Mới vào đầu thu, đàn chim ngói từ bản Phja Hoong bay qua đầm Khưa Ngau, chúng kìn kìn kéo về hướng nhà mình. Nghe tiếng nó kêu u cúc cu ru u cúc cu ru ru rõ dần. Nó báo hiệu cho cả mường cả tổng biết, mùa cốm mới năm nay lại bắt đầu rồi.

Không rõ những vùng miền khác, người ta làm cốm như thế nào, chứ ở Cao Bằng quê tôi, người ta rủ nhau làm cốm đông vui như Tết. Nên gọi là Tết cốm. Mới sớm ra, bản trên mường dưới người người hò nhau đi “tan” nếp. Những bông nếp đang “tuổi ăn tuổi ngủ” lần lượt được những bàn tay nâng niu đón chúng về nhà.

Thanh niên trai gái hẹn nhau, đêm nay dù bận hơn cho gạo vào nồi cũng về nhà mình giã cốm bạn nhé. Chỉ cần một câu nhắn nhủ thế thôi, lòng dạ đã nhộn nhạo háo hức lắm rồi. Từ thuở con trâu biết ngồi, cha ông chúng tôi đã gọi Tết này là Tết cốm là có cái lý riêng của nó.

Tết cốm diễn ra vào đúng đêm thu trời trong xanh như thể pha ra cốc mà uống. Dưới xuôi người ta gọi là gì chúng tôi chưa được biết. Còn trên miền núi chúng tôi chỉ có cốm và trăng. Người cao tuổi thì được biếu pẻng hai (bánh Trung thu). Pẻng hai nguyên nghĩa tiếng Tày là bánh trăng. Thử hỏi ở đâu có bánh trăng bán. Một thứ bánh không phải của người nhà trời làm.

Mâm cúng Tết cốm người Tày.

Thực ra bánh trăng không khác gì bánh nướng dưới này. Người xưa đặt tên nó như thế, nay vẫn như thế mà gọi. Gọi mãi thành quen. Trẻ con thì không có gì khác, ngoài chơi kèn rơm ò e í e và ăn bánh cóoc mò (gọi là bánh sừng bò vì dáng của nó giống như sừng bò).

Đây là đêm trăng tròn vành vạnh, sáng rõ nhất trong năm. Ánh sáng như thủy tinh. Trăng cứ trong suốt như mắt người gái bản. Bầu trời không một vết xước, không một gợn mây. Có cảm giác như người hít được cả trời xanh, núi cao và đồng ruộng vào lồng ngực.

Thiên nhiên theo nhau qua đường hô hấp chui tọt qua lần áo vào tận đáy lòng người. Nhưng người ơi, người phải nhắm mắt bịt tai mươi lăm phút. Để thiên nhiên có đủ thời giờ hòa hợp hòa tan trong máu. Rồi người hãy từ từ thả hơi ra. Người hãy mang trả hết thiên nhiên trở về nơi chốn cũ. Con người chỉ giữ lại tinh hoa. Đó là cốm.

Cốm quê tôi không giống cốm làng Vòng. Hạt cốm có vẻ thô hơn, mập hơn nhưng mềm, màu và mùi thơm dịu. Còn cốm làng Vòng hạt dẹt mỏng lá như me. Khi cầm cốm vào tay, thấy ngọt ngào đến mê muội. Cốm xứ tôi còn được người dân làm bánh cốm cóoc mò dành cho trẻ nhỏ cầm khi ăn.

Làm bánh cốm ép từ hai thớt cối xay, mềm như kẹo gôm. Chỉ cần ngậm một lúc là tự nó tan chảy trong khoang miệng. Còn những hạt cốm rời rạc thì em gói trong khăn tay, đem tặng anh yêu dấu. Anh cứ đếm đủ chín hạt thì hãy bỏ vào miệng. Cứ lần lượt chín hạt cốm như thế mà bỏ vào, anh thân yêu.

Độ này, nhìn ra cánh đồng lúa loàn loạt uể oải. Chúng cầm tay dắt díu nhau kéo đến tận chân núi chân rừng. Ruộng nhà nào cũng đang vào kỳ lúa non. Hạt lúa như thiếu nữ Phủ Trùng Nước Hai mười lăm mười sáu. Lúa chớm nhú nhí làm mẩy làm no căng tròn từng hạt. Đợi cho ba sương nữa qua đi, các mẹ các chị dùng nhắt hái từng bông mang hết chúng về.

Tại sao người Tày hái từng bông, mà không cắt cả khóm cả đám cho tiện và nhanh. Người già dặn rằng, hái từng bông sẽ không bị lẫn tạp lúa tẻ, lúa ma. Người Tày từ xưa nay vốn ghét cái sự xăm pha, gây cảm giác không yên tâm. Nuốt vào bụng cái thứ tạp nham sẽ gây rối rắm nghi ngờ ở trong ruột. Cái nào ra cái nấy rõ ràng trắng đen sáng tối. Hái từng bông từng bông tuy chậm chạp lâu la, nhưng yên tâm một ngày một đời.

Lúa nếp non hái về tãi đều trên sàn trăng. Gọi là sàn trăng bởi đây chính là nơi đêm đêm người Tày mời đón trăng mọc. Còn ban ngày, người ta phơi ngô thóc. Hết ngô thóc thì phơi áo len, chăn bông. Cuộn chăn bông vào, người ta phơi vải nhuộm chàm, hoặc hong tơ còn ướt. Sàn trăng bận bịu như người nuôi con mọn. Chả mấy khi sàn trăng được nhàn rỗi. Đêm nay người lại đón trăng lên.

Giã cốm của người Tày có nhiều nét tương đồng với người Thái và đồng bào vùng cao phía Bắc.

Trăng chiếu sáng xanh cả vườn vầu rừng trúc. Cả cánh đồng lúa chân mây. Cả tiếng mõ trâu lóoc tóoc trong chuồng. Cả ngọn đèn dầu lạc. Cả chòm râu ông già ngồi im phăng phắc. Trăng tưới lên muôn người muôn vật. Một mùi trăng chua chua như dấm táo.

Lúc này, trên sàn trăng, các ông già ngồi góp chuyện. Các mẹ các chị người cầm bát, người cầm thìa. Họ nhè nhẹ tuốt từng bông lúa. Tiếng hạt thóc rơi nghe loong roong râm ran từ đầu làng đến cuối làng. Thi thoảng lại rộ lên vài tiếng chó ngu ngơ. Người ta bảo cứ đêm nào trăng sáng thể nào cũng có tiếng chó sủa. Chó sủa trăng đâu phải chuyện lạ. Người già kể rằng có từ ngày xửa ngày xưa, trăng là là đậu xuống trần gian trộm người đẹp. Vì vậy, thế gian mất dần và rất hiếm người xinh.

Loài người nuôi chó chỉ để sủa trăng cho bõ tức. Nhưng đêm nay, chúng chỉ nằm lấy đuôi đập muỗi, dỏng đôi tai lên nghe tiếng tay người tuốt lúa. Thấy từng hạt thóc bay rào rào rơi trên nong. Nong đầy một lớp thóc người ta trút vào dậu. Cứ một lớp trăng là một lớp thóc. Đến lưng lửng đêm, sàn nứa chỉ còn trăng.

Lúc này người ta mới đốt lò rang thóc. Lửa liu riu vừa đủ ấm dần đều. Nhớ đều lửa đều tay, đừng nóng ruột thúc lửa để thóc chín nhanh. Chín nhanh là làm thóc vỡ. Thóc bết vào nhau làm thành bánh như cục nhựa đường. Nhưng bánh không ra bánh. Cốm không ra cốm. Thóc chẳng ra thóc.

Khóc dở mếu dở, đổ ngay cho gà vịt ăn. Bao nhiêu công sức không tiếc. Chỉ tiếc mất toi một đêm trăng đẹp. Vì thế các chị các mẹ giành lấy công việc rang cốm. Đàn bà con gái bao giờ cũng cẩn thận tỷ mỷ hơn cánh đàn ông con trai cù mì cục mịch. Thóc chín vừa tới liền trút vào cối. Ba bốn thanh niên lực lưỡng vung chày giã cốm. Họ vừa làm vừa hò nhau rổn rảng.

Tiếng cười giọng nói thơm  thơm mùi cốm. Cái mùi cốm bay ra thơm ngọt như trà Thái. Đây là dịp tốt nhất để các chàng trổ tài khoe sức. Phom các chàng cong lên như cánh cung. Hai bắp tay cuồn cuộn những múi thịt. Những múi thịt săn chắc như đùi ếch. Chúng xoắn bện vào nhau thành cơ. Cơ ngực càng dày chắc, vú các chàng trai càng to đầy như bát sứ Bát Tràng.

Đúng là sức trẻ bẻ gẫy sừng trâu đây nè. Bốn chàng trai họp nhau lại, làm thành một ngọn lửa. Ngọn lửa phừng phừng đang thiêu đốt chị em. Này! Các nàng nhìn đi. Ánh trăng xanh đậu trên người, trượt xuống vai xuống chân. Bóng người dưới bóng trăng nhịp nhàng như múa trống. Da chàng trai nào cũng trơn mướt. Người chàng nào cũng hôi hổi mùi chồn hương tới kì động dục. Nhịp vung lên, giã xuống hầm hập chắc nịch. Nhìn mà thích như màn vũ đạo.

Lúc này, ở Hà Nội, xa quê hàng ngày đường, tôi vẫn đang nghe thấy có mùi sức trẻ của các chàng trai cô gái, cộng thêm mùi cốm, mùi sương đêm. Mùi trăng rằm ngào ngạt… Tạo thành một cái Tết cốm độc đáo riêng biệt của người Tày Cao Bằng.

Y Phương – Văn nghệ công an