Tàn Tuyết gọi các tác phẩm của mình là “văn học thuần túy” và với bà, “thuần” nghĩa là “sâu”.

 

“Tôi cho rằng, sự đột phá thực sự của một nhà văn theo ‘văn học thuần túy’ chỉ có một tiêu chuẩn, đó là tác phẩm của anh ta phải đạt đến độ sâu về tinh thần. Trong lĩnh vực sáng tác văn học thuần túy, càng sâu thì mới càng rộng, càng tự do”. Ấy chính là con đường văn chương mà Tàn Tuyết đã theo đuổi suốt hơn ba mươi năm sáng tác của mình.

Trong sự nghiệp từ 1985 đến nay, Tàn Tuyết đã theo đuổi cái vũ trụ văn chương thuần túy của bà, đi sâu, đi sâu mãi và địa hạt tinh thần để kiến tạo nên những tác phẩm văn chương  độc đáo, sáng tạo, như tác giả R.Coover, Mỹ đã viết: “Tàn Tuyết là tiếng nói sáng tạo nhất trong văn học Trung Quốc từ giữa thế kỷ 20 cho đến hiện nay”.

Thế giới văn chương Tàn Tuyết là một thế giới tâm linh sâu hoẵm, đầy những mối liên tưởng kỳ quái, với ma quỷ, phiêu linh, xóa nhòa tất cả những quan niệm thông thường trước đó.

Đào nguyên ngoài cõi thế là tập truyện ngắn tập hợp những sáng tác truyện ngắn đặc sắc nhất của Tàn Tuyết. Những truyện ngắn mà ở đó bà đã tạo dựng nên một vương quốc tự do, mọi thứ ở trong đó (con người, động vật, thực vật…) đều đã được khắc họa có vẻ rời rạc nhưng vô cùng sắc nét. Những nhân vật trong truyện của bà đều mang đến cảm giác về một cuộc sống tự do giống như luôn sẵn sàng bay qua vực thẳm.

Bà thường viết về những thực tại siêu thưc. “Những thế giới khác”, có thể gọi là “những thực tế mơ ước” hoặc những thực tế tiềm thức.

Nữ nhà văn người Trung Quốc Tàn Tuyết.

Trong truyện ngắn Bong bóng xà phòng trên chậu nước đen, độc giả sẽ thấy rõ dấu vết ảnh hưởng của Kafka lên truyện ngắn của Tàn Tuyết. Nhân vật người mẹ đột nhiên biến thành bong bóng xà phòng, người con trai biến thành một con chó. Xung quanh bị bủa vây bởi tiếng ồn ào của đám đông.

“Người ta kéo đến, tiến vào như ong vỡ tổ, bước chân ‘thình thịch, thình thịch’ khiến nền nhà bị sụm xuống”. Khi chứng kiến “sự kiện lạ” về một người đàn bà bỗng dưng biến thành bong bóng xà phòng, đám đông lên cơn tò mò, cười đùa hỉ hả, và sau đó bỏ đi hết.

Cái bộ mặt ác nghiệt của đám đông và con người, trở đi trở lại rất nhiều lần trong các truyện ngắn của Tàn Tuyết, như Đào nguyên ngoài cõi thế, Rùa lông xanh, Ân sư…

Trong các sáng tác của bà, đám đông cũng là một biểu hiện cho gương mặt đương đại, với đầy những co quắp man dại, với đầy những tráo trở, bất an. Nhưng Tàn Tuyết không bao giờ miêu tả trực diện cái hiện thực ấy mà tạo nên một lâu đài kỳ bí bao quanh nó.

Trong truyện ngắn Ân sư, đám đông xuất hiện bên cạnh thầy Viễn Bồ, coi thầy là ân sư, nhưng khi ở ngoài chợ, chẳng ai dám đến gần thầy. Họ nhờ cậy Viễn Bồ để có cảm giác an lòng, nhưng khi thầy rời đi nơi khác, họ vẫn tụ tập trước căn nhà gỗ của thầy, nói chuyện, than vãn với nhau như thói quen. Nhưng giữa những đám đông ấy, là sự xuất hiện của rắn, của những giấc mơ, trừng phạt, và chết chóc. Không khí trở nên quánh lại, bủa vây bởi những hiện tượng quái dị.

Căn nhà nhỏ trên núi là truyện ngắn đầu tiên, đánh dấu hành trình bắt đầu dấn thân vào thế giới văn chương của Tàn Tuyết. Câu chuyện là những mảnh rời của tiềm thức mỗi người trong gia đình về một ngôi nhà mà họ đều chưa từng được biết đến.

Những nhân vật trong truyện đều mang một sắc thái dị biệt, khi người bố hàng đêm biến thành một con trong đàn chó sói, “chạy quanh căn nhà mà hú lên thê thảm”, hay một người mẹ “cứ muốn bẻ gãy cánh tay tôi”…

Dưới cách xây dựng của cốt truyện của Tàn Tuyết, người đọc mơ hồ cảm thấy lẩn khuất giữa những hư ảnh ấy chính là tâm trí của nhân vật tôi. Chính tâm trí mơ hồ đã thêu dệt nên truyện huyễn ảo. Đến cuối cùng, ta vẫn không hề biết rằng, căn nhà nhỏ trên núi ấy là có thực hay vốn chỉ là một vô ảnh của tâm thần.

Tan Tuyet: Tieng noi doc dao cua van hoc duong dai Trung Quoc hinh anh 2
Tập truyện ngắn Đào nguyên ngoài cõi thế của Tàn Tuyết.

Theo dịch giả Lưu Hồng Sơn, người tuyển dịch những truyện ngắn của Tàn Tuyết sang tiếng Việt, dù nữ văn sĩ viết theo phong cách huyền ảo, tạo dựng nên một thế giới huyễn tưởng, nhưng “thế giới huyễn tưởng trong tác phẩm Tàn Tuyết không hề thoát ly khỏi thế giới hiện thực bên ngoài, mà nó lại tràn đầy hơi thở của cuộc sống. Trong tác phẩm của Tàn Tuyết không có anh hùng, thánh nhân; cũng không có kẻ ‘đại gian, đại ác’, mà thường là những con người cô đơn, bé nhỏ, bất hạnh. Thậm chí, bà còn nói, tác phẩm của mình là ‘hiện thực chủ nghĩa’”.

Quả thực, những mảnh nhỏ trong truyện ngắn của bà đều mang đậm dấu ấn của hiện thực, mang bộ mặt của hiện thực đương đại nhan nhản, với những tội lỗi, những xấu xa, độc ác, nhưng Tàn Tuyết đã nhào nặn những mảnh hiện thực ấy và xây đắp chúng lên thánh địa văn chương tự do tận cùng của riêng mình.

Tàn Tuyết đặc biệt lưu tâm đến hư cấu. Những tác phẩm của bà giống như một tấm thảm trải dài của những hiện tượng hư cấu, được kết nối một cách phức tạp, xóa mờ hoàn toàn dấu vết của sự kể chuyện. Ở đó, những tác phẩm hiện diện dưới dạng thức của những tiểu tiết phân mảnh, thậm chí vô nghĩa, nhưng thâm sâu nhiều tầng ngữ nghĩa.

Những truyện ngắn của bà khiến người viết liên tưởng đến thế giới phim của đạo diễn người Mỹ David Lynch, với những bộ phim như Blue Velvet, Muholland Drive, Eraserhead hay The Elephant Man,…

David Lynch là một trong những đạo diễn có sự sáng tạo quái lạ nhất, khi thế giới phim của ông luôn là những thế giới tâm trí mang màu sắc siêu thực kinh dị. Đọc truyện ngắn của Tàn Tuyết cũng sẽ thấy rõ ý thức sáng tạo của tác giả khi muốn miêu tả hiện thực bằng một thế giới phi thực.

Xây dựng một thế giới quái lạ cho riêng mình, David Lynch hay Tàn Tuyết không phải là hành động chối bỏ thực tại, mà chính ấy là hành động đi sâu vào nơi cùng quẫn của bản chất con người, thực tại và cuộc sống. Cũng như, Gabriel García Márquez, đã sáng tạo nên ngôi làng Macondo, để những nhân vật tự ăn mòn chính mình, đi sâu vào mình trong hành trình tìm kiếm bản chất của cõi cô đơn.

Tàn Tuyết đã từng được ca ngợi là tác giả có “sức tưởng tượng, rực rỡ nhất trên trái đất này”. Theo thống kê, bà là nữ nhà văn Trung Quốc mà tác phẩm được chuyển ngữ nhiều nhất. Và trong bộ tuyển tập văn học thế giới thế kỷ 20 xuất bản ở Nhật gần đây, bà là nhà văn Trung Quốc được tuyển nhiều nhất.

Mặc dù tại Việt Nam Tàn Tuyết chưa được biết rộng rãi, chỉ mới có vài chục truyện ngắn của bà được dịch và in trong tập Đào nguyên ngoài cõi thế, nhưng hẳn ai đã say đắm Fyodor Dostoyevsky, Franz Kafka, Samuel Beckett…  sẽ phải phải sững sờ và run rẩy với Tàn Tuyết.

Dạ Vũ

Hồng Nhung đưa bài