiền về bản và Mái “múa xòe cho khách xem, được nhiều tiền lắm” đã trở thành cái nghề của không ít cô gái H’Mông. Mái bên người Tây nhiều đến nỗi, Ràng phải thốt lên: “Mái thành gái Tây rồi”. Đồng tiền nào cũng hai mặt: “Đi tua nhiều, người Mái rộc đi, mắt quầng thâm…” và khi mặt kia của đồng tiền lộ ra đúng hình hài của nó: “Mái vác bụng về, lùm lùm sau áo” đã nói lên tất cả. Vết sẹo ấy cứa vào Mái, vào tình yêu của Ràng, vào núi rừng hoang dã đang gồng mình chịu đựng trước thế lực đồng tiền.
“Trăng màu hổ phách” là truyện ngắn thành công nhất của Cao Nguyệt Nguyên về một bi kịch của số phận một gia đình 6 người có 5 hằng số và 1 ẩn số. Với lối dẫn chuyện đưa lý lịch nhân vật vào đầu, tác giả cho ra 5 hằng số nhân vật luôn có mặt trong truyện là Ông Dư (cha), Bà The (mẹ), Bành (con nhặt), Tuyến (con gái), Thừa (con trai). Mỗi người một số phận, một tính cách, một cách hành xử và “đụng nhau rầm rầm”. Nổi nhất là Bành “…được ông Dư nhặt về từ chợ huyện, băm hai tuổi, thất nghiệp, nghiện đánh phỏm, cằm lẹm, dáng cao, thích cởi trần”. Nhân vật này có cuộc sống trôi nổi, đức cách xấu khiến ông Dư phải rủa: “Uổng công ông nhặt mày. Đã thế tôi nguyền cho cái nhà này lộn giống”. Bành như “con sâu” làm rầu cuộc sống yên bình của gia đình, nhiều lần chọc ghẹo em gái là Tuyến với những màn quấy rối vô đạo đức. Trong khi đó Tuyến chân chất “còn gọi là Tuyến Xẩm, ế chồng, bị thọt chân, cười hở lợi, ở nhà trồng dâu nuôi tằm với mẹ”. Người con gái duy nhất ấy lại rơi vào cơn mê của riêng mình: “Trăng màu hổ phách làm mắt Tuyến hoa hoa, thấy người khó ở, rôm bò lồm ngồm sau lưng, đằng trước”, là chiếc nút để dẫn đến số phận bi thiết của cô. “Ẩn số” chú Dùy “tâm thần bỏ nhà đi từ năm 1979 đến nay chưa rõ tin tức” đã khiến người đọc tò mò theo dõi hành trạng của nhân vật này. Cao Nguyệt Nguyên khéo léo trong cách kể chuyện, biến “Trăng màu hổ phách” như một bài giao hưởng đầy thăng, gián và cuối cùng, những nốt trầm đã thống trị chua cay. Một nhân vật phụ khác xuất hiện trong vai người đi mua giống tằm với đặc điểm: “Dáng cao, có vết bớt hình hoa thị trên má, tóc rậm lù xù, đứng gần mùi chua lựng”. Duyên thay, cô gái lỡ thì Tuyến kết anh này với những đối thoại như thơ: “Màu hổ phách ở đâu? Đây này. Nước mắt Tuyến bật ra như chanh vắt”. Cuối cùng, Tuyến chọn ra phương án của đời mình “Tuyến dạng chân giữa trời. Da thịt đàn ông hăng hăng như mùi cỏ ấu phủ trùm lên” để khởi đầu một bi kịch mới. Lật lại trang đầu, người đọc tìm thấy chi tiết của ẩn số chú Dùy “đặc điểm nhận dạng vết bớt đỏ bên má trái” và người mua giống tằm “có vết bớt hình hoa thị trên má”, vết bớt căn cước ấy cũng có mặt trong đêm định mệnh “Bông hoa thị màu đỏ hiện lên lờ mờ trên gò má”. Người đọc rơi vào một bi tình cốc, bàng hoàng cho một kết cục khi “Tuyến thấy trong người khó ở, da xanh, hay nôn khan” và “Tuyến đưa tay mân mê vòm bụng” chứng thực sự thể “nhà này lộn giống” như lời người cha bất hạnh. Hiện thực chua xót kia qua cách kể của Cao Nguyệt Nguyên như một ngọn nến ảo mị trước cơn bão tố nhân sinh. Cái đau của “Trăng màu hổ phách” diễn tiến êm đềm như ánh trăng chiếu rọi lên giọt nước mắt phũ phàng, cay đắng. “Trăng màu hổ phách” là một thiên truyện ngắn hội tụ “điều kiện cần” và “đủ” của một truyện ngắn hay từ ý tưởng, nội dung đến cách dựng chuyện nghệ thuật và lối “tạo hình” nhân vật sinh động, cá tính. Cao Nguyệt Nguyên đã chạm tới ước vọng của người đọc bằng hấp lực của nghệ thuật, mà ở đó chúng ta thật sự sống trong một thế giới của những con chữ có tánh linh, đủ mạnh mẽ để lôi ta vào sự hư cấu đầy mê dụ.
Tác giả cũng thành công lớn với “Đảo mây và bồ câu xám”, hành trình mộng mơ của một bi kịch diễn tiến trong mây, trong sương, trong nguyên thủy nỗi đau. Hai chị em Dín, Súa – hai sản phẩm đầy lỗi của hóa công, chịu nhiều thiệt thòi từ sự di truyền của “chứng nhận nhiễm chất độc da cam” mà cha các cô không may nhiễm phải. Một Súa chưa biết làm mẹ là gì “Súa đẻ rồi, Súa sẩy, ba cái hình hài méo mó như nhau, kỳ dị như một lời nguyền rủa”. Thiên chức của một người phụ nữ bị dìm xuống bể sâu tuyệt vọng, Súa đau đớn thốt lên “Chôn xong rồi, ba đứa con của tôi. Chôn luôn cả đời tôi xuống đấy”. Còn Dín cũng chẳng hơn gì chị, ám ảnh của bi kịch thời hậu chiến khiến người phụ nữ giàu bản năng phải sống trong cảnh: “Mỗi lần nằm bên Tuấn, nâng niu nhau, mà đêm nào Dín cũng mơ, thấy những hình hài thiếu hụt, thấy những tiếng cười trong vắt đầy nước mắt”. “Ba cái hình hài méo mó” đã ra đời của Súa và “ những hình hài thiếu hụt” hãy còn ám ảnh của Dín đã thúc đẩy cho sự lựa chọn sống trên đảo mây, với hàng hoa biêng biêng trắng để quên đi cuộc người xuôi ngược dưới kia. Nhưng bản năng của dục tính đã kéo hai cô gần lại với con người thật “Buổi sáng thức dậy hương hoa dẫu nhạt nhiều nhưng cả Súa và Dín đều thấy âm ỉ trong lòng một nỗi buồn chìm đắm vô tận”. Đảo mây chất chứa một nỗi niềm khiến Dín, cô gái ít nghị lực và kinh nghiệm hơn lâm vào trạng huống “Cái đảo mây này quanh năm động dục, ướt át, mơ màng, chẳng nhẽ sống lâu với nó quá giờ đến lượt Dín cũng bị nhiễm”. Dín trở thành con người khao khát “Thỉnh thoảng có người dưới bản đi ngang qua, nghe thấy tiếng ríu rít gọi nhau, mắt Dín rực lên, môi mấp máy”. Dín bất chấp tất cả, cô muốn được làm người phụ nữ trọn vẹn, viên mãn như bao người khác, như ước mơ, như bản năng giống loài, cá tính phái. Cô được làm mẹ như ý nguyện nhưng lại đi vào vết xe đổ của chị để rồi phải quằn quại với 5 chữ mà không người mẹ mang nặng đẻ đau nào muốn: “Không phải con của tôi”. Tác giả đã gửi nỗi buồn vào mây, vào núi, vào tượng Đức Mẹ, vào cánh chim bồ câu réo gọi hòa bình giờ nức nở với kết cục của nước mắt thời hậu chiến. Chúng ta, những người đọc sẽ chìm vào nỗi buồn đông miên, da diết với hình ảnh: “Đàn bà ngồi với đàn bà giữa sương thì chỉ thấy nước mắt, mây với sương bồng bềnh đến thắt lưng người”.
Mảng chủ đề khác là tâm lí tình dục của những con người méo mó, đầy khao khát nhục cảm nhưng bị giam hãm trong chính ô ngăn cuộc đời chật hẹp, trói buộc.
Là Cốm với ám thị: “Chiếc quần lót màu hoa cà tím ngăn ngắt lơ thơ bay trong giấc mơ Kiên, màu đàn ông nhưng nhức” trong “San hô đỏ trên đá”. Lí do được giải thích là “Muốn làm người lớn thì làm sao. Là thấy trong mình không còn tưng tức…” như bản năng tồn tại của một con người nguyên thể. Cốm đắm đuối trong cơn mộng tình của mình: “Hồn ấy vất vưởng lang thang theo mình mấy năm nay… thân người ấy nhẹ quá, đêm nào cũng chạm vào mà mơ như ôm một đám mây màu trắng”, nhưng bất lực. Biểu tượng San hô đỏ trên đá là thứ của tưởng tượng, là quy kết của thứ dục tình không được đáp ứng.
Là Bống với cuộc sống quẩn quanh, bế tắc, có chồng như không: “Con chán chồng con lắm”, vì một lẽ “Thằng Chính thật thà. Vầng. Thật như đếm”. Bống muốn làm đàn bà, một đàn bà thật sự để rồi quẫy đạp trong ham muốn và đi đến lựa chọn: “Bống len lén nhìn bố khi ông thao thao kể chuyện dế, nói thật chán choét. Nhưng mà có cái gì đấy cứ là lạ toát ra làm cô bị hút sâu vào”. Bi kịch của thân phận bắt đầu từ đó, bố chồng – con dâu, mặc cảm tội lỗi lẫn khao khát mặn nồng. Cao Nguyệt Nguyên viết rất ảo qua những trích đoạn về bắt dế để tường thuật cuộc tình vụng trộm đầy xót xa của Bống, người đàn bà chán chồng.
Và một Khoa sinh ra trong một ngôi nhà “bị hư âm của mặt quỷ dính vào”, mà Khoa là minh chứng cho dòng máu của gia đình bất hạnh, để người đời gọi là “Khoa mặt quỷ” không may được sinh ra. Khoa sống thậm thụt với ước muốn tưởng như bất khả: “Làm sao mà khuôn mặt trở thành mặt người được?”. Hình hài méo mó của mình khiến Khoa mặt quỷ trở thành kẻ lạc lõng, người thừa giữa gia đình làng xóm. Khi đến tuổi lớn, Khoa ám ảnh ước muốn được bên các cô gái, được làm đàn ông. Tác giả đưa Khoa đến cuộc vụng dại với người con gái: “…có mùi thơm của hoa dẻ”, mùi thơm tưởng tượng, lầm lạc “mùi thơm kia là mùi của hoa hay là mùi của đứa con gái?” để bao ngày “Khoa mặt quỷ” đắm đuối bên bờ suối với người trong mộng, với nỗi trống vắng cần được lấp đầy.
Những số phận méo mó thay nhau xuất hiện trên từng trang viết của Cao Nguyệt Nguyên, càng đọc càng cay, càng đắng. Tác giả đi vào gan ruột của nhân vật để lôi lên biết bao chuyện đau lòng, bao ẩn ức giấu kín và bao oan khiên chờ ngày chiêu tuyết. Tính tự sự trong truyện ngắn Cao Nguyệt Nguyên rất lớn và đó là một hướng đi khả dĩ. Nhà phê bình Chris Weedon từng nhận định: “Bất cứ một tự sự nào cũng được kiến tạo dựa trên sự lựa chọn và sự loại trừ. Chẳng hạn, Gayatri Chakravorty Spivak lập luận rằng: “chúng ta không thể làm được gì ngoài việc kiến tạo nên các tự sự”, nhưng “khi một tự sự được tạo dựng, chắc chắn sẽ phải có một số thứ bị cố tình lãng quên hay xóa bỏ”. Cái bị loại trừ, xóa bỏ của Cao Nguyệt Nguyên trong sáng tạo của mình chính là nặn ra những con người có trái tim đá, tình yêu là xa xỉ và thay vào đó là sự thống trị của tâm thức bản năng của xác thịt. Điều này ít nhiều làm cho một số tác phẩm rơi vào “hố đen của hiện thực”, với một trưng dẫn của sự vô cảm của con người và cơn bỉ cực của nỗi đơn côi nghìn đời ai oán. Đọc Cao Nguyệt Nguyên để thấy rằng nhân sinh đầy biến động, méo mó, nứt vỡ đều có lí do tồn tại và rằng mỗi khoảnh khắc trôi qua của đời sống chỉ là nhịp cánh của loài chim cắt, thoắt đến thoắt đi, chỉ còn lại ngọn gió trong lành của lòng bác ái.