Một thời, nói đến Mường Nhé (Điện Biên), là nói đến sự hãi hùng tột bậc của một vùng đất, gần như biệt lập với thế giới bên ngoài. Chẳng biết có ai đó vì “yêu mến” sự kinh hoàng của Mường Nhé mà dựng chuyện, có cán bộ đi công tác vùng 4 xã Mường Nhé rồi chẳng bao giờ thấy về. Hoặc là hổ vồ, hoặc là lũ cuốn, hoặc là do kinh hãi quá mà đi luôn… Nói gì ngày ấy, ngay cả bây giờ thì Mường Nhé vẫn xa xăm mù tắp, bí hiểm và rùng rợn.

Mường Nhé theo tiếng Xạ Phang là Mường Thò hay Mường Đưa. Mà thực tế cũng đúng thế, từ Mường Tè lớn, thò ra vùng đất Mường Nhé như thách thức thời gian, thách thức vũ trụ, và thách thức cả lòng can đảm của con người. Sau chia tách, người nào đó vui miệng đặt cho Mường Nhé một cái tên khác nữa, cũng không có trong hệ thống các cấp văn bản hành chính pháp qui như hai cái tên nêu trên, đó là Mường Thêm (nghĩa là vùng đất thành lập thêm)…

Mường Nhé nằm ở ngã ba biên giới giữa Việt Nam với hai nước láng giềng, là Trung Quốc và Lào. Phía Tây Bắc giáp tỉnh Vân Nam Trung Quốc. Phía Tây và Tây Nam giáp Lào. Phía Nam giáp huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên. Phía Đông và Đông Bắc giáp huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Điểm cực Tây của Việt Nam là A Pa Chải, và trên đỉnh núi Khoan La San (người Trung Quốc gọi là Thập tầng đại sơn) chính là ngã ba biên giới, nằm tại bản Tá Miếu, xã Sín Thầu, có tọa độ địa lý: kinh độ 102o8’ Đông, vĩ độ 22o44’ Bắc.

Mường Nhé trong ký ức những người lớp trước, thường trực hai ấn tượng mạnh: Một là: Vùng thiên nhiên cực kì hoang vu và hùng vĩ (Khu bảo tồn thiên nhiên Quốc gia Mường Nhé). Những năm 80 của thế kỷ trước, khu bảo tồn này vẫn giữ kỷ lục của cả nước, với diện tích hơn 310.000ha; và khoảng 250 con voi, hơn 300 cá thể bò tót; còn hổ, gấu, báo, sói, nai, hoẵng, sơn dương, lợn lòi, cầy, cáo… thì nhiều vô kể. Tiếc rằng, thực tế ấy chỉ còn trong chuyện kể. Diện tích rừng bị thu hẹp, rất nhiều loại thú không còn nữa (voi, tê giác, bò tót, hổ, gấu, báo, chó sói…), còn các loài khác cũng chỉ thoảng thì… Hai là: Ký ức về nhân dân, chiến sĩ Sín Thầu (Mường Nhé – Điện Biên), cùng với các điểm Ma Lù Thàng, Sì Lở Lầu, Ma Li Pho, Pa Nậm Cúm, Dào San, Mù San, Hoàng Thểm, Khao Chải… (Phong Thổ – Lai Châu);  Huổi Luông, Nậm Cáy, Mô Si Câu, ngã ba Pa So, bắc Pa Tần (Sìn Hồ – Lai Châu)… chiến đấu ngoan cường suốt 30 ngày trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979, và nhiều năm bạo động sau đó nữa…

Ngày chưa tách tỉnh, Lai Châu (cũ) có diện tích tự nhiên lớn thứ 2 cả nước, sau Đắk Lắk (cũ). Chỉ tính riêng diện tích tự nhiên huyện cực Tây Mường Tè (cũ) đã là 5.042,8 km2, rộng nhất tỉnh Lai Châu (cũ), đồng thời là huyện rộng nhất trong tất cả các huyện trên cả nước; thậm chí Mường Tè (cũ) còn rộng hơn ít nhất là 34 tỉnh, thành khác. Còn tính riêng Mường Nhé hiện tại, diện tích cũng “vượt mặt” 10 tỉnh, thành là: Bắc Ninh, Cần Thơ, Đà Nẵng, Hà Nam, Hải Phòng, Hưng Yên, Ninh Bình, Thái Bình, Vĩnh Long và Vĩnh Phúc. Chính lẽ đó, mà Mường Nhé mới trở nên mênh mông xa tắp.

Trước năm 2002 (huyện Mường Nhé chưa được thành lập), để đến được ngã ba biên giới A Pa Chải, xã Sín Thầu, từ tỉnh lị đóng tại thị xã Điện Biên Phủ, người ta phải đi hơn 100 km lên thị xã Lai Châu cũ (nay là thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên), rồi từ đây lại đi khoảng 120 km đến thị trấn huyện Mường Tè. Từ Mường Tè, vượt qua hết dốc này núi nọ, đặc biệt là dốc cổng trời Tà Tổng (thuộc xã Nậm Dìn – con dốc vô cùng hiểm trở, để vượt qua nó có khi mất từ 2 – 3 ngày, ấy là chưa kể mưa lũ chia cắt). Rồi lại băng qua hết cánh rừng này đến khu rừng nguyên sinh khác. Cứ thế đi. Mải miết đi. Đến nỗi không còn thế nào là khái niệm thời gian nữa (khoảng 1 tuần đi bộ – gần 200km ), mới có thể tới được A Pa Chải – bản cuối cùng của cực Tây Bắc Tổ quốc; chính lẽ đó mà Mường Nhé mới được mệnh danh là vùng đất “không thể với tới”! Như để lưu lại chứng tích hào sảng ấy, bây giờ, con đường “độc đạo” một thời Mường Tè qua Pắc Ma – Mù Cả (thuộc Mường Tè – Lai Châu), rồi qua Chung Chải – Mường Nhé… được san, cắt ngắn được khoảng 100km. Nhưng con đường chính dẫn đến Mường Nhé là tỉnh lộ từ Điện Biên đi qua Mường Chà – Si Pa Phìn – Nậm Pồ – Mường Nhé – A Pa Chải dài gần 300km.

Có cán bộ, sau khi đã về hưu, buồn nhớ quay quắt cái sự gian lao cơ cực thời còn công tác, đã làm một bài toán mang tính ước lệ rằng, sự nghiệp của một cán bộ cắm xã sẽ  phải vượt qua quãng đường đất khoảng… gần 200.000km. Nếu ví von một chút, tức là cả cuộc đời anh đã phải đi bộ hơn 100 chuyến từ… Hà Nội vào thành phố Hồ Chí Minh(!)

Đất Mường Nhé xa xôi như thế, người Mường Nhé cũng “xa xôi” chẳng kém. Nhiều thập kỷ, người ta sống đúng như người rừng! Không biết tiếng phổ thông. Không biết xài hàng. Tự cung tự cấp 100%: Vải tự dệt. Ngô, thóc… tự trồng. Thịt tự săn bắn. Muối tự đốt tro mà ăn… Những năm sau cách mạng, vùng này chỉ có thể liên lạc với bên ngoài bằng… máy bay. Mỗi năm có một vài chuyến máy bay trực thăng của Chính phủ viện trợ dầu, muối và… chấm hết! Từ thập niên 90 của thế kỉ XX trở đi, con đường học hành duy nhất là vượt qua quãng đường… 1 tuần đi bộ đến thị trấn huyện Mường Tè mà thôi. Đã xa xôi rồi, rừng núi lại vô cùng nguy hiểm. Không chui rúc cả ngày tối đen như… đêm dưới tán rừng rậm rì u tịch, thì cũng cheo veo như hạt gió bám long chong trên bờ vực, mái núi, dốc thăm thẳm như con đường xuống địa ngục. Chưa kể tai họa từ các loài thú dữ voi, hổ, gấu, báo, lợn lòi, chó sói, trăn, rắn độc… ập đến bất kì lúc nào… Thử hỏi trẻ con nào theo được sự học hãi hùng như vậy? Ấy vậy mà có đấy. Những năm 60 – 70 của thế kỉ trước, có những người con “cá biệt” nhà họ Pờ, nhờ cái trí của ông anh cả Pờ Sí Tài “ép buộc” Pờ Gia Tự, Pờ Diệp Sàng… đi bộ đi học trên quãng đường gần… 400 km, từ Sín Thầu ra thị xã Lai Châu (cũ), để sau này, ông anh cả Pờ Sí Tài thì trở thành thủ lĩnh tinh thần vùng ngã ba biên giới A Pa Chải; còn ông Pờ Gia Tự từng làm tới chức Phó Chánh án Tòa án nhân dân Mường Tè; ông Pờ Diệp Sàng tốt nghiệp Đại học Luật, làm bí thư huyện ủy Mường Nhé, rồi làm phó trưởng ban dân vận tỉnh ủy Điện Biên…

*

Xa xưa hơn một chút, vùng Mường Nhé mênh mông hơn cả một tỉnh dưới đồng bằng, mà chỉ có một bản người Mông với vài chục nóc nhà sinh cư, gọi là bản Nậm. Mường Nhé chỉ thành Khu, thành Mường vào khoảng giữa thế kỉ trước, khi người Mông ở các tỉnh phía Bắc, và cả ở Lào di cư tự do vào. Đứng trước một diện tích thuộc hàng “khổng lồ”, lại thuộc diện ở xa đến mức “với không tới”, về mùa mưa thì hoàn toàn bị cô lập. Địa hình, sông suối, đường đất vô cùng xa xôi, gian nan và hiểm trở. Mọi sự tiếp cận với khu vực này gần như bằng không. Cho đến tận những năm 2005 – 2006, tôi thường xuyên theo anh bạn Nguyễn Đình Nghiệp lái xe tải chở xăng dầu vào thi công công trình đường Mường Nhé – Đoàn Kết – Chung Chải – Sín Thầu – Sen Thượng (Nghiệp bây giờ không lái xe nữa, mà là giám đốc một doanh nghiệp tư nhân lớn rồi), người dân ở các xã này vẫn chưa biết thế nào là ti vi, điện thoại di động. Trước đó vài năm, nhiều người cũng còn chưa bao giờ nhìn thấy… ô tô!

Lúc bấy giờ cả xã Sen Thượng mới chưa đầy 200 hộ dân, bước chân ra khỏi lán là núi đồi thảo nguyên cứ xanh và cô liêu đến rợn người. Sen Thượng là một trong 2 xã (cùng với Sín Thầu) thuộc tỉnh Điện Biên giáp ranh Trung Quốc. Vào đến đây, cái cảm giác sục sôi của những năm giữ đất lại càng trồi lên, chẳng thể đè xuống được. Buồn thì ra xem hoẵng cắt rừng, gặp taluy dựng đứng không sang được, cứ ngơ ngác hết nhìn con người, lại nhìn ô tô, máy xúc. Thế rồi chỉ một loáng, con hoẵng xấu số bị dân công trình bao vây bắt sống. Đúng là thú rừng hoang dã, kể cả khi đã bị trói bốn chân rồi, vẫn tung cú đá làm rách toạc bụng kẻ hung hăng nhất vây hãm nó, khiến anh chàng này ngay lập tức phải cấp cứu ra trung tâm y tế Mường Nhé…

Cả ngày hết trùm chăn trong cái lán tạm công trường, nằm nghe mưa. Nghe mưa giọt vào mái. Nghe mưa dột vào người. Nghe mưa kể chuyện hoang đường trên thảo nguyên… Chán thì dậy xắn quần lội đi tìm người biết tiếng Kinh để nói chuyện. Tìm chán chỉ gặp toàn “mà xì kịa” (không biết! – tiếng Hà Nhì) lại về nằm. Trước khi đi cũng chủ động giắt túi “con dế”, nhưng tìm chả đâu có tí sóng lạc để mà gọi điện nói chuyện với… tiếng Kinh, đành nghe nhạc cho đến lúc… sập nguồn, cũng chẳng tìm đâu là chỗ có điện mà nạp. Mãi rồi cũng vớ được anh chàng Lý Phì Kịt người Sen Thượng, anh nói, nghe bập bùng như gẩy đàn, chẳng hiểu lắm, chỉ biết đi theo. Theo rồi mới ngộ ra, là anh rủ băng cả ngày đường vào suối Tà Ló Phi Ma (nay đặt cột mốc số 16) bắt cá bống đá. Người đang bủn rủn rã rời như cái dây thừng dão, vừa giận mình nhẹ dạ lại giận anh chàng Kịt, có cái tiếng Chính phủ mà cũng không biết nói, vậy mà nhìn thấy suối, cá bống, cá trắng bơi đặc như bát canh đã quên ngay mệt mỏi, lao xuống, đắp bờ, dùng mũ cối tát. Một loáng sau đã bắt được gần nửa bao tải cá bống. Bắt cá thì nhanh, nhưng nghĩ tới đường về lại ngán. Ngồi bên bờ nước mình, nhìn sang bờ bên kia, cũng con suối ấy, nhưng người dân Giang Thành – Vân Nam – Trung Quốc lại gọi là Nậm Náp, hình dung một thời, ở đây xảy ra bao nhiêu biến cố chiến tranh, loạn lạc. Kể cả thời bình, thì con suối này cũng là điểm “xác nhận” quốc tịch cuối cùng cho những cuộc trốn chui trồn nhủi sang bên kia, hoặc ngược lại… Chỉ nghĩ có bây nhiêu thôi, đã thấy lòng dềnh lên khôn tả.

Tôi phải cảm ơn cái tuần mắc kẹt ở Sen Thượng, Sín Thầu, Leng Su Sìn, Chung Chải… Có ở đấy mới thấy tận mắt cuộc sống vô cùng khốn khó, nhưng cũng vô cùng kiên cường trong việc giữ đất của người dân neo đậu nơi địa đầu của Tổ quốc. Một ngày, chỉ một ngày thôi, lên mãi, cao mãi, hút tít tận núi Đỉnh Trời, nơi có bản Tả Ló San (tiếng Hà Nhì là núi hình quả trám nhô cao) vẫn giữ danh hiệu “độc tôn” về khó khăn của Sen Thượng nói riêng, Mường Nhé nói chung, cách trung tâm xã gần 30km. Năm 1998, hơn chục hộ dân được di từ Tả Kố Khừ lên Đỉnh Trời định cư giữ đất. Cuộc sống ở đây, đến cả người cũng không sinh sôi lên được (suốt gần 2 thập niên mới chỉ vỏn vẹn có hai đám cưới), gia súc gia cầm nuôi, có thời kỳ không sống quá 2 tháng. Lúa thì làm cả năm, ăn rón rén cũng chỉ độ… nửa tháng là hết. Hồi đó chưa có lớp học, nhưng sau này quay lại, đã có 1 lớp mầm non, vào một lớp 1 học ghép lớp 2. Nói là lớp nhưng cũng chỉ có 6 em, đi học thì ít, chăn trâu thì nhiều. Hôm tôi lên, ngày học mà lớp đóng im ỉm, tìm chẳng ai biết nói tiếng phổ thông, mãi sau gặp một anh thanh niên đi rừng, anh bảo thấy cô giáo Sen (cô Bùi Thị Sen) đang lên núi tìm học sinh. Anh bảo, 4 ngày trên tuần, cô giáo đi tìm “chúng nó” như thế đấy…

Ông cụ Lý Kim Khoa – người cao tuổi nhất bản Leng Su Sìn – thì bảo, người ở “ngoài đẹp” vào thì đi chơi suối Păng Pơi là “thí” nhất. Vậy là tôi lại lõng nhõng theo ông. Suối Păng Pơi bắt nguồn từ cao nguyên Sín Thầu, chảy qua bản Sen Thượng, qua Leng Su Sìn rồi nhập vào suối Chung Chải, đổ ra sông Đà. Trên đầu nguồn suối Păng Pơi, nơi gần suối Nậm Ma có một mỏ nước muối. Mùa mưa, nước dưới lòng đất phụt lên mặn chát. Cụ Khoa bảo, đấy cũng chính là “mỏ” thú với cơ man nào là voi, lợn lòi, nai, hoẵng… đêm đêm tập trung về, loài thì liếm muối, loài thì rình mồi… Về mùa khô, không có nước mặn phun lên thì chúng nhai cả bùn. Bà con Hà Nhì hồi xưa cũng thường vào đây tranh muối với thú dữ. Họ gánh nước về cô, không có nước họ gùi bùn về, cho nước suối vào làm tan muối, rồi lọc nước sạch đem cô…

Người và thú một thời sinh ra vốn là để triệt nhau. Thú là thức ăn của người. Người là vật cản sinh tồn của thú. Vì thế mà thú lập ranh xung quanh mỏ muối, hễ người vào là tiêu diệt. Người thì coi đây là kho thức ăn, kho tiền vô tận, ùn ùn kéo về săn nai, hoẵng làm thịt khô; săn hổ lấy xương, da, nanh, vuốt; săn gấu lấy mật; săn voi lấy ngà… Trước kia, có “người cùng quốc gia” vào thăm nhà, người ta cho không cả bộ xương, da, nanh, vuốt hổ hay cái mật gấu… làm quà nhớ nhau, chứ đâu như bây giờ, cao hổ 35 – 40 triệu một lạng; mật gấu cũng cả triệu một chỉ…

Cụ Khoa kể, vào một đêm tối trời của những năm đầu thập niên 90, thế kỷ trước, hai ông Lý A Xè và Lý A Chang rủ nhau vào mỏ thú săn. Hai người vào đến nơi thì gặp một con voi rất to, ngà dài như cái đòn gánh (như ông Khoa tả, con voi ấy to tầm, khi mổ ra rồi, tôi đội mũ cối đi vào bụng nó mà không chạm). Ông Xè nhằm đầu con voi xiết cò. Con voi không hề hấn gì, xông tới, quật ông Xè bay mấy chục mét, may mà không chết, nhưng phải nằm viện mấy tháng trời để nối lại rất nhiều cái xương gãy. Còn ông Chang thì vắt chân lên cổ chạy thục mạng khỏi mỏ thú cho đến tận bây giờ…

Tôi còn được nghe những câu chuyện li kì và rùng rợn nữa, đại loại như chuyện gấu tát lột da mặt ông Chang Mai Lềnh ở Dốc Gấu (xã Đoàn Kết). Chuyện hai bà cháu bà Chang Hò Pơ bị hổ ăn thịt ở Khe Hai Bà Cháu (Leng Su Sìn); rồi chuyện trưởng bối thợ săn Pờ Sí Tài người Sín Thầu, lừng danh cả đất Mường Tè cũ, cao gần 2 mét, nặng hơn một tạ, là người đã giết cả mấy chục con hổ, nhưng lấy thân làm mồi nhử hổ thì lại phải ngả mũ trước ông Hoàng Kim Nhung, nghe nói là bộ đội quân báo phục viên, làm con rể của xã Chung Chải. Ông Nhung nửa đêm thâm nhập vào nơi con hổ thành tinh chỉ nghiện thịt người (hơn chục người khu vực Leng Su Sìn, Chung Chải… bị con hổ này ăn thịt trong một thời gian ngắn) trú ẩn để làm mồi nhử. Mấy đêm liền ông ôm súng, mắc võng ngủ chung với… mùi con hổ, cuối cùng nó đã mắc mưu. Đúng lúc con hổ chồm lên ông, thì ông xiết cò, trả thù cho hai bà Chang Hò Pơ và cháu nội Chang Pố Sừ… Xác nó, sau đó được khiêng về tế sống những người đã bị nó ăn thịt, xong xẻ thịt nó, khuyến mại cho cả xã, mỗi người ăn một miếng để báo thù!

Còn vô vàn chuyện li kì và rùng rợn về đất và người Mường Nhé nữa như: Chàng trai 18 tuổi Sùng Giả Thầu ở bản Pá Lùng, xã Chung Chải, 3 lần bắn chết bạn săn; hay chuyện lạ thôi, chẳng ở đâu có, đó là đi “nhặt tiền rơi” trên núi ở A Pa Chải. Bản A Pa Chải nằm gọn trên thảo nguyên Tá Miếu, ở đây, nói đến “vua” bò Chang Váng Sinh thì ai cũng biết. Có thời gian, đàn bò nhà ông Sinh lên tới vài trăm con, cộng vô số trâu bò của các hộ dân khác trong xã, hằng ngày chúng xả ra thảo nguyên hàng chục triệu “tiền rơi”. Nhà chị Lý Thị Lu ở bản A Pa Chải (Sín Thầu), hằng ngày huy động 5 người lên núi nhặt được khoảng 10 bao phân trâu, bò khô “xuất khẩu” sang Trung Quốc được năm đến sáu trăm ngàn đồng…

*

Đất Mường Nhé nói chung là thế, chuyện gì cũng có, thật mà y như bịa. Chắc tại bởi do quá xa xôi, khó nắm giữ, vì thế mà cả cái “lịch sử quản lí hành chính” cũng ít đâu lại như Mường Nhé: Một lần tách tỉnh, hai lần tách huyện, ba lần tách xã.

Để kéo Mường Nhé về gần, ngày 14-1-2002, Chính phủ ra Nghị định số 08/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Mường Tè, huyện Mường Lay để thành lập huyện Mường Nhé, trên cơ sở 6 xã: Chung Chải, Mường Nhé, Mường Toong,  Sín Thầu của Mường Tè (cũ) và Chà Cang, Nà Hỳ của Mường Lay (cũ). Để sau đó, ngày 26-11-2003, Quốc hội ra Nghị quyết số 22/2003/QH11 về việc chia và điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh, trong đó có Lai Châu. Tỉnh Lai Châu (cũ) được chia thành tỉnh Lai Châu (mới) và tỉnh Điện Biên, kể từ đó, Mường Nhé thuộc về Điện Biên.

Mường Nhé hôm nay để lại trong tôi rất nhiều ấn tượng. Ngoài tuyến đường tương đối trơn tru dài hơn 200km từ thành phố Điện Biên Phủ vào trung tâm huyện lỵ; thì ngày 1-5-2015 vừa rồi, Công ty cổ phần vận tải ô tô Điện Biên khai trương tuyến xe khách thành phố Điện Biên Phủ – A Pa Chải (280 km), giải quyết nhu cầu mỗi ngày từ vài chục đến hàng trăm lượt du khách (nếu là thời tiết thuận lợi), tham quan, chinh phục cột mốc “một tiếng gà 3 nước cùng nghe” A Pa Chải!

Bây giờ lên Tả Ló San, người dân một thời di cư lên giữ đất không còn phải “ăn rón rén” nữa. Nhờ được xây dựng đập thủy lợi Ke To, mà 11 hộ còn lại, canh tác tới… 10ha lúa nước, và thế là gạo vừa thừa ăn, vừa được bán. Bây giờ, vào Huổi Khon (Nậm Kè), không ai còn nhìn thấy cảnh tượng những ngọn đồi bị giẫm đạp nát bươm như hồi tháng 5-2011. Cũng không còn gặp ai cũng chỉ lo chơi, chỉ lo lăm lăm đi thành lập “Vương quốc mới” nữa… mà thay vào đó là những ruộng lúa, nương ngô, nương sắn xanh rì; là những tấm gương sáng chói như ông Vàng A Dình, đục đá khoét núi mở con mương dài hơn cây số, đưa nước về “cứu” những mảnh ruộng bỏ hoang từ thời chạy theo Vàng Chứ. Vụ trước, nhà ông thu được trên 8 tấn thóc, gấp hơn 30 lần thời còn làm nương… Ông Dình vừa là nhà tự nguyện “cải tạo tư duy” rồi, còn góp phần “cải tạo tư duy” cho cả 94 hộ với 578 khẩu của bản. Bằng chứng là đã có hàng trăm mét mương nữa xuất hiện “cứ như từ trên trời rơi xuống”, góp phần thay đổi năng suất của hàng chục ha lúa, theo đó, trâu, bò, lợn, gà, vịt… đàn đàn lũ lũ sinh sôi từ mồ hôi nước mắt, từ lòng quyết tâm đưa đời sống vượt lên đói nghèo, chứ chẳng có Vàng Chứ nào cho bà con những thứ đó cả.

Bây giờ, cuộc “đấu súng” dữ dội giữa 6 chiến sĩ công an, bộ đội biên phòng với 24 tên thổ phỉ do Giàng Pà Tỉnh, 48 tuổi, bản Pá Mỳ 2, xã Pá Mỳ và tên Vàng A Sử, 42 tuổi, ở bản Nậm Mỳ 2, xã Mường Toong (Mường Nhé) cầm đầu, tại cột mốc số 10 (Sen Thượng) khiến đồng chí thiếu úy Lương Minh Năm hy sinh, và ba đồng chí khác bị thương… xảy ra vào tháng 10-2012 chỉ còn trong tài liệu. Nhiều cột mốc ở Mường Nhé bây giờ, vẫn đều đặn đón khách thập phương đến tham quan, mà chẳng có chuyện gì bất thường cả. Có lẽ Mường Nhé là thế, khó khăn vất vả hết mức, nhưng cũng kiên cường hết mức. Cái gì không biết chứ, đã quyết tâm là làm bằng được. Các chiến sĩ biên phòng Đồn 317 – A Pa Chải đấy, hằng ngày dẫn du khách lên thăm cột mốc số 0, nằm hun hút trên đỉnh núi Khoan La San cao 1.864m, nhưng cũng chỉ đi tay không, bởi vì bây giờ, hôm nay, ở Mường Nhé nói chung, các xã, bản biên giới nói riêng, từng người dân đã hiểu ra rằng, chẳng có gì tốt đẹp hơn một cuộc sống giàu có, bình yên; cho dù cuộc sống đó có ở trung tâm phồn hoa, hay nơi tận cùng cực Tây viễn ải!

(Nguồn: Báo Văn nghệ Tết Bính Thân 2016)

Exit mobile version