Nhắc tới tác giả Dương Thiên Lý là nhắc đến một cây bút viết khỏe và đa năng. Chị không chỉ làm thơ, viết truyện ngắn mà còn viết tiểu thuyết. Những tác phẩm của chị không quá nặng về cấu tứ, kể rất hồn nhiên bình dị chân thực những gì cảm nhận, trăn trở về cuộc sống. Mới đây nhất chị lại tiếp tục trình làng tập truyện ngắn Tình trong giọt mưa do Công ty Truyền thông Hà Thế liên kết với NXB văn học ấn hành. Tập truyện ngắn phơi bày những nỗi đau trần trụi của cuộc sống bằng lối văn bình dị khá quen thuộc của chị.

Tonvinhvanhoadoc.vn xin giới thiệu đến độc giả chùm truyện ngắn của tác giả Dương Thiên Lý trích trong tập Tình trong giọt mưa.


Thông tin sách:

Tên sách: Tình trong giọt mưa

Thể loại: Tập truyện ngắn

Tác giả: Dương Thiên Lý

Khổ sách: 13x 20,5 cm

Số trang: 191trang

Trình bày bìa: Nguyễn Anh Vũ

Công ty Truyền thông Hà Thế liên kết với NXB văn học, 2014

 

 

CHUYỆN NÀNG THÚY LIỄU


Cô gái có đôi mắt đen lay láy, sống mũi thẳng đôi môi tươi mỏng và nụ cười như cuốn phăng những bận rộn trong đầu Thành. Thật dễ chịu. Nhớ cái buổi cắt băng khánh thành dây chuyền chế biển mủ cao su, khi cô gái lễ tân hai tay nâng kéo đưa cho Thành, vô tình những ngón tay chạm nhau. Cái chạm thoáng nhẹ chừng như có một luồng điện cực mạnh xâm nhập vào cơ thể. Bất giác, Thành phải suy nghĩ. Người con gái trong chiếc áo dài màu xanh nhàn nhạt nổi bật trong khung tình đầy rẫy những gam màu trắc ẩn của đời Thành. Không gì cưỡng lại được, Thành bỏ mất mấy buổi chiều đi tìm người và tìm những ngón tay mềm mại.

– Em tên Thủy Liễu, cái tên đẹp không anh?

– Đẹp lắm! Thủy là nước, liễu lả lướt sống không thiếu nước. Anh nghe hay hay như trong tiểu thuyết vậy!

– Anh ơi! Khi còn đi học, ông thầy nhìn em rồi cười rũ rượi:

– Thủy Liễu là cây bần mọc ven sông quê. “Bần” là nghèo, nghèo rớt mồng tơi lận!

Ba em xưa làm nghề cất vó câu tôm, đêm đêm cùng ngọn đèn gió bên âm bên dương kín mít, mưa gió không tắt, với cần câu lặng lẽ thả mồi. Vào tiết trời tháng giêng, hai, đom đóm từng đôi từng đôi xoắn xuýt đậu trên nhành bần sáng chói. Nhánh bên này tắt, nhánh bên kia chớp. Mải mê ngắm nhìn những đôi đom đóm tự tình, ba em cắm đầu xuống nước loi ngoi lướt thướt như con chuột lột. Đêm ấy về nhà, má em đun nước cho ba em tắm…. rồi có thai em nên ông đặt tên con là Thủy Liễu. Đời ba má đã quá nghèo, em không cam chịu cảnh nghèo đó, quyết chí đổi đời. Em đổi tên là Thúy Liễu và trong tiềm thức luôn luôn muốn được làm giầu.

Thúy Liễu em nhạy bén, yêu đời, tự tin, nắm bắt môi trường nhanh, đi vào cuộc sống đĩnh đạc. Thúy Liễu ở một mình trong căn hộ. Về sở thích, yêu thơ, yêu nhạc, thích xem báo thời trang.

Từ khi quen biết Thúy Liễu, Thành như bị cuốn vào quỹ đạo mà sức hút là “mặt trời tình yêu”. Tình yêu thức dậy sau một thời gian đã ngủ chìm gần như tắt ngúm. Ngày xưa, Thành hợp hôn trong tấm bạt che mưa. Đánh đu với bom đạn, với chết chóc. Sự gian khổ đã bôi xói, phôi phai những cảm giác yêu đương. Nay gặp Thúy Liễu là một giọt son tỉnh thức trong tình cảm. Tình yêu lôi kéo Thành vào thế giới kỳ ảo đầy quyền năng. Chẳng chút ngại ngùng, hai người đến với nhau như dòng nước tự nhiên chảy qua vùng phù sa mật ngọt. Thúy Liễu đêm đêm rót vào tâm hồn của Thành một loại dung dịch nhẹ như tơ mà mềm như lụa, đến nỗi không thiếu vắng nàng được. Chuyện ở cơ quan, chuyện đầu tư vay vốn, chuyện hợp tác kinh doanh nhất nhất Thành rủ rỉ vào tai Thúy Liễu. Có ý kiến của Thúy Liễu đóng góp, Thành thấy vui vui và thấy thinh thích.

Ở xí nghiệp, Thành bắt đầu có những cái quên vặt vãnh như cây bút máy để trên bàn mà kiếm mãi không gặp. Có những chuyện cần thiết, người trợ lý nhắc nhiều lần mà Thành vẫn quên. Thời gian chia phối và tiền cũng khan hiếm đối với Thành. Đôi lúc lương tâm và trách nhiệm của người giám đốc như giằng xé, tranh cãi với nhau. Ờ!… Nhưng có gì quá đáng đâu, chỉ một vài chênh lệnh giá cả ở cái đầu biết kinh doanh, nhạy bén, thức thời… Nghĩ về đời mình: mười bảy tuổi tham gia cách mạng, tay cầm súng tay cầm viết o bế từng chữ, từng dòng. Yêu đương mong manh qua những đêm quần thảo với giặc. Ái ân vội vã trong những đợt chống càn. Cái sống và cái chết gần gũi như ăn cơm, uống nước. Ngày hòa bình thống nhất đất nước, chuyển ngành sang làm kinh tế. Khó khăn, trở lực mệt đừ. Mái ấm gia đình là cái chốt của đời người. Vợ là cái nôi ru cuộc tình dài không mỏi. Nhưng người vợ là thủ trưởng không bằng, lại là thủ trưởng khó tính, gắt gỏng, kiểm điểm, phê phán… Ôi thôi! Trách nhiệm…

Loan theo chồng năm mười chín tuổi. Chồng là anh bộ đội. Sau đợt đoàn văn công về làng, cô gái quê phải lòng, bồng bế sống chung với nhau bằng đám tuyên bố ngoài trời.

Từ đấy đong đầy tình yêu và nỗi nhớ, thúc đẩy Loan ngược xuôi đi thăm chồng ở căn cứ xa. Có những chuyến đi tưởng chừng như không về được. Ngày xuống hầm bí mật, đêm đi dọc đường bị phục kích lửa đạn vây quanh. Dần dà cô gái gan lì không kém gì mấy anh bộ đội. Những buổi gặp gỡ hiếm hoi, để rồi chia tay làm cho Loan nặng oằn thương nhớ. Về nhà tần tảo nuôi con trong cái hoàn cảnh vô cùng khắc nghiệt. Áo cơm, gạo tiền khan hiếm… Sự gian khó đã biến tâm lý của người phụ nữ nhiều nam tính hơn. Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, Loan theo chồng ra tỉnh tiếp tục tảo tần. Cơm áo gạo tiền quần thảo bà mệt mỏi. Đâu còn thời gian chăm chút chồng con. Chuyện ái ân gác lại một bên. Vợ chồng là chuyện trăm năm còn đó, có muộn màng gì… Loan nghĩ vậy nên hương lửa gần như nguội lạnh. Với người đàn bà chưa qua năm mươi tuổi thì điều này cũng hơi khó nói. Cái tuổi này mà một số người hàng xóm còn đi sớm về khuya… Thời gian gần đây Loan thường cãi vã với chồng về “quan niệm sống”. Mỗi người quyết giữ một lý lẽ riêng tư, không lay chuyển. Có khi giận hờn cả tuần trăng. “Càng lớn tuổi càng khó tính”, câu nói của người đời cũng có lý. Ngày xưa còn chiến tranh ước ao gần gũi nhau, nay hòa bình sống chung một nhà mà xa lòng cách dạ. Càng nghĩ, Loan nghe nước mắt chảy ngược về cổ. Chấp chới trước mắt những mô hình lục giác đầy sắc màu luôn diễn biến phức tạp và rắc rối. Người lối xóm rù rì với Loan:

– Đàn ông bây giờ có giá lắm đấy! Cái giá có ở chỗ ông giám đốc, chị hờ hững mất cả chì lẫn chài đó nghe!

– Tôi sống một mình đã quen rồi – Nói thì nói vậy chứ lòng Loan nghe đau, nỗi đau nhân tình thế thái quặn thắt từng cơn.

Chiều xuống chậm dần, Thành cho xe giảm tốc độ. Gió chiều, phố mát làm cho lòng người hưng phấn xôn xao. Mỗi lần đến với Thúy Liễu, món quà mỗi mới. Vừa qua, món quà làm Thúy Liễu sáng mắt: Chìa khóa nhà và giấy tờ chủ quyền nhà đất. Nay món quà sính lễ đầy hương hoa chắc Thúy Liễu ưng ý. Thành đã chọn sẵn câu nói thật duyên dáng cho tối nay. Cố giữ cho được phong cách vừa trẻ trung vừa có nghị lực, thật đàn ông khi bên người đẹp. Thành dằn lòng như vậy! Ông liên tưởng đến những ngón tay mềm như tơ lụa vuốt ve, nuông chiều, chia sẻ từng miếng ăn ngụm nước. Những đường nét hư ảo, nửa gần nửa xa trên cơ thể người đẹp đã mê quặt Thành đến cuồng điên. Lúc ấy giọng của Liễu như lọt hồn, rót nhẹ vào tai Thành: “Em yêu anh! Em yêu anh! Anh là người duy nhất!”

Trời vừa choạng tối, mùi hoa sứ nhà nàng hương đưa ngan ngát. Lòng Thành mở ngỏ reo vui. Cửa ngõ đóng, có khóa. Thành cầm ổ khóa lắc lắc… Lại có miếng giấy, Thành bật lửa xem: “Em về quê thăm ba má gấp, không kịp báo anh. Hẹn gặp! Buồn!”. Giờ này về cũng đã lỡ, chi bằng nghỉ lại đấy sáng về, tính sau. Bằng cái chìa khóa mà Thúy Liễu không ngờ Thành có được, qua vuông sân nhẹ nhàng đến cửa. Cửa khóa trái. Sao lạ vậy, có trộm chăng? Thành thoáng nghĩ. Ông tìm… Có chìa khóa đây! Khéo léo mở cửa không gây tiếng động. Trong buồng ngủ, có đèn mờ. Cửa để hở. Nhè nhẹ, Thành đến gần. Mắt lóa lên, hai tay dụi dụi kỹ, có lẽ mơ chăng? Thúy Liễu và người đàn ông lạ trần như nhộng ôm xoắn lấy nhau. Thúy Liễu rên rỉ: “Em yêu anh! Em yêu anh! Anh tuyệt vời của em….”. Hai tay Thành tự nhiên co nắm lại, định xông vào đấm vô mặt đôi gian dâm cho hả giận. Ông kịp trấn tĩnh. Đôi phút lưỡng lự, nhè nhẹ khép cửa. Thẫn thờ bỏ đi ra. Bất chợt ông muốn quay lại. Ít ra mình cũng mắng cho bọn đĩ thõa này một trận mới hả dạ! Để làm gì? Bới ra thối. Tốt nhất lặng lẽ ra về hay hơn. Thành ra cửa, miệng lẩm bẩm: “Đồ đểu. Đồ đàn bà…”. Mệt mỏi, Thành lên xe mở máy phóng đi.

Màn đêm xanh xao dưới bóng ngọn đèn hắt xuống dòng xe cộ. Cái thứ màu ma quái chấp chới theo bóng người. Vài cơn gió lùa qua phố đêm làm Thành tỉnh táo. Giờ về chắc còn kịp, chưa quá nửa khuya. Loan ra mở cửa. Thành mệt mỏi, đờ đẫn bước theo vợ, tay ôm gói quà để trên giường – Nhân kỷ niệm ngày cưới lần thứ 20, anh mua cho em số quà này, mở ra xem sẽ hiểu.

Loan nhìn chằm chằm vào mắt chồng dò xét. Lâu nay đâu có cảm giác như thế này. Đã lâu rồi, vợ chồng đâu có… Thành hơi mệt nhưng rất chân tình. Loan thấy mềm lòng vui trở lại. Tình yêu đã có mặt. Bất giác, Loan khẽ giọng thoảng như hơi thở:

– Ôi chao! Tui chắc sắp chết đến nơi rồi đây! Anh ơi, anh ơi…

Thành thấy thương vợ hơn lúc nào hết.

Sáng sớm, Thành đến xí nghiệp. Bước những bước như người mộng du. Mọi cảnh vật cảm thấy vừa xa lạ, vừa thân thuộc. Cô thư ký đến trình: “Có thư gửi giám đốc…”. Thành về phòng, đóng cửa mở thư xem:

“Ông Thành! Người đàn ông mà ông gặp ở phòng ngủ đêm qua, không ai khác, ông Phó giám đốc “trung tín” của ông đấy… Các thứ hồ sơ mà ông đã ký sẽ phản bội ông, truy tố ông ra tòa. Nếu như ông để yên mọi việc sẽ ổn thỏa và ông có lợi hơn”.

Thành nghe hai chân tê cóng, đầu choáng váng quay cuồng. “Mình đã già lẩm cẩm rồi chăng. Tiếc cho một đời không chết vì bom đạn. Nay gục ngã ở trận tuyến này. Đổi đời là thế đó ư? Thúy Liễu ơi, tay phải tay trái đều quơ được hết à… “. Thành gục đầu trên bàn giám đốc, vẳng bên tai còn nghe rõ lời rên rỉ của Thúy Liễu: “Em yêu anh! Em yêu anh! Anh là người duy nhất của đời em!… Anh ơi… Anh ơi…”.

 

 

BẾN XƯA


Ngày lại ngày, anh thương binh cùng đôi nạng gỗ, nặng nề lê từng bước chân khó nhọc trên bờ sông cát mịn đến ngồi bên gốc bần già, mấy mươi năm qua vẫn vươn mình tỏa bóng. Bến đò xưa, dòng sông ngày ấy vẫn còn mà người lính trẻ đẹp trai thuở đó đâu rồi… Quá khứ đầy kỷ niệm, tình yêu của đôi lứa thật đáng trân trọng, nâng niu.

Vết thương bứt Thắng khỏi đơn vị chiến đấu, đưa anh về trại điều dưỡng thương binh nặng. Với thương tật tám mốt phần trăm, mất chân phải, hỏng mắt trái và khuôn mặt đen sạm vết cháy bom na pan, Thắng không đủ can đảm tìm về căn hầm xưa hai đứa yêu nhau, không đủ dũng khí giáp mặt người thương.

Ở trại điều dưỡng, những thương binh nặng như Thắng được hưởng rất nhiều quan tâm. Suất ăn “tiểu táo” ba bốn chục đồng một bữa, đường sữa, thuốc bổ, thuốc trị bệnh hoàn toàn được ưu tiên nên Thắng hồi phục rất nhanh.

Chiến tranh đã cướp đi một phần cơ thể, cướp đi bố mẹ, anh chị em ruột thịt của Thắng. Bố mẹ, người thân không còn, chỉ còn lại mối tình đầu vụng dại ngày nào. Nhìn đồng đội có người thân đến chia sẻ, động viên chăm sóc, Thắng không khỏi ngậm ngùi nhưng cũng tự an ủi mình. Sống sót ra khỏi cuộc chiến tàn khốc đã may mắn lắm rồi. Đêm nọ, tâm sự với một bạn thân trong trại, người bạn này bị chiến tranh cướp đi thiên chức đàn ông và cụt cả hai chân, anh ta khuyên Thắng: “Hoàn cảnh của ông khác tôi, người yêu biết tin tôi bị thương tật nặng, đã cao chạy xa bay. Mà dẫu nàng có chờ thì tôi cũng sẽ tìm cách xa nàng. Vả lại, tôi còn gia đình, bố mẹ anh chị em. Ông nên trở lại bến cũ năm nào, tìm người yêu thương nhất…”. Thắng vẫn phân vân, dưới cái nhìn của anh, dòng sông xưa lúc nào cũng đẹp, bến sông xưa vẫn chung thủy vẹn tròn, mặc dù phải trải qua giông bão, gió rú rít trên rặng cây bần, mây sà xuống tận chân sóng, sông xám xịt gầm gào. Nhớ lại lời dặn của người yêu trước lúc chia tay, dù sao thì anh vẫn phải sống và cần phải sống. Thắng thầm ao ước, nếu cái lần đó, chúng mình có một đứa con thì tốt biết mấy. Hòa ơi! Mối tình nồng nàn, mãnh liệt đó anh vẫn gìn giữ, nâng niu. Hòa ơi, làm sao anh quên được hình ảnh em khoác vải ngụy trang băng rừng lội suối vượt bom vượt đạn lên rừng hái lá thuốc về chữa bệnh cho anh. Nấu lá thuốc, giúp tắm rửa, em đâu có ngại vết lở loét, máu mủ bê bết hôi tanh trên người anh. Những hành động, cử chỉ đó đã găm chặt vào trái tim anh. Nhưng, thấy anh thương tật thế này, em có chấp nhận không, Hòa ơi!

Trại viên biết Thắng có ý định tìm về bến sông xưa, rủ nhau kéo đến, người góp dăm chục, kẻ một trăm nằng nặc đòi bằng được Thắng phải cầm làm lộ phí. Đồng đội, bạn bè như thế, Thắng không nỡ cứ nằm dài ở trại, anh xin phép đơn vị trở lại bến xưa tìm về mối tình đầu.

Dòng sông, bến nước ngày nào vẫn còn đó, cây bần đầy ắp kỷ niệm còn đây. Mười năm biền biệt, khói lửa chiến tranh… Bến xưa còn đó, người cũ còn không?

Ô kìa, ta đã bảo rồi, anh lính què ơi, thằng chột mắt ơi. Thắng ngồi bệt xuống bờ sông, bực tức đấm vào ngực mình “Mi đừng giở dói ra nữa. Mi dù đui què mẻ sứt cũng đang sống trở về cơ mà. Mi hãy vô xóm tìm nhà cô Hòa đi, đừng mặc cảm khỉ gió gì nữa. Mình đáng được hưởng phúc lắm rồi…”. Từ đáy lòng anh cứ nghĩ như vậy. Nhưng phần xác thịt của anh thì không muốn bước tiếp nữa. Câu hỏi xói vào lòng Thắng, níu chân anh lại với bác nuôi tôm và căn chòi bên dòng Kiên Giang đêm ngày sóng vỗ. Bác nuôi tôm thật thà:

– Thời chiến tranh, dân tui có nhà nào chưa từng cho bộ đội các chú ở. Chú về chơi, cứ ở lại đây với tui. Nhà chật nhưng lòng người không chật… Tui biết chú có tâm sự nhưng lúc nào nói ra là ở chú, cứ vô tư hè.

Một ngày, ba ngày, năm ngày, khi thì theo bác ra đầm tôm, lúc giúp bác chủ nhà sửa lại mấy cái rọng tre, Thắng vẫn chưa dám ngỏ ý vào làng tìm người thân. Gốc bần già này đã từng chứng kiến mối tình đầu vụng dại của người lính trẻ với người con gái vừa tốt nghiệp cấp ba.

Thoáng đấy mà đã hàng chục năm trời. Ngày ấy, ngồi bên nhau, Thắng tâm sự, chúng mình sinh ra phải thời loạn lạc. Anh phải gói lại ước mơ Đại học, hoàn thành nghĩa vụ người trai. Còn em…? Hòa đưa mắt nhìn phía xa vời giọng nhẹ như gió thoảng: “Anh đi chân cứng đá mềm, còn em, cũng có thể em cũng sẽ noi gương các anh. Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh mà… Vừa mới tháng trước, B52 rải thảm, làng em mười hai người chết. Thật đáng thương, bốn đứa nhỏ đang trên đường đi học về nhà, hai vợ chồng bác Dong đang cày ruộng và một căn hầm chữ A trúng bom, năm người bay mất xác. Tội lắm anh ạ, dân chúng em cứ sau mỗi đợt bị bom, thấy quạ xoáy chỗ mô thì đến đó tìm, thế nào cũng có xác người hoặc cẳng tay, cẳng chân, đoạn ruột nạn nhân. Cái lần bác Á chết bom mới tang thương, đầu bác bom quăng xuống giếng, mấy ngày sau mới tìm được, một cánh tay dính với bên sườn vắt lơ lửng cành khế cạnh chuồng heo ả Hiên. Máu người, máu heo thịt xương lẫn lộn, nghĩ đến mà rùng mình. Chết bom rải thảm, chết do pháo bầy từ biển câu vô… Nấp hầm trúng bom cũng chết, đi trên đường trúng đạn cũng chết, đang ăn trúng bom bi cũng chết, đang ngủ trúng rốc két cũng chết. Vậy nên chúng em ở đây chỉ mong có sức khỏe, thiếu tuổi thì khai tăng để đi đánh giặc. Mọi người an ủi nhau, sống chết có số, đi đánh giặc mà chết còn được ghi công, gia đình còn được đãi ngộ. Mấy gia đình trong xóm có con liệt sỹ ngày lễ, ngày Tết còn được cân đường hộp sữa, tháng tháng có tiền mua gạo, cũng đỡ… Ngày mai anh đi rồi….”. Hòa ôm Thắng vào lòng. Hòa không nói nên lời … Thắng… em… yêu… anh. Họ quấn bện, tan chảy vào nhau từ lúc nào không còn biết đất trời chi nữa.

***

Ngày chủ nhật, cu Hải xách cần câu cùng ông ngoại ra sông. Thấy chòi coi đầm có người chuyện trò rôm rả, cu Hải chạy lại chơi. Nhác thấy thằng nhóc, Thắng giật mình, suýt nữa kêu lên. Cái miệng kia, cặp mắt kia, lẫn vào đâu được.

Bác chủ nhà kín đáo quan sát hai người rồi vui vẻ đứng lên:

– Chú cháu ở nhà chơi, tui ra đầm có chút việc…

Đợi bác chủ nhà đi khuất, Thắng quay ra hỏi thằng bé:

– Cháu tên là gì, mấy tuổi rồi, con nhà ai, ở đâu. Cháu đi đâu vậy?

– Cháu mười tuổi, học lớp bốn, tên là Hải, con của mạ Hòa trong xóm. Hôm nay chủ nhật, được nghỉ học, cháu theo ông ngoại ra sông câu cá. Mạ cháu thường bảo ra sông câu cá đợi ba Thắng về. Ba cháu là bộ đội. Bộ đội đánh giặc giỏi nhất nì.

– Ba cháu là bộ đội à. Chú cũng là bộ đội đây. Ba cháu có hay về nhà không?

– Ba cháu là bộ đội giỏi lắm chứ không mất chân như chú. Ba cháu chưa về, mạ cháu nói nhất định nay mai ba cháu sẽ về. Ba về, cháu sẽ có rất nhiều quà. Mạ cháu nói rứa. Trong xóm có ông Đắc cũng bị mất một chân như chú, bà cháu nói bom đạn giặc Mỹ cướp mất chân ông Đắc. Rứa có phải bom đạn giặc Mỹ cướp mất chân, mất mắt của chú không?

– Ừ, bom đạn giặc Mỹ cướp mất chân ông Đắc, mất chân mất mắt chú thiệt đó…

Cu Hải kéo tay Thắng hỏi nhỏ:

– Chú ơi, bom đạn giặc Mỹ có làm cho ba cháu hy sinh không chú?

– Sao cháu lại hỏi chú như vậy?

– Bà cháu nói ba Thắng của cháu hy sinh rồi, không về đây với mạ con cháu nữa mô. Nhưng mạ cháu không tin, mạ nói ba Thắng còn đi đánh giặc tê tề. Ba Thắng của cháu giỏi lắm chẳng chịu hy sinh đâu chú hè.

– Rứa mạ Hòa có thương Hải không? Có nhớ ba Thắng không?

– Nè chú ơi! Nhiều lúc tức lắm, các bạn cùng lớp cứ lêu lêu cháu không có ba. Có mạ mà không có ba. Ba mày bị thằng Mỹ nó nuốt rồi. Cháu nói ba tau đi đánh giặc, có chết cũng thành liệt sỹ, bọ mạ chúng mày chết ứ thành liệt sỹ… Mạ Hòa nhớ ba Thắng lắm, nhiều đêm mạ ôm Hải khóc ướt hết gối, mạ nói mần răng ba Thắng cũng phải về chứ. Mấy bữa nay mạ đi họp trên phố. Khi mạ Hòa về cháu sẽ đưa mạ ra đây hỏi xem chú có biết chỗ ba cháu đánh giặc không chú nhé.

***

Tin người thương binh cụt chân hỏng mắt với bộ mặt cháy xạm dị dạng đang ở chòi nuôi tôm ngoài bến sông có giọng nói dáng hình rất giống anh bộ đội Thắng ngày nào đến tai Hòa khi chị vừa đi tập huấn ở huyện về. Vứt vội giỏ đồ, cặp tài liệu lên giường, Hòa tìm cu Hải, quáng quàng kéo con chạy ra bến sông. Đúng y dự đoán, Thắng đang ngồi bên gốc bần già, tay nắm chiếc cần câu có cái phao trắng xoay xoay trong gió.

– Anh Thắng… Anh Thắng…

Thắng vừa kịp quay lại thì Hòa đã kéo cu Hải ập đến trước mặt.

Năm giây, mười giây, trái đất nặng nề quay… Hòa ngồi thụp xuống, ngất xỉu trong vòng tay của Thắng, cu Hải ôm chặt lưng mạ khóc tức tưởi.

Tỉnh lại, Hòa như người mộng du. Sau khi Thắng đi, có hôm, Hòa ra bến sông, ngồi gốc cây bần suốt từ chiều hôm đến nửa đêm. Âm thầm, chao đảo, miệng muốn gọi tên người yêu mà không thể. Thắng ơi, anh đang ở đâu, chỉ một lần đó thôi, một đêm đó thôi, nó day dứt, nó khắc khoải mãi cuộc đời con gái của em. Thành đàn bà với người yêu dấu, chưa hôn thú, chưa một lời thưa gửi bậc trên, chúng mình có tội với các bậc sinh thành… Thắng ơi, anh có nhớ mùi rơm khô thơm nồng hòa quyện hương bông bần ngan ngát. Mùi hương quấn quýt, êm đềm bên dòng sông tình ái, mỗi lần nhớ đến, em không kìm được cảm xúc. Cái cảm xúc khó tả khi anh luồn tay vô đùi… Ôi! Em chết… em chết mất anh ơi… Nhưng anh ơi, em đâu có chết, trái lại em còn được nhiều lắm anh à. Anh hãy về đây cho em thưởng thức những cảm giác tuyệt vời đó nữa đi anh. Anh hãy về đây với em, với cơ thể tràn căng sự sống thanh xuân. Bộ ngực, cặp đùi, “tòa thiên nhiên” gái một con vẫn chờ anh nè. Nhiều lúc em không kìm được rùng mình, cái rùng mình ngày nào vẫn luôn ám ảnh mỗi khi anh về trong giấc chiêm bao…

Ở đồng về, ông bà Tư biết mạ con cu Hải đã kéo nhau ra bến sông, chẳng ai bảo ai quay cuồng hớt hải chạy ra theo. Từ nhà ra bến đò, nơi ngày chiến tranh gia đình được hợp tác xã giao nhiệm vụ đưa đón cán bộ bộ đội qua sông chỉ khoảng dăm sáu trăm mét mà ông bà chạy như muốn đứt hết ruột gan. Vấp lên vấp xuống, ngã chúi ngã dụi. Khi ông bà Tư ra đến nơi thì đã thấy mọi người đang cười nói vui vẻ trong chòi.

Ông chủ đầm tôm phá tan cái sự nặng nề trên khuôn mặt bà Tư bằng giọng nói khê đặc của người nghiện thuốc lào:

– Chiến tranh mà, về được như rứa là mừng lắm rồi, bà ơi. Con tui, con ông bà còn không về được nữa tề. Mũi tên hòn đạn nó có chừa ai mô. Vợ tui, con gái tui đang ngồi ăn cơm bị bom bay mất xác. Làng này, xã này hỏi có nhà nào vẹn toàn… Về được như chú Thắng đây là mừng lắm đó.

Bà Tư vén quần ngồi đại xuống cái hòm đạn đại liên chủ nhà dùng đựng gạo, giật cái mũ lá trên đầu chồng quạt lấy quạt để, miệng lu loa:

– Mừng cái khỉ khô gì, bao năm bằn bặt đợi chờ thì cũng phải xứng công chờ đợi chứ. Ngỡ là ông thánh ông tướng, súng ngắn sao vàng, oai vệ lẫy lừng… Đằng này, đã đui còn què, ngữ ấy con tui không nuôi báo cô mới lạ. Mà con gái tui có đến nỗi nào. Anh Hùng kia, đường đường là Chủ tịch huyện, giầu sang oai vệ. Tui hỏi mọi người ở đây, giữa hai người, tui ủng hộ anh Hùng thì có gì không phải nào.

Thắng với cây nạng, lập cập chống đứng dậy nói như van:

– Thưa các bác, cháu không thể ngờ lại đã được hạnh phúc làm bố. Lại càng không thể nghĩ em Hòa chờ đợi hàng chục năm ròng… Bác gái nói rất đúng, Hòa sẽ hạnh phúc khi đồng ý làm vợ anh Chủ tịch Hùng. Nhưng nếu bác nói Hòa sẽ phải nuôi báo cô cháu thì không thỏa đáng. Cháu có tiêu chuẩn Thương binh nặng, được Nhà nước chăm sóc hết đời. Con cháu cũng sẽ được hưởng quyền lợi ưu tiên…

Bà Tư đứng phắt dậy, tay vung vẩy cái nón lá tội nghiệp, cướp lời Thắng:

– Anh được Nhà nước nuôi, tui hiểu điều đó. Con anh cũng được tiêu chuẩn ưu tiên, đúng. Nhưng tui hỏi, ai nuôi nó lớn bằng này, ai vất vả đưa đón nó đi học mỗi ngày. Nếu mạ con cu Hải ưng anh Chủ tịch, về bên đó, tui đảm bảo sướng hơn tiên, ưng gì có liền, liệu anh có nuôi nó tốt hơn được không…

Thắng lập cập chống nạng đi lại bên mẹ con cu Hải lúc này đang đứng ôm nhau khóc ấm ức. Đưa tay gỡ cu Hải, loạng choạng thế nào, Thắng ngã chúi vào ông Tư đứng vô hồn bên cạnh:

– Ấy chết, anh Thắng cứ bình tĩnh… Từ từ rồi mọi chuyện cũng ổn thỏa. Ông Tư đỡ Thắng, nói giọng an ủi nhưng vẫn tỏ ra bất lực trước vợ.

Bà Tư hất hàm hỏi Hòa:

– Chừ tau hỏi mi, mi ưng thằng Hùng hay ưng thằng cụt chân mù mắt kia? Lấy chồng mà cậy mà nhờ. Người đàn ông trong nhà phải là trụ cột, trụ cột chi cái ngữ đó. Ở ngoài mi là Chủ tịch Phụ nữ, trong nhà, mi là con tau. Con tau phải nghe tau. Mi không nghe tau, mi lấy hắn, tau chết liền cho coi. Mi lấy anh Chủ tịch, mi sướng, con mi cũng sướng, tau có chút tau dựa lúc già…

Thấy vợ càng nói vẻ mặt càng giận dữ, ông Tư xoa dịu:

– Thôi, anh Thắng đã tìm về đây thì cứ vô nhà, chuyện đâu có đó. Trăm đường tránh chẳng khỏi số…

– Cũng chỉ vậy thôi. Nếu cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt thì chú Thắng lại ra đây chơi với tui, khi nào chán thì về trại. Ông chủ đầm tôm nói giọng bình thản khi quan sát thái độ của Hòa và cu Hải bên cạnh Thắng.

***

Nước chè xanh được rót ra những chiếc ly cối nhựa trong suốt, mọi người vui vẻ chuyện trò. Người vui vẻ nhất trong đám đó là cu Hải, nó chạy qua chạy lại, lúc thì bưng nước mời ông Đắc cụt chân, lúc lại chia mè xửng cho mấy đứa nhỏ trong xóm. Góc hiên, bà Tư vẫn ngồi yên lặng. Mọi ý kiến của bà nêu ra hình như không được bà con tán đồng. Bà chỉ lo con gái bà khổ, chiến tranh đã cướp hết của ông bà những đứa con trai ngoan hiền. Chỉ còn mình nó, bây giờ nếu nó đa mang người thương binh cụt một chân, mù một mắt, mặt mũi lại cháy xạm thế kia liệu có hạnh phúc không. Bà cương quyết chia cắt, gọi ông Tư và Hòa lại góc sân nói to, có ý cho mọi người nghe nữa: “Yêu với đương nỗi gì, mất tăm mất dạng hàng chục năm trời, lúc đi chẳng có lời thưa gửi, bây giờ lọc cọc nạng gỗ về đây định trói buộc con gái tui à. Mà con tui đâu có thua kém ai. Tui nói mà không nghe, tui mặc xác. Mi tưởng mi làm cán bộ mà muốn răng cũng được à. Một đằng tàn phế xấu xí, một đằng mạnh khỏe đẹp trai lại đường đường là Chủ tịch huyện”. Ông Tư cố hết sức kéo vợ vào bếp, xua Hòa ra tiếp khách: “Chuyện anh Hùng trên huyện, tôi có dò hỏi ý nó. Nhưng nó không ưng. Con gái mình chỉ chờ chú Thắng thôi, nếu không thì nó ở vậy nuôi cu Hải. Con chúng miềng cũng là cán bộ, to nhỏ gì cũng có chức có quyền, bắt nó quên người ta răng được, chúng nó đã có con có cái với nhau rồi. Mà nghe ra cu Hải hắn quý ba hắn lắm…”. Bà Tư cướp lời ông, nói liền. “Ông coi anh Hùng trên huyện mê con Hòa lắm, bữa rồi anh ấy còn gửi vải vóc, thuốc men cho ông cho tui đó thôi. Nghe nói ngày vợ anh ấy bệnh, anh chăm sóc tận tình chu đáo lắm. Con gái anh ấy cũng đã đi học Đại học rồi. Con Hòa về đó thì cứ gọi là chuột bỏ cong gạo. Con cái có của ăn của để thì bọ mạ cũng có phận nhờ… Dứt khoát cứ gả con Hòa cho anh Hùng, còn cái nhà anh thương binh kia cứ để anh ta trở về trại an dưỡng. Tui nói cha con ông không nghe, tui chết liền cho coi”. Ông Tư dìu vợ lên nhà, nói nhỏ với con gái lúc này vừa chạy xuống đứng kế bên: “Con lên tiếp khách giùm bọ mạ, nói mọi người mạ mi khó chịu trong người đi nằm sớm…”

Khi khách khứa xa gần đã về hết, Hòa bảo cu Hải bóp đầu xoa lưng cho bà ngoại, rồi ba cha con kéo nhau vô bàn ngồi uống nước nói chuyện.

– Thưa bọ, con biết bọ thương con, muốn thu vén cho chúng con nhưng thực tình con cũng thấy tội cho Hòa. Con nói thế này bọ và Hòa thông cảm cho, ngày mai con sẽ về trại an dưỡng, con sẽ cố quên đi mọi chuyện…. Em nghe lời mạ đi Hòa. Ở với anh em sẽ khổ, tương lai mờ mịt… Em cứ coi như anh đã chết từ ngày nào. Em nên lập gia đình với anh Hùng đi cho bọ mạ nhờ lúc tuổi già xế bóng.

Hòa giơ tay che miệng Thắng, nói nhỏ:

– Còn anh, anh sẽ sống ra sao khi không có em, không có cu Hải.

– Lâu nay anh vẫn sống không có em đó chứ. Còn cu Hải, thì bây giờ anh mới biết mình đã có hạnh phúc được làm cha. Lần này về trại, anh sẽ xin làm chế độ cho con, nếu có thể, anh sẽ đưa nó về nuôi dạy để em được thanh thản lấy chồng. Thực tình con thương bọ mạ lắm, con không quên được bữa cháo hến mạ nấu hạt nén trước khi con đi chiến đấu. Nồi cháo thơm phức chưa kịp múc ra chén thì pháo kích của giặc từ ngoài biển tới tấp nổ. Chạy xuống hầm trú ẩn, khi yên tĩnh trở lại, mọi người lên thấy nồi cháo đổ tung tóe, mạ chỉ còn múc được một chén nhỏ đưa cho con. Bát cháo hến đó, con nhớ mãi trong đời, con nhớ mạ chúc con lên đường chân cứng đá mềm, chiến thắng trở về nghe Thắng. Dù có mần răng đi chăng nữa con cũng về với em Hòa, với bọ mạ nghe con. Nhớ lời mạ dặn bữa đó, con quyết trở về. Không ngờ…

Ông Tư yên lặng ngồi nghe, giờ mới lên tiếng:

– Anh Thắng thông cảm cho bọ mạ. Không phải mạ không nhớ, không thương các con nhưng vì hoàn cảnh nhà ta éo le quá. Thằng cả, thằng hai hy sinh ở mặt trận phía Nam, đến giờ chưa tìm được hài cốt, thằng ba năm 1980 đi đánh giặc bên nước bạn về đến đèo Cả thì xe đứt thắng, chết tai nạn giao thông. Cấp trên bảo không được liệt sỹ, chỉ được tử sỹ thôi. Giờ chỉ còn một mình em Hòa, mạ lo là lo cho mạ con cu Hải. Mạ con bảo Thắng hãy quên mạ con cu Hải đi, con có khổ thì chịu khổ một mình đi, đừng làm mọi người khổ lây sang. Mạ con nói, nếu không ai nghe, mạ con ra sông cho biết.

Không khí nặng nề, nghẹt thở, Hòa bàn với Thắng:

– Anh tạm thời cứ về trại an dưỡng, mọi chuyện ở đây em lo…

***

Trở lại trại an dưỡng, bạn bè hỏi bến cũ người xưa, Thắng thành thực kể, đã có con trai mười tuổi, đang học lớp bốn, mẹ nó là cán bộ Phụ nữ. Nếu Thắng không tìm về bữa đó thì “người cũ” đã rất hạnh phúc, phu nhân Chủ tịch huyện… Chưa biết tân lang của “người cũ” thế nào, nhưng nghe mọi người nói, anh ta rất thương yêu mẹ con cu Hải. Mình khổ một mình, đừng làm cho Hòa và cu Hải khổ lây. Mình không trở lại nơi đó nữa. Không có mình, Hòa sẽ lấy anh Hùng, Chủ tịch huyện. Cầu chúc cho mẹ con cô ấy nhà cao cửa rộng, sống hạnh phúc… Như vậy mình mới yên tâm. Hòa mà ở với mình, mẹ con sẽ khổ, ông bà ngoại cu Hải cũng khổ… Những sự nghèo khổ ấy, mình gánh nổi được sao?

***

Bóng chiều ảm đạm, mặt trời khuất sau dãy núi phía Tây. Bà ngoại cu Hải nhận được tin sét đánh từ miệng chồng: “Con Hòa nghĩ quẩn, nó bỏ công việc, bỏ bọ mạ con cái xuống tóc đi tu rồi bà ơi… Tui đã nói mà, già néo đứt dây. Vợ chồng là cái duyên cái số…”. Cu Hải nghe ông ngoại nói, chạy lại ôm lưng bà khóc tức tưởi:

– Bà ơi! Mần răng bà he. Mần răng bà he…

Bà Tư nói to, trấn tĩnh chồng và cháu ngoại:

– Tui khôông tin mô! À he, hắn là Chủ tịch Phụ nữ xã mần răng hắn khờ dại rứa hè. Hắn là Đảng viên đó mà. Răng hắn nghĩ nông cạn rứa he. Tui dọa hắn ra sông chết chứ tôi có chết mô. Chừ mần răng he…

Ông Tư hạ giọng:

– Mạ mi nói răng he, tại mạ mi hết đó nờ. Anh Thắng chẳng quản thương tật sức khỏe, lặn lội về tìm con miềng, mần răng mạ mi cứ nặng nhẹ với anh đó mần chi. Chừ mất con cả hai đứa, cháu ngoại mình bơ vơ… Chừ mạ mi bình tĩnh lại tui coi.

Bà Tư vuốt nhẹ bộ ngực lép xẹp, nuốt cục tức xuống cổ nghe cái ực:

– Đảng ơi là Đảng ơi! Đảng có dạy con Hòa giận bọ giận mạ mà bỏ đi tu. Mười tám tuổi đầu đã vào Đảng, đã được học đứng vững khí phách của người Đảng viên. Kiên định lập trường mô hết rồi. Mạ mi mới nói ngăn không cho mi yêu thương người tàn phế, mi đã xử sự tiêu cực rứa he. Mi giỏi giang kiên định mà không biết nói cho bọ mạ hiểu rõ. Tình cảm vợ chồng con cái mi có sâu nặng như con sông Kiến Giang kia không, dẫu có sâu nặng đến mấy thì cũng phải nói ra cho bọ mạ biết chớ răng mi lại bỏ đi tu. Thôi, chừ tui nói ông vô trại an dưỡng của thằng Thắng, kêu nó về đi đón con Hòa…

***

Cổng chính Trại an dưỡng thương binh nặng, chiều thứ Bảy. Xe máy, xe tắc xi đón, rước thương binh đông nghẹt. Mấy chú bé chừng năm sáu tuổi được mẹ đưa đến đón bố về nhà nghỉ cuối tuần cười phô hàm răng sún trông thật ngộ nghĩnh. Ông cháu cu Hải ngập ngừng trước cửa phòng đón tiếp thân nhân. Trả lại giấy tờ tùy thân cho ông Tư xong, cán bộ Trực ban quay máy điện thoại, nói chuyện với ai đó. Năm phút, bảy phút trôi qua nặng nề…

– Thưa bác, bây giờ cũng đã muộn, trại sẽ bố trí để ông cháu bác nghỉ lại. Sớm mai sẽ có người đưa ông cháu bác ra bến xe về quê. Đồng chí Bùi Đức Thắng đã làm thủ tục về an dưỡng cùng gia đình ở quê mấy bữa nay rồi…

– Không phải mô, quê Thắng có còn ai mô. Con trai chú ấy đang bắt đền tui đưa hắn vô đón cha đây nì. Chú Thắng bỏ đi, con gái tui bỏ công bỏ việc, bỏ bọ mạ, bỏ con cái vô chùa tu rồi…

Cu Hải nghe ông nói vậy chạy lại níu áo cán bộ trực ban:

– Chú ơi, chú gọi cha cháu ra về với mẹ con cháu đi. Chú giúp mẹ con, ông cháu cháu đi… Cháu lạy chú mà…

Người cán bộ trực ban len lén lau nước mắt, quay số điện thoại…