1. Thời thơ ấu, rồi lên Trung học cơ sở, Trung học phổ thông, hành trình chữ nghĩa của tôi luôn đồng hành với đèn dầu. Xưa, quê làm gì có điện; chưa kể xóm tôi lại còn heo hút nằm tận vùng sâu. Vậy nên xóm muôn năm được gọi bằng cái “hỗn danh”: Xóm – Đèn – Dầu. Ngày rạng thì thôi; hễ đêm sập xuống là nhà nào cũng leo lét một ngọn đèn dầu chong, trông xa lập lòe như ánh ma trơi. Tất tật mọi hoạt động (hạn chế) về đêm của người quê điều diễn ra dưới “ánh ma trơi” kia: Cơm nước, nấu đun, xay giã; và, đương nhiên, cả học hành.
Đèn dầu nhiều loại; nhưng chong thường trực trong sinh hoạt đêm chỉ có đèn “hột vịt” (loại đèn nhỏ, tim (bấc) tròn, bóng cũng tròn như cái trứng vịt) thứ đèn ít tốn nhiên liệu và cũng tối tăm nhất trong họ đèn dầu! Tối; nhưng ưu điểm của đèn là cơ động, dễ dàng mang đi bất cứ nơi nào muốn mà vẫn cháy an toàn, ít gây “sự cố đèn lửa”. Vậy nhưng, lý do trên hết để cây đèn hột vịt “lên ngôi” vẫn là tính tiết kiệm; nhà khổ, tiền đâu mua dầu nhiều mà chong đèn lớn. Thiếu cơm gạo thì chết, chớ thiếu… sáng có chết ai?? Mẹ vẫn lầm bầm “câu thần chú” ấy mỗi khi đi vặn nhỏ hay tắt bớt một ngọn đèn không mang “sứ mệnh chiếu sáng” cho công việc thiết thân. Hình như suy nghĩ này cũng không riêng mẹ mà chung cho tất cả mọi người quê; và Xóm Đèn Dầu đêm đêm vẫn cứ leo lét, lắt lay những ngọn đèn hột vịt. Đèn lớn phải chờ đến các “lễ trọng” như giỗ chạp, cưới hỏi hay… Tết nhất mới được lên bàn!
Đêm đêm, tôi học bài dưới ngọn đèn hột vịt (vài ba anh em học chung mẹ mới cho thắp đèn lớn. Một đứa thì không!). Ánh sáng tù mù – mặc dù đã lau đi rửa lại cái bóng (thông phong) đèn sạch trơn. Vặn lớn đèn lên khói. Bỏ bóng ra có sáng hơn nhưng lửa đèn lại bị chao vì gió. Xoay xở cách nào cũng không ổn tôi phát tức mặt nặng mày nhẹ. Mẹ dỗ: Ráng chút. Có đèn dầu mà học là may rồi đó con; thời “9 năm” (kháng chiến 9 năm 1945-1954) không có dầu, học trò còn phải đốt đèn chai* mà viết chữ kia… Cái đèn chai, qua lời mẹ tả, nghe kinh khủng lắm: Vừa tối vừa khói khét mù. Thứ khói ấy độc; ai đang ghẻ lở hoặc có vết thương lại gần đèn vết lở sẽ nhiễm khói tấy sưng, vô cùng nhức nhối. Mẹ kể: Mẹ đã phải sống chung gần chục năm trường, chịu đựng những ngọn đèn chai ấy…
Tôi nghe. Từ bữa ấy im lặng học, không cằn nhằn thêm với cái đèn dầu…
2. Tôi mê đọc sách đêm. Ngồi đọc muỗi đốt lại đau lưng, vậy là lén mẹ bưng luôn cây đèn hột vịt… vô giường. Nằm quay nghiêng, đèn chong một phía dở sách ra say mê đọc. Khi nào mỏi lại đổi bên; cứ vậy mà mê man cùng những trang văn kỳ diệu cho đến lúc mẹ sực tỉnh, quát bắt ngủ mới miễn cưỡng tắt đèn. Cũng cái tật “ôm đèn ôm sách vô giường” mà có lần tôi suýt… đốt nhà. Lần ấy ham đọc sách khuya, tôi mệt mỏi ngủ quên không cất đèn. Khuya, mê ngủ quờ tay khiến đèn ngã. Dầu loang ra, bén lửa cháy mất nguyên nửa cái chăn trước khi mẹ kịp phát hiện la làng. Sau lần ấy, mẹ tuyên bố cấm tiệt chuyện “đêm vô giường đọc sách”. Sợ mẹ, nhưng cái máu mê sách vở không chừa nên đêm đêm – chờ mẹ ngủ (sớm) – tôi vẫn lén ôm đèn ôm sách vô giường mà “phiêu lưu”. Được cái giờ tôi có “biết khôn” hơn: Không dám đọc quá khuya cũng như căng tai cảnh giác tối đa, nghe tiếng mẹ động đậy là… thổi đèn tắt phụt! Lén mãi rồi mẹ cũng biết. Không mắng lớn tiếng nữa, mẹ chỉ chép miệng lắc đầu, hăm: Cứ cái mửng này chắc có bữa mày… chết thui (chết cháy) quá con ơi! Từ bữa ấy, tối nào mẹ cũng nửa đêm choàng dậy “canh” tôi. Biết chắc tôi đi ngủ mẹ mới yên tâm trở vào giường…
3. Vàng vọt những quầng sáng đèn dầu, rốt cuộc, cũng làm xong sứ mệnh nuôi giấc mơ tri thức của tôi đến ngày đơm hoa kết trái. Tôi thi đậu Cao đẳng, sửa soạn rời xa Xóm Đèn Dầu lên đường nhập học. Tinh mơ, trời còn nhập nhoạng, mẹ lụm cụm bưng đèn tiễn tôi ra ngõ kịp lên đường đón xe. Đi xa, ngoái lại mấy lần vẫn thấy mẹ vẫn còn đứng yên. Bóng mẹ dần nhòa trong sương, nhập một cùng quầng sáng cô đơn của ngọn đèn dầu…
* Đèn đốt bằng nhựa cây chai trên rừng, cháy lù mù và rất khói.
Y Nguyên
Nguồn: Lao động cuối tuần
Phạm Thúy Quỳnh đưa bài