Từ 2009 đến 2013, trong vòng 5 năm, mỗi năm, Đặng Cương Lăng lần lượt trình làng một tập thơ mới qua Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Đó là “Trở về”, “Thắp lửa”, “Khát vọng”, “Đất làng” và “Mùa thiêng”. Chưa kể, cũng trong khoảng thời gian ấy, thơ Đặng Cương Lăng còn in rải rác trong nhiều tập thơ chung cùng nhiều tác giả khác và kịp để lại nét riêng của anh qua việc đoạt một số giải thưởng: Giải nhất cuộc thi thơ “Ngàn năm hồn Việt” năm 2011, giải nhất cuộc thi thơ “Đạo nghĩa” năm 2012, giải tư cuộc thi thơ “Thơ ca và cội nguồn” năm 2011…Điều này cho thấy khát vọng thơ và cuộc bứt phá thơ trong con người thi sĩ họ Đặng ở chặng đường đầu, đáng kể đến mức nào.

Trích ngang Tập thơ Mùa thiêng

Đặng Cương Lăng
Quê quán: Bình Lục – Hà Nam
Hiện công tác Vụ Kế hoạch – Bộ Nông nghiệp và PTNT
Cử nhân kinh tế
Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội
Đã xuất bản:
Những tập thơ in riêng:
+ Trở về (Nhà XB Hội nhà văn năm 2009)
+ Thắp lửa (Nhà XB Hội nhà văn năm 2010)
+ Khát vọng (Nhà XB Hội nhà văn năm 2011) 
+ Đất làng  (Nhà XB Hội nhà văn năm 2012) 
+ Mùa thiêng (Nhà XB Hội nhà văn năm 2013)
Những tập thơ in chung:
+ Vẫn đợi, Với chờ (NXB Văn nghệ)
+ Muôn sau tuyệt vời (Nhà XB Văn học 2010)
+ Trọn niềm mơ ước (NXB Văn nghệ 2010)
+ Tuyển tập thơ của Nhà XB Văn học Việt Nam 2010
+ Lộc phát canh dần (NXB Công an ND năm 2010)
+ Thơ Sáu và Tám (NXB Công an ND năm 2010)
+ Người Hà Nội (NXB Lao động năm 2010)
+ Thổ ngữ những vùng đất (NXB Hội nhà văn năm 2011)
+ Tập thơ Tủ sách nhà văn (NXB Hội nhà văn năm 2012) Tập I
+ Lộc phát Nhâm Thìn (NXB Công an ND 2012)
+  Tập thơ Tủ sách nhà văn (NXB Hội nhà văn năm 2012) Tập II
+ Tập thơ Tiếng lòng (NXB Hội nhà văn năm 2012)
+ Tập thơ Sáu và Tám Quý Tỵ 2013 (NXB Công an ND 2013)
+ Tập thơ Văn minh sông Hồng (NXB Lao động 2013)
+ Tập thơ Lửa quê (NXB Hội nhà văn 2013)
+ Nhiều Tác phẩm thơ, bài viết in trên các báo, tạp chí Trung ương và địa phương.
+ Một số Tác phẩm thơ được phổ nhạc và nhiều bài thơ đăng tải trên các trang Web.

Giải thưởng văn học:

1. Giải nhất cuộc thi thơ “Ngàn năm hồn Việt” năm 2011 do Wetside Lucbat.com, Câu lạc bộ thơ Việt Nam và báo Người cao tuổi đồng tổ chức.
2. Giải tư cuộc thi thơ “Thơ ca và cội nguồn” năm 2011
3. Giải nhất cuộc thi thơ về “Đạo nghĩa” năm 2012.

Lời giới thiệu
THƠ ĐẶNG CƯƠNG LĂNG

TỪ “TRỞ VỀ” ĐẾN “MÙA THIÊNG”

Nhà thơ Đặng Huy Giang
(UV.Hội đồng thơ Việt Nam)

Từ 2009 đến 2013, trong vòng 5 năm, mỗi năm, Đặng Cương Lăng lần lượt trình làng một tập thơ mới qua Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Đó là “Trở về”, “Thắp lửa”, “Khát vọng”, “Đất làng” và “Mùa thiêng”. Chưa kể, cũng trong khoảng thời gian ấy, thơ Đặng Cương Lăng còn in rải rác trong nhiều tập thơ chung cùng nhiều tác giả khác và kịp để lại nét riêng của anh qua việc đoạt một số giải thưởng: Giải nhất cuộc thi thơ “Ngàn năm hồn Việt” năm 2011, giải nhất cuộc thi thơ “Đạo nghĩa” năm 2012, giải tư cuộc thi thơ “Thơ ca và cội nguồn” năm 2011…Điều này cho thấy khát vọng thơ và cuộc bứt phá thơ trong con người thi sĩ họ Đặng ở chặng đường đầu, đáng kể đến mức nào.
Chính sự gặp gỡ giữa lòng đam mê, sự tác động khách quan, nhu cầu tự thân cùng với nguồn cảm xúc dồi dào đã giúp Đặng Cương Lăng làm nên một vài thành công ban đầu ấy. Và làm nên dấu ấn là những chi tiết thơ, những tứ thơ qua nhiều bài thơ. Đó là “Chị tôi”, “Đất làng”, “Phúc – họa” đã in trong tuyển thơ Hà Nam mang tên “Lửa quê” mới được ấn hành gần đây. Những câu thơ: ‘Từ nay rũ sạch phong trần/ Con sông trải kiếp trầm luân về nguồn”, “Một thời nhẹ dạ cả tin/ Lỗi lầm đem bán cả miền khói hương”, “Những người đi cầu phúc/ Phúc ở bến mù khơi/ Những người đi giải họa/ Họa ở chín tầng mây/ Mà sao người không biết/ Phúc – họa đầy trên tay…”đã đem đến cho độc giả cảm giác khác lẫn sự ngẫm ngợi không yên. Đó là những câu thơ đụng đến kiếp người, phận đất và cả những hiện tượng của đời sống tâm linh. Riêng bài “Phúc – họa” đã đụng đến cái tứ vừa giàu trải nghiệm, vừa có tính triết lý. Hình như con người, trong cuộc mưu sinh vẫn thường có những cuộc “thêm vào” và “bớt đi” rất nhầm lẫn và cũng rất xa lạ với họ như vậy. Và con người đã không hiểu được, xa xưa, các cụ nhà ta từng dạy “trời gần, đất cũng chẳng xa”. Riêng câu “Phúc – họa đầy trên tay” đủ để lại một ấn tượng không dễ quên.
Nhưng thơ Đặng Cương Lăng không chỉ có thế.
Đến “Mùa thiêng”, người đọc bắt gặp một Đặng Cương Lăng tỏ ra đầy đặn hơn và thi sĩ hơn. Đây là “Giọt thu Hà Nội” của anh: “Những giọt thu Hà Nội/ Thu gom cả đất trời/ Cầm giọt thu trong trắng/ Bao nỗi niềm đầy vơi”. Đây là “Chợ nổi” của anh: “Chơi vơi/ chơi vơi/ chơi vơi/ Phận chợ thì nổi/ phận người chìm sâu”. Đây là “Cao nguyên hoang sơ’ của anh với: “Bàn tay H’Mông làm mềm đá/ Bước chân người Dao đưa núi đi xa/ Giọt mồ hôi hóa thành hoa đá”. Đây là “Hat lúa” hay nói chính xác ra là “phận lúa” của anh: “Quanh năm quên mình lặng lẽ/ Mà ngậm ngùi, mà tủi phận bùn sâu/ Cả đời nuôi người, cả đời thua thiệt”…
Trong khi nhiều nhà thơ có nhiều bài thơ thành công về miền trung, vậy mà khi trở lại với miền trung, Đặng Cương Lăng vẫn có những câu thơ mới lạ như là phát hiện của riêng anh. Câu “Nén khổ đau thành đá” trong “Miền trung ngày giông tố” và hai câu “Ôi! Mảnh đất gieo trồng bao đắng đót/ Gặt hái về bao mùa vụ trắng trong” trong “Miền trung” là hai ví dụ rất cụ thể, sinh động.
Rồi trong một khoảnh khắc gần như là bừng rộ của cảm xúc, của tâm trạng, Đặng Cương Lăng đã nắm bắt được cái “quy luật của muôn đời” để rồi hạ bút viết những câu thơ thật xuất thần trong “Không đề”:

Gập núi sông để không còn cao thấp
Siết đất trời để khoảng cách không còn

Trăng già nào khác trăng non
Yêu em
vẫn một đường mòn
anh đi.

Và thật thú vị khi làm được những việc ấy trong thơ, Đặng Cương Lăng đã bắt đầu từ “cái mong manh”, “đi tìm ánh sao rơi”, “đi nhặt mảnh trăng”, “đi gom gió”, “gom mưa”… những thứ tưởng như không có thật. Phải chăng đó cũng là “đường đi nước bước” làm nên phẩm cách của người thơ?
Người đọc dễ nhận ra thơ Đặng Cương Lăng thường đi vào các khía cạnh bức xúc và cập nhật của đời sống.Thơ anh nặng chất trữ tình và ngày một đa dạng về mặt hình thức. Nếu ở “Đất làng” (tập thơ thứ tư) có đến 2/3 là lục bát, thì đến “Mùa thiêng” (tập thơ thứ năm), liều lượng lục bát đã giảm hẳn và thế vào đó là các bài thơ được triển khai ở nhiều thể loại khác nhau.
Ở đời, người ta thường làm những điều mình muốn, nhưng không bao giờ muốn được những gì mình muốn. Hình như đấy là trở lực luôn xuất hiện giữa mơ ước và thực tế. Giữa “Mùa thiêng” và Đặng Cương Lăng cũng vậy. Nêu thế cũng là để nói: Với Đặng Cương Lăng, hành trình thơ của anh vẫn không ngừng, không nghỉ và nhiều hứa hẹn vẫn còn đón đợi anh ở phía trước.

Tháng 10-2013



Giọt thu Hà Nội


Những giọt thu Hà Nội
Mang theo cả bốn mùa
Bao sắc màu tươi mới
Nổi chìm như nắng mưa.



Giọt thu rơi phảng phất
Mặt hồ Tây mơ hồ
Giọt gần như tháp Rùa
Tận tâm can thẩm thấu
Xa như Hoàng Thành xưa
Nghìn năm còn để dấu.



Giọt rơi vào phố cổ
Thân phận bao mái nhà
Giọt rơi vào phố cũ
Những tháng ngày hai ta
Hoàn nguyên bao dang dở
Rất gần lại rất xa.


Những giọt thu tĩnh lặng
Chất chứa bao vui buồn
Có cả đêm trăng sáng
Có cả ngày bão giông
Có cái không như có
Có cái có như không.



Những giọt thu Hà Nội
Thu gom cả đất trời
Cầm giọt thu trong trắng
Bao nỗi niềm đầy vơi…

Hà Nội, ngày 21/9/2013

 


Bến xuân

Chiều qua, còn giận đất trời
Sáng nay, đào đã mỉm cười gió đông
Bến xuân ngào ngạt sông thương
Vành trăng sóng sánh ngả đường xuân xanh.

 


Mùa chưng cất

Xuân vượt qua núi đá    
Để lại sau lưng ngàn
Một mùa thu úa lá
Một mùa đông sen tàn.



Những búp non hối hả
Giữa trong xanh vô ngần
Lòng thung ngày vội vã
Như vo tròn thời gian.



Đi qua miền tím ngắt
Mong manh kiếp bọt bèo
Bước đường đời cao thấp
Nặng cảnh đèo cheo leo.


Chợt mắt xuân kẽ lá
Hoa nắng rơi rụng đầy
Đồi xanh chi chít quả
Mùa em vừa qua đây.



Trên nền xuân trong vắt
Hạnh phúc mở xanh non
Trải bao mùa chưng cất
Trăng mai lại khuyết tròn.



Chợ nổi


Bồng bềnh
một cõi
nổi
trôi
Người lên- xuống
kẻ ngược- xuôi
dập dềnh



Con thuyền vặn sóng lênh đênh
Kiếp bèo xô dạt
nổi nênh
dòng đời…



Chơi vơi
chơi vơi
chơi vơi
Phận chợ thì nổi
phận người chìm sâu!