Phạm Thúy Quỳnh

Cúc vạch rõ phận sự của mình, chẳng cầu kẻ ham sắc chỉ mong người thương tài.

Ngày trước, vào những ngày cuối hạ, tiết thu tựa như một vị sứ giả đã bắt đầu len lỏi đến khắp các hang cùng ngõ hẻm thúc gọi những đoá cúc thức dậy. Bên các bờ rào, các nụ cúc còn ấp kín dần hé, cuối cùng nở bung ngạo nghễ. Sắc trắng phối với nền trời thiên thanh tạo thành vẻ đẹp của khí tiết cứng cỏi – như mai, như tùng, như cổ thạch.

Tôi yêu cúc, đặc biệt là hoa cúc trắng, vừa mang vẻ đẹp mềm mại của người thiếu nữ lại vừa mang nét cứng cáp của người quân tử. Thời Trần, Nguyễn Ức từng viết bài thơ “Cảm xúc khi đến nơi ở cũ của Cúc Đường trước tiết Trùng Dương” có đôi câu kết rằng: “Trinh tâm khước ái đông ly cúc/Khẳng bả thanh hương mị biệt nhân”(Nghĩa: Lòng trong yêu cúc giậu đông/ Chẳng mang hương sắc mà mê người đời).

Quả vậy, mùi thơm của cúc trắng không hề dịu dàng, hương cúc hắc nhang nhác đắng, đằm và dịu. Phải thật để ý ta mới có thể thấy được vị đắng lẩn trong mùi hương này. Cúc vạch rõ phận sự của mình, chẳng cầu kẻ ham sắc chỉ mong người thương tài.

Hoàng Hoa tửu – Loại rượu được ngâm bởi kim cúc, một loại cúc vàng nhỏ được nhắc trong các sách y dược cổ, có tác dụng thanh nhiệt, an thần, giải độc, tiêu trừ sự mệt mỏi của cơ thể  – thường được ủ trong tiết thu. Khi những cụm cúc vàng bắt đầu nở rộ, ruộm như nắng mới, người ta tiến hành thu hái, phơi se lại và ngâm với rượu trắng. Có những người cầu kỳ, ngâm kim cúc đã se với đường mật hoặc đường trắng, đợi một đến hai ngày mới trút vào bình rượu, hạ thổ hai năm rồi đào lên để dùng. Sắc rượu vàng trong, thơm dìu dịu không gắt, vị cay mà thanh lẩn khuất chút vị ngọt nơi đầu lưỡi đem đến cho kẻ uống cảm giác khoan khoái.

Một thức uống khác tao nhã chẳng kém rượu Hoàng Hoa ấy là trà hoa cúc, cũng vẫn kim cúc ấy thôi, thu hái về, phơi khô dưới ánh nắng, sau đó cất trữ thật kỹ. Mỗi lần uống chỉ cần dội nước sôi vào những cánh hoa khô, sắc nước thôi ra vàng trong như mật ong thượng hạng, hương thoang thoảng đưa, vị thanh ngọt khiến tâm hồn dịu lại.

Bây giờ chẳng cần đến mùa thu, dù xuân hay hạ ta vẫn trông được những giỏ cúc vàng rực nơi các xe bán hoa dọc theo những con phố. Giống cúc đấy cũng giống như những loài sinh vật công nghiệp, có sắc mà chẳng có hương.

Năm nay nhuận hai tháng sáu, mùa thu chưa đến sen chửa tàn. Mới đây thôi, nhà nhà còn bận bịu với tết âm lịch mà hiện đã phải guồng chân chạy để kịp hạn hết năm. Biết bao nhiêu công việc biết bao nhiêu xô bồ tồn tại nơi thành phố sầm uất và phồn hoa này đều khiến cho không khí trở nên ngột ngạt.

Không như sen – loại hoa hiến Phật song khi chết lại gãy gập nhúng bùn nhơ – cúc ngậm hương chết và khô héo ngay trên cành của mình khi số hoa đã hết. Tiết liệt, trung trinh đến thế, hoạ may chỉ có cúc mà thôi.

Ước khi mùa thu, hái một nắm cúc đúng vụ, cẩn thận sơ chế và ngâm với rượu, lại cho rượu nghỉ hai năm nơi đất mẹ. Nhân một đêm trăng sáng, đến gò chôn tửu đào rượu lên, viết thư mời tri kỷ đối ẩm.

Một mảnh nguyệt tròn, một người tri âm, một bầu rượu ngon – tôi đồ rằng đời người chỉ cần có vậy là viên mãn.

 

Exit mobile version