Né bão Pakhar, đoàn chúng tôi lẳng lặng xuyên đêm bằng đường Hồ Chí Minh. Như đàn kiến rì rầm bò qua chiếc đòn quang gánh hai đầu mật mỡ, miền Trung hiện ra trong nắng sớm tinh khôi. Suốt thời trai trẻ mải quẩn quanh với xứ Đoài mây trắng, Tây Bắc mù sương, giờ miền Trung ào ạt gió biển, hun hút đường dài như là một câu hỏi thật khó trả lời: Hỡi “người sống trong bão”, sao bây giờ anh mới tới?

Tảng sáng thì đã là Thanh Hóa, dải đất của người thợ xứ Thanh tài hoa, của dòng họ Nguyễn đất Hà Trung thuần khiết. Giọng con trai đất Thanh lạ lẫm làm tỉnh ngủ những đôi mắt con gái miền sơn cước. Tô bún bò nóng hổi và vội trong mưa rầm, lát chanh mỏng như miếng trầu ngoài Bắc. Cô gái lần đầu xa cơm đồ, cơm lam cứ ngắc ngứ với dư vị lạ lẫm bữa sáng nơi đất lạ. Chỉ vài chục cây số nữa thôi, chỉ một cái nhìn hút mắt là xa xứ Bắc thật rồi. Chuyến đi nào cũng là một dấn thân, một chuyến thám hiểm vào chiều sâu văn hoá để cảm nhận và đối thoại. Thôi, lát nữa lại lên đường. Hình như có gì đó em muốn nói với người đầu bếp trẻ tuổi đôi mắt hiện rõ nét quầng thâm đã dậy nhóm lò từ rất sớm. Nhưng, chỉ có một cái liếc nhìn thật vội mà cũng thật chậm trong từng đường nét, thật gấp gáp một hơi thở, thật sâu thẳm trong lòng. Thế đó, xe chúng tôi lại chuyển bánh.


Thành nhà Hồ, Thanh Hóa

Con đường xuyên Bắc – Nam mang tên người lãnh tụ kính yêu Hồ Chí Minh như một lát cắt văn hoá qua các bản làng, núi đồi lại như một tiếng sáo ngân suốt dải Trường Sơn sâu thẳm. Hẳn không ai đủ sức để dõi mắt theo từng ấy cung đường. Chiếc ghế bọc da lắc lư nhè nhẹ như một người đưa võng. Đường phẳng phiu, gió hiu hiu thổi nhẹ, cảm giác bụi bặm, gập ghềnh của chuyến đi xa không giống với những gì mọi người dự đoán. Tôi nhìn lại phía sau hình như cả đoàn đã thấm lại cơn buồn ngủ đã chối từ lúc tảng sáng bởi ai cũng tò mò ngắm nghía. Những khuôn mặt bình thản yên giấc, đầu dựa vào nệm ghế, bàn tay buông thõng chiếc máy ảnh du lịch hay một chai nước, một chiếc bánh. Giữa cái ngút ngát của rừng núi, thẳm xa cùng tận của con đường, chiếc xe du lịch của chúng tôi là một gia đình thực sự. Những gì đang có, những gì mang theo từ quả cam, khúc mía đến nước da, khuôn mặt là của một vùng đất bán sơn địa. Đi đến đây, và chỉ lúc này mới thấy cái hành trang văn hoá ít ỏi ấy thật quý, mới thấy gần gũi nhau thêm từng nét mặt, dáng người…

Có lẽ phải gần 8 giờ tối chúng tôi mới đặt chân lên cố đô Huế. Mảnh đất nghe xa xăm như chỉ có trong thơ của người đàng ngoài. Kinh đô một thuở, hồn vía cha ông vẫn trầm tư như thế. Chẳng biết đã có bao nhiêu ông thủ khoa đầu xứ Bắc thân hình mảnh khảnh vượt núi ngàn vào đến đây ứng thí. Không rõ tậm trạng họ khi ấy nhìn bầu trời đất kinh thành chạng vạng có nôn nao nhớ khói bếp quê nhà không? Và rồi, có ai đó từng động lòng nhớ khuôn mặt thôn nữ khắc khoải bên khói bếp hồng mà nôn nao toan quay đầu lại bên kia bờ sông Hương? Một cảnh ngộ thật nào lòng.

Người Huế điềm tĩnh thật. Nét thâm trầm toát lên từ tấm cửa gỗ lim, mặt nước sông Hương ngày đẹp trời và những nhịp Tràng Tiền điềm đạm. Tất cả những im lặng đó như có trong từng khuôn mặt, nhường lời cho tiếng dạ thưa kín đáo, ý nhị từ bến đò xưa đến những hàng quán mới. Một công sở, một khu phố cũng toán lên một “gia vị” văn hoá rất Huế. Đêm nay khai mạc Festival, sự trầm lắng đó sẽ bừng thức, vỡ oà hay lạnh lùng đứng sang một bên nhường cho những háo hức của bước chân khách thập phương? Thành Huế cấm đường nhiều tuyến phố, xe cộ ùn tắc nhưng người Huế vẫn điềm tĩnh “dạ”, “thưa” tìm lối đi riêng. Sức nóng đô thị hóa ở mảnh đất này có lẽ chỉ vừa đủ để làm ấm những phố dài cổ kính. Bao nhiêu bon chen, bức bối đã có dòng Hương hạ nhiệt. Ánh đèn vừa đủ lấp loá, phố đông vừa đủ đặt bàn chân, hàng quán không quá hối hả mà vẫn điềm nhiên trước sự nô nức của các thực khách. Và xa kia, mỗi nhịp Tràng Tiền giữ một nhịp sống bình yên cho mỗi con tim thảo dân đất cô đô. Đêm, tất cả lại yên lặng như một đêm ngày xưa của cánh đồng Châu Hóa. Từng hẻm bán món chè đặc sản của người Huế thu mình trong ánh đèn nhỏ và thưa thớt khách. Huế không rộng nhưng dường như từng tên đường, ngõ hẻm sinh ra để làm nên một nét văn hoá, thành một thứ đặc sản riêng. Bàn chân thiếu nữ men theo đập đá tìm đến những quán ăn bình dị. Tô bún hến thẫm màu bột ớt, không nước dùng mà ngọt ngào. Chúng tôi cứ băn khoăn rồi loay hoay với cách ăn, cách chọn đũa, chọn thìa. Tiếng hỏi nhau, cười đùa lắng xuống nhường chỗ cho tiếng xuýt xoa cay cay vị ớt Huế. Hình như món Huế không bao giờ để người khách tha hương thấy ngầy ngà. Chỉ vừa đủ ấm bụng, đủ thèm và đủ nhớ.


Huế

Rời Huế trong đêm ánh đèn còn ngái ngủ, đường Huế sạch trơn, gió hiu hiu se lạnh như lời tạ từ đầy ngỡ ngàng của người chủ nhà tiễn chân tân khách. Có ai đã thức dạy sớm hôm nay để kịp nhìn đoàn khách miền rừng bâng khuâng chia tay cố đô Huế. Biết là chỉ sớm mai sẽ gặp lại nhưng lúc ấy chỉ là một thoáng hiện ngoài khung cửa kính xe. Quay lại Huế băng một lát cắt đường vành đai vô cảm và vội vã trước khi về Bắc. Trong cuộc sống hiện đại những xa lộ, khúc cua, những cung đường nằm trong sự tính toán của những bác tài xế… ai ngỡ lại tạo nên những cuộc chia li chóng vánh đến thế. Kinh thành như nàng tôn nữ gia phong quyền quý thuở nào? Không, cô thôn nữ hiền thục trong những xóm thôn ngoại thành mới phải. Nàng không vồn vã khi gặp mặt, bịn rịn tiễn chân mà có cái lành lạnh rất riêng. Cái riêng chỉ dành cho những ai thật tinh tường, nhạy cảm và thật sự hiểu Huế. Không cần nói thật nhiều mà hãy nhìn thật sâu vào dòng Hương giang, lắng lòng nghe xa xăm từ thinh không tiếng chuông Thiên Mụ và nhắm mắt lại để nhớ thật kĩ một màu tím điều lục của tà áo dài Huế…

Biển Lăng Cô bất ngờ phóng khoáng đến ngỡ ngàng. Biển đẹp đến mức người miền rừng khó tính nhất – chỉ ưa cảnh sắc núi đồi bản quán – cũng phải thốt lên:

– Là sông hay là hồ, là nước biếc trời pha hay lòng người bị bỏ bùa một cõi?

Sóng cứ thế lẫn vào từng mép cát thân quen như ngấn nước men chân ruộng. Ngày gió bão đâu thì không biết, nhưng hôm nay biển thật dịu hiền. Khuất nẻo hầm Hải Vân hẹn sớm mai gặp lại Lăng Cô nhé.

Hội An bề ngoài như muôn vàn thị xã tỉnh lẻ. Những công sở, hàng quán, xe cộ không để lộ ra chút gì bí ẩn. Nhưng, thật lạ, dường như tất cả chỉ cao vừa tầm, rộng vừa đủ để nhường lại cho nét cổ xưa thấp thoáng sau những chiếc đèn lồng. Nắng tháng tư xứ Bắc mới hanh vàng như múi cam. Trời xứ Quảng nắng đã chói chang hoa mắt. Cái nắng ấy như làm hoa mắt mọi người để quên đi dấu vết tìm lại đường về, đành lòng lạc mãi vào bàn cờ phố Hội.

Từng dãy nhà của người Minh Hương xưa còn đây như không hề biết tuổi: Hội quán Phúc Kiến, Triều Châu. Cái chất Trung Hoa trong từng nét gỗ hình như đã bị cái thâm trầm xứ Quảng chế ngự mà chân phác đi nhiều. Chúng tôi cứ đi mãi như đang đi giữa phố xá của một thời chưa có đèn điện, xe cộ. Bầu trời như chưa từng có đến những dải thiên hà, bầu khí quyển, hệ mặt trời… mà dệt bằng cúc tần, mồng tơi xanh mát. Cánh cửa gỗ thâm nghiêm phải nhún nhường cho sự hào phóng của văn hoá phương Nam đón bàn chân khách tứ phương về quanh chiếc bàn trà. Phố Hội một thuở, hồn thương nhân muôn kiếp như còn phảng phất đâu đây quanh những ghế đôn, gác mái, từng bậu cửa, lối mòn. Không chia thứ bậc, đẳng cấp của Khổng giáo. Các thương nhân thực sự là các ông chủ của một lãnh địa văn hoá hiếm muộn nơi này. Không hoang sơ như nhà sàn miền sơn cước, không thâm nghiêm như thành Huế, không siêu thoát như chùa chiền. Phố cổ hay phố xưa, mới hay cũ mà như chưa bao giờ mòn vẹt, cũ đi vì lạc thời. Bàn xoay vẫn đều đều từng vòng quang theo tay người thợ còn rất trẻ. Tuổi cậu còn chưa nhiều. Người thợ sinh ra vào những ngày tháng gần cuối cùng của thế kỉ trước chẳng bận tâm nhiều về điều ta đang nghĩ. Một đời gốm có khi còn trường thọ hơn đời người. Tay người thợ trẻ đang ve vuốt đường nét chứng nhân của thời gian mà nào có hay. Vô tư và thanh thản quá.


Phố cổ Hội An

Điểm đến xa nhất của miền Trung mà đoàn chúng tôi có mặt là đây. Đường về khuất nẻo, lòng người miền núi đã nguôi ngoai nỗi nhớ nhà. Đất nước mình một dải trên tấm hoạ đồ mà mênh mang sóng nước. Đâu đâu cũng xóm thôn làng mạc dựa vào nhau mà chắt chiu văn hoá. Con tép, con tôm bé mọn dưới làn nước Hương giang làm thành vị mắm rất Huế. Thứ mắm ấy chấm với lát măng đắng miền Tây Bắc chợt thấy đậm đà, hợp vị lạ thường. Xa cách mà gần gũi, không hẹn mà nên bởi đó là cái duyên tương phùng của dân tộc Việt. Thế mới là nước mình. Một lần theo chân cô thôn nữ đồng rừng về miền cát trắng hay một lần phiêu diêu, đắm mình qua những miền văn hoá. Có lẽ cả hai.

Nguồn: Vanhocquenha.vn