Châu La Việt

 

Tôi lẳng lặng quan sát từ nhiều năm nay, có hai người bạn cư xử với bác Đỗ Chu bao giờ cũng rất “nhất mực”, là các ông Hữu Việt và Trương Nhuận.

Bây giờ cả hai đều đã thăng quan tiến chức, người thì hàm vụ trưởng, ông thì là Giám đốc Nhà hát, nhưng xem ra cung cách các ông ấy chăm sóc bác Đỗ không những không thuyên giảm mà lại có phần còn chu đáo hơn xưa…

Nhớ cách đây một hai năm, Trương Nhuận nhắn vào Sài Gòn bảo tôi: “Anh ơi, anh Đỗ Chu hỏi thăm anh đấy, anh ấy hỏi dạo này anh sống thế nào, viết lách ra sao? “Nghe vậy hãi quá mới vội gửi ra nhờ Nhuận đưa tới anh Chu mấy cái truyện ngắn, mấy bài báo… nhờ anh Chu đọc giúp. Thế nào mà vèo vèo chỉ có mấy đêm, anh ấy không chỉ đọc, mà còn biên tập, mà lại cả vẽ bìa, lại cả viết lời tựa để tôi có tập truyện ngắn đầu tay là Những tầng cây săng lẻ (Lời tựa anh viết hay đến đỗi sách chưa ra mà báo Văn nghệ đã in ngay bài!)

Nhà  văn Đỗ Chu và nghệ sĩ Trương Nhuận (ảnh: Fbnv)

Lại một hôm Trương Nhuận nhắn vào bảo “Em mới gửi anh Đỗ Chu 10 triệu anh ạ”, tôi mới bảo Nhuận: “Ừ, thế là phải lắm. Chú bây giờ làm Giám đốc Nhà hát chắc cũng có rủng rỉnh hơn xưa, thi thoảng cũng nên biếu các bậc đàn anh chút đỉnh để các bác ấy uống rượu”. Ấy chết, sự thể nó có hơi khác một chút… Em biết anh ấy đang in tập tùy bút “Chén rượu gạn đáy vò”, anh ấy bảo là tập sách cuối (nên mới gọi là chén rượu gạn đáy vò), văn chương trau chuốt kỹ càng lắm, lại có hẳn gần 10 trang chữ bé như con kiến viết về anh em mình… Vậy nên em gửi bác ấy tiền, xin đăng ký bác ấy mua hộ cho thùng sách, để anh em mình có cái mà gửi tặng bạn bè. Dẫu sao thì cũng kể như là mình được chữ thánh hiền anh ạ”.

Nhuận nói rành rẽ quá, làm tôi hồi hộp đón chờ sách cả tháng. Nhưng hôm sách ra, thì cả tôi và Nhuận lại đều đi công tác nước ngoài. Mấy hôm sau Nhuận về trước, mới nhắn một tin nhắn làm tôi đọc ê hết cả… răng: “Em đọc rồi anh ạ. Anh Chu viết tùy bút thuộc loại số một bây giờ. Đọc suốt một đêm mê mệt. Cái bài về anh anh ấy viết hay lắm, in gần 10 trang, từ trang 84 đến gần hết trang 94. Nhưng phần em chỉ đúng được hai chữ tên em: Trương Nhuận, kể như mỗi chữ của bác ấy về em trị giá là 5 triệu đồng anh ạ…”

Sau này được sách, mới mở ra đọc, thì đúng là có vậy. Cả đêm thao thức soi đi soi lại từng trang viết, cứ tự hỏi chẳng hiểu làm sao mà bác Chu yêu thằng Trương Nhuận đến thế, mà nhõn chỉ dành đúng cho nó hai chữ “Trương Nhuận” trong toàn bài. Nguyên văn bác viết thế này “Một hôm có ông Trương Nhuận Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ gõ cửa nhà tôi, tay ôm bọc bản thảo nói là của Châu La Việt từ Sài Gòn gửi ra để anh đọc rồi cho mấy trang đầu sách làm lời tựa. Nhìn đống chữ nằm trên bàn mà lo, vừa lo lại vừa mừng, bởi thế là từ nay đã có tin về người bạn dưới tuổi lặn đâu mất tăm cả chục năm trời giờ mới hiện ra…”

Đấy, chỉ có hai chữ Trương Nhuận như thế. Mới nhắn tin lại an ủi ông Giám đốc Nhà hát Trương Nhuận rằng: “Em chỉ được hai chữ, nhưng là chữ Kim cương em ạ”. Chữ bác Đỗ Chu là chữ kim cương. Mà kim cương của bác Đỗ Chu thì còn gì bằng nhỉ?…

Văn học quê nhà

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài