Văn nghệ Quân đội số 774 đầu tháng 6/2013 được bắt đầu bằng cuộc trò chuyện giữa đoàn nhà văn tạp chí với thiếu tướng Nguyễn Kim Sơn, Cục trưởng Cục Chính trị Bộ Tổng Tham mưu về truyền thống 65 năm xây dựng và trưởng thành của Cục.

Phần truyện ngắn dự thi số này giới thiệu ba sáng tác đầu tiên được nghiệm thu từ trại viết Văn nghệ Quân đội tại Sa Pa được tổ chức vào trung tuần tháng 5 vừa qua. Đó là các truyện ngắn Âm thanh của ký ức của Doãn Dũng, Tàn tro của Phong Điệp và Vô cùng thương tiếc của Nguyễn Toàn Thắng. Cả ba tác giả đều thuộc “thế hệ 7X”. Bạn đọc sẽ thấy sự đang “chín” về tay nghề, về sự chuyên nghiệp của họ trong ba truyện ngắn này.

Âm thanh của ký ức là truyện ngắn viết về những người lính trong chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Về truyện ngắn này, nhà thơ Nguyễn Hữu Quý nhận xét “Âm thanh của ký ức giống như những thước phim tư liệu mộc về những người lính chiến đấu trên một điểm chốt biên giới trong cuộc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc. Kiệm lời, chi tiết chọn lọc kĩ những tình huống đắt và ngôn ngữ giàu chất tự sự là điểm nổi bật ở truyện ngắn này”.

Tàn tro được nhà văn Phong Điệp chắp bút dựa trên cảm hứng về Dốc Mù – một địa điểm du lịch nổi tiếng của Sa Pa. Toàn thiên truyện thấm đẫm sự xót xa, đồng cảm đối với thân phận những người phụ nữ  hiền lành, xinh đẹp nhưng lại chịu nhiều bất hạnh trong cuộc sống gia đình.

Sau truyện ngắn dự thi BG, đến Vô cùng thương tiếc, Nguyễn Toàn Thắng vẫn tiếp tục lối viết mang tính chất châm biếm nhẹ nhàng, ý nhị. Lần này ngòi bút Nguyễn Toàn Thắng hướng đến đối nhân xử thế của những người đang công tác trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật như nhà thơ, nhạc sĩ…Và khi câu chuyện khép lại, chiếc “mặt nạ” của những người được mệnh danh là “người của công chúng” rơi xuống, điều còn lại là tiếng cười xa xót về “những điều trông thấy mà đau đớn lòng”.

Trường Sa, tình yêu, nỗi niềm thân phận con người là chủ đề chính của phần Thơ số này.

Phần Bình luận Văn nghệ có bài văn học so sánh công phu của nhà nghiên cứu Phan Tuấn Anh về cái kỳ ảo và huyền ảo trong văn học; bài viết về nhà văn Hoàng Văn Bổn của nhà nghiên cứu Phạm Quang Trung; bài tổng kết trại viết Văn nghệ Quân đội ở Sa Pa của nhà thơ Nguyễn Hữu Quý….

Văn nghệ Quân đội số 774 đầu tháng 6 sẽ ra mắt bạn đọc vào ngày 5 tháng 6 tới đây.

Exit mobile version