Cũng giống như Giáng sinh của người Thiên Chúa giáo, ý nghĩa đặc biệt của Tết nằm ở cú hích mà nó tạo ra trong đời sống tinh thần của cộng đồng. Đối với Giáng sinh, điều đó thể hiện rõ nhất ở các cộng đồng sùng đạo, khi mà những người không quen biết, lẽ ra trong những ngày bình thường của năm sẽ thản nhiên và vội vã đi qua nhau, nhưng khi dịp Giáng sinh về họ mỉm cười nhìn nhau chân thành và trao lời chúc phúc hân hoan. Lời chúc ấy không bao giờ gắn với tiền tài, của cải, sự thành đạt, mà chỉ đơn giản là “chúc mừng Giáng sinh.” Đơn giản chỉ có vậy nhưng người chúc và được chúc đều thể hiện sự phấn khởi, lạc quan thực lòng.



Có thể sự chúc mừng Giáng sinh nhiều khi đơn thuần chỉ là một thói quen xã giao trong một số cộng đồng nhất định trên thế giới, nhưng không thể phủ nhận nó là một biểu tượng giàu tính nhân văn cần hướng tới, nhắc nhở mọi người rằng hãy vượt lên trên cái tôi nhỏ hẹp cố hữu hằng ngày, trở nên độ lượng và rộng rãi, sẵn lòng chấp nhận những khác biệt giữa mọi cá nhân. Dù ít hay nhiều nó khiến cho mỗi người đều cảm thấy mình cùng với mọi người đều thuộc về một bản thể lớn lao hơn, nhắc nhở chúng ta đừng quên rằng ai cũng có khả năng kết nối, yêu thương, giao hòa với tất cả cộng đồng.


Trải qua thời gian, Giáng sinh đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu, không còn chỉ gắn với các cộng đồng theo Thiên Chúa giáo, mà đã thế tục hóa, trở thành giá trị tinh hoa chung được chia sẻ bởi toàn xã hội ở nhiều quốc gia. Nó thích nghi và đáp ứng với nhu cầu các cộng đồng ở những điều kiện khác nhau, từ nông thôn cho tới thành thị, từ nền kinh tế nông nghiệp, tiểu thương, hoặc công nghiệp hóa. Đặc biệt với những xã hội càng phát triển, xã hội vận hành với tốc độ cao, thì Giáng sinh càng trở nên cần thiết, là cơ hội để mỗi người giảm bớt sự căng thẳng, vượt thoát ra khỏi mọi sự bon chen, tính toán trong suốt cả năm trời.


Vậy với Tết thì sao?


So sánh với tác động của Giáng sinh ở một số nước khác, có lẽ phải thẳng thắn thừa nhận rằng cú hích tinh thần mà Tết mang đến đang ở một mức độ chất lượng thấp hơn nếu xét trên diện rộng xã hội nước ta hiện nay. Một ví dụ tưởng chừng như nhỏ nhặt nhưng lại có tính điển hình sâu sắc, đó là rất hiếm khi trong ngày Tết những người không quen biết chủ động dừng lại dành cho nhau những lời chúc chân thành. Chúng ta hầu hết chỉ dành lời chúc Tết cho những người mình quen, hoặc khi được ai đó chủ động chúc mừng trước.


Nội dung lời chúc Tết dường như cũng không hướng tới tinh thần nhân văn mang tính đại đồng như của Giáng sinh, mà thường thể hiện khá rõ tính vun vén cho các cá nhân, khi đưa vào cả những yếu tố tài, lộc, thành đạt về công danh sự nghiệp… Bên cạnh đó, những hoạt động cầu cúng liên quan đến Tết luôn có mật độ quá dày, mà đa phần người ta thường chỉ cầu cúng cho lợi ích riêng của bản thân hay gia đình. Trên bình diện chung của cộng đồng, điều ấy phản ánh một đời sống tinh thần thiếu cân bằng.


Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở những nhận định nêu trên thì đó sẽ là cái nhìn vội vàng dựa trên hiện tượng bên ngoài của một giai đoạn nhất định. Sâu bên trong, từ hàng nghìn năm nay người Á Đông nhìn chung vẫn cảm thấy Tết mang đến cho mình một lực đẩy thiêng liêng mạnh mẽ có khả năng đưa mỗi cá nhân vượt ra khỏi cái tôi riêng lẻ, giao hòa với bản thể lớn hơn. Trong bản thể ấy có gia đình, cộng đồng, và còn bao hàm thêm hai yếu tố quan trọng nữa là tổ tiên và tạo hóa tự nhiên (trời đất).


Để nhìn nhận khách quan, trước hết cần đặt Tết trong không gian truyền thống của nó. Đó là không gian văn hóa các cộng đồng làng của nền văn minh lúa nước ở trình độ sản xuất thấp. Môi trường ấy tự thân đã có hơi thở của cộng đồng, nơi mọi người đa số quen biết nhau và cùng sinh hoạt, làm việc theo một chu kỳ chung. Đồng thời trên khía cạnh kinh tế nó tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định, chịu sự chi phối lớn của tự nhiên. Bởi vậy, không có gì lạ khi đến ngày Tết người ta mong cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, nghĩa là yếu tố giao hòa với trời đất được ưu tiên lên trên. Trong sự mong cầu và lời chúc Tết điều dễ hiểu là sẽ có các yếu tố tài, lộc, không phải vì người ta quá chú trọng tới vật chất, mà bởi chúng là điều kiện cơ bản để sinh tồn và phát triển trong điều kiện đời sống nhiều rủi ro và biến động thăng trầm. Đối tượng lời chúc Tết đương nhiên là người quen biết, bởi trong không gian làng mọi người đều quen biết nhau, việc gặp gỡ, tiếp xúc người lạ vào ngày Tết là điều hiếm hoi, và sự kết nối, tạo mối tương giao với người bên ngoài làng khó trở thành một ý thức hay nhu cầu tinh thần thường trực.


Khi đặt trong không gian hẹp và bối cảnh kinh tế thô sơ như vậy của các làng xã, hương vị Tết kèm theo lực đẩy tinh thần của nó trở nên đậm đặc. Tết được coi là điểm khởi đầu cho một chu kỳ sinh trưởng mới của cả cộng đồng, là điểm tựa nơi mọi người tụ họp về cùng chia sẻ ước mong no ấm chính đáng. Nền sản xuất nông nghiệp mang tính chu kỳ cho phép mở rộng thời gian của Tết, thực chất không chỉ trong một vài tuần mà kéo dài cả tháng, bao gồm cả những lễ hội sinh động làm giàu có và đậm đà hơn tính cộng đồng cùng các giá trị khác của Tết.


Khi các giá trị bị dịch chuyển


Trong nhiều thế kỷ, những giá trị của văn hóa làng xã ở Việt Nam vẫn trường tồn và đến nay những nền tảng nhất định của nó vẫn còn được duy trì. Ngay cả khi xuất hiện một số những đô thị lớn, buôn bán sầm uất thì về cơ bản văn hóa phố vẫn chỉ là sự dịch chuyển chút ít từ văn hóa làng. Tuy nhiên, trong vài thập kỷ gần đây, các giá trị văn hóa làng bắt đầu bị thách thức đáng kể bởi tiến trình công nghiệp hóa và đô thị hóa, khiến ngày càng nhiều người đổ về các thành phố lập nghiệp. Trong cộng đồng xã hội ngày càng phát triển nhiều ngành nghề, nông nghiệp không còn là ngành nghề chiếm tỷ trọng áp đảo, và không còn cảnh tất cả mọi thành viên xã hội sinh hoạt và sản xuất theo cùng một chu kỳ lớn trong năm. Trình độ phát triển kinh tế được nâng lên, đời sống vật chất chung của xã hội được cải thiện, tính rủi ro giảm xuống. Tất cả những yếu tố đó đều có ảnh hưởng tới giá trị tinh thần của Tết, một cách rõ rệt hoặc ngấm ngầm.


Tết không còn là điểm khởi đầu cho một chu kỳ sinh cơ thiêng liêng của cả cộng đồng. Nhiều người đi xa làm ăn đến dịp Tết quay về vì tình quê vẫn đậm, nhưng rồi lại vội vã ra đi. Thời gian dành cho Tết không còn kéo dài tới vài tuần mà chỉ rút gọn trong dăm ba ngày để giảm thiểu ảnh hưởng, làm gián đoạn sản xuất kinh doanh. Thậm chí đã có những tiếng nói đặt vấn đề về việc để cho Tết “hội nhập quốc tế”, thay Tết cổ truyền bằng kỳ nghỉ đón năm mới dương lịch.


Mặt khác, khi đời sống vật chất bớt đi những khó khăn, bấp bênh thì miếng bánh chưng cũng bớt ngon lành thấm thía. Sự no ấm không còn là ước mơ thì ý nghĩa nhân văn của lời chúc tài lộc đầu năm theo đó cũng giảm đi ít nhiều. Việc thăm hỏi, tặng quà Tết vốn trước kia thể hiện sự chu đáo, quan tâm đùm bọc nhau trong cộng đồng, thì nay nhiều lúc mang tính hình thức, gượng gạo, gây mệt mỏi cho tất cả các bên.


Không gian đô thị ngày càng mở rộng, đến một lúc nào đó trải nghiệm của đa số trong cộng đồng không còn là Tết ở làng nữa, mà trở thành Tết ở phố. Tính chất của đô thị ngày nay cũng thay đổi, nên Tết ở phố nay cũng khác với Tết phố xưa. Ngày nay người ta sống khép kín, ai biết nhà nấy, việc sang thăm hỏi, chúc tụng đa phần mang tính cho phải phép. Đi bộ trên phố trước những người không quen chúng ta thường lãnh đạm, không chủ động gieo vào mắt nhau sự thân thiện ấm áp. Ai đó trước người lạ trên đường mà hào hứng lên tiếng chúc Tết giống như bên Tây chúc nhau Giáng sinh an lành có lẽ là chuyện vô cùng hi hữu.


Hay dở đều do chính mình


Trong bối cảnh như vậy, những năm gần đây lời chê trách dành cho Tết đã thành câu cửa miệng của không ít người, chủ yếu tập trung vào tính hình thức, sự mệt mỏi mà Tết gây ra, và đặc biệt là tính nhạt: “Thôi, thế là vèo cái đã hết Tết”.


Nhưng Tết nào có tội tình gì? Tết thực chất là tấm gương phản chiếu đời sống tinh thần mỗi cá nhân, cộng đồng. Hay dở đều do chính chúng ta cả!


Vả lại, trong tâm can hẳn đa số đều không muốn bỏ Tết. Hầu hết mọi người có lẽ vẫn mong chờ những khoảnh khắc sum họp gia đình ấm cúng trong ngày Tết. Thời khắc giao thừa, khi đứng trước bàn thờ, nén hương, mâm ngũ quả, ai cũng đều có thể cảm thấy bản thể của mình được nâng lên một tầm mức cao hơn, không hẳn vì một thế lực siêu nhiên nào, mà vì chính chúng ta tự gột rửa những bụi bặm, phiền lụy của năm cũ, cảm thấy sự giao hòa của tình gia đình, tình cội nguồn với tổ tiên, và những ước mong cho một tương lai tươi đẹp sắp tới…


Như vậy, Tết vẫn đáp ứng vai trò của nó là cú hích tinh thần, tác động vào tất cả chúng ta, để tạo ra những khoảnh khắc khi mỗi cá nhân ở trong tâm thế tốt đẹp nhất của mình. Vấn đề là sau đó chúng ta tiếp tục duy trì và phát huy tâm thế tốt đẹp ấy như thế nào? Liệu khi đối đãi với người khác, từ người thân tới người lạ, chúng ta có dùng tâm thế tốt nhất đó của mình để tìm cách giao cảm với tâm thế tương ứng của họ hay không? Lời chúc mừng năm mới của chúng ta liệu có khởi phát từ tâm thế rộng lớn ấy, hay vẫn chỉ là những câu chữ khuôn sáo cứng nhắc? Bởi khi mỗi người khởi phát được tâm thế rộng lớn của mình, thì mối giao hòa giữa người với người trong cộng đồng, sẽ được khơi thông lần lượt theo chuỗi cảm ứng lan truyền, và đến lúc nào đó sự thuần phác và tử tế tiềm ẩn bên trong cộng đồng sẽ được khai lộ ra nhiều hơn.


Trong môi trường sống luôn thay đổi khiến thang bậc các giá trị dịch chuyển, Tết vẫn luôn có thể thích nghi nếu chính bản thân chúng ta chủ động thích nghi, trước hết bằng cách lựa chọn những giá trị mà chúng ta cho là tiến bộ, và tự linh hoạt điều chỉnh các nghi thức của Tết sao cho phù hợp với những giá trị ấy.


Lời nguyện cầu ngày Tết trước bàn thờ tổ tiên, hay trước ban thờ trong đền, chùa đâu cần do thầy thợ nào biên soạn, chính là do ta theo tâm mình mà lựa. Nên chăng, ngay từ lời nguyện cầu ấy mỗi người đều mở rộng lòng mình, không chỉ hướng tới những điều tốt đẹp cho cá nhân, gia đình, dòng tộc, mà còn cho cả quê hương, đất nước,… Hoặc cũng không nhất thiết phải câu nệ vào một lời nguyện nào, chỉ cần một tâm thế thư thái tự nhiên, trong sáng, thành kính tròn vẹn với đồng loại, cội nguồn tổ tiên, trời đất, và quan trọng nhất là với bản thể tốt đẹp nhất của chính mình.

Theo Phạm Trần Lê – Tiasang