Không bị bó buộc vào khuôn khổ câu từ như thơ, không chịu những khắt khe trong nghệ thuật dựng truyện, tản văn được các nhà văn, nhà thơ, thậm chí cả những người lần đầu cầm bút yêu thích. Vậy đâu là những tiêu chí cơ bản cho thể loại ấy để đánh giá được chính xác về một bài hay một cuốn tản văn hay.
Tản văn là… fast-food? (ảnh: hanoimoi)
Trước hết, người viết xin được bàn rộng từ khái niệm phong trào viết và viết phong trào. Cũng như thể thao quần chúng, nghệ thuật quần chúng, văn chương không phải là vùng cấm cho những ai mới vào nghề, hay tay ngang. Tuy nhiên, văn chương chuyên nghiệp lại không có được một “sân chơi” riêng để người viết có động lực phấn đấu lên hạng. Cũng như, không phải lúc nào người đọc cũng “dũng cảm” đánh giá đúng về bạn văn của mình. Và sự sáng tạo, đổi mới thực sự nhiều khi bị nhầm lẫn, đánh đồng với sự mô phỏng. Trong sự hỗn tạp đó, tản văn bỗng dưng xuất hiện với hai hướng phổ biết.
Thứ nhất, đó là những gì đời thường nhất, có thể do tản văn có sức chứa lớn hơn thơ tự do về dung lượng, hào phóng hơn về khả năng tự sự, nên tự nhà thơ tìm đến tản văn:
“Đêm đầu tiên ngủ tại nhà mình. Lưng đặt lên tiếng mọt. Những con mọt có từ những năm hòa bình lập lại. Đêm đêm chúng liên tục tấn công vào cột, xà bằng gỗ nghiến của nhà tôi.
Đêm đầu tiên ngủ tại nhà mình. Lưng đặt xuống tiếng chuột. Những chuột cụ, chuột ông, chuột cha, chuột con béo núc ních núc ních. Chúng rầm rầm cãi cọ. Chúng chí chát đuổi nhau. Chúng hò reo no căng múa hát. Thạp lúa nhà tôi trở thành sân khấu của chúng.
Đêm đầu tiên ngủ tại nhà mình. Lưng đặt lên tiếng nhệu nhạo kít két. Một cụ trâu đang nhai rơm. Tiếng hai hàm răng cùn mòn nghe thật tội nghiệp. Nó bền bỉ nghiến vào rơm khô. Lúc chiều người cháu rưới tí nước muối, nên rơm càng dẻo dai nhanh nhách. Cụ trâu đã bảy, tám năm rướn sức kéo cày. Không biết nó có qua nổi mùa đông tới…
Đêm đầu tiên ngủ tại nhà mình. Mùi phân. Mùi nước đái. Mùi những con giun chăm chỉ lặn vào đống mùn. Nhà thì còn, nhưng cha mẹ thì không. Ngước mắt lên ban thờ, khói nhang lạnh ngắt. Những chùm hoa giấy xanh đỏ thẳng đứng rủ xuống. Chúng lủng lẳng như người. Đã bao lâu rồi, hoa không nhúc nhích.” – (Quê hương chất ngất này đây!- Y Phương).
Ngược lại, nhiều người viết muốn mượn danh tản văn, tạp bút, nhiều khi được núp dưới cái bóng của ghi chép để thể hiện khả năng “gặp gì ghi nấy” như về quê tôi có cái cây gì, hoa gì, đình gì, chùa gì… là nghiễm nhiên thành văn chương.
Trong xu hướng “mở” của thời đại văn chương thời mở cửa, người viết có cảm giác ở tất cả các thể loại đều có những ngoại lệ, có “cổng sau” riêng. Qua cánh cổng ấy dễ được người đọc dễ dãi chấp nhận theo kiểu “hội nhóm” trên mạng xã hội, thậm chí đến cả người đọc khắt khe cũng phải dè chừng. Trong thể loại thơ, nếu là thơ lục bát, thơ có vần điệu từ 4 đến 8 hay 9 từ trong một câu người đọc sẽ dễ dàng nắm bắt nhưng lại có thơ theo xu hướng tân hình thức. Vậy tân hình thức là gì? Bài thơ này đã thực sự là tân hình thức chưa? Cái đó ngươi đọc cũng mơ hồ. Truyện ngắn theo lối truyền thống là có cốt truyện, tình huống đã quá quen thuộc, nhưng còn truyện ngắn theo kiểu khó xác định được cốt truyện, xen lẫn yếu tố hiện đại được ai đó sướng lên thành “hậu hiện đại”, dẫu bạn đọc có không hài lòng cũng phải rè chừng. Vậy thì với tản văn, thể loại vẫn ngầm được hiểu là tản mạn, một dạng “fast food” (đồ ăn nhanh) của thời đại công nghệ có những tiêu chí gì để nhận định khi mà nó dễ được hiểu là nhân vật chính của “cửa sau” thị hiếu thẩm mỹ của công chúng, nơi mà sáng tác được viết ra nhiều khi né được những người gác đền nghiêm khắc nhất. Trong dòng chảy ào ạt của những chiến hạm tản văn mang tên những nhà văn có tên tuổi, có sự lắng đọng của trải nghiệm và suy cảm như Bảo Ninh, Y Phương, Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Ngọc Tư… thì vẫn len lỏi có những ghi chép vụn vặt, cảm xúc sống sít. Vậy lấy đâu làm tiêu chí đánh giá tản văn? Người viết xin đưa ra vài nhận định làm cơ sở để bạn đọc tham khảo:
Trước hết, đó phải là những suy cảm sâu lắng, những chiêm nghiệm của người viết qua thời gian. Điều ấy không được thể hiện qua nhân vật như trong tiểu thuyết, truyện ngắn, không được đúc kết vào câu chữ nhưng vẫn mang đến cho độc giả sự thú vị như một bài học về cuộc sống.
Thứ hai, tản văn không phải là thứ kể lể dài dòng mà phải là sự chắt lọc những chi tiết (bao gồm cả tả thực, kể tỉ mỉ những kiến thức trong đời sống hay cảm xúc) được người viết quan sát và có thể hư cấu thêm để người đọc có được sự rung cảm.
Sau cùng, tản văn phải kiệm lời, chứ không thể là nơi dễ dãi của câu chữ, là sự xào xáo, mô phỏng và làm mất đi giá trị văn chương.
Mỗi thể loại sẽ có một sự sứ mệnh riêng trong cuộc sống. Tản văn không dừng lại mà sẽ có những bước phát triển riêng. Hy vọng rằng trong tương lai, thể loại này sẽ có dịp được đi xa hơn nữa trong đời sống bằng những đổi mới tích cực hơn.
Phương Mai – Tổ Quốc
————
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả