Tôi biết Nguyễn Bình Phương từ lâu và đọc tác phẩm của anh cũng từ lâu. Nhiều người bảo Bình Phương viết lạ, viết mới, viết khó hiểu, bí hiểm, hậu hiện đại… Không, văn Bình Phương viết đương đại và giản dị. Văn anh là văn con nhà lao động mà lại lao động rẻo cao nên từng nhát cuốc đường cày phải tính toán chi li cẩn thận cho bớt giọt mồ hôi vơi giọt máu.
Thứ văn ấy không ít lúc đạt đến độ sâu theo cung cách, quan điểm thẩm mĩ của người lao động. Xã hội nào là thiên đường cho người lao động nếu không phải chính là xã hội mà họ đang sống, cho dù đó là địa ngục trần gian hoặc là chiến tranh giặc giã. Thì họ phải cứu mình bằng chính cuộc sống lầm than đó. Xã hội dù phát triển đến mấy vẫn đâu ít tai ương giáng xuống đầu người lao động mà các nhà văn có lương tri bênh vực họ cũng là tự thốt lên những ẩn ức của mình. Nhìn văn chương anh Phương, tôi nhìn từ khởi nguyên ấy và hệ quả tương ứng là những dòng văn gan ruột của người lao động rẻo cao với những phương tiện sản xuất thô sơ trên những rẻo ruộng chênh vênh, đá sỏi, rắn rết, hùm beo, ganh ghét, tị nạnh, báo thù, tăm tối từ xung quanh và từ chính mình.
Những lần đầu gặp anh ngày anh biên tập cuốn sách đầu tay của tôi, tôi rụt rè mà anh cũng rụt rè. Anh Phương ngoài đời nhường nhịn rụt rè cố hữu và đôi chút lẩn thẩn. Lúc vui lên tôi bảo, này ngoài đời chúng nó bảo ông điên bao giờ chưa? Anh Phương cười ngơ ngác như gã tâm thần. Tôi dấn luôn, là chúng nó bảo là ông tâm thần chưa? Phương cười hấp tấp trẻ thơ bảo, nhiều, nhiều đứa nó bảo tao tâm thần mày ạ, hay bề ngoài của tao có vấn đề nhỉ?
Ôi anh Phương, việc quái gì phải như thế. Anh cứ việc đi vào con đường văn chương đang rất thuận đà của anh đi. Anh cứ nên đi mà viết ra những Người đi vắng, Những đứa trẻ chết già, Trí nhớ suy tàn, Thoạt kỳ thủy, Ngồi… đi. Và một hôm tôi đã chả đe anh rằng: Nguyễn Bình Phương chết rồi. Phen này thì ông chết. Tôi sẽ viết một cuốn đập chết cuốn của ông. Cuốn của tôi là Nửa nằm nửa ngồi, nhân vật của tôi là giở giăng giở đèn, tranh tối tranh sáng, năm ăn năm thua, tai bay vạ gió, vớ va vớ vẩn, nhập nhà nhập nhằng, nửa người ngửa ngợm, vừa đái vừa dòm, du thủ du thực… thì ông chết chắc. Ông cứ cốc cốc cốc… cốc cốc cốc… chán bỏ mẹ. Tôi sẽ giết ông… Anh Phương cười trơ lợi, cười khìn khịt, cười như ma cười… Cũng chỉ lúc ấy tôi thấy anh bớt tí tội nợ truyền kiếp của bản mặt anh.
Rồi theo mạch ấy, chúng tôi nói về văn chương chữ nghĩa. Anh luôn có một nỗi lo mơ hồ nào đó, nỗi lo về những tai họa bí truyền, phi lí nhưng có thật có thể bất thần đổ ập xuống đầu. Anh Phương là người cực kỳ nhạy bén mọi cơ sự không mấy liên quan đến nhau và am tường nó theo một hay nhiều cung cách của anh hay của nhiều người. Những ngày đầu ấy, những ngày chúng tôi mới biết nhau rụt rè ấy đã hơn mười năm, anh do nghiêm túc với nghề đã, đang và sẽ định danh của mình. Một hôm, cũng là lúc thanh nhàn, tôi hỏi anh: Này, văn chương bây giờ, viết văn bây giờ ấy nó khó khăn như thế, bát nháo lẫn lộn như thế thì tôi phải làm thế nào hở con người kia? Anh điềm nhiên bảo, phải định danh được nhân vật. Rồi anh nói luôn, đấy ông xem, rồi thì Lê Lựu sẽ còn lại, vì lão ấy có thằng Giang Minh Sài. Cứ tưởng gì, tôi gắt bừa lên, ông thì cái gì chả hay. Anh Phương không cáu, người ta được thì phải công nhận là được chứ. Trong nghệ thuật, làm sao mà phủi thành quả của nhau được.
Nếu coi văn chương là một nghề thì cái nghề ấy đã đeo gông đóng số Nguyễn Bình Phương. Lẽ đương nhiên, anh cũng là một gã hăng nghề, hăng lắm, hăng hái lên đường như chàng Đônkyhôtê, còn hơn là đằng khác. Lắm lúc ở trong cái nghề vô cùng ấy, mờ mịt ấy, anh cũng bươu đầu sứt trán, cũng lấm lưng trắng bụng. Còn có cả lợi ích nào đó chăng mà anh mê mẩn thế. Yêu nghề đến ngớ ngẩn, yêu đến hành xác như anh quả là của hiếm.
Tôi vẫn luôn cho rằng những trang văn của anh Phương là những trang văn đương đại. Mai này nó có thể tươi xanh hơn hoặc sa sút đi thì hôm nay nó đang là những trang văn của cuộc sống này, và nó thở, nó ca hát, nó phẫn nộ khinh khi. Và nó đang hiện hữu. Nguyễn Bình Phương không chịu viết những trang văn chết hoặc theo anh là sẽ chết, văn anh đôi lúc ái tình cần lao đậm đặc quá vẫn luôn gửi đi những thông điệp có thật từ cuộc sống, sinh sôi và ở trong ta. Rồi đi về đâu những thứ văn chương tách rời cuộc sống, phản ánh một thứ cuộc sống giả dối, trí trá, viện dẫn, vay mượn, ngụy tạo mà không trình ra đời sống thực của mình, cho dù là một đời sống thực cay đắng đến mấy. Trong các tác phẩm của anh, tôi thấy vọt lên một tinh thần khát sống, khát những gì bản năng tươi đẹp nhất và hướng thiện đến hơi thở cuối cùng.
Tôi hằng nghĩ anh Phương cầm bút vì một uất ức nào đó, một oan khiên hay một bất lực đương đại đầy bí ẩn đã xúi giục anh viết ra những chữ những câu, những chuyện khác người. Đừng hỏi nhau viết để làm gì, viết cho ai mà hãy viết cho hay, viết cho chính nhu cầu nội tại của mình. Cái sự viết là một sự dài, đơn độc và thăm thẳm, viết khác gì giết đi chính mình để hồi sinh lột xác chính mình.
Đang trước mắt tôi là những trang văn Nguyễn Bình Phương hành quân. Chúng đi có trật tự trong bóng đêm u u, mang mang. Chúng đêm đi ngày nghỉ rất kiên nhẫn mà bình tâm trước số phận của mình hoặc của ai đó. Chúng điềm nhiên và chính xác sắm vai trò của mình, vào đúng vai, nói đúng câu, đòi đúng phần của mình rồi lại âm u đi lùi lũi vào đêm thẳm. Chúng tôn ti lẫn nhau khiêng một sợi chỉ máu cầu vồng đi vào nơi vô tận vô sắc vô thanh vô thuỷ vô chung để làm điều ngược lại với một niềm tin duy nhất đang hằn lên từ sợi chỉ máu sắc cầu vồng. Đôi lúc có những đứa trong đoàn quân đầu nhọn đuôi dài ấy đột nhiên rùng mình một cái, khô sút đi, ngã gục xuống hai bên đoàn quân chỉ hơi xao động vẫn bền gan bước tiếp. Kẻ gục xuống ứa rạng một sắc hồng rồi khô kiệt hóa thành một sợi lông ngỗng phiêu du cuốn theo đoàn quân. Đến khi trời sáng, đoàn quân biến mất không một dấu tích. Khi đêm xuống tất cả lại hiện ra.
Văn xuôi Nguyễn Bình Phương là thứ văn xuôi luôn có ý thức trở về gia đình của mình. Trở về gia đình của mình không đơn giản, dễ gì thực hiện trong cuộc sống hôm nay. Hôm nay, khi mà có quá nhiều những xung lực o ép, hấp dẫn, cám dỗ, khác nhau cộng với một nền tảng hiểu biết có hạn thì việc trở về với gia đình của mình bỗng trở lên muôn khó.
Một lần, do hoàn cảnh, tôi và anh Phương ngồi tàu vào Sài Gòn, chuyện cơ quan, cả chuyện khác nữa, chuyện mưu sinh thuần tuý của lũ đàn ông trụ cột gia đình cũng lam nham lếch thếch lắm. Cứ to mồm bảnh bao vậy chứ đằng sau cũng tay sốt tay nguội lắm, cũng phải lao vào làm phim, làm kịch… không lấy gì kéo những toa tàu. Của nả ở đâu ra. Anh Phương đoán chừng tôi cũng thạo chuyện mưu sinh, ra điều yên trí lắm. Tàu kéo còi, Phương ta ngồi khép nép nơi đầu giường nhìn dõi qua màn kính đục. Tàu phi nước kiệu, rồi nước đại. Ình ình, ầm ầm. Khởi đầu Phương còn có vẻ hào hứng, chục năm không đi nên hào hứng chăng. Nghe tiếng còi tàu, mắt chợt sáng lên như bắt được của nả gì. Mà bây giờ buồn thế, sao cứ ngồi im im.
Ình ình. Tàu chạy dưới nắng vàng. Khoang bốn người chìm vào im lặng. Chúng tôi vừa nói chuyện đất nước với nhau. Nhìn những thửa ruộng loang khoang, cháy nham nhở, khô nứt nẻ bên cạnh những túp lều lụp xụp, những căn nhà không giống ai, nhà xơ xác, không che được cái đói nghèo mà sách báo ti vi ra rả bảo đã đẩy lui mỗi người theo đuổi một suy nghĩ riêng.
Phương ngồi xoay người, dõi cặp mắt thoạt nhìn rất khó đoán định về một phía cửa kính. Phương ngồi rất lâu, rất lâu và leo lên giường tầng nằm xuống. Ngoài kia bạt ngàn xa là đá, là cát, xa hơn là biển, xa hơn nữa là những kiếp người. Tôi biết anh thèm viết và thấy cuộc đi đang bắt đầu vớ vẩn vì những gì anh thạo, anh đọc, anh triển khai từ cuộc sống này nó vẫn vậy, có khi còn tồi tệ nhôm nhựa hơn, bi kịch hơn và khó giải thích hơn. Đôi khi chúng ta quá la lối, tô vẽ hình thức bên ngoài cuộc sống của mình.
Trữ lượng văn chương Nguyễn Bình Phương còn là trữ lượng từ độc giả đến với anh thông qua các tác phẩm mà nhiều người tìm thấy ở đó những mô tả, lý giải, tư biện, những đời sống chính mình và khác mình, hiện tại và tương lai của chúng ta, quá khứ của ai đó, thời đoạn lịch sử nào đó mà các nhà văn đồng thời khác hoặc không đề cập đến hoặc đưa ra không hấp dẫn, đa dạng bằng anh.
Với tư cách độc giả, có thể nhận xét rằng, Bình Phương luôn có một lượng độc giả ổn định. Có người đọc theo cách hiếu kỳ, tham khảo, xem xem nó thế nào. Có người đọc bới móc, áp đặt và phủ nhận. Có người đọc đồng cảm, chia sẻ và tung hô nhiệt thành. Có người đọc để thỏa mãn nhu cầu khác như tìm hiểu văn phong, văn phạm, dục tính, lý tính… đa năng của ngòi bút. Phải công nhận rằng, thu hút được các tầng lớp độc giả phong phú như vậy, trước tiên là một tín hiệu mừng, có thể vừa mừng vừa lo, thậm chí sợ. Sợ cho sức căng của ngòi bút liên tục như vậy liệu giữa chừng có đứt gánh, phong độ thần thái tuột đi trong một ngày tới, một ngày mai hoặc như những gì đã diễn ra, đã được ưa thích, đã tranh cãi, đã là thành quả bỗng nhiên hết, bỗng nhiên tận, bỗng nhiên biến mất không một dấu vết thì sao nhỉ.
Tôi luôn nghĩ bao giờ những nhà văn tài năng cũng phải làm những công việc quá sức của mình, đặc biệt là trong ngày hôm nay và trong lúc này càng đòi hỏi đức hy sinh của những người cầm bút. Người cầm bút hôm nay đang ở đâu, đã ở đúng vị trí hay chưa, đã làm tròn bổn phận hay chưa là một tự vấn luôn treo lơ lửng trên đầu ngọn bút. Bầu trời văn chương mênh mông hay hạn định, cánh rừng văn chương thăm thẳm hay khuôn chừng trói buộc, trong hành trình ấy, có ga dừng, trạm nghỉ không, hay là như sóng biển không bao giờ cho bờ tĩnh lặng dù là ve vuốt mơn man hay phá phách hủy diệt vẫn miên man, trùng trùng những con sóng dội.
Nguồn: VNCA