“Tản mạn trước đèn”, đoạt giải thưởng Hội Nhà văn VN của Đỗ Chu
Hàng loạt tập tản văn trình làng đã và đang đem đến cho đời sống văn học VN làn gió mới tươi mát. Không chỉ thu hút sự vào cuộc của nhiều thế hệ nhà văn, tản văn còn được đông đảo bạn đọc đón nhận. Vậy thế mạnh gì đã đưa tản văn lên “ngôi vương” của thị trường sách Việt.
Điểm lại Giải thưởng Hội Nhà văn VN những năm gần đây, nhiều tập tản văn đã vinh dự được khoác “vương miện văn chương”. Sau thành công với những tập truyện ngắn Hương cỏ mật, Phù sa, Gió qua thung lũng, Tháng hai, Trung du, Mảnh vườn xưa hoang vắng, Một loài chim trên sóng… nhà văn Đỗ Chu chuyển sang viết tản mạn, tùy bút.
Ngay trong lần đầu chạm ngõ tùy bút, cuốn Tản mạn trước đèn của Đỗ Chu đã có tiếng vang, đoạt Giải thưởng Văn học Hội Nhà văn VN 2005. 10 năm sau, trên ngôi vương của Giải thưởng Hội Nhà văn VN, một tập tản văn khác cũng được xưng danh là cuốn sách Con giai phố cổ của Nguyễn Việt Hà… Nói cho cùng, đánh giá sự chìm nổi của một thể loại phải nhìn nhận từ những tác phẩm đỉnh cao và đáng ghi nhận là trên đỉnh cao của Giải thưởng Hội Nhà văn VN 10 năm trở lại đây đã đánh dấu sự lên ngôi của thể loại tản văn.
Hơn thế, nếu như trước đây tản văn vẫn thường được xem là một góc nhỏ trong sự nghiệp của các nhà văn và hiếm có tác giả “chung thân” với thể loại này thì ngày nay, dường như gió đã đổi chiều.
Lý giải về sự lên ngôi của thể loại tản văn, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên khẳng định: “Trong cuộc sống hiện đại đầy hối hả, tấp nập… thể loại tản văn dễ được người đọc tiếp nhận. Không chỉ vì người đọc hiện nay không có nhiều thời gian để đọc những tác phẩm dài hơi mà hơn thế, tản văn đem đến cho người ta những cái đẹp, những cảm xúc và cả những điều đã qua đi, đã mất trong quá khứ dù rất nhỏ”. Với lợi thế viết ngắn, tản văn thực sự dễ tiếp nhận hơn với tác giả trong cuộc sống đương đại hối hả và luôn bộn bề lo toan. Hơn thế, tản văn cũng là thể loại có thể tiếp cận trực diện các vấn đề của xã hội mà giọng văn, cách hành văn cũng như tính hư cấu của tác phẩm vẫn luôn dành đất cho người viết tung hứng, sáng tạo.
“Yêu người ngóng núi”, một tập tản văn thành công của Nguyễn Ngọc Tư
Bên cạnh đó, trước sự bùng nổ của công nghệ thông tin và mạng xã hội, tản văn có sự thích ứng rất tích cực. Với những mẩu viết ngắn, tác giả viết tản văn có thể đăng ngay những đoạn văn vừa sáng tác lên các trang mạng xã hội và có thể nhận ngay những phản hồi của người đọc về sức sống của tác phẩm. Không ít tập tản văn là tập hợp những bài viết ngắn trên các báo hay các trang mạng xã hội. Có thể kể đến tác phẩm Nhân trường hợp chị Thỏ bông của nhà văn Phan Thị Vàng Anh với bút danh Thảo Hảo hay Ngày mới nhẹ nhàng của Dạ Ngân, Năm phút ở ga xép của Việt Linh… Thậm chí với lợi thế viết ngắn, nhiều tác giả trẻ có thể in chung một tập tản văn mà không cần phải đợi đến khi tràn đầy tác phẩm mới có thể ra sách riêng. Thực tế, hai tác giả Hamlet Trương và Iris Cao ra chung tập tản văn Thương nhau để đó trước khi mỗi người trình làng mỗi tập tản văn riêng với Tay tìm tay níu của Hamlet Trương và Người yêu cũ có người yêu mới của Iris Cao…
Điều thú vị là tản văn đã và đang thu hút sự quan tâm, vào cuộc của nhiều cây viết trẻ. Nhiều tác phẩm tản văn của những người trẻ tuổi này như những tâm sự thầm kín của các cá nhân lên những trang viết nhưng cũng có những trang viết để mở những góc nhìn cho người đọc chiêm nghiệm, phản biện… Nhà phê bình Chu Văn Sơn nhìn nhận: “Tản văn đang “hot” bởi thể loại này không cần viết dài hơi, không cần dựa quá vào sự tưởng tượng, sáng tạo của tác giả. Đôi khi chỉ cần có hành văn dễ đọc, có tính lập luận trước các vấn đề của thời cuộc là có thể có tập tản văn được người đọc tiếp nhận”.
Theo Phúc Nghệ – Văn hóa online