Từ nhiều năm nay, độc giả Việt Nam đã được đọc một số bài thơ của thi hào Đức Hen-rích Hai-nơ (1797-1856) qua những bản dịch khác nhau. Tuy nhiên, phải đến năm nay, độc giả mới lần đầu tiên được thưởng thức trọn vẹn tập thơ của ông bằng ngôn ngữ tiếng Việt. Nhân kỷ niệm 40 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức (1975-2015), Hội Hữu nghị Việt Nam – Đức giới thiệu tới bạn đọc tập thơ “Khúc đệm trữ tình” của Hen-rích Hai-nơ thông qua bản dịch của dịch giả Chu Thu Phương.

Thơ Hai-nơ không chỉ độc đáo về vẻ đẹp đặc biệt của nhịp điệu, mà còn công phu về cách gieo vần trùng điệp trong mỗi câu thơ, thậm chí cả vị trí xuất hiện từ trong bài thơ, cả những cái kết bất ngờ, gây sốc cũng được tính toán kỹ để đạt hiệu quả nghệ thuật cao nhất. Chính những sáng tạo ấy đã tạo nên chất thơ rất riêng của Hai-nơ, đưa ông trở thành một trong những đỉnh cao của văn học thế giới.

Bìa tập thơ “Khúc đệm trữ tình”.

Dịch giả Chu Thu Phương là một cán bộ ngoại giao có nhiều năm làm việc tại Đức, đồng thời là một nhà thơ. Chia sẻ về con đường dẫn đến việc dịch tập thơ này, chị giãi bày: “Chuyện dịch tập thơ “Khúc đệm trữ tình” khởi đầu khi một bạn văn hỏi tôi về Hai-nơ. Tôi gửi anh bài “Cô gái đanh đá”, được dịch bằng thể thơ lục bát. Anh trả lời: “Rằng hay thì thực là hay/ Dịch sang lục bát, anh này không ưa!”. Lời nhận xét ấy đã mở ra cho tôi một cánh cửa mới. Vẻ đẹp của thơ đâu chỉ nằm trong nội dung”. Vậy là chị quyết định dịch tập thơ này sang tiếng Việt với mong muốn không chỉ đưa bạn đọc đến gần hơn với nội dung của những bài thơ, mà còn muốn trả lại đúng thi pháp, cấu trúc, thể thơ, nhịp điệu… giúp bạn đọc Việt Nam có thể tiếp cận được  vẻ đẹp nguyên gốc của thơ Hai-nơ.

Bên cạnh đó, nhiều độc giả cũng thắc mắc rằng sự xa cách thời đại giữa nhà thơ và dịch giả, liệu dịch giả có thể đồng điệu và hiểu thấu nỗi lòng của nhà thơ được không? Thơ trong tập “Khúc đệm trữ tình” chủ yếu là những bài thơ ngắn, được chia thành khổ, mỗi khổ 4 dòng, nói về tình yêu đơn phương cay đắng. Ở những bài thơ này còn có một hơi thở hiện đại, do đó, đến nay, không chỉ dịch giả-một người yêu văn chương và có nhiều năm tháng tiếp xúc với nền văn học Đức, mà những người đọc thơ ông ai cũng có thể soi mình và tìm thấy mình trong đó, cảm nhận và đồng cảm với thơ Hai-nơ, tâm hồn Hai-nơ.

Đánh giá về bản dịch của Chu Thu Phương, dịch giả Lê Quang, một người rất am hiểu tiếng Đức cho rằng, mặc dù mắc phải những rào cản ngôn ngữ khó có thể truyền tải hết cái hay, cái đẹp trong từng nhịp điệu, nhịp thơ, câu chữ từ bản gốc sang tiếng Việt, song Chu Thu Phương đã bắt được cái thần của thơ Hai-nơ và dịch khá thành công một số bài như: “Hãy áp má em vào má anh”, “Họ ngồi quanh bàn uống nước”… Nhận xét về bản dịch tập thơ “Khúc đệm trữ tình”, dịch giả, TS Trương Hồng Quang hiện đang sống tại Liên bang Đức cho hay: “Phải nói rằng Chu Thu Phương đã thật dũng cảm khi là người đầu tiên tại Việt Nam dịch trọn vẹn tập thơ sang tiếng Việt, trong khi trước đây các dịch giả khác chỉ chọn dịch một số bài thơ quen thuộc”.

Có thể nói “Khúc đệm trữ tình” là món quà tặng bạn đọc một phần văn hóa Đức, tặng những người Việt yêu tiếng Đức và những người Đức mến tiếng Việt.

Theo Quân đội nhân dân online