Một cuộc hội thảo riêng, có cái tên khá gây hấn “Tản văn có phải là fast-food”, vừa diễn ra tại Hà Nội với sự góp mặt của nhiều nhà văn, nhà phê bình trong nước cùng một số gương mặt nghiên cứu nước ngoài. Trong nhiều ý kiến về khái niệm tản văn, có người đồng tình đó là “món ăn nhanh” (fast-food), người bảo không… Dù thế nào đi nữa, tản văn đã hiện diện trong đời sống văn chương và có chỗ đứng nhất định.
Bùng nổ hay không bùng nổ?
Có nhà phê bình dùng từ “bùng nổ” để nói về sự phát triển của thể loại này trong những năm gần đây. Giới truyền thông thì muốn “định lượng” rõ hơn về sự “bùng nổ”. Và chia sẻ của một vài đơn vị xuất bản cũng cho thấy số tác phẩm tản văn ra mắt dăm năm qua, ngày một nhiều hơn. Riêng NXB Trẻ, từ năm 2010 đến tháng 6-2015 đã có 62 tựa tản văn được giới thiệu, trong đó riêng ba năm qua là 47 tựa.
Bằng con mắt của bạn đọc cũng có thể thấy nhiều NXB, các đơn vị liên kết khác cũng rất quan tâm và khai thác, xuất bản các tác phẩm tản văn như: NXB Phụ nữ, NXB Văn học, Nhã Nam, Quảng Văn, Liên Việt… Thậm chí, NXB Kim Đồng cũng chú ý thể loại này, trong đó tác phẩm mới nhất là tập tản văn của Nguyễn Ngọc Tư mang tên “Biển của mỗi người”…
Các nhà văn giờ “rẽ” sang tản văn cũng không ít. Thú vị là có nhiều gương mặt văn nghệ sĩ ở các lĩnh vực ngoài văn học, hoặc các nhà văn đã thành danh với những thể loại “nhớn” như tiểu thuyết, truyện ngắn… Ví như đạo diễn Việt Linh, họa sĩ Đỗ Phấn; kiến trúc sư, biên tập viên Nguyễn Trương Quý; các nhà văn Bảo Ninh, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư, Lê Minh Hà…
Như thế, có thể nói tản văn rất thu hút người viết và thực tế cũng đang hấp dẫn người đọc. Có phải vì viết cũng nhanh và thưởng thức cũng nhanh?
Nhiều nhà phê bình đã đưa ra một số nhận định về thể loại này, dẫn ra cả nguồn gốc tên gọi từ nước ngoài, nhưng tựu trung lại có mấy điểm chính như ngắn, đa dạng đề tài, phi hư cấu; cũng có những băn khoăn về tên gọi như tản văn khác tạp văn thế nào, có thể phân biệt chúng với nhau ở chất thông tấn, báo chí và chất văn học? Lại có người ghép chúng với nhau thành một thể loại riêng cho tác phẩm của mình là “tùy văn – tạp bút”. Trong tản văn lại như có hai dòng, một thiên về lập luận, một thiên về cảm xúc hoặc cách gọi khác là một dòng thiên về các vấn đề thời sự, một dòng hướng nội…
Nhà phê bình Hoài Nam từng có riêng một tham luận về tản văn tại hội thảo khoa học toàn quốc về “Sáng tác văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới”. Tại buổi trao đổi về tản văn, nhà phê bình này cho rằng có thể xem tản văn là “fast-food” vì sản xuất nhanh, tiêu thụ nhanh, và đã là đồ ăn nhanh thì có đồ ngon, có đồ dở. Nhưng ngược lại có bạn đọc lại đặt vấn đề không nên xem tản văn là “fast-food” vì đã là đồ ăn nhanh thì khó ngon. Trong khi đó, tản văn, tạp bút có rất nhiều đại diện hấp dẫn, sâu sắc…
Càng đi sâu vào khái niệm càng thấy thể loại “lưng chừng” này thú vị, hấp dẫn và vẫn như đang mở ra với nhiều quan điểm, góc nhìn…
Một giọng điệu, một độ nén
Họa sĩ Đỗ Phấn, tác giả của một loạt tản văn “ăn khách” gần đây như: “Ngồi lê đôi mách với Hà Nội”, “Hà Nội thì không có tuyết”, cho rằng viết tản văn đặc biệt “tốn chữ”. Quả là vậy, càng ngắn càng không dễ khi mỗi con chữ được chọn phải chở được hàm lượng thông tin tối đa. Thứ nữa, không ai phủ nhận viết tản văn dù thiên về lập luận hay cảm xúc thì đều phải có giọng. Có ý kiến cho rằng kết cấu của tản văn cũng đầy tự do, ngẫu hứng, nhưng xét cho cùng vẫn là một sự ngẫu hứng có ý tứ, có duyên. Chả có tản văn nào vô duyên mà ở lại được trong lòng bạn đọc. Kiến trúc sư Nguyễn Trương Quý, tác giả của một loạt tản văn mang đậm “gu” giới kiến trúc, cho rằng viết ngắn nhưng phải rất dụng công, phục bút, hoạt. Anh dẫn ra, phân tích những lối triển khai rất có chủ ý trong tản văn của cây bút văn xuôi sung sức Nguyễn Việt Hà. Một số nhà phê bình nêu ví dụ về những bài tản văn sắc và đầy cảm xúc của Phan Thị Vàng Anh…
Như vậy, ai cũng có thể viết tản văn, tạp bút, nhưng viết hay thì cũng giống như bất kỳ thể loại nào khác, không đơn giản. Chất văn chương ít nhiều đều phải có.
Một ý kiến đáng chú ý khác cho rằng hiện tượng tản văn được viết nhiều hơn những năm gần đây bên cạnh các thể loại phi hư cấu khác như tự truyện, hồi ký, du ký…, đã phản ánh một xu thế, tâm trạng muốn tìm về những giá trị thật, như thể một cuộc đối diện với bản thân. Và có thể xem như đây là một chỉ dấu của đời sống văn học, văn hóa nói chung!
Đã thấy, những phân tích về thể loại, nguồn gốc… cũng là thú vị, nhưng cũng không hẳn là quan trọng lắm. Phải chăng nên quan tâm xem “cái lát cắt của truyện ngắn” ấy nó có giúp người viết có những khoảng dừng đáng quý, có giúp tạo nên những giọng điệu văn chương, có giúp bạn đọc sống chậm, sâu hơn trong cuộc sống này? Thành phố cần những đại lộ, nhưng cũng cần những ngõ nhỏ chở bao hồn vía của con người. Tản văn là ngõ nhỏ xuyên qua những thể loại lớn, kết nối người đọc và tác giả. Tản văn ngắn nhưng là đời sống chắt chiu cả một chặng dài. Nhiều ý tứ, nhân vật trong tản văn được các nhà văn thừa nhận là đã trở thành nhân vật, tình tiết trong truyện ngắn, tiểu thuyết của họ. Đọc tản văn của Nguyễn Ngọc Tư vẫn nhận ra những thân phận rất văn học… Tản văn nuôi dưỡng cảm xúc người viết, người đọc. Mỗi trang viết nếu có thể mang đến một niềm cảm hứng, nếu có thể vun đắp cho văn hóa đọc thì có nghĩa là nó có ích với văn chương, với đời sống! Thế thôi, là quá đủ rồi. Lúc này, cứ nhớ đến đạo diễn Việt Linh và “5 phút với ga xép”, nhà văn Lê Minh Hà với “Còn nhớ nhau không?”, họa sĩ Đỗ Phấn với “Hà Nội thì không có tuyết”, kiến trúc sư Nguyễn Trương Quý với “Mỗi góc phố một người đang sống”…
Theo Thi Thi – Hà Nội mới online