Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên
Tôi cho rằng dịch thuật văn học gồm ba yếu tố cấu thành: dịch giả, biên tập dịch và phê bình dịch. Hai yếu tố sau ở ta hiện nay phải nói thật rằng rất, rất yếu, nói thẳng ra là không có. Không có vì thiếu người đủ thẩm quyền được dịch giả tôn trọng và nghe theo.
Tại cuộc hội thảo về văn học dịch do Hội Nhà văn VN tổ chức hôm thứ sáu (10-8-2012), nhà thơ Trần Đăng Khoa đến dự và có phát biểu rằng anh rất sợ những bản dịch thơ, nhất là dịch thơ Việt sang tiếng nước ngoài.
Anh dẫn chứng tên tập thơ nổi tiếng của nhà thơ Chế Lan Viên Ánh sáng và phù sa đã được/bị dịch sang tiếng Nga thành Ánh sáng và bùn. Tôi nghe và nhớ ý này Khoa đã có nói trước đây trong một bài phỏng vấn anh. Nhà thơ chỉ nói khơi khơi vậy, không cho biết đó là tập thơ do ai dịch, ra năm nào, ngoài cái dịch đầu đề thì còn các bài thơ dịch ra sao. Nếu anh nói đúng thì buồn cho nhà thơ VN, nếu anh nói sai thì mắc lỗi với dịch giả người Nga. Mọi người cả lúc trước và lúc này cũng nghe vậy biết vậy, tin vào cái danh của một nhà thơ hơn một dịch giả, không ai có ý bắt nhà thơ phải trưng ra bằng chứng, nghĩa là đem cái tập thơ dịch tiếng Nga của Chế Lan Viên ấy để kiểm định và thuyết phục. Trong khi ở đây rất cần một tiếng nói thẩm quyền của các dịch giả chuyên môn.
Dịch là một công việc khó khăn. Dịch văn học, do đặc thù của ngôn ngữ trong văn chương, khó khăn càng nhiều hơn và phức tạp hơn. Phải là người trong nghề mới thấy hết, hiểu hết và thấu cảm hết.
Hơn một phần tư thế kỷ trước, có một cuốn tiểu thuyết của Liên Xô dịch sang tiếng Việt được đón đọc và khen ngợi – khen tác giả và khen cả dịch giả. Cuốn tiểu thuyết đó của A. Kron mang tên Việt Thao thức. Có ai biết nguyên bản tác phẩm tên là Бессоница. Cái tên này dịch sang tiếng Việt là Mất ngủ cũng không sai. Dịch là Thao thức, dịch giả được biểu dương, cho là hiểu đúng tinh thần tác phẩm. Bây giờ giả sử tập thơ của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều Sự mất ngủ của lửa được dịch ra tiếng Nga thành Бессоница огоня và người Nga hiểu là Sự thao thức của lửa thì sao. Không sao cả.
Vẫn lại chuyện dịch tên tác phẩm văn học, tôi nhớ bộ tiểu thuyết của M. Proust. Tên tiếng Pháp của bộ sách là À la recherche du temps perdu. Dịch sang tiếng Anh ban đầu I Remembrance things past, nghĩa là Nhớ lại những điều đã qua. Cái tên dịch này được duy trì một thời gian dài. Mãi sau mới có người dịch lại thành In search of lost time. Đầu đề này sát đúng hơn với nguyên bản tiếng Pháp. Cả hai đều có nghĩa Tìm lại thời gian đã mất. Và đó cũng là đề nghị của dịch giả Dương Tường cho tên gọi tác phẩm này dịch qua tiếng Việt, thay cho cái tên dịch lâu nay Đi tìm thời gian đã mất.
Lan man từ câu chuyện của Trần Đăng Khoa để nói trong dịch thuật có thẩm quyền của người dịch am hiểu và thạo nghề. Tôi cho rằng dịch thuật văn học gồm ba yếu tố cấu thành: dịch giả, biên tập dịch và phê bình dịch. Hai yếu tố sau ở ta hiện nay phải nói thật rằng rất, rất yếu, nói thẳng ra là không có. Không có vì thiếu người đủ thẩm quyền được dịch giả tôn trọng và nghe theo. Một biên tập viên văn học dịch có thẩm quyền là có khả năng soi chiếu được bản dịch trong tiếng Việt và so với bản gốc, có thể trao đổi được với dịch giả để nâng cấp bản dịch tốt hơn, hay hơn. Công phu của người biên tập dịch nghiêm túc bỏ ra không kém, nếu không nói là ngang bằng công phu của dịch giả để cho ra đời một dịch phẩm hoàn hảo nhất trong khả năng có thể. Một nhà phê bình dịch có thẩm quyền là người biết nhận ra cái hay, cái dở của bản dịch, biết phân tích, chỉ ra những điểm khả thủ và bất tường trong bản dịch, từ đó giúp người đọc và người dịch nhận biết được chất lượng bản dịch. Hai nhân vật này rất cần cho dịch vào (dịch xuôi), càng cần hơn cho dịch ra (dịch ngược).
Vậy nên, câu chuyện cần làm khi hội thảo dịch kết thúc là tăng cường biên tập dịch ở các nhà xuất bản và phát huy phê bình dịch trên báo chí. Trước mắt có thể làm ngay được là những bài phê bình dịch đúng nghĩa. Chẳng phải những phát hiện sai sót dịch thuật gần đây là do các bài phê bình dịch được đăng tải trên một trang mạng của người Việt ở nước ngoài đó sao? Tôi tin một khi có những nhà biên tập dịch và những nhà phê bình dịch đủ thẩm quyền chăm sóc các bản dịch thì các dịch giả và các nơi xuất bản dịch sẽ cẩn trọng hơn, nhờ đó văn học dịch sẽ có thêm nhiều những tác phẩm dịch hay và tốt, tránh được những ”tai nạn” không đáng có.
Nguồn: Tia Sáng