Người Việt dẫu ở đâu cũng nhớ tết, giữ tết như một thứ hồn vía của dân tộc. Trước khi chúng tôi biết đến những chiếc bánh chưng xanh gói giữa băng tuyết của góc trời Âu, Mỹ hay cảnh đào đi nửa vòng trái đất là những cái tết Việt ở miền núi non hoang vu trong những năm bao cấp.  Những cái Tết nghèo nhưng đậm đà tình nghĩa ám ảnh trong tâm hồn ta suốt cuộc đời.

Lạ nỗi, người Việt không chỉ “gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân” mà còn có cả những “hôn phối” với nơi vỡ đất. Không có làng với cây đa, giếng nước, sân đình thì có những xóm quần tụ mái tranh với bể nước, thùng phi, gốc mít… là nơi gặp gỡ, xan sẻ cho nhau. Những bà cụ môi khô nước trầu, những nụ cười vẫn hồn hậu ngắm cây cau non đang vươn lên trên nền trời Tây Bắc xanh, lá trầu non ngơ ngác trước những hạt mưa miền sơn cước. Những em bé mang tên em Bống, em Rô, em Diếc vẫn lon ton chạy theo mẹ dẫu ở miền này hiếm nước non. Những ngày giáp Tết, người xa quê nhắc nhau đừng quên tục lệ ông bà truyền lại, đi xa quê, nơi cái sợi dây gắn kết với tổ tiên được kéo căng ra nhất, mong manh nhất, vậy mà lòng thành kính, ý thức giữ gìn lề lối quê hương chẳng hề phai nhạt.


Tết về trên bản (ảnh: Toquoc.vn)

Tháng Chạp, nghe bước chân người nhộn nhịp lo tết đã vui. Cha tôi gánh vôi về, những trái bí đao già câng, xanh và nạc được bà nội tôi thái nhỏ, ngâm nước vôi trong. Không có lạt giang, chị em tôi phải lựa lưỡi dao chẻ mỏng lạt tre ngâm nước. Một chiều, cha đưa chúng tôi lên đồi cao tìm cành đào, đào rừng thô mộc, mốc thếch. Khác với những cây đào cảnh trong các làng hoa Hà Nội mà sau này tôi được biết tới, cây đào trên núi lúc ấy vươn những đường nét thân cành khỏe khoắn, dũng mãnh để chống chọi với gió mưa. Vậy mà, cha tôi chỉ chặt một cành đào nhỏ nhưng đầy lộc non, trước khi xuống đồi còn ngoái lại nhìn cái vết cắt rớm nhựa, hẳn năm sau sẽ đâm ra những cái mầm mới xanh tươi lắm. Cành đào nhỏ được đem về, chặt vát rồi hơ lên than lửa cho cháy khô vết cắt sau đó mới cắm vào khúc chuối tươi. Bà tôi dặn làm như thế nhựa mới tức mà đâm lên cành bung nở những nụ hoa đang chúm chím kia.

Thế rồi, tôi theo mẹ ra vườn chặt hai cây mía về dựng bên bàn thờ làm cây gậy ông vải. Ở đây, những cây mít mới trồng chưa đủ thớ gỗ để xẻ thành ván làm bàn thờ, bởi thế, chỉ thấy những cái bàn thờ ban bằng tre được lau chùi ngày giáp tết. Nải chuối rừng, quả bưởi miền đồi, trái đu đủ, tất cả đều toát lên hương vị mâm ngũ quả núi rừng. Nhiều người địa phương đi lấy củi, lấy măng rừng qua đây ghé vào xin nước uống lúc đầu còn lạ lẫm lắm. Những thói quen, tập tục ấy lên tới đây dù khó khăn, thiếu thốn mà người ở xóm vẫn cố lo cho được.

Những màu đông lạnh lẽo làm những con gà trống hoa mơ, chân vàng mang từ dưới xuôi lên đều chết dần. Chỉ những chú gà ở vùng này chân chì, chân trắng dáng nhỏ gọn mới đủ sức thích nghi với thời tiết khắc nghiệt. Trên mâm cúng đêm giao thừa, không có chú gà chân vàng, cột nhà không có đôi câu đối nhưng bao nhiêu tết ở đây vẫn đầm ấm mà vui.

Đêm giao thừa, gà lợn đã nằm im trong chuồng, cuốc xẻng đã rửa sạch gác bên vách, ninh đồ sôi đã thơm nức hương nếp tam tấc, mẹ tôi mới gỡ những hạt mướp hương trong lớp vỏ xơ giéo xuống cái đám đất đầy lá mục nâu sẫm. Mẹ bảo nghe người già dặn từ ngày còn ở quê, đêm ba mươi gieo hạt mướp là tốt nhất. Để ra giêng, những cái lá đôi sẽ nhú lên, vươn cái mầm xanh lên với nắng xuân, cha tôi sẽ chặt tre, bắc cái giàn cho cây vươn lên lúc lỉu những quả non. Có lần, ngồi dưới cái dàn xanh mướt đó, cha tôi kể ở dưới quê, dàn mướp bắc ra mặt ao, những cái hoa mướp vàng kia mà đem mắc vào lưỡi câu ếch thì thú vị biết mấy. Ở miền đất này, thay cho những ao chuôm, ruộng lúa là sỏi, đá mấp mô, cỏ dại, lau lách. Nhưng bù lại, hoa đào, hoa ban nở khắp núi rừng, người ta chẳng cần đi hái lộc thì cành non đã chìa vào tận khung cửa sổ. Không có những tranh hàng trống, tranh đông hồ, không có pháo đất, hội làng thì những điều ấy vẫn sống mãi trong câu chuyện kể của bà quanh bếp lửa vào những ngày của năm mới. Cái tết Việt ở đây cũng không chỉ gói gọn trong bốn bức vách, chúng tôi cũng ra bãi cỏ hồ hởi cùng những bạn bè người Thái ném còn, bạn người Mường bắn nỏ, chơi đu… Mang cái tết của dân tộc, gia đình mình đến với nhau sẽ không để mất đi những gì đang có và vui hơn rất nhiều.

Bùi Việt Phương – Theo Văn học quê nhà