Kim Cương (vai cô Diệu) trong vở ‘Lá sầu riêng’ – Ảnh chụp từ tư liệu gia đình
40 năm gắn bó với sân khấu, NSND Kim Cương không có được một cái tết đúng nghĩa. Bù lại, sân khấu lại mang đến nhiều kỷ niệm đến nỗi dù đã ‘về hưu’ nhưng bà vẫn không có thói quen ăn tết như mọi người.
“Cơm tù” ngày tết
Mỗi lần đến dịp lễ tết thì có thể tạm chia xã hội có 2 thành phần: một thành phần là hưởng thụ cái vui và một thành phần phải làm cho thiên hạ vui. Nghệ sĩ nằm trong thành phần thứ 2. Vì thế, những dịp lễ tết, chúng tôi rất cực mà cũng rất vui vì có thể đem lại niềm vui cho nhiều người.
Mấy chục năm theo đoàn hát, tôi không có thói quen ăn tết. Cứ 7 giờ sáng mùng 1 tết là lại quầy quả vào rạp cho tới 12 giờ khuya mới về. Những ngày trong tết, ngày nào cũng diễn 3 suất: 9 giờ sáng, 15 giờ chiều và tối. Thành ra hạnh phúc của mình là phục vụ cho cái vui của người khác, còn bản thân mình thì vui với anh em đồng nghiệp.
Trong những ngày tết, đoàn hát vui lắm. Vì hát 3 suất một ngày nên sáng diễn xong, anh em vẫn để nguyên lớp hóa trang như vậy để… chiều tối diễn tiếp. Cơm nước thì người nhà phải mang đến tận nơi vì về cũng mất thời gian. Bởi thế, đến giờ ăn, người gác cửa lại kêu tên từng người ra nhận cơm gửi đến. Mọi người nói đùa là giống như… nuôi cơm tù. Vui lắm!
Khi những ngày tết qua đi, ai cũng tắt tiếng vì phải hát liên tục từ mùng 1 đến mùng 10 mà. Mệt thì có mệt, nhưng có cái vui là được phục vụ khán giả. Ngoài ra còn có… tiền nữa, mà tiền lương thì được trả gấp đôi chứ không như bình thường. Bởi vậy, sau tết ai cũng rủng rỉnh tiền trong túi.
Báo chí nước ngoài từng hỏi tôi một năm diễn bao nhiêu suất, tôi trả lời chừng… 400 buổi, họ sửng sốt. Vì bên nước ngoài, người ta có hai mùa, một mùa diễn và một mùa tập. Vào mùa tập, nghệ sĩ nước ngoài nghỉ hẳn để tập trung cho việc tập luyện. Nhiều lắm là họ diễn 100 buổi trong một năm. Còn nghệ sĩ Việt thì khác vì ở Việt Nam, khán giả thích sân khấu lắm nên ngày lễ, chủ nhật, chúng tôi cũng phải diễn gấp 2, 3 lần bình thường.
Do phải ưu tiên phục vụ khán giả nên nghệ sĩ có ăn tết thì phải ăn tết trước đêm 30 hoặc đến mùng 9, mùng 10, hết diễn thì mới là lúc đón tết. Cũng nhờ vậy mà anh em nghệ sĩ gắn bó với nhau lắm vì ở bên nhau suốt mùa tết mà.
Tết về, nhớ Má!
40 năm sân khấu là 40 năm tôi ăn tết như vậy. Do đó sau này tôi cũng không có thói quen ăn tết. Cứ đến tết là ở nhà nằm nghe nhạc, đọc sách. Giờ tôi sợ đám đông lắm, thứ nhất là ngại chen chúc, thứ hai là sợ bị… phát hiện.
Ngày xưa, chiều 29, 30 tết là đường vắng hoe, hiếm người đi lại. Mùng 1, mùng 2, không ai bán buôn gì. Không khí tết thiêng liêng lắm. Ngày tết đúng nghĩa là ngày tụ họp gia đình. Còn bây giờ lễ lộc gì thiên hạ cũng đổ hết ra đường. Bạn bè tôi ở nước ngoài về cũng rất bất ngờ vì ở bên đó, ngày lễ họ không ra đường nhiều như vậy, thân lắm thì tới noel, mới mời nhau về nhà chơi.
Xưa tôi còn tranh thủ đi chợ tết, chợ hoa, giờ thì không dám đi đâu, một phần cũng vì sợ bị… phát hiện. Khán giả, em út thương mình nên mới muốn chụp hình với mình, mà mình chụp với người này, không chụp với người kia thì người ta buồn. Vậy nên, mình không thể từ chối được, đứng cười riết mà… mỏi miệng luôn. Đó là cái hạnh phúc của mình, là tình thương khán giả dành cho mình nhưng cũng rất là mệt.
Tết cũng là ngày nhớ má nhất (mẹ NSND Kim Cương là NSND Bảy Nam – PV). Mấy năm đầu sau khi má mất, tết nào tôi cũng khóc. Bởi gia đình ngày xưa không có thời gian đón tết như người ta nên tới 30 tết, má ngồi đó, con cháu lại mừng tuổi rồi lì xì. Thành ra khi má còn sống, đêm 30 với tôi thiêng liêng lắm. Giờ không có má thì vui với ai?
Sau này, mấy đứa nhỏ cũng bắt tôi thay thế má, ngồi đó cho con cháu mừng tuổi. Mà không vui, mình mừng tuổi người ta thì mới vui (Cười).
Mấy chục năm nay, cứ 8 giờ sáng mùng 1 tết là cả nhà tôi có mặt ở mộ má để mừng tuổi má rồi mua đồ ăn lên đồi, ngồi ăn uống, trò chuyện. Xong thì sắp nhỏ muốn đi đâu thì đi, tôi nằm ở nhà một mình.
Ngày còn đi diễn, tết là thời gian tôi vô cùng bận rộn. Còn bây giờ, tôi lại bận lúc trước tết vì mỗi cái tết, tôi phải lo cho 2.500 gia đình khuyết tật (NSND Kim Cương là Phó chủ tịch Hội bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi TP.HCM – PV).
Bắt đầu tháng 10, tôi đã “chạy” để chuẩn bị quà tết cho mọi người. Xong rồi thì kể như xong một năm ăn tết. Tết với tôi giờ là tết của gia đình, là được nhìn thấy tết trong mắt những người có hoàn cảnh khó khăn!
Theo Thiên Hương – Thanh niên