Chuyên mục TRUYỆN HAY tuần này, Cầm Kỳ Official xin được giới thiệu chùm truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Đức Hạnh.

Gồm các truyện sau:

– Gào thét

– Thăm thẳm bóng người

– Cổ tháp

Nhà văn Nguyễn Đức Hạnh

– Nguyên quán: Huyện Yên Mỹ – Tỉnh Hưng Yên

– Cơ quan công tác: Ban thanh tra Đại học Thái Nguyên

– Thạc sĩ Chuyên ngành: Văn học Phương tây

– Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam

– Hội viên Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên

Đã xuất bản hàng chục tập sách gồm các tập thơ, truyện ngắn và Nghiên cứu Lý luận Phê bình

Giải thưởng

– Giải A, Lý luận văn học 5 năm tỉnh Thái Nguyên (2008 – 2013): Chuyên khảo Tiểu thuyết Việt Nam 1965 – 1975 từ góc nhìn thể loại. NXB. Giáo dục 2008

– Giải C về thơ, Giải thưởng 5 năm tỉnh Thái Nguyên (2013 – 2018). Tập thơ Khoảng Lặng. NXB. Đại học Thái Nguyên. 2016

– Giải Ba Sách hay của Hội Xuất bản Việt Nam 2015. Chuyên khảo văn học địa phương miền núi phía Bắc. NXB. Đại học Thái Nguyên. 2015.

– Giải khuyến khích về truyện ngắn trong cuộc thi Cây bút vàng của Bộ công an, với truyện ngắn Viên đạn thứ ba, 2021.

– Giải ba về thơ trong cuộc thi thơ của Bộ Tư lệnh cảnh vệ – Bộ Công An với chùm thơ Những người lính hát bè trầm, 2022.

 Và một số giải thưởng khác.

THĂM THẲM BÓNG NGƯỜI

Phố Đán có hai cây đa, một cây ngoài phố là bạn thân của bọn chúng tôi, một cây là nhà của một con rắn to và tinh khôn dị thường. Phố Đán về khuya tối như mực, chỉ còn một ngọn đèn dầu le lói tại quán bà Sáu, quán bán hoa quả, kẹo bánh duy nhất được cấp phép ở phố huyện buồn tênh này, vì bà là mẹ liệt sĩ. Quán lúc nào cũng đông khách, bà Sáu rối rít bán hàng, lắm lúc rên lên vì sung sướng:

– Giời ơi. Đông thế này, chả lúc nào ăn cơm được, khổ thân tôi…

Tôi và thằng Quyết có một mẹo tuyệt hay khi chỉ có năm xu trong tay mà nhóm choai choai chúng tôi đông tới mười một đứa, mua cái gì để đủ cho “quân sĩ”? Hai thằng vào quán ra vẻ cuống quýt hỏi mua kẹo lạc, kẹo đầu tây, rồi bí mật móc các lưỡi câu đã buộc ở đầu các sợi cước vào cam, quýt, ổi, chất đống lù lù trên bàn gỗ, bọn ở ngoài kéo dây thật khẽ. Chỉ một lát, cả bọn đã có vô số hoa quả, ngồi trên gốc đa mà chia nhau, ăn ngồm ngoàm. Cây đa thi thoảng lại rung lên bần bật, chắc nó đang cố nén cười khi chứng kiến những trò nghịch ngợm của bọn chúng tôi.

Thằng Quyết hôm nay có vẻ buồn và nghĩ ngợi. Nó sao thế nhỉ? Mới bảy, tám tuổi mà đã ra dáng “ông cụ non”! Tôi và nó đang học lớp vỡ lòng, lớp do mẹ nó là cô Nhường giảng dạy. Hai thằng đều nghịch ngợm khét tiếng khắp phố Đán, lập ra “Băng phố Đán”, thường tụ tập bọn trẻ cùng trang lứa đi ăn trộm hoa quả, câu cá trộm tại ao nhà người ta, bắt trộm gà bọc bùn nướng ăn. Tôi hỏi nó:

– Mày làm sao thế? Có hai quả quýt mà ăn mãi không hết. Chả bù cho mọi khi mít ương ương cũng xơi hết nửa quả.

Nó rân rấn nước mắt, hỏi gặng mãi mới lí nhí:

– Bác Hải bảo tao không phải là con bố tao. Bố tao đi bộ đội vội lắm. Tao là con của thần cây đa…

– Láo toét. Làm gì có thần cây đa? Mà có thật thì làm thế nào mà đẻ ra mày được. Vớ vẩn…

Nói mãi nó vẫn buồn, tôi đành chuyển sang kế khác:

– Thôi. Không nghĩ nữa. Chiều mai tao dẫn mày sang nhà ông Sơn gù. Có chuyện này kinh lắm. Chỉ hai thằng chúng mình được xem thôi. Hihi

Nhà ông Sơn gù là thiên đường của bọn trẻ phố Đán. Vườn rộng mênh mông, ổi, mít, bưởi, na, dứa… Và sắn thuyền thì ê hê. Ông ấy ở có một mình, thường xuyên say rượu, cứ say là cởi truồng hát múa quanh vườn, còn hát cho con chó Vện nghe. Chả hiểu chó Vện nghe có biết gì không, chỉ thấy nó ngồi nhìn mặt chủ chăm chú, thi thoảng lại ngửa cổ tru lên như song ca vậy, rồi chó và người cùng nước mắt ròng ròng. Ông Sơn đẹp trai, mặt vuông chữ điền, râu quai nón rậm rì, thân thể cường tráng, chỉ mỗi tội bị gù. Tôi nhớ mãi lần đầu tiên gặp ông ấy, tôi sờ vào lưng ông mà hỏi:

– Ông ơi. Ông giấu quả bóng ở đây phải không? Ông cho cháu mượn đá một lúc…

Ông Sơn vơ cái thước gỗ gõ vào đầu tôi “chát” một tiếng, chỗ ấy sưng to bằng quả ổi. Tôi ghét ông ta từ hôm ấy, hay rủ các chiến hữu vào vườn nhà ông ăn trộm hoa quả, có lần bị đuổi đánh tôi còn vác đá ném vào mái nhà ông ta cho bõ ghét. Nhưng cây đa trong vườn nhà ông ta mới thật kinh dị, dễ đến nghìn tuổi, rễ đa to bò ra như những con trăn khổng lồ, nhưng cứ gãi vào một điểm dưới chạc ba của nó là cây cười khanh khách. Nghe đồn trước đây bọn lính Pháp đã treo cổ nhiều cán bộ Việt Minh lên mấy cành đa kia. Rồi cứ vào đêm trăng khuyết, hay đêm mưa dầm, ai đi qua đó đều thấy hàng chục xác chết treo lơ lửng trên cây, lưỡi thè lè, rồi bất ngờ đứt dây rơi xuống trước mặt, vừa cười sằng sặc, vừa giơ hai tay nhảy từng bước. Bọn trẻ con chúng tôi nghe chuyện tuy sợ hãi nhưng vẫn tò mò. Riêng tôi vốn gan lì, lại nghĩ ông Sơn bịa chuyện, tung tin để không ai dám vào vườn nhà mình ăn trộm hoa quả. Tôi chả sợ, cứ mùa nào thức ấy, mò vào vườn vặt quả ăn no, còn hơn về nhà ăn sắn luộc hay hạt bo bo, đau bụng lắm. Đến mùa sắn thuyền chín vừa rồi, tôi trèo lên ngọn cây, vặt quả ăn thật lực, chỉ khổ môi sau đó đen như bôi mực. Bỗng tôi thấy bóng ai đó tóc dài lẻn vào nhà ông Sơn, từ phía cửa sau, lại còn áo trắng, tôi dụi mắt, người hay ma nhỉ?

Nhưng tôi sợ nhất con rắn trắng có mào, to bằng bắp đùi người lớn, hay trườn từ ngọn đa xuống nóc nhà ông Sơn, rồi biến mất. Có một lần, tôi mò vặt được quả mít chín, đang hí hửng bê ra, bỗng rụng rời chân tay, toát mồ hôi, lạnh đầm đìa khi đối mặt với con rắn ấy, con rắn khổng lồ cuốn đuôi vào cây đa, thả mình xuống chắn đường, đầu nó ngóc lên cao hơn đầu tôi, hai con mắt to trừng trừng, lạnh lẽo nhìn vào mắt tôi. Tôi há hốc mồm mà không kêu được, không chạy được, cứ như bị nó thôi miên, rồi quần tôi ướt sũng, khai mù. Bỗng mắt con rắn chuyển sang hiền hòa, tinh nghịch, hình như còn nháy mắt với tôi thì phải, sau đó quăng mình lên ngọn đa, trườn soàn soạt qua những tán cây rồi biến mất khi vào nhà ông Sơn.

Tôi quăng quả mít, vừa khóc vừa chạy.

– Này Quyết này. Tao dẫn mày vào vườn nhà ông Sơn, có một chỗ xem trộm, hay còn hơn xem phim nhá.

– Xem chuyện gì? Dạo này tao sợ vào đấy, có cái gì ma quái, kinh bỏ mẹ.

Thấy thằng Quyết ngần ngại, tôi thì thầm vào tai nó:

“Đếch sợ. Tao đã thoáng thấy một lần qua khe cửa sổ. Lần này phải nhìn kĩ hơn, hay lắm mày ạ. Chuyện ông Sơn ngủ với rắn… mà có khi ông Sơn là tinh con rắn được hóa phép thành cũng nên…?”

Thằng Quyết há mồm, trợn ngược mắt nhìn tôi, lắc đầu lia lịa, tôi phải nói mãi nó mới chịu theo tôi, rón rén từng bước đến sau nhà, nhòm qua khe cửa sổ. Cái thằng nhát như cáy. Qua theo dõi, tôi biết mỗi tuần hai lần ông Sơn ngủ với rắn trong căn buồng tối mò, trên vách có cái bàn thờ, lúc nào cũng thắp hương cháy đỏ đòng đọc. Kia rồi, tôi nhìn thấy có một thân hình dài, trắng lốp, oằn oại trên giường khi ông Sơn đang cởi quần, rồi ông Sơn trần truồng đứng cạnh giường, đang cố sức đâm cái gì đó vào thân hình trắng lốp đang rên rỉ ư ử, mỗi lúc một to hơn. Chắc là ông ấy “đi tơ” với con rắn. Kinh quá. Bỗng tôi giật mình, dụi mắt, rồi cố tập trung nhìn vì thấy con rắn quen quen, cha mẹ ôi, cô Nhường? Con rắn là cô Nhường?!

Tôi quay lại thì thằng Quyết đã bỏ chạy, vừa chạy vừa khóc. Bố nó đi bộ đội vào Nam chiến đấu, khi cô Nhường mang thai nó, và đã bảy năm không có tin tức gì. Trên mái nhà ông Sơn bỗng có tiếng ào ào như có bão đang giật tung mái lá. Tôi ù té chạy, vừa chạy vừa gọi Quyết ơi. Hình như trong nhà có tiếng đổ “rầm”, và có tiếng phụ nữ kêu thét lên thì phải.

Từ hôm đó, thằng Quyết tránh mặt tất cả mọi người, cả với tôi mới lạ chứ? Nó đi bắt cá, hái sim, đi bơi ngoài hồ sen một mình. Nó bơi giỏi nhất bọn, có thể ngậm con cá vừa bắt được vào mồm, bơi vùn vụt qua hồ sen rộng hơn 100 mét rồi lại bơi về như không. Đi học, ngồi dưới lớp nhìn lên, tôi tránh nhìn vào mắt cô Nhường. Có một cảm giác lạ lùng xuất hiện khi tôi nhìn cô, hình ảnh chiều hôm ấy cứ hiện về, rồi tiếng rên ư ử ấy… Tất cả làm tôi ghê sợ, căm ghét cô dù không hiểu vì sao. Cũng từ hôm ấy, cô Nhường dạy chúng tôi học mà gương mặt lúc nào cũng phờ phạc, khi dạy đến bài “Em yêu chú bộ đội” thì cô vừa đọc vừa khóc. Có một lần tan học, cô gọi tôi và thằng Quyết đến, quàng vai hai chúng tôi mà nghẹn ngào: Cô khổ lắm. Mẹ khổ lắm Quyết ơi! Khi nào hai con lớn lên mới hiểu được, làm thân đàn bà thời chiến tranh khổ lắm…

Thằng Quyết đứng phắt lên, hất tay cô ra, mắt nhìn cô như có lửa, rồi vụt chạy ra ngõ. Tôi chạy theo nó, nghĩ mãi mà không sao hiểu nổi: “Sao làm thân đàn bà lại khổ?”. Thằng Quyết chạy ra hồ sen, bao giờ cũng thế, cứ buồn đau là lao xuống hồ sen, bơi như điên cuồng, rồi thầm thào kể chuyện gì đó với nước, với hoa sen bạt ngàn. Có hôm, tôi thấy nó ăn một bông hoa sen và khóc một mình, rồi gọi: Bố ơi…

Phố Đán vẫn buồn thiu thiu, lá tre rụng vẫn bị gió đùa nghịch, ném bay tan tác không sao chống cự nổi. Đêm khuya, vẫn chỉ còn ngọn đèn dầu trong quán bà Sáu thắc thỏm sáng, như chờ đợi trong vô vọng một điều gì đó. Chỉ có cây đa ngày càng vươn cao, tỏa bóng rợp như muốn che chở cho bọn trẻ con ngày càng già trước tuổi, ngồi dưới gốc đa với bao câu hỏi không có câu trả lời, mà cũng không biết hỏi ai, khi đàn ông trai tráng hầu hết đều ra trận. Có một lần, ông lão bán củi ngồi dưới gốc Đa, suốt ngày không bán được củi, điên tiết rút dao chém mạnh vào rễ đa thì dòng nhựa đỏ như máu tươi phun thẳng vào mắt. Nghe nói sau đó ông lão mù cả hai mắt, phải sắm lễ đến quỳ lạy, khấn vái mãi mắt mới nhìn thấy được.

Dạo này ông Sơn quý tôi lắm, hay gọi vào cho hoa quả, hỏi thăm về cô Nhường, thằng Quyết, có lần còn nhờ nhắn với cô Nhường một câu là:

“Đã mấy tháng cô không sang lấy hoa quả về bán. Hoa sắp rụng và quả sắp hỏng mất rồi. Nếu cô không sang, cây cối trong vườn sẽ héo úa mà chết”.

Tôi được cho ăn các loại hoa quả một cách thoải mái thì rất sướng, vội vàng đi nhắn lại lời ông Sơn với cô Nhường. Cô Nhường nghe xong thì thở dài, kéo tay áo lau nước mắt rồi bảo tôi nhắn lại:

“Giông bão lắm, không bao giờ đến lấy hoa quả nữa. Ông nên giữ gìn sức khỏe mà chăm sóc cây cối. Hoặc có ai muốn lấy thì cho người ta…”

Tôi nghe mà chẳng hiểu gì, nhưng cũng đem lời ấy nhắn lại cho ông Sơn, ông nghe rồi cười ha ha, lôi con chó Vện ra giữa nhà, cầm hai chân trước mà đu đưa rồi bảo đấy là khiêu vũ rồi hát bài “Con kênh xanh xanh”, con chó Vện lắng nghe chăm chú, thi thoảng cũng tru lên một hồi dài, nghe qua cũng có vẻ nhịp nhàng về giai điệu lắm. Dạo này thằng Quyết không chơi với tôi nữa, tôi cũng chán chả muốn tụ hội Băng phố Đán làm gì. Chiều hôm đó, mượn được cuốn “Dế mèn phiêu lưu ký” của Tô Hoài, tôi mò sang vườn ông Sơn tìm chỗ đọc sách cho mát. Bỗng tóc gáy tôi dựng đứng lên vì trong nhà ông Sơn phát ra một âm thanh kỳ lạ, nghe vừa giống vừa không giống tiếng rên của cô Nhường buổi nào. Chả nhẽ cô Nhường lại đến đây? Tôi run rẩy mò đến bên cửa sổ, rồi nhìn qua khe cửa, máu tôi như muốn đông lại trong người, trên giường ông Sơn trần truồng nửa nằm nửa ngồi, dựa lưng vào vách, con rắn trắng khổng lồ quấn quanh người ông cứ co giật từng nhịp một, mồm nó cũng phát ra tiếng rên ư ử ngày một to nhưng the thé, và hình như không giống tiếng người. Tôi sợ quá không chạy nổi, mắt trợn ngược nhìn cảnh tượng kinh khiếp này. Bỗng con rắn quay ngoắt đầu sang nhìn tôi, và trong mắt nó tôi đọc được sự ghen tuông điên cuồng, giống ánh mắt chị Hòe hôm đánh ghen chị Thịnh, khi bắt quả tang chồng mình tòm tem với chị Thịnh ở bờ ao. Tôi vừa bò, vừa ngã, vừa chạy ra khỏi khu vườn, về nhà lao lên giường, trùm chăn kín đầu mà vẫn run lập cập.

Chiều tối, tiếng gào thét ầm ĩ vang động khắp phố:

 “Bà con ơi. Thằng Quyết chết đuối mất xác rồi… Ở đâu? Giời ơi. Sao lại thế? Nó bơi giỏi lắm cơ mà. Ở Hồ Sen chứ đâu!”

Tôi bật dậy cùng mấy chục người lốc nhốc chạy ra hồ sen. Sao lại thế được? Thằng Quyết bơi giỏi như rái cá. Sao chết đuối được? Vô lý… Trên bờ hồ, cô Nhường gào thét như đã hóa điên, tóc tai xõa xượi chỉ chực lao xuống hồ, phải có hai người giữ. Dưới hồ hơn chục người đàn ông lặn ngụp, mấy tiếng trôi qua mà không thấy tăm hơi. Lạ, hồ chỗ sâu nhất chỉ tầm hai mét, nào có ăn thua gì với mấy ông chuyên lặn sông bắt cá ở phố tôi? Ông Sơn đạp xe vùn vụt tới, quăng xe xuống bãi cỏ, lao thẳng xuống hồ. Chả biết ông làm thế nào, chỉ vài phút sau đã thấy ôm xác thằng Quyết đưa lên bờ. Nó chết mà chân tay co quắp, gương mặt còn hằn rõ sự kinh hoàng. Có tiếng lao xao:

“Đưa cô Nhường ra xa. Đi ngay. Gặp người ruột thịt là phải kiêng, không thì hộc máu tươi ra đấy. Rồi tội cho linh hồn thằng bé không siêu thoát được…”

“Quái! Thằng bé không uống ngụm nước nào. Bụng lép kẹp đây này, sao thế nhỉ?”

Cô Nhường như con thú bị điên lao vào, hai tay bơi bơi, gào rú:

“Con ơi…”

Hai người đàn ông phải khóa tay rồi lôi cô ra xa. Ông Sơn lẩy bẩy lấy khăn lau mặt cho thằng Quyết, rồi ngửa mặt lên trời, gào một tiếng rợn người:

“Quyết ơi! Con ơi…”.

Bỗng xác thằng Quyết nhổm phắt dậy, máu tươi ộc ra từ mũi và mồm lênh láng…

Kể từ hôm ấy, phố Đán đã buồn vắng lại buồn vắng hơn. Ngọn đèn dầu trong quán bà Sáu vẫn cháy nhưng ánh sáng lại đỏ hoe. Đêm mưa gió cây đa không khóc than, rên rỉ như trước mà cứ lào phào kể chuyện bằng ngôn ngữ của riêng nó. Tôi mang bao câu hỏi không có câu trả lời ra nghĩa trang dốc Lim. Những hàng bia mộ không biết trả lời. Tôi hỏi cây sim già cổ thụ, cây trả lời bằng cách rụng bao quả non xanh vào tay tôi. Những quả sim non chằng chịt những vết cắn, không biết của loài sâu bọ nào, nhựa ứa ra đỏ như máu tươi. Tôi lơ ngơ ra chợ Đán lúc chiều tà. Tự nhiên thấy lòng mình giống như những lều quán vắng tanh, chỉ có gió lùa lá Đa rụng đỏ như máu chạy hối hả mà chả để làm gì. Rồi phố xá lại inh ỏi chuyện cô Nhường hủ hóa với bác Đắc – bác thương binh ở sát nhà cô. Người đùng đùng chửi rủa lên án, người chép miệng thương cảm: Giời ôi! Thân đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu, chờ đợi gần mười năm người ta cũng là con người chứ đâu phải là gỗ đá…

Ông Sơn đã treo cổ chết dưới cành đa sau nhà, lưỡi cũng thè lè ra ngoài. Con rắn trắng cuốn quanh xác ông, không cho ai trèo lên gỡ xác xuống. Mấy bác dân quân vác súng ra định bắn con rắn, nhưng súng bắn thế nào đạn cũng không nổ. Không biết làm sao, người ta đành gọi cô Nhường đến. Cô phải dập đầu ba lần, khấn xin mãi, con rắn mới phun phì phì rồi bỏ đi. Theo thư tuyệt mệnh ông Sơn để lại, dân phố chôn ông cạnh mộ thằng Quyết. Khoảng chục ngày sau, có người đi qua nghĩa trang, chạy về hốt hoảng gọi cả phố ra rồi chết sững: quanh mộ ông Sơn, con rắn trắng cuốn vòng quanh, nó đã chết từ bao giờ, chỉ có đôi mắt buồn bã vẫn mở trừng trừng .

Exit mobile version