Lê Trà My

Nếu tính từ thời điểm xuất hiện những bài tản văn viết bằng chữ quốc ngữ của một số tác giả như Nguyễn Văn Vĩnh, Tản Đà đăng trên Đông Dương tạp chí, Nam Phong tạp chí thập kỉ thứ hai thế kỉ XX (những năm từ 1913 đến 1917) đến nay, tản văn hiện đại đã có hành trình một thế kỉ. Một trăm năm đối với lịch sử một thể loại không phải là dài, song đối với tản văn, điều này rất có ý nghĩa. Từ một thể loại khởi đầu cho những sáng tác văn xuôi viết bằng chữ quốc ngữ ở miền Bắc, tản văn những thập kỉ sau có lúc trở nên mờ nhạt, gần như đi ngoài lề đời sống văn học, ít có tiếng nói trên văn đàn, thậm chí nhiều người còn không có ý thức về sự tồn tại của nó. Có lẽ không ai có thể dự đoán, một thể loại “xếp chiếu dưới”, chỉ để những người muốn trở thành nhà văn “tập dượt” viết lách, hoặc chỉ là một thứ “sân sau” để các nhà văn chuyên nghiệp thỉnh thoảng tạt ngang ngòi bút, đến đầu thế kỉ XXI lại có bước chuyển mình mạnh mẽ, đánh dấu sự “bùng nổ” của thể loại đến vậy.

Nhìn lại một trăm năm lịch sử, có thể nhận thấy tản văn hiện đại từ khi được hình thành cho đến nay, trải qua những môi sinh văn hóa khác nhau, có những diễn biến đặc thù, có đời sống và sức sống riêng tương thích với các môi sinh văn hóa đó. Sự hình thành hay những bước đột khởi của nó hầu như đều gắn với các giai đoạn lịch sử có nhiều biến động về văn hóa, có sự giao thoa các tư tưởng Đông – Tây, dân tộc – quốc tế. Trong những thời điểm đó, sự nảy nở phong phú của các ý tưởng cá nhân cùng nhu cầu cất tiếng nói độc đáo, thể hiện sự tự do sáng tạo đã khuyến khích sự phát triển tản văn. Đặc biệt, những giai đoạn có sự biến đổi lớn các hình thức truyền thông sẽ là môi trường phù hợp “thể tạng” của tản văn, thôi thúc sự sinh trưởng mạnh mẽ của nó.

Nhìn tổng quát có thể thấy những bước đi của tản văn trong các môi sinh văn hóa một trăm năm qua bao gồm các giai đoạn sau:

Giai đoạn tiếp xúc văn hóa phương Tây (từ thập niên thứ hai thế kỉ XX đến năm 1945). Đây là giai đoạn đánh dấu sự hình thành và phát triển của tản văn. Đầu thế kỉ XX, phong trào cổ vũ văn xuôi quốc ngữ được đẩy mạnh. Tản văn ra đời trước hết là do nhu cầu viết văn xuôi bằng chữ quốc ngữ. Viết tản văn là một cách thử nghiệm, tập dượt của các nhà văn, nhà báo. Họ vốn xuất thân Nho học hoặc ít nhiều ảnh hưởng Tây học, nay luyện bút bằng thứ văn tự mới. Giai đoạn này, đời sống báo chí nước nhà sôi động chưa từng có. Đây là điều kiện khơi mở, nuôi dưỡng cho thể loại tản văn. Báo chí cũng là nơi đăng đàn của tản văn, là phương tiện truyền thông hiện đại và hữu hiệu nhất thời bấy giờ giúp sức cho sự lan tỏa của tản văn trong đời sống văn học. Sự tiếp xúc văn minh phương Tây, mở rộng nhãn quan văn hóa, tiếp thu tư tưởng dân chủ, đề cao ý thức cá nhân đã thôi thúc những nhu cầu biểu hiện mới của chủ thể sáng tạo. Đây cũng chính là những yếu tố góp phần hình thành hạt nhân cấu trúc đặc thù của thể loại tản văn ngay từ khi xuất hiện: là thể loại biểu hiện gần như trực tiếp con người cá nhân của người cầm bút qua các hình thức biểu hiện tự do, ngẫu hứng, phóng khoáng. Trong lịch sử văn học hiện đại, hiếm có một thể loại nào mà ngay từ giai đoạn đầu hình thành đã có được những đỉnh cao và có diện mạo phong phú như tản văn. Sau sự mở đường đầy ngoạn mục của Tản Đà, tản văn đã có những thành tựu đáng lưu ý. Thứ nhất, tạo được sự đa dạng các khuynh hướng: tả thực, lãng mạn – tượng trưng, học thuật. Thứ hai, thu hút được khá đông đảo các cây bút tham gia sáng tác mà nhiều người trong số đó là những nhà văn tên tuổi, có vị trí nổi bật trên văn đàn. Các phong cách sáng tác cũng khá đa dạng. Tản văn Chế Lan Viên giàu chất suy tưởng, triết lí, đậm màu sắc tượng trưng. Tản văn Xuân Diệu tinh tế, nồng nàn, đượm chất thơ. Tản văn Phùng Tất Đắc đậm chất phiếm luận…. Có thể nói, tản văn giai đoạn này trở thành mạch nguồn khơi mở cho đường hướng chính của tản văn những giai đoạn sau.

Giai đoạn chiến tranh và hậu chiến (từ năm 1945 đến năm 1986). Đây là giai đoạn tản văn bị phân hóa và rơi vào trạng thái trầm lắng. Tính cả tản văn sáng tác trong lòng đô thị miền Nam trước 1975 thì tản văn giai đoạn này chia thành hai khuynh hướng: sử thi hóa và phi sử thi. Hai khuynh hướng này phản chiếu sự tác động của thời đại đến đời sống thể loại. Khuynh hướng sử thi hóa hướng tới sự thống nhất đề tài cách mạng; tư tưởng, mục đích sáng tác hướng tới cái ta cộng đồng, những tình cảm lớn, những suy tưởng về dân tộc, thời đại; phát huy cao độ tính trữ tình tập thể; cảm hứng chủ đạo là lòng tự hào về Tổ quốc, về truyền thống dân tộc, niềm tin vào ngày mai. Các nhà văn như Nguyễn Thi, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Trung Thành… đều ít nhiều có những tác phẩm viết theo xu hướng này. Khuynh hướng phi sử thi phản ánh những tâm tư, tình cảm mang tính cá thể, ít hòa nhập với dàn đồng ca chung, thường đề cập những vấn đề mang tính văn hóa, những sinh hoạt thường nhật; bày tỏ những ý tưởng độc đáo, những tâm trạng, cảm xúc riêng tư. Khuynh hướng phi sử thi chủ yếu xuất hiện trong văn học đô thị miền Nam trước 1975 (các sáng tác của Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Võ Phiến, Sơn Nam, Tạ Tỵ, Vũ Bằng…) và số ít các cây bút miền Bắc (như Nguyễn Tuân). Nhìn đại thể, có vẻ như tản văn giai đoạn này tạm nép mình bên cạnh những thể loại khác, có khi bị cấy ghép vào thể loại khác như kí, truyện.

Giai đoạn đổi mới và hội nhập quốc tế (từ năm 1986 đến nay). Ở Việt Nam, đây là giai đoạn mở cửa, giao lưu và hội nhập, đặc biệt là giai đoạn đánh dấu bước ngoặt về truyền thông. Tản văn hồi sinh mạnh mẽ sau một thời gian dài gần như bị loại khỏi mối quan tâm của cả người sáng tác và người đọc. Nó bắt đầu được chú ý và ngày càng có sức lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội. Đây là giai đoạn có sự vượt trội về số lượng sáng tác, đề tài, chủ đề. Các đề tài chủ yếu là: vẻ đẹp phong cảnh cùng những hương vị của quê hương, những phong tục tập quán, những nét đẹp văn hóa của dân tộc; các vấn đề mang tính xã hội; các vấn đề văn học nghệ thuật… Cách thức biểu hiện, cảm quan sáng tác cũng rất phong phú. Bên cạnh cảm quan triết luận, cảm thời, ưu hoài thường thấy ở tản văn các giai đoạn trước, tản văn giai đoạn này còn nổi lên xu hướng hài, giễu, cacnavan. Về ngôn ngữ, có sự gia tăng của khẩu ngữ, ngôn từ dân dã, tự nhiên, đời thường, ngôn ngữ “vỉa hè”, ngôn ngữ mạng… Bên cạnh kênh chữ còn xuất hiện các kí hiệu khác như các biểu tượng trạng thái, ảnh, tranh vẽ… Thể loại ngắn, hàm súc, biểu hiện những ý tưởng độc đáo như tản văn tỏ ra phù hợp nhịp sống nhanh, sôi động, hối hả của cuộc sống đương đại. Giai đoạn này, tản văn có được những thành tựu đáng chú ý. Tản văn đã giành được giải thưởng quan trọng như giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (Tản mạn trước đèn – Đỗ Chu, Tháng giêng tháng giêng một vòng dao quắm – Y Phương). Mặt khác, đã xuất hiện nhiều hơn các nhà văn dành tâm huyết cho thể loại này như Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyên Ngọc, Nguyễn Quang Lập, Phan Thị Vàng Anh, Lý Lan, Đỗ Chu, Nguyễn Khắc Phê, Mai Văn Tạo, Y Phương, Băng Sơn, Tô Hoài, Lê Minh Hà, Thanh Thảo, Tạ Duy Anh, Đỗ Phấn, Nguyễn Việt Hà… Những sáng tác của họ thực sự đã làm nên sự đa diện của tản văn, tạo sự hứng khởi của bạn đọc đối với thể loại này.

Trước thực tiễn đời sống tản văn sôi động này không thể không nghĩ đến một sự tương tác đặc biệt của thể loại tản văn với môi sinh văn hóa đương đại. Để có cái nhìn động về sự vận động và biến đổi của cấu trúc thể loại tản văn khi tương tác với các môi sinh văn hóa, chúng tôi đi vào phân tích cụ thể sự tương tác này trên cứ liệu tản văn giai đoạn từ  năm 1986 đến nay.

Nhìn đại thể, dễ nhận ra sự bùng nổ về số lượng, sự sôi động của đời sống thể loại. Khó có thể thống kê đầy đủ số lượng các tác phẩm tản văn xuất hiện trong giai đoạn này. Nhiều tuyển tập tản văn ra mắt bạn đọc. Nhiều báo, tạp chí có chuyên mục tản văn hoặc đăng nhiều tản văn. Có thể kể đến các báo, tạp chí như Hà Nội mới cuối tuần, Văn nghệ, Văn nghệ trẻ, Người lao động, Thanh niên, Giáo dục và thời đại, Đại đoàn kết, Văn nghệ Quân đội… Trên các báo địa phương cũng có mục riêng dành cho thể loại tản văn. Ngoài ra, các báo và tạp chí dành cho lứa tuổi thanh thiếu niên cũng in nhiều tản văn như Thiếu niên tiền phong, Hoa học trò, Mực tím, Sinh viên Việt Nam. Tản văn xuất hiện trên các chuyên mục của báo giấy, báo mạng, trên các trang cá nhân, trên các chương trình truyền hình, kênh VOV phát thanh… Tản văn còn xuất hiện trên sân khấu – một hình thức trình diễn tác phẩm. ViLi tùy bút, Hộ chiếu tâm hồn của Vi Thùy Linh được trình diễn trên sân khấu Nhà hát lớn và Trung tâm văn hóa Pháp. Trước hết, sự sôi động của tản văn được lí giải từ hai phương diện: đội ngũ sáng tác và công chúng thưởng thức. Đội ngũ sáng tác tản văn chưa bao giờ đông đảo như hiện nay, họ là bất cứ ai, nhà văn, họa sĩ, bác sĩ, nhà khoa học, nhạc sĩ, nghệ sĩ, sinh viên, nhân viên văn phòng, phượt thủ… Về phía “thị trường tiêu thụ” tản văn, có vẻ như bạn đọc hiện nay có xu hướng chọn đọc tản văn nhiều hơn so với các thể loại khác. Nhiều người nhận xét rằng số người đọc tản văn hiện nay còn nhiều hơn tiểu thuyết. Bài viết Tản văn – món fast food cũng cần lắm công phu (trên trang songmoi.vn) cung cấp thông tin: Nhà xuất bản Trẻ năm 2015 xuất bản 17 đầu sách tản văn, riêng ở địa bàn Hà Nội bán được 32.000 bản. Còn riêng trang fanpage Những tản văn hay về tình yêu và cuộc sống có tới 52.148 người thích.

Sự sôi động của đời sống tản văn đương đại cùng những biến đổi cấu trúc thể loại được lí giải khi nghiên cứu sự tương tác của tản văn với điều kiện sinh tồn mới. Trong nhiều yếu tố của môi sinh văn hóa đương đại, chúng tôi đặc biệt chú ý đến sự phát triển của truyền thông. Nhịp sinh trưởng của tản văn như trên đã nói là hệ quả của nhiều yếu tố trong đó sự phát triển của truyền thông có vai trò lớn. Sự bùng nổ của các phương thức, phương tiện truyền thông đã dẫn đến sự biến đổi mạnh mẽ sinh thái văn hóa Việt Nam đầu thế kỉ XXI. Hơn mười năm qua, Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc về hệ thống truyền thông. Hệ thống đa dạng các kênh truyền thông, các phương thức truyền thông đã tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội. Đặc biệt, các hình thức truyền thông phát triển dẫn đến sự thay đổi mô hình truyền thông từ truyền thông đơn chiều sang truyền thông đa chiều. Truyền thông đa chiều được coi như một sự tương thích với xã hội đa chiều, mỗi thành viên đều có thể được nói lên tiếng nói của mình, đóng góp ý kiến của mình vào những vấn đề chung của xã hội mình đang sống. Những thay đổi của đời sống xã hội dưới tác động của truyền thông đã làm thay đổi bộ mặt văn học trong đó có thể loại tản văn.

Bản thân cấu trúc đặc thù của tản văn đã khiến nó dễ thích ứng với điều kiện sinh tồn mới. Về dung lượng, tản văn là thể ngắn gọn, hàm súc nên nó dễ thích nghi với các hình thức xuất bản. Như trên đã nói, từ đầu thế kỉ XX, một trong những điều kiện ra đời của tản văn chính là sự xuất hiện của báo chí. Trong suốt thế kỉ XX, các hình thức in ấn như sách, báo vẫn là những hình thức xuất bản chủ yếu của tản văn, ngoài ra còn phải kể đến kênh phát thanh và truyền hình. Sang thế kỉ XXI, các hình thức xuất bản này vẫn còn, song các hình thức truyền thông hiện đại, đặc biệt là công nghệ số phát triển đã làm xuất hiện những hình thức xuất bản mới, khiến cho tản văn có thêm nhiều con đường tiếp cận độc giả. Tản văn tỏ ra thích hợp với các hình thức xuất bản mới, phù hợp nhu cầu tiếp nhận của đại chúng trong nhịp sống thời đại. Tản văn thường là những bài văn ngắn, ý tưởng độc đáo, nên có thể post lên các trang mạng một cách nhanh chóng. Những tác phẩm dài hơi khiến bạn đọc phải dành nhiều thời gian có thể sẽ không được ưu tiên chú ý như các tác phẩm ngắn có thể “lướt” nhanh trên mạng như tản văn. Mặt khác, quá trình “từ sách lên mạng”, “từ mạng xuống trang giấy” cũng làm cho tản văn được lưu hành phổ biến trong công chúng. Nhiều sáng tác tản văn đã từng được in thành sách (cả những cuốn được in ở thế kỉ trước) nay được số hóa để công bố trên mạng (tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư, Hoàng Phủ Ngọc Tường…). Người đọc có thể đọc mọi nơi mọi lúc, chỉ cần có một chiếc máy tính hoặc smartphone. Ngược lại, nhiều sáng tác đã từng công bố trên mạng lại được tập hợp in thành tuyển tập (trường hợp sáng tác của Trần Thu Trang, Nguyễn Quang Lập, Trang Hạ…). Các cuốn tuyển tập tản văn trở thành sách bỏ túi, giúp người đọc thư giãn trong những khoảng thời gian nghỉ ngơi ít ỏi. Nhiều người viết tản văn tự công bố các tác phẩm của mình, có thể dưới dạng lưu trữ (qua blog, website) hoặc chia sẻ (facebook). Ví dụ các trang của Trang Hạ, Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Ngọc Tư, Trần Thu Trang, Anh Ngọc, Đinh Vũ Hoàng Nguyên, Phạm Ngọc Thạch… Chuyên mục tản văn có ở nhiều trang mạng như tapchisonghuong.com, giaitri.vnexpress, vanvn.net, quehuongonline.vn, chungta.com… Internet là con đường ngắn nhất và nhanh nhất để tác phẩm đến với công chúng. Có thể nói thể văn ngắn như tản văn rất có ưu thế ở hình thức xuất bản này.

Không gian truyền thông hiện đại không chỉ tạo điều kiện cho việc phát thông tin mà còn chú ý thích đáng đến việc nhận và phản hồi thông tin. Một tin tức vừa được thông báo, hàng loạt ý kiến sẽ phản hồi. Không gian truyền thông có tính tương tác – đa chiều hiện nay đã tác động mạnh mẽ đến thể loại tản văn. Trước hết phải nói đến sự “phản ứng nhanh” của tản văn. Từ trước đến nay, tản văn được cho là thể loại phù hợp với sự ngẫm ngợi, trầm tư chiêm nghiệm, hoài vọng quá vãng hay cảm hứng với những thú vui nhàn. Tuy nhiên, tản văn còn có một “tạng” khác, đó là tính thời sự. Còn nhớ những tác phẩm tản văn của Phùng Tất Đắc viết trước 1945 đã bám rất sát các vấn đề xã hội nóng bỏng (ví dụ như các bài Một vạn bạc bồi thường, Tăng lương nên tăng lương)(1). Trong bối cảnh hiện nay, tản văn có điều kiện phản hồi nhanh các vấn đề thời sự. Năm 2013, sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trở thành chủ đề của hàng trăm bài viết trên báo in, báo mạng. Khảo sát một số trang mạng trong khoảng mười ngày từ 4/10/2013 (ngày Đại tướng từ trần) đến 15/10/2013, có một số ít các bài thơ, còn chủ yếu là các bài viết mang tính tạp cảm, trong số đó có hàng chục bài có dáng dấp của tản văn mà tác giả của chúng là các nhà văn, nhà báo, nhà giáo dục, nhà khoa học như Hoàng Minh Tường, Nguyễn Trung Kiên, Chu Văn Sơn, Dương Tường, Cao Huy Thuần, Dạ Ngân… Những bài tản văn này được nhiều người đón nhận và cùng chia sẻ. Hiếm có thể loại văn học nào có khả năng bám sát đời sống và tạo sự tương tác tức thời, có hiệu ứng cộng cảm cao như tản văn. Có lẽ do thoát thai từ báo chí nên tản văn phần nào vẫn giữ tính chất nhật dụng, bám sát diễn biến đời sống hàng ngày.

Truyền thông đa chiều còn tác động trực tiếp và làm thay đổi cấu trúc thể loại tản văn. Nó là nguyên nhân góp phần tăng cường tính đối thoại – cộng cảm của tản văn. Tản văn là một cách thí luận, nêu vấn đề. Từ trong bản chất, nó mang tính đối thoại. Phương tiện truyền thông hiện đại tạo điều kiện phát huy sự tương tác giữa người viết và người đọc. Một sáng tác văn học vừa hoàn thành có thể ngay lập tức được công bố, cũng có thể ngay lập tức có phản hồi từ phía bạn đọc. Sự phản hồi nhanh ở người đọc là một yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến cấu trúc đối thoại của tản văn. Khả năng kích thích những phản hồi, thậm chí là trái chiều, ở tản văn là rất lớn. Tản văn có thể khơi gợi những ý kiến phản biện vì nó thường lật xới vấn đề quen thuộc dưới những góc nhìn lạ. Kết cấu luận đề theo kiểu thí luận cũng là một yếu tố kích thích tranh luận. Tản văn Trang Hạ được yêu thích có lẽ phần lớn là ở những hương vị lạ của các ý tưởng trái ngược với những cách nghĩ thông thường, đôi khi gây shock. Người ta thường nhớ về người yêu đầu tiên, chị lại cho là người phụ nữ second-hand, người thứ hai, mới là người hạnh phúc: “…tôi muốn làm người đến sau. Để được nâng niu, chiều chuộng, trân quý” (Second hand)(2). Đã có chồng có vợ thì sợ chuyện ngoại tình, nhưng chị lại nghĩ: “… nếu có ai nói họ cả đời chẳng ngoại tình kể cả trong tâm tưởng, tôi nghĩ chắc đó là người tẻ nhạt lắm, chẳng làm cho ai yêu nổi mình hoặc cũng không biết xúc động trước cuộc sống trăm nghìn điều đẹp đẽ. Và trước người như thế, tôi nghĩ thà tôi tự đào huyệt chôn mình còn hạnh phúc hơn sống đời với một người vợ/ chồng không cảm xúc” (Những chuyện ngoại tình)(3).

Tính đối thoại kích thích phản hồi từ phía bạn đọc. Bạn đọc đồng tình hoặc phản biện, có khi bàn luận mở rộng, kết nối với các vấn đề khác. Sức cuốn hút ở tản văn là cách nêu ý kiến và khơi gợi sự tranh luận. Nhiều tác phẩm của Tản Đà đầu thế kỉ XX rất có ảnh hưởng tới bạn đọc thời đó chính là được sáng tác bằng hình thức thí luận như thế (ví dụ như các bài Luận cô Kiều, Thằng người ngây cưỡi con ngựa hay…)(4). Ở kênh báo chí đầu thế kỉ XX, sự hồi đáp của bạn đọc có sự giãn cách thời gian rất lớn. Đến thế kỉ XXI, người đọc có thể hồi đáp trực tiếp, trực tiếp bày tỏ ý kiến bằng cách viết email, comment, share, hoặc các dấu hiệu biểu lộ trạng thái… Ngày 12/4/2016, trên trang fanpage Nguyễn Ngọc Tư có đăng bài tản văn Ngồi buồn coi phim con nít  (Nguyễn Ngọc Tư). Nhân xem bộ phim Tây du kí, người viết đưa ra suy nghĩ của mình về đoàn người đi thỉnh kinh, “đoàn người cô đơn”, “đi cho đủ kiếp nạn, cho thấu hết khổ này đến khổ khác”. Những khổ nạn mà thầy trò Đường Tăng phải trải qua không được hiểu như là chủ ý của các bậc cao tu thử thách lòng kiên trinh của kẻ tu hành, mà được hiểu như sự cùng khổ của chúng sinh (chúng sinh hiểu theo nghĩa những người thuộc đám-đông-nhỏ-bé như trong một bài tản văn khác Nguyễn Ngọc Tư đã định danh) trong cõi người. Đây là một cách diễn giải, tiếp nhận Tây du kí khá “lạ” so với nhiều cách diễn giải đã có. Điều này khơi gợi nhiều ý kiến bạn đọc và các trạng thái bình luận về cái bất công, cái bất hợp lí, cái ác, về sự bao che, về kiếp dân đen, về tín niệm tôn giáo… Bài này có 1.235 lượt chia sẻ, 45000 lượt like và 106 bình luận. Sáng tác trong một điều kiện như vậy, người viết phải hướng đến lượng bạn đọc thực tế, hình dung các phản ứng của họ, tránh lối áp đặt tư tưởng. Trong Ngồi buồn coi phim con nít, người viết không đưa ý kiến theo lối quy kết, khẳng định một chiều mà soi chiếu vấn đề theo kiểu “giả sử”, thử đưa ra tình huống: “Có lúc ngồi nghĩ, phải mình làm phim này, mình cho mấy anh trong phái đoàn thỉnh kinh diễn thêm chút xíu ở cái đoạn trời (con) được trời (ông, cha) rủ đi… nhậu (ai biết được điều gì xảy ra trên… trời?), mình sẽ đặc tả vẻ ngẩn ngơ, chua xót tràn ngập trên mặt, tối sầm trong mắt họ, mình thuê chiếc trực thăng bay lên cao để quay đám người cô đơn đó, cô đơn tận cùng, cô đơn đến tuyệt vọng”. Cách nói này vừa thể hiện được khuynh hướng tư tưởng cá nhân, vừa kích thích nhiều cách tưởng tượng ở bạn đọc, lại có thể có độ mở cho các ý kiến khác cùng tranh biện.

Tản văn là thể loại bộc lộ gần như trực diện cái tôi chủ thể lời, cho nên nó phù hợp với hình thức phát biểu quan điểm riêng, chia sẻ trải nghiệm riêng trên các trang cá nhân hoặc các liên kết nhóm của cộng đồng mạng. Mặt khác, ở kênh sách báo, hiện nay việc in ấn, xuất bản khá thuận lợi, tạo điều kiện cho người viết công bố những ấn phẩm cá nhân. Tản văn dễ in do tác phẩm nhỏ gọn, có thể tập hợp các ghi chép của một hoặc một vài người vào một tập sách. Chưa bao giờ nhu cầu được phô diễn mình, nhu cầu tự kiến tạo cá nhân của con người lại mạnh mẽ như hiện nay. Con người có điều kiện (một cách dễ dàng) nói lên ý kiến cá nhân của mình về những vấn đề mình quan tâm. Được chia sẻ cái tôi, nói lên tiếng nói riêng trở thành một nhu cầu không thể thiếu của phần đông công chúng. Người ta có thể viết về một kỉ niệm riêng tư, một sự việc quan sát được từ cuộc sống xung quanh, phẩm bình về một chủ đề yêu thích, thậm chí ghi chép những công việc thường nhật. 99 tuần buôn chuyện của Trần Thu Trang là một kiểu tự thể hiện mình qua hình thức ghi chép cá nhân(5). Trần Thu Trang là một hiện tượng điển hình cho xu hướng ghi chép chuyện của chính mình, những suy nghĩ hàng ngày của chính mình như một cách tự trải nghiệm, tự bộc lộ của giới trẻ. Dung lượng tản văn thích hợp việc bộc lộ ý kiến, cảm xúc, lưu giữ kỉ niệm, hồi ức cá nhân nảy sinh do nhu cầu và tác động của đời sống hàng ngày. So với các giai đoạn trước, giai đoạn này, cái tôi chủ thể đời thường trở thành một nét nổi bật trong tâm thế sáng tạo tản văn. Những tiếng nói riêng, những ý tưởng độc đáo qua những trải nghiệm thực sự của chủ thể được trình hiện. Những cách nhìn độc đáo, những nhận định khác biệt, những triết lí bất ngờ ở tản văn chính là sức hấp dẫn của thể loại, đồng thời thể hiện độ mở trong tư duy sáng tạo. Điều này thích hợp với tinh thần thời đại dân chủ, chấp nhận nhiều tiếng nói, phá vỡ những chân lí độc tôn. Điều này cũng rộng đường cho nhiều cây bút “tay ngang” tham gia sáng tác tản văn cùng các nhà văn chuyên nghiệp.

Như vậy, đời sống tản văn hôm nay, sau một trăm năm hình thành và tồn tại đã chứng minh sức sống của một thể loại. Tản văn là thể loại xuất hiện do nhu cầu lịch sử – là nơi tập luyện văn mới, nhưng sinh mệnh thể loại lại không chấm hết cùng sự kết thúc của vai trò lịch sử. Thực hiện vai trò cổ xúy văn xuôi quốc ngữ, người viết tản văn tập viết văn xuôi bằng tiếng Việt với vốn liếng là những kinh nghiệm thể loại truyền thống (chủ yếu là thể văn luận thuyết, du kí), lối biền ngẫu của văn xuôi chữ Hán, kết hợp tư tưởng dân chủ của phương Tây. Khi văn xuôi tiếng Việt dần hiện đại hóa, tản văn cũng đi theo hướng hiện đại, tiếp cận lời nói hàng ngày, hiện đại hóa câu văn, diễn đạt các ý tình phong phú. Trong những giai đoạn tiếp theo, tản văn đã song hành cùng các thể loại khác, tạo nên diện mạo của văn học Việt Nam hiện đại (tuy có lúc nó bị lấn át bởi các thể loại khác). Và cho đến hôm nay, trong thời đại của truyền thông hiện đại, tản văn trở thành thể loại thu hút đông đảo bạn đọc, phát triển, nở rộ, hứa hẹn những kết tinh mới. Đời sống thể loại tản văn với những bước thăng trầm của nó một trăm năm qua cho thấy rõ hơn những quy luật phát sinh, phát triển, tồn vong của văn học trong sự tương tác với các môi sinh văn hóa.

L.T.M
___
1. Phùng Tất Đắc, Chuyện vô lí, Nam Chi Tùng thư, Sài Gòn, 1962.
2. Trang Hạ, Đàn bà ba mươi, Nxb Văn học, 2013, tr 34.
3. Trang Hạ, Đàn bà ba mươi, Nxb Văn học, 2013, tr 167.
4. Tản Đà, Tản Đà tản văn, Nxb Hương Sơn, 1942.
5. Trần Thu Trang, 99 tuần buôn chuyện, Nxb Hội Nhà văn, 2008.

Văn nghệ Quân đội

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài

Exit mobile version