Mở đầu Tạp chí số này là phần Thơ của các nhà thơ quen thuộc với độc giả như TRẦN NHẬT LAM – TRẦN CHẤN UY – HUY TRỤ – HÀ MINH ĐỨC – HỮU ĐẠT – ĐOÀN LƯ – TRẦN THỊ NƯƠNG – TRẦN KIM ANH- LÂM HUY NHUẬN – ĐÀM KHÁNH PHƯƠNG – PHẠM QUANG HUY – BÙI XUÂN LAI – PHẠM VĂN TÌNH – LÊ MIÊN CA – NGUYỄN THANH – TÚ ANH – TRƯƠNG TRUNG PHÁT – ĐẶNG HỒNG THIỆP – NGUYỄN GIA NGUYÊN – LÊ MINH DUNG – ĐÔNG NGUYÊN- VŨ THU HUẾ – THỤC NGUYÊN – ĐẶNG KHẢI – NGUYỄN CÔNG BÌNH – HOÀNG THỊ NGỌC HỒI – BÙI ĐĂNG SINH – NGUYỄN BÍCH NGA – VĂN CÔNG DỊ – NGÔ THẾ TRƯỜNG – NGUYỄN AN.


Phần Văn số này rất đa dạng về thể loại cũng như phong cách, giọng điệu. Mở đầu là truyện ngắn của nhà văn NAM NINH, Kẻ trộm bò. Với bút pháp sắc sảo, cách kể chuyện lôi cuốn, truyện ngắn này cho đôc giả thấy chân dung của một type người cơ hội trong xã hội.
Phần trích truyện dài Rằm tháng bảy của nhà văn PHẠM ĐÌNH TRỌNG lại đưa độc giả đến những ái ố hỷ nộ tại một làng quê điển hình qua nhân vật ngay đến cái tên đã độc đáo, lão Hưỡu.
Tản văn, một thể loại dễ viết mà khó hay, lần này rất đậm nét với Bầm tôi của LÊ HỮU THỤC, Cái cọc của THU HÒA, Thư gửi ông ngoại của ĐẶNG NGUYÊN SƠN.
Trong phần văn số này, hai nhà NGUYỄN THỊ NGỌC HÀ và PHẠM NGỌC CHIỂU cùng đưa độc giả đến với vùng đất Mộc Châu từ lâu đã là điểm thực tế của các nhà văn qua thể loại bút ký. Độc giả sẽ thấy cùng một vùng đất nhưng hai nhà văn có hai cách kể chuyện, hai cảm xúc hoàn toàn khác biệt và mang đậm dấu ấn tác giả.
Tác phẩm cuối cùng, truyện ngắn Bóng đổ của VŨ PHONG CẦM lại là cảm xúc ưu tư của con người khi đã ở triền dốc bên kia của cuộc đời bằng giọng văn nhẹ nhàng mà thấm thía.

Phần Nghiên cứu-Lý luận-Phê bình số này cũng rất đa dạng với những bài viết công phu với sự góp mặt của các nhà phê bình lý luận và các cây viết như PHẠM QUANG TRUNG với Dạng thức tiếp nhận tác giả trong đời sống văn học, BÙI TUẤN NINH với Vài nét về hình tượng người phụ nữ trong truyện ngắn Thạch Lam, HỒ THẾ HÀ về Bản mệnh thơ Bùi Giáng, CHÂU HỒNG THỦY với Đọc Đối thoại văn chương, HỎA DIỆU THÚY với Tiếp cận Dấu về gió xóa của Hồ Anh Thái bằng cảm quan hậu hiện đại, LÝ HOÀI THU với Từ mặt đất đến Thuyền trăng…

Phần Chuyên đề đặc biệt trong số này giới thiệu một số gương mặt tác giả tác phẩm của những cán bộ đã từng công tác tại Tạp chí Nhà văn trong suốt 44 năm, từ 1969 đến nay gồm hai tiểu mục Thơ và Văn.
Mở đầu tiểu mục Thơ là những sáng tác của nhà thơ HỮU THỈNH-  Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Tiếp đó là chùm thơ của nhà thơ MAI PHƯƠNG, một người rất gắn bó với Tạp chí Nhà văn trong việc phát hành và hiện là đại diện khu vực phía Bắc của Tạp chí Nhà văn. Nhà thơ ĐỖ HOÀNG, trưởng ban Thơ của tạp chí cũng có mặt trong số này với  một chùm thơ. Tiếp đó là thơ của các nhà thơ trẻ VŨ THIÊN KIỀU, đại diện Tạp chí Nhà văn tại Kiên Giang và đồng bằng sông Cửu Long, nhà thơ TRẦN ĐỖ LIÊM-đại diện Tạp chí tại Tiền Giang. Đặc biệt, trong tiểu mục này, độc giả sẽ được thưởng thức một bài thơ của bà THANH HƯƠNG-phu nhân của nhà văn VŨ TÚ NAM-nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Nhà văn, Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam.

Tiểu mục Văn bắt đầu bằng bài viết của nhà văn TRỊNH ĐÌNH KHÔI về nhà thơ NGUYỄN ĐÌNH THI-lúc sinh thời đã từng là Tổng Biên tập Tạp chí Nhà văn trong nhiều năm. Nhà giáo ĐẶNG HIỂN có bài viết về nhà thơ NGUYỄN TRÁC, cũng đã từng là Tổng Biên tập Tạp chí Nhà văn cho đến lúc nghỉ hưu. Trong tiểu mục này, độc giả lại được thưởng thức giọng văn sắc sảo mà đầy tính triết luận của nhà văn VŨ ĐẢM-Phó Tổng Biên tập Tạp chí Nhà văn qua truyện ngắn Cõi người. Một cán bộ của tạp chí, NGUYỄN TOÀN THẮNG, hiện đang rất sung sức với những truyện ngắn mang màu sắc hài hước, giễu nhại, lần này góp mặt vớiTác phẩm chưa kịp để đời. Tác phẩm cuối cùng của tiểu mục này- trích truyện ngắn Câu chuyện của nàng Thê của nhà văn VÕ THỊ XUÂN HÀ-Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, Trưởng Ban Nhà văn Trẻ, Tổng Biên tập Tạp chí Nhà văn, như một lời chia tay đến độc giả thân yêu của Tạp chí Nhà văn trước khi chị nhận nhiệm vụ mới.

Trân trọng giới thiệu đến độc giả!
Tạp chí Nhà văn

Exit mobile version