Từ lâu người ta đã quen với cụm từ “nội lực của người viết”. Nhưng, từ những cái nghiêng đầu thầm thì trong các cuộc nghị sự văn chương đến những phát biểu hùng hồn, chắc như đinh đóng cột thì lại là một quãng dài của sự băn khoăn, bế tắc khó lí giải. Thậm chí là cả sự chột dạ với chính bản thân mình. Vậy, điều gì đã ngăn cản tầm với của các cây bút, độ văng của những luồng xúc cảm và tầm thức tỉnh, phản tỉnh, tự vấn của họ? Trả lời những câu cật vấn ấy không gì hơn là lục vấn lại chính bản thân đời sống văn học.

Khi người cầm bút chưa có thói quen định vị

Lùi xa và tham chiếu rộng một chút phải nhắc đến câu chuyện nhà văn và lí luận. Trong một cuộc trà dư tửu hậu với một anh bạn hiện làm nghiên cứu sinh ngành khoa học xã hội, bất thần nhận được câu hỏi khá xoáy: “Rút cục lí luận văn học sinh ra để làm gì ông?”.

Hẳn không ít “tín đồ” của những Đốt (Dostoevsky), những Lốt (Yuri Lotman) khi nghe phát ngôn đó sẽ quyết “bổ” vào mặt anh ta những tảng băng lí luận để bắt kẻ vô đạo kia khẩu phục. Nhưng nghĩ lại mới thấy đó là một thắc mắc rất chính đáng. Khi thực sự người ta không tìm thấy một ích lợi của sự vật nào đó trong cuộc sống, hẳn sẽ tìm cách loại trừ nó. Thế là bỗng dưng trong cỗ máy sáng tạo văn chương bỗng thừa ra một thứ linh kiện (dù gắn mác tối quan trọng).

“Không cô thì chợ vẫn đông”, cái lí rất văn nghệ đó bỗng trở nên thuyết phục đến lạ. Nào thì, có nhà thơ từ nhỏ đã xuất chúng bởi ca dao, dân ca, hò vè dưỡng đục. Đội mũ rơm học trường làng đã thành nhà thơ đăng đàn văn nghệ. Nào là có anh bộ đội người dân tộc thiểu số, lần đầu cầm bút đã thăng hoa những tình cảm chất phác thành thơ. Nào ông nọ vốn là bác sĩ, chị kia có dạo làm công nhân… cứ thế cái lí lẽ của thực tế sáng tạo đẩy lùi cái lẽ của sự học đến bờ vực thẳm mà đỉnh điểm là sự “hợp rồi tan”của những khóa, những trường viết văn. Thế mới biết văn chương sinh ra trên đời chẳng giống cái gì, hà tất nhà văn nước mình lại phải giống ai…

Nhưng rồi lại chính trong nội bộ những người cầm bút lại tự nhận thức ra được hội chứng chán chường. Chán đọc văn bạn và chán luôn cả những gì mình viết. Ngoài mặt tuy vẫn có khối người đường hoàng, bảnh bao đăng đàn “ăn mày dĩ vãng” nhưng bấm bụng cũng tự nhủ (giống những người có thể diện) là mảnh hồn sáng tạo cũng nhàu nhĩ lắm rồi. Khi ấy, có người sẽ lấy tiêu chí “một bước đi vào kinh điển”, nhà văn sống được chỉ bằng một tác phẩm để lí giải cho sự lão hóa ngòi bút, hụt hơi của nội lực đó. Hoặc giả, lại có người đổ lỗi cho sự nặng gánh áo cơm, cho xu thế chán văn của xã hội, cho sự dằn vặt nội tâm đến mức khó thăng hoa của tâm hồn mình. Xem ra, cách lí giải nào cũng thuyết phục, nhưng cũng đều buồn, đều bế tắc trước đòi hỏi được tiêu thụ, được đọc của độc giả.

Thực ra, các nhà văn đang tự tin ở cách nhận thức thế giới và cách thể hiện của mình. Trong khi, lại có không ít nhà phê bình lại mất niềm tin ở họ nên đã vô tình tạo ra một cuộc khủng hoảng viết. Đành rằng viết là tự giải thoát những vấn đề nội tâm nhưng lấy gì để thẩm thấu, chiêm nghiệm rồi từ đó hình tượng hóa thành nghệ thuật với một bộ óc nghèo nàn, một đôi mắt lười nhìn xa, ngước lên cao và soi xuống đáy tâm hồn nhân sinh. Chẳng có nhà văn nào có thể ăn bám mãi vào cái vốn trời cho là năng khiếu đặt câu, hiệp vần của mình. Cũng giống như chẳng ai biết đi đến đích nếu như trong đêm đen lạc đường mà không tự định vị được minh đang ở đâu. Trước khi viết phải làm một người  đọc, trước khi làm Thánh Gióng trong sáng tạo thì phải “chịu” làm cậu bé lên ba im lặng tích lũy. Muốn có một sức bật, hẳn phải săn cơ rắn bắp. Muốn đi xa, hẳn phải kì công dệt những cánh buồm lớn. Người viết ở mình dường như chưa thấm điều đó, thích an phận với những thành công tầm tầm, thích được gọi tên nhà văn từ dăm ba tập sách, truyện ngắn hơn là được lịch sử lưu danh, hơn là thỏa cái trang trí của người cầm bút.

Khi người đọc chạy theo mẫu  tiếp nhận

Nội lực của các cây bút còn phụ thuộc rất nhiều vào người đọc. Thử hỏi, nếu không có những cô gái khuê các đẫm nước mắt với Tố tâm của Hoàng Ngọc Phách; không có cô hàng xén, cô bán rau muống say thơ Nguyễn Bính thì lấy đâu ra một lớp người cầm bút đầu thế kỉ. Thật may công chúng đã xuất hiện để đọc thứ “văn Tây”, “thơ Tây” thời ấy, nhưng cũng phải cả giận khối người đọc sau này coi nhẹ cái sự đọc mà không tự làm cho thị hiếu của mình khấm khá lên.

Tôi đã từng gặp những người ham đọc sách đến mức kinh ngạc. Dù làm những nghề khác nhưng họ đọc không sót một tác phẩm nổi tiếng, nhớ không thiếu một chi tiết văn chương. Thật là những độc giả tầm cỡ. Thế nhưng, hỏi họ suy tôn ai thì lại nhận được những câu trả lời rất tầm tầm. Hóa ra, văn với họ vẫn là những tác phẩm có cốt truyện rườm rà, rắc rối, những trần thuật dông dài kể lể. Họ như người chạy đi lục lọi những kho báu giống hệt nhau để thỏa mãn một quán tính tiếp nhận. Hay nói cách khác, họ thích đọc những giá trị bề mặt và đam mê vớt lớp váng bề mặt đó để rồi tự tin ở những tri thức đó. Họ đâu biết rằng, chẳng có sự sự tĩnh tại nào cho văn chương. Chỉ có cuộc chạy đua giữa người viết, người đọc mới tạo ra được những va đập, những hiệu ứng tiếp nhận thực sự. Chính họ sẽ là người thôi thúc, sàng lọc những nhà văn hụt hơi, chính sự lựa chọn của họ sẽ là một sự “khích tướng”. Khi ấy nhà văn sẽ biết họ phải làm gì để nối dài “sợi cót” của mình nếu không muốn dừng lại ở những khởi đầu ấy. Công bằng mà nói để có thể tiến xa hơn, người cầm bút cần có một hành trang đầy đủ về tri thức, về vai độc giả của mình trước khi phát đi những tín hiệu thẩm mĩ kia.

Nguồn: vanhocquenha.vn