Tập tản văn 100 gờ-ram hạnh phúc (NXB Trẻ, tháng 10/2013) dày 248 trang, gồm 44 câu chuyện nhỏ của nhà văn Thụy Anh vừa mới ra mắt, viết về những khát khao hạnh phúc từ những điều tốt đẹp và mong muốn tốt đẹp mà chị cùng chia sẻ với cuộc đời khi hoài niệm về một thời đã xa trong sáng và nhẹ nhõm.
1. Đọc chậm rãi, thấy tản văn của Thụy Anh đẹp như thơ, đầy những màu sắc mà khi đã lỡ trôi vào thì không dứt ra được. Và sự bâng khuâng sẽ đánh chiếm cảm xúc của người đọc ngay từ những trang đầu, để sống với những hoài niệm, vừa da diết mời gọi, vừa thấm thía những gì long lanh chưa dễ gọi tên.
Những câu chuyện tưởng như rất nhẹ nhàng trong tập sách nhưng lại khiến mỗi người trĩu nặng những suy tư về cuộc sống, về con người, sự trôi chảy của thời gian, và cả những nỗi day dứt trong những mối tình chớm nở và qua đi… Thật thú vị, 100 gờ-ram hạnh phúc – ở đó Thụy Anh đã tỉ mẩn gom lại những kỷ niệm, những ký ức xưa cũ thẳm sâu. Có một Hà Nội – nơi ghi dấu những kỷ niệm dịu dàng, hay Moskva – thời tuổi trẻ đầy những rung cảm, cả những vùng đất mà Thụy Anh đã thoáng qua như Hà Giang, mà chị gọi là “nơi hoa và đá nở bốn mùa”…
Thụy Anh là người đi xa lâu rồi mới trở về Hà Nội, gần 20 năm. Và khi về chị đã chiu chắt tìm những gì xưa cũ để thương nhớ. Đó là cái thời được làm mứt Tết, “mứt dừa dai dai, sợi dài cứ nhằng vào nhau thương mến”, hay mứt gừng ấm nồng “bụi đường trắng phủ bên trên mơ màng”. Về những kỷ niệm leng keng tàu điện “từ Mơ đi một lèo lên Bờ Hồ”, về chiếc xe đạp mà xích bị nhão, cứ đi khoảng trăm mét là xe lại tuột xích. Lắp nhiều đến nỗi Thụy Anh đã trở thành “kiện tướng” lắp xích tuột của lớp, bàn tay lúc nào cũng nhem nhuốc… Cả những quán chè chén, bánh cuốn không nhân, phở gà Lê Văn Hưu… tất cả đã trở thành những nhớ thương thoáng chốc “đưa bàn tay áp vào má, vẫn thoảng mùi hương xưa”.
2. Chỉ riêng với nước Nga, Thụy Anh đã dành 22 tản văn của mình trong 100 gờ-ram hạnh phúc để thì thầm trong những tiếng của mùa thu Nga lộng lẫy dưới nắng của những cánh rừng vàng đỏ kéo dài, hay vì cớ gì mà bạch dương xào xạc, về món thịt nướng shashlyk giữa trời mây sông nước, bữa ăn ấm áp trong căn nhà gỗ, về những cây cầu trong đêm trắng ở Saint Petersburg có cả tiếng cười và tiếng thở dài…
Nhà văn Thụy Anh. Ảnh: Nikon Ngo
Và biết rằng, với người Nga, rượu vodka hơn cả một thứ đồ uống, nó sưởi ấm lòng người, mang một ý nghĩa riêng, đôi lúc xen lẫn cả lầm lỡ và mừng vui, như được trút cho nhau trọn vẹn những tâm tình. Và Thụy Anh đã bật mí người Nga quen tính vodka theo đơn vị độc đáo: 100 gờ-ram. Ai đó rủ “làm 100 gờ-ram đi”, hãy hiểu rằng họ đang muốn chia sẻ với bạn 100 gờ-ram khổ đau, hạnh phúc của đời mình vậy.
Dường như nhà văn Thụy Anh đã lắng nghe, đón nhận và giao cảm theo cách của mình để không bỏ sót tiếng gọi nào của ký ức từ xa xôi vọng lại trong suốt những trang sách đầy vẻ đẹp và dịu dàng và tinh tế. Như người Nga vẫn thường nói rằng khi có hạnh phúc như mặt trời ghé vào nhà mỗi sớm thì hãy nhớ chia sẻ với người. “Vậy thì, 100 gờ-ram xinh xắn nhỏ bé của mình, tôi không quên chia sẻ cùng bạn” – nhà văn Thụy Anh giản dị cho biết trong lời ngỏ đầu tập sách.
TT&VH
Lãng Ma