Khoảng mươi mười lăm năm trở lại đây, nhờ xã hội trở nên cởi mở hơn nên sự giao lưu về đời sống tinh thần được gia tăng, sách dịch ngày càng đa dạng, càng nhiều. Nhưng trong cảnh phát triển xô bồ của đời sống hôm nay, không ít loại sách dịch bị giảm chất lượng, đặc biệt là sách văn học và nhất là thơ.

Dường như, nhà xuất bản nào cũng để lọt sách dịch không đạt chất lượng, rất nhiều khâu bị lỗi. Ngay cả những nơi từng có uy tín cao nhưng bây giờ nhìn kỹ vào chất lượng sách dịch được in ra vẫn thấy gợn không ít sạn. Hơn nữa, xã hội hiện nay cũng đã trở nên cởi mở và tinh tường hơn đối với các dịch phẩm, khiến ngay cả những dịch giả nổi tiếng nhất khi công bố tác phẩm của mình cũng phải thận trọng vì dễ bị đối mặt với những khen chê rất khác nhau…

1. Tôi cũng không rõ là có nên dùng cụm từ “đội ngũ những người dịch văn học” hay không, bởi lẽ, phần đông những người dịch văn học hiện nay đều mạnh ai nấy làm, theo nhu cầu và năng lực cá nhân, manh mún, nhỏ lẻ. Dịch văn học không hẳn là chuyển ngữ. Đó là một sự sáng tác lại. Với thơ, 80% chất lượng phụ thuộc vào người dịch. Bất kỳ một nhà thơ trứ danh nào, nếu không “chọn” được người dịch khả dĩ thì đều có thể bị thất bại trong một ngôn ngữ khác. Không ít trường hợp dịch giả Việt Nam đã “hạ sát” các thi nhân vĩ đại trên thế giới bằng tiếng Việt! Ngay những người có tên tuổi cũng làm “hàng” giả, đôi khi chỉ vì vô tình thôi, chỉ vì tài và tâm chỉ đến được mức độ ấy mà thôi. Thực sự là chúng ta không có những người thẩm định khách quan và sành điệu để đánh giá chuẩn xác về các tác phẩm văn học dịch. Nguyên nhân chính của hiện tượng này có lẽ là do quyền lợi “bầy đoàn”, cánh hẩu. Hoặc do sự hạn chế của chính những người cứ tưởng mình nắm chân lý trong tay như viên sỏi vậy… Tình hình trên quả thực đã ảnh hưởng không tốt đến văn học dịch, không nhiều người hiện nay dịch sách xuất phát từ khát khao cống hiến, khát khao góp phần bồi bổ những tinh hoa của văn học thế giới cho văn học quốc nội. Lớp trẻ hiện nay cũng có không ít tên tuổi nổi lên, nhưng nhìn chung, cũng không tạo được thành đội ngũ. Nói một cách công bằng, có những người trẻ dịch văn học chẳng thua gì các lớp cha chú, thậm chí còn hơn, nhưng vẫn bị “xoa đầu”. Thành ra họ nhảy ra ngoài cuộc chơi mà tham dự chủ yếu chỉ là những uy tín, lắm khi chỉ là “vang bóng một thời” mà thôi. Và vì thế, chúng ta không có sự kế thừa…

2. Một thời khá dài, thơ Nga cổ điển và thơ Nga Xôviết đã làm chủ “diễn đàn văn học dịch” ở ta. Đó cũng là điều hay, nhưng có lẽ chúng ta sẽ chẳng bao giờ biết được thế là may hay rủi. Cần biết chấp nhận thực tế như nó đã xảy ra. Một điều cần nói là, cho tới hôm nay vẫn chưa có ai đánh giá được đúng và đủ về chất lượng các bản dịch thơ tiếng Nga ra tiếng Việt như thế nào. Liệu chúng ta đã dựng được một nền thơ Nga đúng tầm với họ  bằng tiếng Việt hay chưa?

Tất nhiên, chẳng ai dại gì vạch áo cho người xem lưng, nên mọi sự đánh giá đến nay chỉ là cảm tính mà thôi. Sự thật thì không ít những bản dịch đã “ám sát” thi nhân nước ngoài bằng tiếng Việt. Tôi xin nhắc lại, hình như việc dịch thơ ở Việt Nam đều là tự phát. Trong một nền kinh tế manh mún và nhỏ lẻ, đó cũng là điều đáng hoan nghênh vì chính nhờ lao động đầy ngẫu hứng và tình yêu cá nhân ấy mà chúng ta đã tạo nên được những ấn tượng nhất định trong lòng công chúng về thi ca thế giới. Nhưng chúng ta hầu như chưa làm được mấy việc để tạo dựng lại diện mạo những nền thơ lớn trên thế giới bằng tiếng Việt. Ngoại lệ có lẽ chỉ là thơ Đường! Thời gian qua, Nhà sách Đông Tây đã rất cố gắng để làm việc này, nhưng theo tôi, lực bất tòng tâm, hiệu quả đạt được chưa như mong đợi.

Hiện nay một số người có xu hướng lăng xê một số tác giả tiền phong của thơ Mỹ nói riêng và thơ phương Tây nói chung, coi như những ngọn cờ cần noi theo. Tôi thấy mọi sự hơi buồn cười…

Minh họa: Lê Phương.

3. Rất khó dựng một nhà thơ nước ngoài bằng tiếng Việt ở mức độ tương đương với họ. Mỗi dân tộc hãy tự  “chăm lo” cho mình. Thơ có tính khu biệt khủng khiếp. Thơ phụ thuộc một cách cốt tử vào ngôn ngữ mà nó được viết ra. Mỗi đất nước, mỗi dân tộc đều có cách hình dung về thơ khác nhau. Bản thân mỗi một nhà thơ cũng có cách nhìn nhận riêng của mình về tính hiện đại trong thơ. Thơ không bao giờ là sự sáng tạo bầy đoàn. Tuyệt đối hóa một xu thế thơ như thể đó là duy nhất đúng bao giờ cũng là việc có hại cho sáng tác. Chúng ta không có nghĩa vụ coi bất cứ uy tín  ngoại lai nào là chuẩn mực. Mỗi dân tộc đều có bản sắc thơ riêng của mình… Mỗi nhà thơ cần có tiếng nói, dù nhỏ nhẹ, nhưng là riêng của cá nhân mình…

Tôi nghĩ là không thể dịch thơ “một trùng một” về ngữ nghĩa được. Có người đã từng khoe rằng họ dịch thơ nước ngoài sang tiếng Việt tới mức giữ được cả nhịp điệu, số lượng từ trong câu… Thật hoang tưởng, làm gì có chuyện ấy khi mỗi một ngôn ngữ có một kiểu hành văn khác nhau. Dịch thơ là phải đồng điệu tâm hồn với tác giả. Mình phải “lên đồng” cùng với tác giả. Dịch thơ không thể làm “cơ khí” được. Bởi thơ hay ở hồn vía. Nó hay ở cách tập hợp từ, liên kết từ, ở ngữ nghĩa của từng từ một, ở khoảng giữa các từ ấy.

Những người “tung” như vậy không hiểu về đối tượng mình viết. Ở Việt Nam hiện nay đang có những nhà thơ với vốn ngoại ngữ tốt và từng có điều kiện tiếp xúc sâu với một số nền thơ nước ngoài nên dễ bị mang tiếng là chịu ảnh hưởng của những nền thơ đó. Tuy nhiên, sự thật cũng không hẳn như vậy, thậm chí là không phải như vậy. Ai biết thế nào là chất thơ Mỹ La tinh hay chất thơ Nga?! Cần phải thấy rằng, các nhà thơ ở Mỹ La tinh cũng như các nhà thơ Nga rất khác nhau. Mỗi một nhà thơ lớn là một thế giới, làm gì có cái gọi là chất Mỹ La tinh hay chất Nga chung chung ấy được? Hơn nữa, không một nhà thơ nào có thể quên được văn hoá của tổ tiên đến mức chịu ảnh hưởng của thơ nước ngoài. Mỗi một nhà thơ là một thế giới riêng thu nhỏ, nó khác nhau khủng khiếp…

4. Không có nền văn học hiện đại nào mà  chúng ta phải nhắm mắt đi theo cả. Bắt chước hay học đòi tân tiến là rất gây phản cảm. Làm thế chỉ là tuân theo một sự nô lệ kiểu mới, rất có hại cho đất nước. Đấy là chưa kể rằng, việc lăng xê một số tác giả thời thượng nước ngoài hiện nay là hoàn toàn vì mục đích thương mại. Trong quá khứ, chúng ta đã bị sai lầm khi thần tượng hoá một số người mà lẽ ra chỉ đáng để “tham khảo” chứ không phải để sao chép.

Thơ khi đã được dịch sang tiếng Việt là để cho người Việt đọc. Nếu như bảo đó là không phải Việt hoá thì rất buồn cười. Trong quá trình dịch, dịch giả càng giỏi thì giữ được đặc tính và bản sắc của nguyên bản ở mức độ cao nhưng thực ra, dịch sang tiếng Việt là đã Việt hoá rồi. Mỗi một từ của nước ngoài là một điển tích trong ngôn ngữ ấy, đưa sang thứ tiếng khác là khác đi vô số tình tiết rồi. Đặt vấn đề Việt hoá hay không là rất tầm phào.

5. Hội đồng văn học dịch ở tổ chức nghề nghiệp của những người làm văn học chỉ có tác dụng nếu nó tạo nên được sự đánh giá đúng về chất lượng các bản dịch và những người dịch, giúp đỡ những người tâm huyết với công việc dịch văn học.  Còn không, đó chỉ là nơi ngồi cho những ai nghĩ rằng mình có quyền gì đó đối với các tác phẩm văn học dịch nhưng thực ra lại chỉ là “hữu danh vô thực” mà thôi… Phần lớn người dịch hiện nay đều làm theo sở thích của họ. Một số người dịch thơ thông qua đại sứ quán nhằm mục đích truyền bá văn hoá. Những tập thơ này, thường không đạt hiệu quả. Dịch thơ đôi khi còn nặng hơn làm thơ. Nó phải “diễn” tâm trạng người khác, vừa được giữ chất của mình. Dường như viết nhân vật đã khó, đóng nhân vật càng khó hơn. Hội đồng dịch cần phải đãi cát tìm vàng trong cái  mênh mông hỗn mang hiện nay.

6. Việc bản quyền làm nhiều người lo ngại. Phần lớn nhà thơ nước ngoài khi hay tin thơ của mình được dịch sang tiếng Việt sẽ không đòi tiền bản quyền. Vì bản quyền phải cân bằng với tỉ lệ thu nhập. Trong tình hình hiện nay, khó ai có thể thu lãi  nhờ việc bán thơ. Nếu như để in sách thì phải liên hệ với tác giả, còn dịch cho “vui” thì thôi. Không ai kết tội mình yêu thơ của mình. Tôi tin là họ sẽ hiểu và rất sung sướng khi người dịch thơ của mình hay. Đừng sợ công ước Berne mà chỉ sợ không dịch được thôi!

Nếu có điều kiện (đặc biệt dùng để tham khảo) thì nên in song ngữ là tốt nhất để người đọc biết được nguyên bản. Thực ra, dịch thơ là những phút ngẫu hứng trên chủ đề của nguyên bản. Ngay như, bản dịch Đợi anh về của nhà thơ Tố Hữu hay không phải là ông nhất nhất tuân thủ nguyên bản tiếng Nga vì ông dịch từ bản tiếng Pháp…


Nguồn: CAND