Sau lễ ông Công, ông Táo, còn vài ngày nữa là hết năm, mọi người râm ran lo chuyện Tết lắm rồi, từ chuyện thưởng Tết, chuyện ăn gì, mua cái này, sắm cái kia… Các cụ ta đã dạy: “Giàu khó đến 30 Tết mới hay” nhưng chẳng cần đến 30 Tết, chỉ cần một chút để ý đến những việc xung quanh mình, những việc tưởng chừng ngoài xã hội nhưng lại ngay bên cạnh chúng ta sẽ thấy cái Tết đang hiển hiện rất rõ: giàu và nghèo.
Đó là những cái Tết nghèo của những người công nhân. Cuộc sống họ vốn quá nghèo nàn, vất vả ở những xóm trọ loanh quanh khu công nghiệp. Lương thấp, giá cả cao, công nhân chỉ dám ăn uống kham khổ, mớ rau, con cá lấy sức tăng ca. Khổ mấy họ cũng chịu được bởi họ quen khổ rồi và còn bởi họ còn có một điều hy vọng: về quê ăn Tết.
Ước muốn lớn nhất của những công nhân cuối năm là được sum họp với gia đình, bao năm rồi vẫn vậy. Cả năm làm việc quần quật mong sao có chút tiền dành dụm để về nhà. Nhưng nhiều công nhân, do công ty phá sản, làm ăn thua kém, do mất việc, giảm lương mà cuối năm vẫn rỗng túi, đành dằn lòng ở lại thành phố, ăn một cái Tết xa lạ, không một người ruột thịt với cái Tết thiếu thốn đủ bề, thiếu cả tiếng cười.
Đó là cái Tết giáo viên vùng sâu, khi thiên hạ râm ran kháo nhau chuyện thưởng Tết, thì họ ngậm ngùi nhận gói mỳ chính, chai dầu ăn, thậm chí là không có gì. Vậy là mấy ngày Tết, những người thầy lại co bên này kéo bên kia mong cho gia đình một cái Tết chu toàn.
Ngày Tết làm bộc lộ rõ hơn cái tình thế của mỗi người. Ai đã nghèo lại thấy thiếu thốn hơn, còn người giàu cũng thể hiện rõ hơn bởi cái lẽ “phú quý sinh lễ nghĩa”.
Mỗi năm một con giáp, người ta lại săn lùng con vật ứng với nó, như năm nay là con khỉ vàng để trưng, để biếu. Những con vật nạm vàng có giá từ vài triệu đến cả trăm triệu đồng.
Lễ vật trưng bàn thờ cũng lên ngôi “thời trang” với những ý nghĩa mới được gán ghép như dưa hình trái tim, dưa hồ lô, thỏi vàng, bưởi bàn tay Phật… với giá bạc triệu. Những bức tranh đá quý như tranh Bát mã, Đào hạc trường Xuân, Tùng hạc trường Xuân… lại đắt hàng.
Đến ăn ngày Tết cũng phải khác lạ, mấy năm nay, gà đông tảo là giống gà đặc sản của huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên bỗng dưng lên ngôi. Người ta nói rằng đó là gà cung tiến cho vua xưa kia, nên dù nó đắt đỏ, có những con gà có giá chục triệu cũng được mua bằng hết.
Tết đến, Xuân về, mỗi người mỗi cảnh. Nhưng với nhiều người, như ngày xưa, người mổ lợn, người gói bánh, người giã giò… rồi làm cỗ, cái không khí mẹ rửa lá, bà gói bánh, cả nhà quây quần bên nồi bánh mới chính là Tết. Dù Tết giàu hay nghèo cốt yếu vẫn là không khí trong mỗi gia đình.
Theo Nguyễn Gia – TTVH