Tập truyện ngắn thứ ba của Nguyễn Vinh Huỳnh vừa được NXB Hội Nhà văn ấn hành đầu năm 2015, có cái tên khá độc đáo: NG! 15 truyện ngắn trong tập là mảng đề tài mà tác giả thông thuộc: Giới trẻ với những khát vọng làm giàu, đổi đời, bươn chải trong sự cạnh tranh khốc liệt của cơ chế thị trường. Bên cạnh đó là lớp già với những “người sót lại của ngày xưa”, một phần lơ ngơ không hợp với thời cuộc, phần khác thì lại “không ra gì”, thậm chí “rất không ra gì”…
Truyện của Vinh Huỳnh là truyện của người trẻ, của những vấn đề của cuộc sống hôm nay. Bạn đọc có thể gặp những tình huống ấy trên các báo viết, báo mạng. Rất quen. Vấn đề là những tình huống, những mẩu tin, những mảnh ghép hỗn độn trong cuộc sống như thế được tác giả dựng lại thành truyện, có nhân vật, có đối thoại, có lớp lang đàng hoàng. Người đọc bị cuốn vào và say sưa, hồi hộp theo dõi, không biết kết cục sẽ ra sao. Đó là nhờ kỹ thuật, nhờ năng lực của người viết.
Có thể nói trong truyện ngắn, chi tiết sống động là một trong những yếu tố quan trọng để gây hứng thú hấp dẫn và ràng buộc người đọc. Trong tập truyện này, không hiếm những chi tiết như thế. Những chi tiết đó được trải nghiệm, được quan sát từ đời sống và cố nhiên, cả từ sách vở nữa. Một đoàn cán bộ đi nước ngoài để kiểm định công nghệ mà chẳng ai có chút chuyên môn nào. Chẳng ai đọc hồ sơ dày hơn từ điển bách khoa. Mục đích chỉ là cả đời mới có dịp đi Mỹ, cố tận dụng thăm thú cho đã. Vì thế, nghe thuyết trình xong người ta hỏi cả chục lượt xem có ý kiến gì không thì cả đoàn cứ lắc đầu quầy quậy, rồi hỏi đã đọc hồ sơ chưa thì cả đám im như thóc ( – Vẹt! – Dạ). Một ông lão nhà quê, lần đầu tiên bước vào khách sạn sang trọng, tìm mãi chưa ra cái chỗ đi vệ sinh (Gái quê). Một mánh lới, vặt vãnh để cạnh tranh, chèn ép nhau thể hiện sự khôn lỏi làm ăn trong thương trường được coi như văn hóa kinh doanh thời thượng: Đến nhà sếp bé thì phải đi xe cho thật là oai, thế nó mới nể, mới khiếp, mới chọe được. Còn đến nhà sếp lớn thì phải đi gọn nhẹ, đơn giản, người ngoài mới không để ý, đỡ bị lộ (Cạnh tranh) v.v..
Trong nghệ thuật truyện ngắn thì việc dựng truyện của người viết thể hiện bút lực và tay nghề. Vinh Huỳnh không chỉ giỏi chọn chi tiết, biết cách kể, giỏi miêu tả, mà điều quan trọng là thành thạo dựng truyện. Chỉ một vài câu ngắn gọn, người đọc đã bị cuốn hút ngay vào tình huống truyện. Rồi cứ thế, như có một sức cuốn hút ngầm, theo tác giả đi hết mạch truyện. Đó chính là lối viết “động” của giới trẻ bây giờ. Không ít những truyện bất ngờ nhưng lại hợp lý. Anh phiên dịch Bách có biệt danh là Vẹt có chí nuôi mộng làm quan, được sếp lớn chọn làm trợ lý “cơ hội thăng quan tiến chức như diều gặp gió” lại đệ đơn xin nghỉ việc, bỏ cái chỗ mà người khác chạy mãi chưa chắc đã vào được (- Vẹt! – Dạ). Tay người hùng ra tay trên xe khách làm việc nghĩa hiệp hóa ra là trùm lừa đảo gái quê bán trinh cho khách nước ngoài (Gái quê). Ông thầy giáo phải làm mọi thủ đoạn để cạnh tranh (cười với thằng ngáng chân mình, gặp người không đáng gặp, rút thiết bị an toàn để giá rẻ, bỏ tiền túi ra tổ chức tiệc ở “thanh lâu, tửu lầu”…) lần đầu tiên làm việc đã thắng thầu. Nhưng rồi đệ đơn xin nghỉ vì không hợp công việc này và cho phép không nói lý do (Cạnh tranh)…
Dẫn dắt người đọc bằng những tình huống bất ngờ, đột ngột, không đoán trước. Mặt khác, tác giả còn dẫn dắt bằng lối tự sự khách quan, linh hoạt, bằng ngôn ngữ của người kể chuyện vừa nghiêm trang, lọc lõi, vừa đượm vẻ hài hước, đôi khi thâm trầm, kìm nén… Tính chất hài hước, diễu nhại cũng là một nét nổi bật. Đó là điều khá hiếm hoi trong văn xuôi đương đại. Giọng điệu trần thuật khá lôi cuốn cũng là một ưu điểm đáng kể. Bên cạnh đó, khả năng miêu tả là một mặt nổi trội của tác giả.
Nhìn chung, tác giả tỏ ra kiệm lời khi miêu tả. Cách thể hiện tương đối khách quan. Các nhân vật được đặc tả bằng đôi nét, thể hiện bằng một hai câu vần vèo, khái quát, gây ngay ấn tượng. Chẳng hạn, văn sĩ Tỉnh ho ra thơ, thở ra văn. Cô thủ thư điệu đàng thì mắt rang lạc, miệng chích chòe, người đẹp Thị Thành đùi dài, da trắng, tóc tém, môi cong, mặt nữ hoàng, chân xăng đan, quần ống vẩy và bộ ngực thần sầu… Không hiểu có phải dụng ý xóa nhòa ranh giới giữa bình dân và cao cấp không mà tác giả không ngại đem những từ ngữ dân dã, chợ búa còn tươi ròng như vừa chộp được ngoài đời để làm cho ngôn ngữ trần thuật biến hóa, linh hoạt. Ví dụ các câu thành ngữ dân gian đương đại nhưng có cải biên: Ăn chơi sợ gì mưa rơi; OK con dê; Nhục như đinh mục; Oách hơn nghị Hách; Hồn nhiên như cô tiên; Đồng tiền đi liền chân lý… Ngôn ngữ của người kể chuyện nhìn chung là biến hóa. Điểm nhìn trần thuật thay đổi. Khi thì xưng tôi, khi thì nhập thân vào một vai trong truyện, khi là lời một cô gái gửi thư cho chị …
Có một điều ở Vinh Huỳnh làm cho tôi vừa thấy vui vui lại cũng có thoáng chút “lăn tăn”. Ấy là tác giả thường thay tên đổi họ những đứa con tinh thần của mình. Trước đây, truyện “Trai làng” được sửa thành “Thăng trầm”. Truyện “ Chuyện tình tang” được sửa thành “Tình cho không biếu không”; “Ông lão về hưu” được sửa thành “Về hưu”. Những lần sửa như thế, vừa có cắt bớt, vừa có thêm vào để truyện được đầy đặn, hoàn thiện hơn. Ở tập truyện thứ ba này cũng vậy. Truyện “ Nghe em vào phụ sản” được sửa thành “NG” và lấy làm tên chung cho cả tập. Truyện “Trợ lý đại diện” được sửa chữa, viết thêm để thành “Chỉ có tiền mới giải được tiền”. Anh chàng Sỹ trong truyện giờ lại có tên mới là Chân. Ông John giờ thành ông Bill. Truyện được viết thêm đến 10 trang in, có thêm nhiều chi tiết cho việc chi phí phát sinh, bôi trơn từ sếp tổng, madam kế toán trưởng, đến các công nhân cổ cồn. Đến nỗi cuối cùng thì Bill mất việc vì ông ta không thể “vi phạm nguyên tắc”. Còn Chân thì chua chát nghĩ về sự TRUNG THỰC: Tôi đã rất cố gắng học từ ông nhưng dường như khó, rất khó, thậm chí là bất khả. Nhân vật Sỹ đã sống trong “Trợ lý đại diện”. Theo tôi không cần thay tên anh ta. Truyện viết thêm này vẫn có thể mang tên “Chỉ có tiền mới giải được tiền” nhưng có thể có phụ đề “phần 2 của Trợ lý đại diện”. Giống như tác giả đã làm với “ Không ra gì” và “Quá không ra gì”. Một khi nhân vật đã chào đời, không nên thay tên đổi họ, vì dù sao, người viết cũng cần tôn trọng nó, tôn trọng bạn đọc (trừ trường hợp đặc biệt).
Được biết, ngoài tập truyện ngắn thứ ba này, Vinh Huỳnh đang có hai bản thảo. Một truyện dài trích đoạn có tên “Tiếng sột soạt của xiêm y”. Một tiểu thuyết “Con buôn” mà trích đoạn trong “Năm người đi ngược gió” khá ấn tượng. Có thể nói, Nguyễn Vinh Huỳnh đang viết rất… khỏe!
Theo VŨ NHO (Văn nghệ quân đội)