Lâu nay bạn đọc rộng rãi trong cả nước ít nhiều đã biết đến một cái tên Vũ Thiên Kiều. Chị đã có ba tập thơ xuất bản. Chị đã từng nhận được một số giải thưởng thơ/ truyện trong nước. Thi thoảng chị xuất hiện trong các sinh hoạt văn chương tại thủ đô. Chị cũng đảm nhận đôi công việc do Hội nhà văn Việt Nam tin cậy trao gửi. Nhất là thấy chị sở hữu/ chăm chút cho cái trang Facebook, một phương tiện truyền thông đại chúng hiện nay. Tuy nhiên, bảo là biết đến Vũ Thiên Kiều trong tư cách nhà thơ thì cũng mới chỉ thoang thoáng vậy thôi…

Nhưng cho đến tập thơ Đói những ngọn môi xuất hiện lần này, tôi tin chị có một gương mặt xác định trong làng thơ trẻ Việt Nam đương đại. Chắc chắn thế!

Không gian sống như một nguồn cảm hứng thi ca của Vũ Thiên Kiều là vùng đồng bằng sông nước Cửu Long, cụ thể hơn, vùng Kiên Giang, nơi chót cùng Tây Nam Tổ quốc. Trong thơ chị có đôi bài gần như là tự bạch, sống lại cái thời tuổi thơ/ thiếu nữ của mình (Sấm chớp phù sa, Rấm rứt phận người). Ăn ở giữa một vùng sông nước kênh rạch, nơi hình thế đồng bằng, núi non, biển cả; nơi hoa trái cá tôm đìa ruộng quanh năm, nơi chen nhau làng ấp và phố thị, nơi chung sống của nhiều nguồn dân cư với những nét văn hóa độc đáo khác nhau (mà tác giả lại là người gốc Bắc di chuyển vào Nam từ tấm bé), nơi của miền đất trẻ…,Vũ Thiên Kiều đã có cách cảm nhận về đời sống rất riêng. Sự sống hiện lên trong thơ chị theo cách của một trạng thái đang thì, đang sinh sôi nảy nở, động cựa, đang trong quá trình, đang là. Nó ngược lại với một sự sống đã là, xong xuôi, đã thành tựu, tĩnh lặng, lên rêu. Một thế giới bừng bừng hương sắc, hình khối hiện lên như một phô bày, như muốn đoạt tranh: “sau mưa bừng tỉnh cõi khát/ mơn mơn hoa cỏ đua chen/ nấm đội đất bung biêng ô mặt phấn/ rắn bện nhau song sóng những cuộc tình” (Sau mưa); “mía ôm mắt bình minh mừ mật/ bãi bồi neo tím triền sông/ chè xanh địu nắng chiều/ cò trắng vẽ bông hoa trời/ giếng làng đỏ mặt thiếu nữ” (Trở dạ)… Thơ Vũ Thiên Kiều có vô số những câu thơ xôn xao như thế. Đây là một cảm quan tích cực về sự sống. Người thơ như hân hoan sống cùng, hân hoan thụ hưởng, hân hoan tỏ bày không giấu giếm. Mỗi bài thơ của Vũ Thiên Kiều bao chứa một cảnh tượng sống chen chúc các tạo vật hiện lên cùng lúc, đan hòa các màu sắc, đường nét, hình khối, âm thanh… Đó là gì nếu không phải là niềm yêu sống, là niềm tha thiết với sự sống này, là ý thức tự nguyện gắn bó máu thịt, trực diện, tràn đầy hứng khởi với cuộc sống trần thế này. Thơ Vũ Thiên Kiều cơ hồ không biết đến những trạng thái tinh thần có tính phá hủy. Sự sống tích cực, tự bản thân nó hàm chứa vẻ đẹp nhân văn.Đọc vào thơ Vũ Thiên Kiều, thấy toát lên hai ấn tượng rất mạnh: một, thơ chị là nơi sự sống phồn sinh được cất lên trong dạng thức động cựa, giao hòa, trương nở với một cường độ mạnh; và hai, cảm thức tính dục tràn ngập, lan tỏa.

Tình yêu luôn là một xung lực đem đến năng lượng sống, kích hoạt sự sống. Bản thân tình yêu bao giờ cũng chỉ đẹp đẽ và bí ẩn trong tư thế đang là của nó. Kết thúc của một tình yêu cũng là lúc sự sống có nguy cơ dừng lại, thậm chí chạm vào điểm chết. Chính vì thế, tình yêu là một trong những biểu đạt kết tinh nhất, rõ rệt nhất về sự sống. Đi theo tinh thần này, thơ Vũ Thiên Kiều có số lượng bài thuộc khu vực thơ tình chiếm vị thế áp đảo.

Tình yêu và thơ tình là câu chuyện xưa như trái đất. Nhưng biểu đạt tình yêu như thế nào trong thơ lại là câu chuyện luôn luôn mới của mọi thời, của mọi người.

Tôi bị thuyết phục trước những cách biểu đạt này: “sỏi mang em trong trái tim khóa chặt/ cho giấc mơ viên kim cương triệu năm sau (Sỏi); Không chảy về phố/không rơi về làng/ anh lơ lửng/ một đời em đuối nước (Cởi trần bến khát); một nắm đạm thương rên rẩm nhớ/ ngày rộp đói những ngọn môi hỷ xả (Ngày rộp đói những ngọn môi)…

Tôi có thể dẫn ra không ít những câu thơ độc đáo như vậy. Nhờ cách nói mới, lại viết trong một nhiệt hứng thành thực, nên những câu thơ tình của Vũ Thiên Kiều có khả năng thôn tính người đọc.

Tôi muốn nói đến điểm cuối cùng trong bài viết nhỏ này: nhà thơ Vũ Thiên Kiều có một bảng ngôn từ thơ hết sức độc đáo và thú vị. Về điểm này, có thể nói được nhiều, nhưng tôi chỉ muốn nhắc đến hai nét: thứ nhất, các câu thơ Vũ Thiên Kiều phần lớn tồn tại trong dạng thức câu hành động mà trung tâm của nó là động từ; và thứ hai, ngôn từ thơ mang đậm đặc cảm thức tính dục.

Như đã nói trên kia, để làm nên những cảnh tượng sự sống phồn sinh, Vũ Thiên Kiều đã sử dụng hàng loạt các động từ gắn liền với các hình ảnh khá sinh động. Ở bài nào cũng vậy, nhưng tôi chỉ làm một thống kê nho nhỏ trong bài Sấm chớp phù sa để minh chứng cho điều này. Phân bố trên hầu hết các dòng/câu thơ là các động từ: rụng, trèo, hớt, ưỡn, thở, trồi, sinh, cười, lục (tung), quên, đổi, bụp, reo, uốn, xoáy, bện, rơi, ủ, mở, cạp, ngậm, giấu, bừng, cười, ken, đổi (công), rẽ, trườn, cõng, ngó (lung), ôm, cộng hưởng, bừa, gối (đầu), nghe, nhộn, đón, thắt, tạo dáng, xuyên, co, lặn, chụp, đẻ, đu, mở, làm tổ, phả (hơi). Như vậy, tổng cộng có 49 động từ trên 47 dòng thơ. Một tỉ lệ vượt trội như vậy, nói cho ta biết thơ Vũ Thiên Kiều là thơ của những hoạt động, chuyển động, va xiết, chà sát, giao tình, và sinh nở. Đọc những bài thơ như vậy, người đọc như bị hút/ kéo vào để thưởng ngoạn những cuộc tạo sinh của người và vật, của cảnh và tình, và đương nhiên của chữ và nghĩa.

Cũng không kém phần bung nở của các động từ, ở những bài thơ tình, Vũ Thiên Kiều không ngần ngại biểu đạt khi gần khi xa một cách táo bạo nhưng không lộ liễu cuộc ái ân qua những náo động tâm/ thân. Đây là những động từ trong Rung riêng ngày mới: reo, cười, vòng tay, hôn, lay, thêu, gánh, hẹn, nhớ, làm nũng, cậy, đón, gói, lấm, vút, quấn, tan, giao (dòng). Một ngày mới hừng lên những giao hoan, những yêu đương. Ngay cả khi không hẳn hoàn toàn viết về tình yêu, thơ Vũ Thiên Kiều vẫn cứ chộn rộn một thế giới động từ hôi hổi xuân thì như vậy: ghì (sương), bú (mật), gieo, miết, theo, đếm, đãi, gắt (cành), rụng, lục, chuốt trau, lùa, dắt, đợi, dậy (ngày), nút (Tràm chưa nút em). Toàn những động từ họ hàng xa gần với hành vi tính giao của muôn loài muôn vật và của chính con người. Hàng loạt những bài thơ được kiến tạo theo cách như vậy. Có thể nói rằng, cảm thức tính dục như một xung lực chi phối hết sức rõ rệt lên vùng chữ riêng của Vũ Thiên Kiều.

Các câu thơ được kiến tạo bằng hạt nhân trung tâm là các động từ. Chính điều này đã làm nên tính hiện đại của thơ Vũ Thiên Kiều. Thơ nói về sự sống. Và bản thân nó cũng là một sự sống – sự sống thơ. Dĩ nhiên, cần nói thêm: chỉ có động từ không thôi, cũng chưa thể làm nên phẩm tính thi ca. Đi liền với động từ, trước/ sau, bên cạnh, hoặc cách quãng là chỗ của các hình dung từ, các hình ảnh, và còn là nhịp điệu như một yếu tính của thơ. Tất cả tham gia vào việc kiến tạo nên vẻ đẹp của từng câu thơ và vẻ đẹp toàn bài. Không ít những bài thơ của Vũ Thiên Kiều có được vẻ đẹp đó.

Có một số người khi đọc thơ Vũ Thiên Kiều bảo rằng khó hiểu. Có lẽ phải tính/ nghĩ khác. Thơ và văn chương, nghệ thuật nói chung hết sức đa dạng. Có tác phẩm để hiểu. Có tác phẩm muốn hiểu cũng rất khó. Có tác phẩm thấy rõ ra một vài nghĩa này nghĩa nọ. Nhưng cũng có tác phẩm chỉ là những phỏng đoán bất tận, mơ hồ. Những tác phẩm đó chỉ để cảm thôi. Cảm nhận bằng trực giác mỹ học của riêng mình. Với một số bài thơ của Vũ Thiên Kiều, theo tôi, người đọc hãy thả lỏng mọi tri nhận thông thường để có thể cảm thấy một điều gì đó thuộc về sự sống.

Tuy nhiên, vẫn cần phải nói thêm rằng: mọi sự bung phá để đạt tới cái lạ, cái khác ở tầm cao chỉ có thể là kết quả của cuộc suy tưởng văn hóa, triết học thâm trầm và bền bỉ. Điều này không chỉ cần cho Vũ Thiên Kiều, mà cần cho tất cả những người cầm bút theo đòi nghiệp chữ.


Xin giới thiệu chùm thơ trong tập thơ của chị:



BÚI CHỔI MẮT ANH

 

khuya

muỗi đã rủ nhau đi đẻ

mãi chổi mắt anh

quét bầm em từ các góc tường

 

lẫn trong gió muộn

phím mồ côi

tiếng đàn nghẹn lồng ngực Bá Nha

nhặt kiếp Tử Kỳ


phơi lá đỏ mong mùa đựng chín

ruột nối một dây

căng

đứt đoạn giữa chừng


ngày té nước tỉnh hàng cây so đũa

gởi chuyến xe đông xoắn những vạt rừng

nôi sủng ái bấm bắt đầu nốt tĩnh

rộ ớt nhả neo

váy nép vội vào da


một em thức

lục đục dòng nóng hổi

cối gọi chày cả thẹn mắng hạt tiêu


chữ trộn sen và thơ thắt nút

búi chổi mắt anh bền bỉ đãi màu

nhuộm lòng em

xoan tím.


CON ĐƯỜNG CỦA KIẾN


Em thức giấc khi nghe hương tràm dìu dịu hôn lên môi lên mắt. Ngày mới đã bắt đầu. Ngày mới của những lo toan, bận bịu nhưng cũng đầy háo hức. Em đã thức như thế từ bao ngày rồi nhỉ?

Em ngắm con Kiến nhẫn nại bò dưới đất. Nó tìm gì? Nó một mình trên con đường rộng thênh thênh và đầy những hiểm nguy đón đợi.

Nếu nhỡ trên mạch di chuyển ấy ngẫu nhiên có một bàn chân đang bước. Nếu nhỡ trên mạch di chuyển ấy có một dòng nước nóng ai đó vừa tráng ly đổ xuống.

Nếu nhỡ…

Kiến không có cánh để bay. Dường như nó hiểu mỗi cuộc du hành thì xác suất của sự an toàn trở về tổ là rất thấp. Thế nên, nó miệt mài tìm những con đường ngoằn nghèo thậm chí là có địa hình hiểm trở để mỗi lần ra đi lại nguyên vẹn ngày trở lại.

Nó cũng mơ lắm một xa lộ cho tất cả các loài vật được tự do tung tăng cất bước mà không phải sợ gì.

Nó cũng mơ lắm một con đường xiu xíu dành riêng cho các loài Kiến.

Mỗi ngày, từ những con đường ngoằn nghèo hiểm trở ấy nó đã bì bõm lặn lội đi tìm thức ăn tha về tổ dự trữ. Những thức ăn ấy cũng chẳng có gì là của ngon vật lạ. Đó có thể chỉ là một hạt gạo, một hạt đường vừa rơi vãi hoặc là một cọng rau, một vỏ củ ai đó vừa vứt bỏ.

Nếu lúc xuất hành ra đi gian khổ một thì nẻo về còn khó khăn vất vả gấp trăm lần. Kiến phải gồng mình lên để kéo hạt gạo đi theo hướng giật lùi, kéo chán thì đẩy, đẩy chán lại ngoạm ngang eo hạt gạo mà tiến. Đây thật sự là một cuộc chiến thử thách tính kiên trì của Kiến. Vừa thồ vừa quan sát chọn lối đi an toàn cho tính mạng và tài sản vừa nhặt được. Cứ thế cứ thế Kiến đi. Có ai đồng hành cùng với Kiến? Có ai nhìn thấy nó lúc hoàn thành sứ mệnh khi đặt chiến lợi phẩm nằm gọn trong tổ. Rồi như không biết mệt mỏi, cũng không kể lể báo cáo thành tích, nó lại âm thầm hối hả với chuyến tiếp theo. Một câu hỏi chợt nảy ra: Kiến có ngủ không nhỉ? Chỉ thấy nó rất cần mẫn lao động, cần mẫn lao động một cách đáng nể. Và sự nỗ lực của những bàn chân, bàn tay bé xíu như không thể bé hơn được nữa đã viết lên câu ca dao để đời mà ai cũng thuộc lòng: “Kiến tha lâu đầy tổ”.

Em bẻ một mẩu bánh để nhẹ nhàng trước đường đi của Kiến.

Em hít một hơi thật dài hương tràm và dắt xe ra cửa.

Em đi làm bằng con đường của Kiến!


NGÀY RỘP ĐÓI NHỮNG NGỌN MÔI


thang nấc xuống xót chân người mỏi

mây rũ bò ngang

kiệt xác vắt


mưa thùng thình rộng…


một nắm đạm thương rên rẩm nhớ

ngày rộp đói những ngọn môi hỷ xả


cháo trắng kê đêm bột nêm kê sáng

vầng gió sôi lòng vòng

nâu cội đất hay nâu nước mắt

lửa ngọt từ bi


quả dỗ đỏ mùa áo ngỏ

van hy vọng nằm im

đò chậm mái…


mọt dũi vào tai mắc mớ…

 

Văn Giá

Nguồn: Văn Nghệ Quân Đội