Cảm giác như Hồ Anh Thái muốn giữ khoảng trống, khoảng cách nhất định giữa mình với người đọc. Đấy là khoảng cần thiết để chính tác phẩm của ông “điền vào chỗ trống” ấy. Hay nói cách khác, với Hồ Anh Thái, chia sẻ là việc của tác phẩm, không nhất thiết bản thân phải “nhiều lời”. Chính vì vậy độc giả biết tác phẩm Hồ Anh Thái nhiều hơn là biết về con người ông…
1. Hồ Anh Thái là một trong số ít nhà văn luôn chủ động tránh chỗ đông người. Mười năm ở cương vị Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội (2000 – 2010) và năm năm tham gia Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam (2005 – 2010) ông cũng ít xuất hiện trước truyền thông, trừ khi là trách nhiệm công việc.
Cảm giác như Hồ Anh Thái muốn giữ khoảng trống, khoảng cách nhất định giữa mình với người đọc. Đấy là khoảng cần thiết để chính tác phẩm của ông “điền vào chỗ trống” ấy. Hay nói cách khác, với Hồ Anh Thái, chia sẻ là việc của tác phẩm, không nhất thiết bản thân phải “nhiều lời”. Chính vì vậy độc giả biết tác phẩm Hồ Anh Thái nhiều hơn là biết về con người ông.
Thảng hoặc ở bìa gấp các cuốn sách của Hồ Anh Thái, độc giả bắt gặp vài thông tin vắn tắt, như: Hồ Anh Thái hiện đang làm công tác ngoại giao ở nước ngoài, là Tiến sĩ nghiên cứu Phương Đông, tham gia thỉnh giảng tại một số trường đại học ở Mỹ và Ấn Độ, có sách được dịch ra nhiều thứ tiếng. Chấm hết. Đơn giản vậy thôi.
Nhưng mới đây, chính Hồ Anh Thái đã chủ động trình mình ra với độc giả một cách đầy đủ trọn vẹn nhất, thông qua tác phẩm “Tự kể” (NXB Trẻ – 2016). Ở đấy là ăm ắp không gian gia đình, dòng họ nhà văn, gần hơn là anh chị em, con cháu nhà văn với những câu chuyện nhẹ nhàng, dung dị mà lôi cuốn. Người đọc hình dung được hành trình từ cậu bé Hồ Anh Thái nhút nhát, bị cha đánh đòn muốn bỏ nhà đi mà không dám, dần dần trưởng thành như thế nào, từng ôm mộng học làm diễn viên, rồi ham mê học vẽ, tuổi thơ thấm đẫm thơ ca hò vè của mẹ, và đắm chìm trong những trang sách ra sao, để lớn lên thành nhà ngoại giao và hăm hở bước vào văn chương.
2.Lần đầu tiên tôi “chạm” vào nhà văn Hồ Anh Thái là qua tiểu thuyết “Phía sau vòm trời”, rồi đến “Vẫn chưa tới mùa đông”, hai cuốn sách còn dính bùn đất, hậu quả của cơn đại hồng thủy năm 1999 ở Huế. Đọc hết thì biết cuốn trước được Hồ Anh Thái viết năm 1982, cuốn sau viết năm 1984. Nhà văn sinh năm 1960, như vậy ông hoàn thành hai cuốn tiểu thuyết này vào thời điểm còn rất trẻ, 22 và 24 tuổi.
Tôi đọc cả 2 cuốn tiểu thuyết này thời sinh viên. Ấn tượng còn đọng lại là những con người trẻ, sinh viên trẻ, tếu táo, năng động, thông minh, có thể quậy tung trời nhưng khi cần vẫn đầy lịch lãm và tự trọng, đầy hoài bão ý chí khẳng định mình với cuộc đời. Và nhất là, lãng mạn trong tình yêu thì có thừa.
Có lẽ bây giờ Hồ Anh Thái không muốn nhắc đến hai tiểu thuyết này nữa. Bằng chứng là ông cho tái bản khá nhiều tác phẩm trước đây, nhưng không thấy hai tiểu thuyết này. Xa nhất về trước được tái bản là tiểu thuyết “Người và xe chạy dưới ánh trăng”, một tiểu thuyết gây tiếng vang thời điểm Đổi mới.
Nhà văn Lê Minh Khuê nhận xét: “Tiểu thuyết này không những mở đầu cho sự nghiệp vững vàng của nhà văn về sau, mà nó được viết hay ngay từ ngày đầu…”. Và cũng chính tiểu thuyết viết ở tuổi 26 này đã mang về cho Hồ Anh Thái giải thưởng văn xuôi 1986 – 1990 của Hội Nhà văn Việt Nam và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Nếu như “Phía sau vòm trời” và “Vẫn chưa tới mùa đông” như “khúc dạo đầu” thì đến “Cõi người rung chuông tận thế”, văn chương Hồ Anh Thái khiến tôi thật sự ấn tượng và ám ảnh, với nhân vật nữ Mai Trừng. Có lẽ đây chính là tiểu thuyết đưa Hồ Anh Thái tiến lên một bước cao hơn, xác lập vị trí mới và định hình phong cách Hồ Anh Thái rõ nét nhất, chất huyền ảo, tính nghịch dị quyện trong giọng văn trào lộng, giễu nhại, châm biếm đến tột cùng. Dù trước đó, văn phong này đã lấp lánh thấy ở các tập truyện “Bốn lối vào nhà cười”, “Tự sự 265 ngày” rồi “Mảnh vỡ của đàn ông”, hay tiểu thuyết “Người đàn bà trên đảo” và “Trong sương hồng hiện ra”, kể cả tập truyện ướp đẫm phong vị văn hóa Ấn Độ là “Tiếng thở dài qua rừng kim tước”.
3.Một hình dung nữa, trong trí tưởng của tôi về nhà văn Hồ Anh Thái, đấy là cách ông nhìn nhận lớp trẻ. Nhìn vào những tác phẩm của các tác giả trẻ từng được Hồ Anh Thái giới thiệu cho Công ty sách Đông A, rồi chính ông viết lời giới thiệu đầy trân trọng như Nguyễn Vĩnh Nguyên, Nguyễn Danh Lam, Nguyễn Thế Hoàng Linh trước đây, hay bây giờ là tác phẩm của Hoàng Công Danh, Hạo Nguyên,… với NXB Trẻ, rồi các bài viết về Nguyễn Ngọc Thuần, Trần Đại Thắng, Mạc Can,… trong “Họ trở thành nhân vật của tôi” thì hiểu, phải là người đọc, xem nhiều của tác giả trẻ lắm, đọc và trân quý sự sáng tạo của người trẻ lắm, Hồ Anh Thái mới có thể làm được như vậy.
Rồi với Văn mới, hợp tuyển truyện ngắn hằng năm uy tín và có thương hiệu trên văn đàn suốt mười năm, từ 2005 – 2015, do Hồ Anh Thái tuyển chọn, cũng luôn quan tâm đến những tác giả trẻ, khuyến khích mọi thể nghiệm, tìm tòi lối viết mới.
Tôi nhớ nhà văn Trương Anh Quốc cho tôi email của nhà văn Hồ Anh Thái, nói tôi hãy gửi truyện cho ông. Lúc ấy Hồ Anh Thái, mặc dù đang làm Phó Đại sứ Việt Nam tại Iran nhưng vẫn giữ chân biên tập cho trang Văn nghệ Báo Đại biểu nhân dân, tờ nhật báo của Quốc hội. Phải rất lâu sau tôi mới dám liều mình gửi truyện. Vô cùng nhanh, hộp thư đến của tôi báo có email ông hồi âm. Nhà văn góp ý tận tình, cặn kẽ, truyện nào có thể in báo truyện nào chưa đạt. Tại sao đạt tại sao lại chưa. Chỗ nào phải biên tập và biên tập ra sao. Rồi ông hỏi han công việc, cuộc sống. Chỉ là tiếp xúc qua email, nhưng mỗi lần nhận được email của nhà văn Hồ Anh Thái, tôi lại nhận thêm được một chút kinh nghiệm sống và kinh nghiệm với chữ nghĩa.
Bìa hai cuốn sách mới của nhà văn Hồ Anh Thái.
“Biên tập cho nhau, đưa in cho nhau, cả người quen biết cũ, người mới quen, hoặc người chỉ biết nhau qua mạng internet mà đến bây giờ vẫn chưa gặp thế thì rõ ràng công việc biên tập này chẳng phụ thuộc vào việc quen biết hay không. Làm vì thích, làm vì muốn được thưởng thức, làm vì nhu cầu hằng ngày không thể thiếu, làm như một nghĩa vụ. Cái nghĩa vụ ấy nếu có thì nó là một ý tưởng chập chờn mong manh hoặc tiềm ẩn đâu đó trong tâm và trong trí. Nó nằm trong chuỗi mắt xích đáp đền tiếp nối giữa các thế hệ”. Nhà văn Hồ Anh Thái đã viết vậy trong bài “Đáp đền tiếp nối”. Và thêm lần nữa tôi hiểu, chẳng mấy người làm được như ông.
4.Văn chương Việt đương đại, ấn tượng mạnh nhất trong tôi đó là Ma Văn Kháng và Hồ Anh Thái. Một lão làng điêu luyện, dẻo dai tươi trẻ, không thấy dấu hiệu của tuổi già trong từng câu chữ. Một giễu nhại biến hóa, biên độ tưởng tượng và kỹ thuật cài cắm khó lường. Cả hai đều có sức viết khỏe ít người sánh kịp. Còn nếu được phép tích hợp, thì chẳng hiểu sao tôi thường nghĩ đến thứ văn mà ở đó hội tụ kiểu đối thoại sâu cay đến lạnh người của Nguyễn Huy Thiệp, với cách dùng chữ lên bổng xuống trầm lướt thướt tính từ của Nguyễn Việt Hà và chốt lại bằng giọng văn hài hước, trào lộng, châm biếm của Hồ Anh Thái.
Văn chương Hồ Anh Thái càng ngày càng định hình rõ điều này, sau “Cõi người rung chuông tận thế” là “Mười lẻ một đêm”, “SBC là săn bắt chuột”, “Dấu về gió xóa”, “Những đứa con rải rác trên đường”… Có nhận xét nói Hồ Anh Thái “hết bài” rồi, và độc giả đến lúc cảm thấy “no nê” kiểu Hồ Anh Thái rồi. Tôi nghĩ là không. Mỗi cuốn sách ra sau là một câu chuyện khác, bối cảnh khác, không gian khác với các vấn đề khác. Vẫn văn phong ấy, nhưng càng ngày càng nhuyễn hơn, tự nhiên như không.
Nhiều khi tôi tự hỏi không biết Hồ Anh Thái lấy thời gian đâu mà ôm đồm khối lượng công việc nhiều thế, đọc của người khác nhiều thế, xem phim nghe nhạc xem tranh xem kịch đủ cả thế. Sách ra đều đều. Khi nào cũng có bản thảo trong máy tính ở chế độ hẹn giờ sẵn sàng đi nhà xuất bản. Cứ như thể ông trời ưu ái cho riêng Hồ Anh Thái một ngày nhiều hơn 24 giờ.
5.Cùng thời điểm ra đời với “Tự kể” là tập tiểu luận “Lang thang trong chữ”. Nếu như “Tự kể” là chuyện của ký ức, thì “Lang thang trong chữ” là tập hợp các bài viết Hồ Anh Thái luận về những vấn đề, hiện tượng trong cuộc sống, rồi nhà văn bàn về nghề viết và mổ xẻ cặn kẽ từng câu – văn – bệnh – tật. Hàng loạt cách diễn đạt, kể cả văn dịch, được Hồ Anh Thái điểm huyệt, chỉ ra, mong lập lại trật – tự – đúng cho câu chữ. Với người làm nghề viết, tôi cho rằng “Lang thang trong chữ” cần thiết, nên đọc, và không chỉ đọc một lần.
Khép lại “Lang thang trong chữ”, tôi thầm nghĩ, có vẻ nhà văn Hồ Anh Thái còn lang thang dài dài nữa. Lấy thước đo là nhà văn Ma Văn Kháng, tuổi tám mươi vẫn ấn tượng ra hết sách này đến sách khác, thì chắc rằng Hồ Anh Thái còn khiến độc giả phải ngạc nhiên và háo hức đến mệt nhoài không biết bao nhiều lần nữa.
Theo Văn Thành Lê – Văn nghệ công an