Nhà văn trẻ muốn chủ biên một tạp chí phải là người thành đạt, nổi tiếng và có thực lực vững vàng. Gần đây, các bloger có tiếng toàn Trung Quốc đã bỏ phiếu bầu ra mười “đại tác gia sau 80” như vậy.

Đứng đầu bảng là Mã Tuệ Thông, sinh năm 1984 tại vùng cao nguyên hoàng thổ ở Thiểm Tây. Anh nghỉ học năm 18 tuổi để có thì giờ đi các nơi thể nghiệm. dốc sức truyền bá và thực hiện “văn học xanh”- văn học kết hợp với bảo vệ môi trường. Hiện là chủ biên tạp chí Diên Hà. Văn học xanh nhằm làm cho văn học thuần (belles lettres) vãn hồi được sự tôn trọng. Năm 19 tuổi với tập thơ Khát vọng, anh được tôn vinh là Hoàng tử thơ ca, cùng năm trở thành hội viên Hội nhà văn Thiểm Tây. Hiện là Chủ tịch Hội nhà văn trẻ tỉnh Thiểm Tây, đoạt giải Văn học thảo nguyên năm 2010 với tập thơ xanh thứ hai Canh giữ.

Xuân Thụ

Đứng thứ hai là Xuân Thụ, nữ, sinh năm 1983. Chị tiêu biểu cho “lánh loại” (từ gọi chung việc làm tùy ý thích, đi chệch và phản truyền thống của giới trẻ), sự phản nghịch của tuổi trẻ và tình cảm kích động, kèm theo còn có cả tàn khốc và trụy lạc.Tuy không ít nhà văn “sau 80” đã phất lên từ việc ra tạp chí dưới dạng sách, nhưng Siêu thị Muse do chị chủ biên bán không chạy. Xuân Thụ nói : “Tôi muốn xem tiểu thuyết và thơ chọn những đề tài khá “lệch” một chút, cùng với nhà văn không mấy tên tuổi để ra một tạp chí lánh loại, rốt cuộc có được thị trường tiếp nhận hay không mà thôi. Đây là kinh nghiệm thất bại, biết rõ không thể làm mà vẫn cứ làm”. Người phê bình cho đó mới là “phong cách Xuân Thụ”, đó mới là chỗ đáng quí của Siêu thị Muse. Các blogger bỏ phiếu cho chị vì trọng con người không những có nhiệt huyết mà còn làm cho người khác thấy ấm áp.

Trương Duyệt Nhiên

Đứng thứ ba là Trương Duyệt Nhiên, nữ, sinh năm 1982. Tạp chí Cá chép với hàng loạt chủ đề do chị chủ biên cung cấp cho đông đảo thanh niên một sân sáng tác vừa giữ được chuẩn mực nâng cao văn học, lại vừa không sa vào nếp cũ. Nhà văn “sau 80” và văn học truyền thống dù sao cũng có khoảng cách, Cá chép vừa hay đã lấp đầy khoảng cách đó. Từ Cá chép.Cô đơn đến Cá chép. Ám muội lần lượt được đông đảo bạn đọc chấp nhận. Cho tới Cá chép. Thời khắc tốt nhất gần đây đã làm thành sự khởi đầu hoàn toàn mới. Tạp chí cho thấy Trương Duyệt Nhiên vẫn dùng văn học để tìm hiểu trạng thái sinh tồn của lứa “sau 80” ở một tầng xã hội rộng hơn nữa.

Đứng thứ tư là Tôn Duệ, nam, sinh năm 1981, đạo diễn kiêm nhà văn, chủ biên Chọc cười. Văn phong chịu ảnh hưởng sâu sắc lối viết của Vương Sóc. Trước năm 2004, không ai biết đến Tôn Duệ, nhưng chỉ mấy tháng sau, truyện Tuổi hoa dạng cỏ đã đưa anh lên hàng “đại thần tượng”. Chọc cười là tạp chí tập kết tiểu thuyết (gọi chung truyện dài, vừa và ngắn) không cùng loại hình trên cở sở hài hước là duy nhất, là trên hết, khong thuộc văn đàn quan phương hiện nay. Phải nói đó là sáng tạo nghệ thuật mới khác với những tiểu thuyết chỉ trang trí bằng hài hước, không để hài hước sắm vai chính như những truyện trên Chọc cười

Đứng thứ năm là Quách Ni, nữ, sinh năm 1981. Chị là nhà văn thần tượng trẻ đầu tiên được các nhà xuất bản nước ngoài mua bản quuyền nhiều nhất. Chị được tôn vinh là “Tiểu thiên hậu Hoa ngữ”, ngày viết cả vạn chữ, trở thành Rolling thứ hai trên thế giới, chỉ khác là Quách Ni chinh phục thanh thiếu niên thế giới bằng những câu chuyện trẻ trung sinh động và hài hước. Tạp chí Thiếu nữ Sao Hỏa do chị chủ biên cùng với tiểu thuyết chủ yếu viết về tình yêu tuổi teen khiến chị trở thành “cô gái bạc tỉ”.

Hàn Hàn

Đứng thứ sáu là Hàn Hàn, sinh năm 1982, được tôn là “lãnh đội của lứa sau 80”, chủ biên Đoàn độc xướng. Thai nghén từ tháng 4 năm 2009, ra mắt tháng 7 năm 2010 với chủ để tuổi trẻ và văn học. Số 1 bán hết veo 500.000 bản, hầu hết nhờ hàng vạn fan của anh mua. Chủ biên hào phóng trả nhuận bút với giá trên trời : 2000 tệ/1000 chữ (gấp 30 lần nhuận bút tạp chí của Quách Kính Minh) nên chỉ trong thời gian ngắn, hàng nghìn bài, truyện được tới tấp gửi đến, không đăng vẫn trả đủ nhuận bút rồi chuyển cho tạp chí khác. Năm tháng sau, tòa soạn giải tán, chủ biên bại trận, bị lên án là “ăn dỗ tiền trẻ con”.

Đứng thứ bảy là Nhan Ca, nữ, sinh năm 1984. Tạp chí NOVA do chị chủ biên chủ yếu đăng tiểu thuyết, ngoài ra là những chuyên đề đang là trào lưu, tin tức âm nhạc, sách, nhiếp ảnh, nghệ thuật, thiết kế gồm bài viết và tranh. NOVA toát lên hơi thở văn nghệ đậm đặc, có thể nói là tạp chí tiêu biểu về mặt có chủ ý sâu sắc nhất trong số những tạp chí do nhà văn trẻ chủ biên.

Đứng thứ tám là Địch An, nữ, sinh năm 1983, chủ biên Văn nghệ phong thưởng (thưởng thức gió văn nghệ). Sau đây sẽ giới thiệu kỹ.

Quách Kính Minh

Đứng thứ chín là Quách Kính Minh sinh năm 1983 nổi tiếng vì tiểu thuyêt bán rất chạy. Tạp chí Đảo thanh xuân do anh chủ biên với chủ đề tiểu thuyết huyền ảo xuất bản dưới dạng sách, sau bị cấm vì không được phép nhập nhằng giữa tạp chí và sách. Thế là Tối tiểu thuyết, Tối mạn họa được thay thế nhằm vào lứa học sinh. Là nhà văn trẻ cấp thần tượng có sức sáng tạo và sức hô hào vào bậc nhất hiện nay ở Trung Quốc, có ý kiến cho rằng người phê bình không thể nói tốt hay không tót về những tạp chí ấy vì fan của anh cực kỳ đông. Họ chỉ có thể tỏ ý tán thưởng bằng lời lẽ hết sức cẩn thận, thậm chí khách sáo nữa. Tuy nhiên suy nghĩ về tác dụng hướng dẫn và ý nghĩa giáo dục, họ không thể không nói đại loại “ăn đỗ tiền học trò thì dễ nhưng việc ấy khó nghe”.

Đứng chót bảng là Lưu Vệ Đông sinh năm 1983 chủ biên tạp chí Đứa trẻ màu xanh, chuyên về tản văn.

*****

Chủ biên Văn nghệ phong thưởng tên thật là Lý Địch An, từng du học ở Pháp. Chị được đánh giá là nhà văn trẻ có cả khí chất và thực lực, nhân vật tiêu biểu của văn học thuần. Tạp chí sách này nêu mục tiêu phấn đấu là “văn học thuần cao độ với sắc thái trẻ trung tiên phong”. Mở đầu số 1, chủ biên thổ lộ : “Có người nói, giới trẻ ngày nay không viết nổi văn hay ; có người nói, đô thị Trung Quốc ngày nay không có những biểu đạt tình cảm và nhu cầu tinh thần sâu sắc, chúng tôi không tin. Có người bảo thế hệ chỉ biết đến lợi, nôn nóng, chuộng thực tế như chúng tôi không thể nối tiếp hồn phách nhu mềm, trữ tình, thà làm ngọc vỡ còn hơn ngói lành, chúng tôi vẫn không tin. Chúng tôi không dám nói bừa, với lực lượng của mình, chúng tôi có thể làm được gì, nhưng chúng tôi khát khao đem hết sức khai khẩn một vùng đất tốt. Hoan nghênh tất cả những ai trẻ tuổi sống cùng thời đại với chúng tôi bước vào đó gieo mầm buồn, vui và mong đợi ; chúng tôi mong ước những ai lớn tuổi hơn chúng tô bước vào đó gieo mầm nuối tiếc, mơ màng ; những ai trẻ tuổi hơn chúng tôi gieo mầm mộng tưởng và khinh cuồng ; những ai khác thế giới, khác văn hóa gieo mọi mầm tưởng tượng mà không cần chung ngôn ngữ cũng hiểu được…”.

Văn nghệ phong thưởng ra ngày 15 hàng tháng, giá khoảng 16,8 tệ, mỗi số có một chuyên đề. Số 2 năm 2013 là Văn nghệ phong thưởng. Vết thương. Lời chủ biên ở đầu số viết:

“Nhiều năm trước đây, trên một số tạp chí ,tôi thấy có bài phỏng vấn đạo diễn Lại Thanh Xuyên (Đài Loan). Tôi nhớ ông có nói, phần lớn tác phẩm nghệ thuật đều thể hiện bệnh, nhưng hiếm thấy nhà sáng tác nào thực hiện được việc cho thuốc vào tác phẩm. Hôm nay, sau nhiều năm, tôi vẫn không trả lời được câu hỏi : thử tìm thuốc phải chăng là việc mà một người sáng tác cần phải làm ? Hồi nhỏ, tôi cảm thấy, viết lâm ly hết mức về vết thương thì đó mới là tinh túy của sự sáng tạo. Dù sao văn học hay nghệ thuật đều tồn tại và sinh sôi nảy nở vì nỗi đau đớn của linh hồn. Đến nay, bất kể vết thương thuộc loại hình nào, nếu người sáng tác thực sự thử cho thuốc, thì phải chăng người ấy ắt bị ngờ là không biết lượng sức, hoặc ít nhất cũng là bao biện?

Tại sao theo năm tháng trôi qua, đời người lại không còn hoàn chỉnh ? Có lẽ vì vết thương đã dần dần trở thành trạng thái bình thường. Chủ đề số này của chúng tôi không tìm tòi cách chữa lành vết thương, chúng tôi không có năng lực đó. Số này cũng không thử tổng kết làm thế nào giữ được hoàn chỉnh, đó cũng không phải việc chúng tôi cảm thấy hứng thú. Chúng tôi chỉ muốn biểu đạt sự tôn trọng trạng thái sinh mệnh tàn khuyết, kèm theo đau đớn, máu me và cả nuối tiếc nữa.

Chủ đề của chúng tôi sẽ đa dạng dần, ngoài truyện cần phải có ra, tản văn và một vài bài thơ cũng sẽ trở thành nguyên tố cố định vì văn học rốt cuộc không chỉ là tiểu thuyết. Chuyên mục Mơ xanh nấu rượu tiếp tục cuộc trò chuyện với nhà văn An Ni Bảo Bối, tôi rất vui được giao lưu với chị bởi vì cho đến nay, tuyệt đại đa số người đọc vẫn chưa thật sự ý thức được ý nghĩa của chị đối với văn học đô thị Trung Quốc. Chuyên mục Phong thanh phong ảnh một lần nữa giới thiệu một đạo diễn phim tài liệu rất trẻ là anh Ngụy Hiểu Ba. Tác phẩm Để sống mà thôi của anh được tất cả những ai trong số người làm điện ảnh độc lập trẻ tuổi khen ngợi. Trạng thái sinh tồn của người sáng tác vốn phức tạp, quan tâm, chú ý đến mỗi một ai có khả năng, có hy vọng làm ra được tác phẩm ưu tú là việc chúng tôi cần làm. Chuyên mục Quan điểm thẩm mỹ mới lần này chào đón Phi Đao, đúng thế,lại là tác giả khoa học viễn tưởng, nhưng năm 2013 này, chúng tôi sẽ tập trung sức lực tìm ra một lực lượng mới mẻ khiến bạn đọc xúc động ở những loại hình khác. Mười thành phố trong chuyên mục Quần tinh vẫn mang theo vẻ mặt và tình cảm riêng có, nhưng cái gì mới gọi được là vết thương của thành phố thì tác giả trong số này sẽ cho chúng ta những giải thích khác nhau, đó chính là ý nghĩa của chuyên mục này. Nỗi đau của vết thương người trước đi qua, người sau nối gót. Đó không phải là vật trang trí cho sinh mệnh mà là nguồn gốc của sức mạnh!”


Văn nghệ trẻ

Exit mobile version