Mở đầu Văn nghệ Quân đội số 780 tháng 9 năm 2013 là cuộc trò chuyện giữa các nhà văn Quân đội với Thiếu tướng, Phó giáo sư – Tiến sĩ Trần Hữu Phúc, Giám đốc Học viện Biên phòng về những vấn đề “dạy” và “học” ở mái trường quân đội giàu truyền thống này.
Văn xuôi số này có các truyện ngắn: Đếm sao cho hết con đường chưa đi của Trịnh Sơn; Nửa ngày chiến tranh của Dương Đức Khánh; Cô Thủy của Văn Tất Thắng; Ông Ba Láng của Nguyễn Đức Thiện…
Thân phận những người quản giáo đã được tác giả Trịnh Sơn khắc họa khá rõ nét trong truyện ngắn Đếm sao cho hết con đường chưa đi. Cuộc đời của Lượm (nhân vật chính trong truyện), con sông Nhục và hình ảnh trại giam giữ, cải tạo tội phạm luôn xoáy vào tâm trí người đọc. Ở trong cái vòng xoáy của những bất hạnh, tội đồ, giam hãm… ấy lương tri và tự do, quá khứ lỗi lầm và tương lai hướng thiện đều dần dần được khơi mở, thức tỉnh bằng ánh sáng của thiên lương của lòng nhân hậu.
Cô Thủy – truyện ngắn của Văn Tất Thắng gợi cho người đọc kí ức thời chiến tranh, ở khu sơ tán toàn đàn bà, trẻ con và thưa thớt vài bóng đàn ông hoặc là tật nguyền không đủ tiêu chuẩn nhập ngũ, hoặc là thương binh trở về từ chiến trường. Truyện xoay quanh nỗi ám ảnh của nhân vật “tôi” – một chàng trai chớm tuổi dậy thì với cô Thủy – người đàn bà mòn mỏi chờ tin người yêu từ chiến trường. Những đụng chạm mang tính bản năng từ người đàn bà ấy đã bị phủ đầu bằng sự nghi kị, chế giễu từ phía người đời và để lại cho nhân vật chính niềm thương xót khôn nguôi.
Truyện ngắn Nửa ngày chiến tranh của tác giả Dương Đức Khánh chứa đựng nhiều tình tiết bi hài về kí ức tuổi thơ trong chiến tranh ở miền Nam vùng địch “tạm chiếm”. Truyện có cấu trúc linh hoạt, văn phong tự nhiên. Nhiều chi tiết, tình huống ‘hú hồn” tuổi thơ khiến người đọc cười ra nước mắt. Xuyên suốt truyện, người đọc hẳn không thể nào quên được hình ảnh cậu bé từ hầm trú ẩn ngoi lên tay vẫn kè kè khẩu súng… tre buộc quai bằng dây bẹ chuối! Truyện kết thúc bất ngờ với chi tiết cậu bé ngày nào viết về kỉ niệm sâu sắc của tuổi thơ trong một kì thi, và bên cạnh cậu, quý tử nhà “ông thiếu tá” Mỹ – Ngụy cắm cúi chép vào bài của mình.
Hình ảnh một người chiến sĩ cách mạng, lúc nào cũng giả vờ say chỉ huy một đội quân thiếu niên đánh giặc kiên cường ngay trên đất quê hương hay hình ảnh một ông Ba Láng thường xuyên sử dụng những câu chuyện đầy ly kì ma mị khiến kẻ thù phải kinh hồn bạt vía… đã làm nên một truyện ngắn Ông Ba Láng vạm vỡ và đầy lôi cuốn người đọc của nhà Văn Nguyễn Đức Thiện. Ông Ba Láng từng được giải ba cuộc thi truyện ngắn trên tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1999 – 2000 xứng đáng là một truyện ngắn hay trong chuyên mục Truyện ngắn hay tác giả tự chọn trong số này.
Tình yêu quê hương đất nước, nỗi niềm về bậc sinh thành, cùng những lan tỏa trở trăn về đời sống đã tạo nên sự cuốn hút cho phần thơ số này.
Phần Bình luận văn nghệ là những bài viết có chiều sâu, bao quát các vấn đề văn hóa văn nghệ. Đáng chú ý có các bài viết Nhận diện lịch sử nước ta của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh của Lê Xuân Đức; Thơ và không chỉ là thơ của Mã Giang Lân; Văn hóa là nói thật, can trường như dũng sĩ của Nguyễn Chí Trung; Những nhà văn trung úy của Lê Văn Vọng; …
Văn nghệ Quân đội số 780 tháng 9 sẽ ra mắt bạn đọc ngày 5/9/2013.