Tôi về Văn nghệ Quân đội khi Tạp chí còn rất đông cán bộ. Ban nào ít cũng dăm bảy người, có ban như Ban Văn trên dưới một chục. Ban phụ trách có tới ba Phó Tổng biên tập, có cả trợ lí chính trị, quân y, doanh trại chuyên trách, rồi lao công, công vụ… Lúc đó, dãy nhà phía sau chưa lên tầng nên chỗ ăn, ở khá chật chội. Là lính mới nên tôi được cơ quan phân cho một phòng chừng năm – sáu mét vuông vốn là khu phụ của tòa biệt thự cũ. Mấy năm sau, người ít đi, tôi được phân ở cùng hai nhà văn Hải Hồ và Nguyễn Minh Châu, bấy giờ đã chuyển sang Ban Sáng tác (phòng đầu, gác hai phía phải). Khi dọn đến, “tài liệu” đầu tiên tôi tiếp nhận là một bức tranh của… nhà văn Nguyễn Minh Châu. Ấy là một “phác thảo” bìa cuốn tiểu thuyết Thôn ven đường của nhà văn Xuân Thiều với lời “quảng cáo” rất ấn tượng như sau: “Tiểu thuyết độc nhất vô nhị. Đánh nhau như Tam quốc, Yêu nhau như Hồng lâu mộng. Đậm đà màu sắc dân tộc”. Tôi không ngờ một nhà văn đã viết những trang văn rất đẹp như Mẹ con chị Hằng, Mảnh trăng cuối rừng… lại có thể hài hước đến thế nên lấy làm… hoài nghi, bèn nhờ họa sĩ Văn Đa “giám định”. Họa sĩ cho biết đích thực là “tác phẩm” của Nguyễn Minh Châu, vẽ vào năm 1972 khi cuốn tiểu thuyết Thôn ven đường của nhà văn Xuân Thiều được xuất bản!
Một bất ngờ nữa, cho tới khi được ở cùng phòng, được hầu chuyện các bậc đàn anh tôi mới hay rằng nhà văn Nguyễn Minh Châu từng là “nhà quân sự”, làm cái công việc chẳng dính dáng gì đến viết văn – nghề trinh sát! (trích ngang của nhà văn ghi vậy). Tôi hỏi ông chuyện thực hư. Ông cười rũ và kể, trong kháng chiến chống Pháp, ông là lính đại đoàn Đồng bằng. Bấy giờ khoa học quân sự chưa phát triển, thấy ông là học sinh trung học tòng quân, cấp chỉ huy liền “tóm” lấy, biên chế ngay vào đại đội trinh sát. Có chút chữ nghĩa nên ông dễ dàng “đọc” bản đồ, đo đạc cự li và sử dụng tốt… ống nhòm. Trinh sát mới tò te mà làm được các công việc như thế là oách lắm nên “uy tín nghề nghiệp” của ông lên như diều. Một lần, đồng chí chỉ huy đơn vị đi thị sát chiến trường, chuẩn bị cho một trận đánh lớn ở gần thị xã Hải Dương đã kéo ông đi cùng. Đêm vùng địch hậu tối như đêm ba mươi. Mấy thầy trò lần mò qua những vạt ruộng, bờ tre êm cứ như ru vậy. Chó chẳng thấy sủa, súng không thấy nổ. Đồng chí chỉ huy yên tâm lắm, bụng bảo thầm dạ rằng cứ đà này đêm nay thể nào cũng “rờ” được cả lỗ châu mai của địch. Chẳng ngờ, thời gian đi nhanh đến vậy. Gà đã gáy sáng, tiếng kẻng báo thức từ mấy đồn binh địch vang lên từ xa xa… và trước mắt mọi người là địa điểm trú quân của đơn vị. Lạc đường rồi! Những người cùng đi đều trách anh trinh sát trẻ, riêng có đồng chí chỉ huy im lặng. Nguyễn Minh Châu lo lắm, chắc trăm phần trăm chuyến này chịu kỉ luật. Bỗng người chỉ huy cất tiếng cười và nói với mọi người: “Chẳng sao cả, đồng chí ấy tuy là một trinh sát tồi nhưng viết văn giỏi”. Chắc là “cụ” đang nghĩ tới những bài báo tường, những bản báo cáo của đơn vị do chính người trinh sát trẻ viết.
Thế là ít ngày sau khi trở về đơn vị, Nguyễn Minh Châu được chuyển sang “ngạch” chính trị. Ông thành nhà báo rồi thành nhà văn nổi tiếng của… đơn vị, của quốc gia. Sinh thời, ông thường hay nhắc về những kỉ niệm thời làm lính, trong đó có “kỉ niệm sâu sắc” đã dẫn thủ trưởng… đi lạc đường như vừa kể trên.
Và chuyện này nữa. Tôi không nhớ rõ tết năm đó là tết gì. Dậu, Tuất, hay Hợi, nhưng nhớ kĩ đó là cái Tết của thời kì bao cấp khó khăn. Năm ấy, nhà văn Nguyễn Minh Châu viết thiên truyện ngắn Khách ở quê ra in hai kì trên tuần báo Văn nghệ. Sau khi truyện ngắn này được in ra, lão Khúng được “khai sinh”, chúng tôi và nhiều bạn đọc quen biết, yêu mến anh Châu mỗi lần nói về anh lại gọi là “lão Khúng”. Quá trớn thế nhưng anh không hề giận. Anh chỉ cười và đốt liên miên những điếu thuốc hiệu “Sapa”, không hộp, không “cán” và khéo lảng sang chuyện khác.
“Lão Khúng” vẫn ngày ngày đến tòa soạn bằng chiếc xe đạp cà rịch cà tàng, bên ghi đông xe tòn ten chiếc mũ lá và cái túi xách giá một đồng hai, quai túi đã sờn, bên trong túi là những bản thảo, bút bi còn mực, sắp hết mực, mấy bao Sapa dúm dó và “vô số” bật lửa, cái còn ga, cái đã hết ga, hết đá từ đời nào không rõ.
Mồng một Tết năm khác, anh đến tòa soạn trong tư thế và hành trang như vậy. Có khác chăng chỉ là bộ quân phục dạ riêng dành cho cán bộ cấp tá, chiếc mũ bê rê mới và đôi giày Côxưghin có bôi qua loa một chút xi. Bấy giờ tôi là trung úy, tuổi đã ít, tài và sao trên ve cũng ít nên Tết nào cũng khó “thoát” nhiệm vụ trực ban! Nói là trực ban cho to tát chứ thực ra với cơ quan báo chí văn nghệ chỉ là nhiệm vụ coi nhà, đun nước, chuẩn bị pháo, mứt và rượu Tết tiếp khách. Lúc anh Châu đến đã quá nửa ngày mồng một. Trước anh, từ sáng sớm các anh Vũ Cao, Hồ Phương, Xuân Thiều, Dũng Hà, Mai Ngữ, Doãn Trung, Trương Hạnh… cũng đã đến xông đất cơ quan. Anh em chúng tôi ngồi đối diện với nhau bên cành đào chi chít những hoa và nụ sáng. Anh như người sống ngoài không khí xuân Tết. Anh dành cả tiếng đồng hồ kể cho tôi nghe về truyện ngắn nào đó của một nhà văn Nhật Bản mình đọc trong đêm ba mươi. Truyện ngắn nói về một bà già nhân hậu, khi tuổi quá cao đã tự leo lên núi hoa anh đào để… chết. Bà mẹ Nhật này không muốn trở thành người vô tích sự, ngày ngày chỉ biết có sự phụng dưỡng của cháu con. Cái cảnh bà mẹ lên núi thật dữ dội. Tôi chỉ nghe anh Nguyễn Minh Châu thuật lại Tết ấy có một lần nhưng ấn tượng còn để mãi đến tận bây giờ. Rồi anh Châu nói tiếp về văn học Nhật, về phong tục của xứ Phù Tang… Tai nghe, mắt nhìn anh mà lòng tôi cứ để mãi đâu đâu. Khách khứa, vợ con chờ ở nhà… và tiếng trống xuân xứ Đông Ngàn quê hương… đang thúc giục, khiến tôi chẳng lòng dạ nào nghe anh nói tiếp chuyện văn chương, chữ nghĩa. Tôi lảng rất khéo bằng cách hỏi Tết này anh chị ăn tết ra sao, có đủ bánh chưng và giò mỡ, có hoa đào; rằng các cháu có ở nhà đông đủ, và rằng có “lão Khúng” nào từ quê ra? Vân vân và vân vân… Anh cười thật hồn nhiên và như còn nuối tiếc cái chuyện văn chương nước Nhật mình đang kể dở. Anh bảo sở dĩ Tết năm nay đến xông đất cơ quan muộn vì còn lấn bấn việc nhà. Tôi bảo không phải thế vì cái “ngữ” anh Châu mà lo được việc nhà thì thời buổi đã khác. Nhà anh, chị Doanh là “nội tướng”, anh chỉ giữ vai trò là thủ lĩnh tinh thần, nhiệm vụ của anh là viết, có vậy thôi. Anh không thanh minh gì thêm và tâm sự một cách thật anh em. Anh kể sáng nay định xách xe đạp đến cơ quan vui với ông, nhưng nghĩ, trên mình có ông Cao, ông Hoàng, ông Tịnh (Vũ Cao, Từ Bích Hoàng, Thanh Tịnh), hơn mình có ông Phương, ông Thiều, ông Ngữ (Hồ Phương, Xuân Thiều, Mai Ngữ), mình đến xông đất cơ quan trước hóa ra là kẻ “cầm đèn chạy trước ô tô”. Thành thử cứ ở nhà. Nhà anh lúc ấy còn ở tập thể 3B Ông Ích Khiêm, kề ngay bên Bảo tàng Hồ Chí Minh (căn hộ anh Hồng Diệu ở bây giờ) quá ẩm thấp và chật chội. Tôi nhớ khi ấy căn hộ của anh Châu chừng 18m2, nền lát gạch lá nem cũ, nhiều viên đã mòn vẹt, trần ghép bằng những thanh gỗ tạp và “phòng khách” là đoạn hành lang che lại, chỉ vừa đặt đủ một chiếc bàn nhỏ và mấy chiếc ghế kiểu “quán trà” do cơ quan thanh lí mà có. Anh Châu bảo sáng ra, đến cơ quan sớm hơn người khác thì sợ “không phải lối” mà đến nhà bạn bè thì sợ “dông”, thành thử cứ ngồi hút thuốc ở nhà. Nhưng vừa hút chưa tàn điếu thuốc, bạn bè của con gái lớn đã kéo đến. Vui vẻ và trẻ trung quá, nên bố đành phải lên “nghênh phong lầu” (gác xép nhỏ, nơi làm việc của anh trên căn bếp). Nhưng tết nhất chẳng lẽ lại ngồi viết, mà có ngồi cũng chẳng viết được. Anh kể thế và ra đường độc hành qua các phố Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng se lạnh vắng hoe và hồng lên bởi xác pháo. Anh đi đến phía cầu Long Biên và cảm nhận thấy gió sông Hồng lạnh lạnh… Anh định quay về cơ quan, nhưng tòa soạn còn đang rất đông người. Anh lại về nhà… Vừa pha xong ấm nước, cả tốp nam thanh nữ tú bạn của con gái thứ hai cũng vừa đến, anh chào lớp trẻ rồi lại độc hành ra phố lần nữa. Anh quá bộ đến tận phía cầu Chương Dương. Anh kể khi qua phía cầu Long Biên, Chương Dương, anh nghĩ về Trần Đăng – tác giả Một lần tới thủ đô và nghĩ về bà mẹ già Nhật Bản leo lên núi hoa anh đào anh vừa “gặp” đêm ba mươi hôm qua. Anh cảm thấy mình cô đơn và bé nhỏ vô cùng với đất trời, vũ trụ… Cảm thấy như có lỗi lầm với anh, tôi rót rượu Tết mời. Anh chỉ nhấp môi và dường như lòng anh, mắt anh lại để ở phương nào xa lắm. Nơi đó có thể là quê hương của lão Khúng nghèo nàn, lam lũ; nơi đó cũng có thể là một núi hoa đào ở xứ mặt trời… Tôi đoán thế và kể với anh chuyện ông Phù Thăng – bạn cùng thời với anh tôi vừa gặp trong năm đang chăn vịt, đội vôi dưới quê Tứ Lộc và đọc cho anh nghe câu thơ của tác giả Phá vây:… Và cành đào trên vách đã phai rồi. Cứ ngỡ thế anh Châu sẽ vui lên, nào ngờ không phải thế. Anh bảo tôi: “Chúng mình không thể nào chỉ là cành đào trên vách”!…
Và Tết này nghĩ về Tết ấy bên cành đào Nhật Tân, thật Hà Nội, rất Hà Nội, nghĩ về một kỉ niệm với anh, với văn nghiệp của anh không hiểu sao tôi lại nghĩ về một núi hoa đào tít tận phương trời nào xa lắm. Ở đó có anh, có nhà văn Nguyễn Minh Châu của chúng ta.
Theo Ngô Vĩnh Bình – Văn nghệ quân đội