Tết cổ truyền của dân tộc từ lâu đã trở thành tín ngưỡng, phong tục của người dân đất Việt mỗi độ xuân về. Từ âm hưởng về một cái tết trong tâm thức cộng đồng, nhà văn, với tư cách là một cá nhân với những trải nghiệm trong đời sống, lại có những cảm nghiệm của riêng mình. Tết hiện hữu trong từng cảnh ngộ, trạng thái đời sống, những vui buồn của đời người và sự biến thiên của thời thế. Đọc truyện ngắn viết về những cái tết, hoặc liên quan đến tết, người đọc có thể cảm nhận được những trạng thái đời sống trong từng thời đoạn của lịch sử. Theo dòng văn học, đọc những sáng tác truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan, Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Lê Lựu, Nguyễn Đình Thi, Đỗ Chu, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Thị Thu Huệ, Phan Thị Vàng Anh, Trương Anh Quốc, Nguyễn Ngọc Tư…, qua việc mỗi nhà văn bộc lộ những chiêm nghiệm về đời sống theo góc nhìn cá nhân, người đọc có thể thấy được dấu ấn của con người và cuộc đời trong những trạng huống đời sống cụ thể.
Ngoài truyện ngắn Ngựa người, người ngựa – tác phẩm đã được chuyển thể thành kịch bản sân khấu, nhà văn Nguyễn Công Hoan – một đại biểu xuất sắc của dòng văn học hiện thực phê phán giai đoạn 1930 – 1945 còn có truyện ngắn Cái tết của những nhà đại văn hào. Với truyện ngắn này, Nguyễn Công Hoan đã khắc họa đời sống của một bộ phận trí thức đương thời với nỗi lo cơm áo. Tác phẩm viết về cái tết của những nhà văn nghèo, nghèo đến nỗi họ không thể lo được một cái tết cho bản thân và gia đình. Là những nhà văn danh tiếng nhưng tết đến họ lâm vào tình cảnh phải tìm đến nhà văn sĩ Nguyễn để xin được ăn tết ké. Những tưởng, khi đến nhà Nguyễn – người được ăn lương nhà nước, lại có nhiều tác phẩm xuất bản, họ sẽ được ăn một cái tết no đủ, nhưng thực tế gia cảnh Nguyễn cũng khốn khó, ngày tết vợ Nguyễn vẫn phải đi xoay tiền trả nợ. Các nhà văn vẫn được gia chủ đón tiếp và đồng ý cho ở lại ăn tết cùng gia đình nhưng chỉ có thể lo được… chỗ ngủ. Không còn cách nào khác, các nhà văn chỉ có thể tự an ủi mình, rằng với nhà văn chỉ cần có thế, điều quan trọng là được bên nhau đàm đạo chuyện văn chương, rằng cái nghèo của nhà văn là cái nghèo “đáng trọng, cái nghèo thanh cao”… Ở giai đoạn những thập niên ba mươi bốn mươi của thế kỉ trước, cái nghèo dường như vẫn là một thực tế không chỉ của một bộ phận trí thức, người sáng tác mà còn là của nhiều tầng lớp người trong xã hội. Ở truyện ngắn Ngựa người, người ngựa, khắc họa một tình huống đời sống của người phu xe và người đàn bà “ăn sương” vào đêm ba mươi tết, ngay trước thời khắc giao thừa, Nguyễn Công Hoan đã tái hiện được thực tế cơ cực vì miếng cơm manh áo của người lao động nghèo. Trong đêm ba mươi, thời điểm đón năm mới đang đến gần, anh phu xe gặp khách, tưởng rằng với vị khách này anh sẽ có thêm chút tiền cho gia đình, nhưng thực tế lại lâm vào tình trạng oái oăm, anh phải kéo xe qua nhiều nẻo đường, có thế người đàn bà mới có cơ hội gặp được “khách” và có tiền trả cho anh. Kết cục là người đàn bà không gặp được khách, anh không nhận được một đồng tiền nào, người đàn bà chèo kéo, thương lượng, rồi đề xuất được trả bằng… thứ mình có. Khốn nỗi, trong thời khắc và hoàn cảnh thực tại, điều anh cần nhất là tiền cho gia đình và được trở về nhà sum họp. Câu chuyện kết thúc với “tiếng pháo chào xuân” để lại dư vị đắng đót về thực tế đời sống của một bộ phận người lao động hồi bấy giờ.
Ảnh minh họa: Nguyễn Vinh Hiển
Đề cập đến cuộc sống của những người đàn bà ăn sương, câu chuyện trong Tối ba mươi của Thạch Lam mang một ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Với kiểu cốt truyện tâm lí, truyện ngắn xoay quanh tình huống tâm trạng của hai nhân vật Liên và Huệ vào thời điểm đêm ba mươi tết – thời điểm hai cô gái đang phải trải qua cảm giác trơ trọi, cô đơn nơi căn gác trọ. Trong cái vắng lạnh mênh mông, Huệ và Liên chạnh lòng khi nghĩ đến tình cảnh của mình: cả hai đã không thể trở về với gia đình, phần vì gia đình li tán, phần vì đã trót sống cuộc đời sương gió bấy lâu nay. Họ không khỏi ngậm ngùi khi nghĩ đến những căn nhà ấm cúng giờ này các thành viên trong gia đình đang tấp nập sửa soạn đón năm mới.
Khi tết đến cũng là lúc người ta nghĩ nhiều đến gia đình và tổ ấm. Nguyễn Tuân – nhà văn của chủ nghĩa “xê dịch”, người suốt đời khao khát những chuyến đi cũng có cảm giác muốn được sum vầy vào những ngày tết đến. Nhân vật Nguyễn trong truyện ngắn Một người cha về ăn tết trở về nhà vào chiều hai mươi chín tết sau nhiều năm không về ăn tết cùng gia đình. Về đến nhà, trước không khí của gia đình ngày giáp tết, cũng như trước “cái độ lượng của tất cả già trẻ và người bạn đôi lứa”, Nguyễn đã tự trách mình, rằng bấy lâu nay ông quá ích kỉ khi chỉ nghĩ đến bản thân mà chưa quan tâm đến bố mẹ, vợ con – “những nguồn sống chung quanh gần nhất” với mình, đã nhiều năm rồi ông không ăn tết ở nhà. Có lẽ, cảm thức được trở về khi tết đến đã trở thành một phần tâm thức của bất kì người dân đất Việt nào dù ở bất cứ nơi đâu.
Cũng viết về cái tết, nhưng tết trong truyện ngắn Tết làng Mụa của Lê Lựu lại gắn với một hoàn cảnh trong chiến tranh. Vào những ngày đầu năm 1953, trong khi người dân làng Mụa đang háo hức với cái tết đang đến gần thì ở ngoài kia, nơi bốt Phương cách làng hơn một cây số sắp diễn ra trận quyết chiến của các chiến sĩ với binh lính Pháp để giành cái tết độc lập. Cuộc chiến diễn ra và giành được thắng lợi ngay trong đêm giao thừa, rạng sáng mồng một tết. Chiến sĩ Minh – người được nhân dân và đồng đội tin yêu đã chiến đấu quả cảm. Trong một tình huống nguy hiểm để đảm bảo đường dây liên lạc không bị gián đoạn và tránh thương vong cho đồng đội, Minh đã chấp nhận hi sinh. Nhà văn Lê Lựu viết truyện ngắn này trong một đêm khi những hình ảnh của đồng đội cũ, hình ảnh những người dân làng Mụa hiện về mồn một trước mắt. Truyện cũng là sự khắc ghi “tình nghĩa của một làng quê theo kháng chiến trong cái háo hức mong chờ một cái tết yên bình đang đến”.
Cái tết của mèo con của Nguyễn Đình Thi được viết năm 1961 khi nhà văn về ăn tết tại Hải Phòng. Tác phẩm từng được nhiều thế hệ độc giả biết đến như một sáng tác đồng thoại được viết một cách sống động, tự nhiên và lôi cuốn về thế giới loài vật. Không gian trong tác phẩm gắn liền với hình ảnh thôn quê, với góc sân, gian bếp và không khí những ngày giáp tết, ở đó nhân vật chính là mèo con được miêu tả với tâm thế bỡ ngỡ nhưng cũng đầy thích thú khi được chứng kiến cái tết đầu tiên trong đời.
Những năm sau chiến tranh, khi niềm mong ước về cái tết yên bình đã trở thành hiện thực thì con người lại đối diện với những vấn đề khác của đời sống hậu chiến. Các truyện ngắn Cánh đồng không có chân trời của Đỗ Chu và Hai người đàn bà xóm Trại của Nguyễn Quang Thiều đều lấy bối cảnh là những ngày tết và giáp tết gắn liền với những trạng huống đời sống và thân phận của con người sau chiến tranh. Hai người đàn bà trong truyện ngắn Hai người đàn bà xóm Trại sống với nhau mấy chục năm, kể từ ngày những người chồng của họ vào mặt trận với lời hẹn ước “đến tết, kháng chiến thành công chúng tôi về”. Họ vẫn thường gói bánh chưng vào những ngày tết từ năm này sang năm khác với hi vọng những người chồng của họ sẽ trở về. Tết đến cũng là lúc hai người đàn bà xuống bến rửa lá dong, vo gạo, nấu bánh chưng trong cảm giác rạo rực và hồi hộp. Những chiếc bánh chưng đẹp và chắc nhất được để phần cho những người đàn ông của họ, để rồi khi những ngày tết qua đi, họ lại mang những chiếc bánh chưng đã khô lá luộc lại, đến khi ở “đầu góc bánh đã lấm tấm mốc xanh” thì họ không có được cảm giác bình tĩnh chờ đợi nữa, cả hai cùng khóc thương cho số phận và tình cảnh của mình. Những người chồng của họ đi chinh chiến đã không trở về, tuy nhiên với niềm mong mỏi được đoàn tụ, với nỗi đau chia cắt trong chiến tranh, nỗi khát khao được làm thiên chức của người phụ nữ, hai người đàn bà vẫn sống với những kỉ niệm và giấc mơ thấy người lính trở về. Còn ở truyện ngắn Cánh đồng không có chân trời, Đỗ Chu đã chọn thời điểm đặc biệt cho sự xuất hiện của nhân vật chính: chiều cuối năm – chiều ba mươi tết. Trong cơn mưa bụi lất phất, Nhưỡng tình cờ gặp lại chị Thuần tại một góc phố. Một thoáng bùi ngùi với Nhưỡng khi anh nhìn thấy chị với cành đào trên tay trong khi chợ hoa đã vãn từ rất lâu rồi. Anh không ngờ rằng mình được gặp lại người đàn bà từng in bóng trong tâm hồn suốt thời thơ bé vào hoàn cảnh và thời điểm này. Một sự gặp gỡ tình cờ nhưng lại là cơ duyên để Nhưỡng thực hiện lời dặn của anh Trung (chồng chị Thuần) trong giờ phút lâm chung ngoài mặt trận. Đã nhiều năm rồi, với Nhưỡng, tết là khoảng thời gian dễ làm anh buồn và cô đơn nhất bởi những người thân thích đã không còn. Tết này là cái tết đặc biệt với Nhưỡng vì anh được đón tết cùng với chị Thuần và hai đứa con của chị. Sự có mặt của Nhưỡng vào thời khắc giao thừa thiêng liêng mang đến cho chị Thuần niềm vui bất ngờ vì từ lâu trong ngôi nhà của ba mẹ con chị đã thiếu đi hơi ấm của người đàn ông trụ cột.
Tết trong sự quan sát của các cây bút Nguyễn Thị Thu Huệ, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Ngọc Tư, Trương Anh Quốc lại cho thấy những góc nhìn khác. Ba mẹ con trong truyện ngắn Lời thì thầm của mùa xuân (Nguyễn Thị Thu Huệ) đã trải qua một cái tết không có hơi ấm của người chồng, người cha. Một người đàn ông bị nhỡ tàu xin nghỉ nhờ nhà của ba mẹ con vào những giờ khắc đầu tiên của năm mới, qua câu chuyện với người đàn bà và cảnh tượng gia đình chỉ có ba mẹ con đón tết, người đàn ông tỉnh ngộ, rằng bấy lâu nay anh đã quá thờ ơ với gia đình, với vợ và các con, và anh đã bắt chuyến tàu trở về nhà ngay vào sáng mồng một tết sau nhiều năm đón tết với người tình. Không nổi bật về tính “chuyện”, truyện ngắn Mười ngày (Phan Thị Vàng Anh) khắc họa sinh động tâm trạng của nhân vật “tôi” – một cô gái đang yêu, chờ đợi người yêu trong suốt mười ngày trước và sau tết. Với truyện ngắn Tết, Trương Anh Quốc đã khắc họa tình huống một người đàn bà vì mùa màng thất bát, khó khăn về kinh tế, phải lên thành phố trông nhà thuê cho gia chủ, trong khi con của bà lại đang trở về quê nhà sum họp và mong được gặp mẹ. Ngày tết, người người nhà nhà về quê thắp hương cho ông bà tổ tiên thì bà phải làm công việc này ở một nhà lạ, xa lắc. Truyện ngắn Giao thừa (Nguyễn Ngọc Tư) tái hiện không khí làm ăn và đón tết của người dân phương Nam trong một phiên chợ giáp tết. Tết hiện hữu với sắc hoa, bánh mứt, dưa hành, quần áo mới, với cảnh tượng tất bật, xúm xít trong phiên chợ cuối năm của cả người mua và người bán. Thời khắc gấp gáp này làm con người gần gũi và dễ chia sẻ với nhau hơn. Cùng với diễn tiến của thời gian, trong những thời khắc giao thừa thiêng liêng, Quý và Đậm đã có thể xóa bỏ những lấn cấn trong lòng mình, bỏ qua những định kiến và nghi ngại để nương tựa vào nhau.
Trong cuộc đời mỗi người, tết luôn là quãng thời gian đặc biệt trong năm. Không đơn thuần là thời điểm kết thúc năm cũ và khởi đầu năm mới, tết gắn liền với những giá trị thiêng liêng trong tâm thức và đời sống văn hóa. Với mỗi nhà văn, bằng trải nghiệm đời sống và kinh nghiệm nghệ thuật, tết trở thành vấn đề mà họ muốn chuyển tải trên những trang viết. Theo dòng truyện ngắn viết về tết (còn không ít sáng tác khác mà người viết chưa có điều kiện bao quát), có thể thấy được tết không chỉ là phong tục, tập quán mà ở đó còn là những vấn đề của nhân sinh thế sự, đời sống của cá nhân và cộng đồng. Truyện ngắn của các nhà văn từ Nguyễn Công Hoan, Thạch Lam, Nguyễn Tuân, đến Lê Lựu, Đỗ Chu, Nguyễn Quang Thiều rồi Nguyễn Thị Thu Huệ, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Ngọc Tư… đã thể hiện rất nhiều những trạng huống của đời sống. Đó có thể là cái tết trong nỗi lo cơm áo của những nhà văn nghèo vào thời điểm những năm ba mươi bốn mươi thế kỉ trước, khi cái đói đang là một vấn nạn, trong truyện ngắn Nguyễn Công Hoan. Đó có thể là cái tết trong chiến tranh với niềm mong mỏi về một cái tết yên bình trong truyện ngắn Lê Lựu. Tết trong truyện ngắn Đỗ Chu, Nguyễn Quang Thiều lại là những vấn đề của đời sống và số phận người đàn bà hậu chiến. Các nhà văn Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Ngọc Tư lại có những cảm nghiệm đời sống hiện đại, khi cái nghèo và chiến tranh không còn là thực tế hiện hữu. Tết còn là những vấn đề mang tính thời sự khi mà để sở hữu một tấm vé tàu lửa quý giá phải sắp hàng từ hơn hai tháng trước trong truyện ngắn Trương Anh Quốc. Dù đề cập đến những vấn đề khác nhau nhưng truyện ngắn của các cây bút đều gặp nhau ở tâm thức hướng về gia đình, hướng về nguồn cội, về cảm giác và mong ước được sum vầy trong thời khắc thiêng liêng khi tết đến. Sự thay đổi của cuộc sống như một lẽ tất yếu, kéo theo những thay đổi trong nếp sống văn hóa. Phong hóa ngày tết cũng đã có những đổi thay theo thời gian, và nhà văn ở phương diện thể hiện những cảm thức, góc nhìn về tết chính là một trong những cầu nối gắn kết quá khứ và hiện tại. Qua những trang viết của mình, các nhà văn đã ghi dấu những đặc trưng, giá trị văn hóa vùng miền và dân tộc.
Theo Lê Hương Thủy – VNQĐ