Sau những ì xèo của chương trình “Gặp nhau cuối tuần”, một lần nữa vấn đề đồng tính lại trở thành đề tài bàn luận gây tranh cãi, có người phủ nhận không ác ý hay chủ đích xúc phạm bôi nhọ bất cứ ai, người lại bức xúc và quyết liệt đòi sự tôn trọng.
Những “hạt sạn” gây tranh cãi
Đầu năm mới, Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) và Trung tâm ICS đã nhanh chóng gửi thư ngỏ đến Ban biên tập Táo quân 2018, thẳng thắn bày tỏ rằng, nhiều chương trình đang tồn tại những “hạt sạn” mà theo Viện iSEE và ICS là không nên xuất hiện trên Đài truyền hình quốc gia.
Viện cũng nêu rõ, trong nhiều năm liền, cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT) luôn là đối tượng mà chương trình “Gặp nhau cuối năm” mang ra làm trò cười, đưa thông tin sai lệch và “thậm chí xúc phạm bằng một ngôn từ tệ hại”.
Đỉnh điểm khi chương trình “Táo quân 2018” phát sóng đêm 30 Tết vừa qua, nhân vật cô Đẩu (do nghệ sĩ Công Lý đảm nhận) nói “Con chi sống trên Trời không phải nữ cũng chẳng phải nam”, “Như con cave già chuyển giới hỏng” hay “bọn phụ nữ một nửa”… khiến người xem và đặc biệt là cộng đồng LGBT bày tỏ sự phẫn nộ trước sự việc được cho là “trò đùa quá trớn và không biết điểm dừng”.
Một số ý kiến khác còn cho rằng, chương trình nên tạm nghỉ hoặc đã đến lúc cần có sự đổi mới từ kịch bản cho đến êkíp sản xuất. Hoa khôi chuyển giới La Lam bức xúc tỏ rõ quan điểm rằng, “Táo quân từng là một chương trình mà tôi rất yêu thích, nhưng riêng năm nay, lại khiến cho tôi có đôi chút thất vọng. Việc chương trình sử dụng khá nhiều những câu từ miệt thị một cách trực diện về cộng đồng người chuyển giới đã khiến mọi chuyện trở nên nặng nề hơn.
Mang lại tiếng cười cho cuộc sống là điều quan trọng nhưng pha trò ở mức độ như thế nào thì nên phải suy xét kỹ. Đừng chỉ vì muốn tạo nên một tiếng cười mà làm tổn thương một nhóm người nào đó…”.
Còn ca sĩ chuyển giới Lâm Chi Khanh cũng buồn bã cho biết, êkip chương trình không hiểu hết những đớn đau, thương tổn mà cộng đồng LGBT phải gánh chịu. “Những người chuyển giới như tôi đã quá đủ đau đớn trong cuộc đời mình rồi, đừng khiến họ phải đau thêm nữa” – người đẹp nói.
Đạo diễn Nguyễn Khải Hưng, người được xem là cha đẻ của “Gặp nhau cuối năm” lại có quan điểm khác khi ông quả quyết rằng, một số tiết mục bị cho là nhạy cảm, thực chất chỉ nhằm mục đích tạo nên tiếng cười cho khán giả. Ông cũng nhấn mạnh, phía êkíp sản xuất không cố ý mỉa mai gì cộng đồng LGBT.
Mặc dù có nhiều chương trình hợp tác từng hợp tác với nhà Đài nhằm đưa hình ảnh LGBT đến gần hơn với công chúng nhưng những gì diễn ra trong “Táo quân 2018” lại đi ngược lại những mục tiêu bình đẳng, đa dạng và tôn trọng quyền con người mà các tổ chức trong nước và quốc tế đang nỗ lực bảo vệ.
Đại diện của Viện iSEE và ICS thẳng thắn cho rằng, “Là tổ chức đã có nhiều năm hoạt động vì quyền của cộng đồng LGBT, chúng tôi phản đối việc sử dụng những từ ngữ miệt thị công khai làm tổn thương những thành viên của cộng đồng LGBT chỉ vì đặc điểm cơ thể của họ, cũng như làm khắc sâu thêm những định kiến và phân biệt đối xử trong xã hội với nhóm cộng đồng này. Việc miệt thị bêu riếu cộng đồng LGBT là một hành động cần phải chấm dứt”.
Sắc màu đa dạng của LGBT trong showbiz Việt
5 năm trở lại đây, showbiz Việt dường như có thêm màu sắc đa dạng hơn nhờ sự tham gia của một số gương mặt thuộc cộng đồng LGBT. Những cái tên như Hương Giang Idol, Đào Bá Lộc, Quốc Trí, Lê Thiện Hiếu… xuất hiện ở rất nhiều cuộc thi, chương trình truyền hình thực tế đã tạo nên sự chú ý, quan tâm không nhỏ của người xem. Điều này khá dễ hiểu khi không chỉ ở Việt Nam, mà ngay cả thế giới cũng đã chứng kiến nhiều thành công bởi ngoài tài năng vượt trội, thì sự mới lạ mà cộng đồng LGBT mang đến lại trở thành “điểm cộng” trong cuộc chiến chinh phục trái tim khán giả. Và càng không ngạc nhiên khi các nhà sản xuất nhanh nhạy nắm bắt cơ hội và giữ những “con át chủ bài” cho những chiến lược “câu view” sau này.
Một số “át chủ bài” được lựa chọn tung ra đúng thời điểm, để rồi cứ thế bay thẳng trên vùng trời đầy gió. Nam ca sĩ Đào Bá Lộc được yêu mến từ cuộc thi “Giọng hát Việt 2012”. Anh cũng nhận được nhiều câu hỏi thắc mắc về giới tính của mình và đã khẳng khái thừa nhận.
Tưởng chừng Đào Bá Lộc sẽ bị đào thải trước vòng xoáy của showbiz Việt, nhưng không, anh lại được ủng hộ rất nhiều sau khi tiết lộ mình là người đồng tính. Ngoài phát triển sự nghiệp ca hát, anh còn chuyển hướng sang vai trò là một blogger beauty. Tất cả những chia sẻ về bí quyết làm đẹp da, cách trang điểm của anh nhận nhiều phản hồi tích cực từ giới trẻ.
Hương Giang Idol cũng là một trong những gương mặt thành công từ cuộc thi “Vietnam Idol 2012”. Cô từng không ngần ngại thừa nhận ngay trên sóng truyền hình mình là người chuyển giới, và đây cũng là một yếu tố giúp cho “Vietnam Idol” được chú ý hơn bao giờ hết vào năm đó.
Mặc dù không đoạt giải cao nhất ở “Vietnam Idol” nhưng Hương Giang Idol lại được đánh giá là người có bước tiến dài và chắc chắn nhất trong nghề, vượt xa nhiều thí sinh cùng thời khác. Nữ nghệ sĩ này rất đắt show ca nhạc trong và ngoài nước, trúng nhiều hợp đồng quảng cáo giá trị và hiện cô đang gây chú ý khi đại diện cho Việt Nam dự thi “Hoa hậu chuyển giới Quốc tế 2018” đang diễn ra tại Pattaya (Thái Lan).
Trong cuộc sống, việc cần đến những yếu tố hài hước, tiếng cười là điều tất yếu, nhất là trong một chương trình giải trí trên truyền hình. “Tuy nhiên, cũng không có nghĩa rằng miệt thị người khác, làm tổn thương cộng đồng yếu thế mới là sự hài hước và nhân văn” – Viện iSEE và ICS viết.
Nguồn Báo Lao Động
Dương Thanh đăng bài