(Một đôi vợ chồng trẻ tái hiện lại đám cưới thời bao cấp ở Hà Nội – Nguồn: Zing.vn)

Không dám lạm bàn đến mênh mông bể sở cặp phạm trù triết học “Chủ – Khách”. Chỉ là quan sát sơ sài về cách tiếp đãi khách khứa của người Hà Nội mà thôi.

Dường như người tỉnh nào thì cũng tự khen mình là mảnh đất có truyền thống hiếu khách. Người Hà Nội không ngoại lệ. Thế nhưng cùng với biến đổi thần tốc của xã hội văn minh, cách đãi đằng khách khứa cũng mặc nhiên thay đổi từng ngày rất khó nhận biết.

Nếu về một trong 49 làng quan họ Bắc Ninh hẳn là sẽ được các liền anh liền chị ở đấy hát cho nghe bài quan họ vào loại cổ xưa nhất “Khách đến chơi nhà”. Chất giọng vang rền nền nẩy liền anh, liền chị đối đáp nhau mượt mà êm ái ngay từ câu hát đầu tiên “Khách đến chơi nhà… là chơi i…i… nhà/ Đốt than í a… dầu mà quạt bếp… pha trà mới người xơi… rằng có chén í a… trà này…”. Lời bài hát cứ mộc mạc chân tình đối đáp như thế nhưng lại là thể thức không thể bỏ qua khi quan họ gặp nhau. Dù rằng không phải lúc nào cũng “đốt than, quạt bếp”, nhiều khi chỉ là ấm nước vối pha sẵn rót ra mời khách thì nỗi niềm kể lể cũng vẫn bài bản như vậy.

Những gia đình Hà Nội nền nếp xa xưa có lối tiếp khách riêng của mình. Người ở xa đến rất dễ có cảm giác không đủ mặn nồng khi đi hàng trăm cây số lên Hà Nội chơi mà chủ nhân không có tí tẹo nào tỏ ra hồ hởi tay bắt mặt mừng. Họ chỉ chu đáo chuyện rửa mặt tẩy trần hoặc kéo ghế bật quạt mùa hè. Nước chè ba hào phổ thông ông chủ pha ra mời khách.

Bà vợ kín đáo ra chợ mua thịt cá tươi hơn bữa thường chút ít để chuẩn bị cơm. Tuỳ theo gia chủ có uống rượu hay không mà bữa ăn có thêm chén rượu. Những năm bao cấp khó khăn quá hầu như bữa cơm đãi khách cũng chỉ giải quyết khâu no mà thôi. Nhưng có một điều rất lạ trong thời kỳ mới hoà bình sau 1954, người Hà Nội sẵn sàng tiếp đón cả những người khách lỡ độ đường. Cán bộ, bộ đội đi công tác qua Hà Nội có thể gõ cửa những nhà mặt phố xin ngủ nhờ. Thậm chí mời họ một vài bữa cơm đạm bạc dù rằng trước đó chẳng quen biết gì.

Khách khứa thường xuyên của gia đình Hà Nội là bạn bè cùng công tác hoặc sở thích. Họ có thể đến bất cứ lúc nào gia chủ ở nhà. Vài người có hẹn trước. Phần lớn là không. Thời chưa có điện thoại muốn hẹn hò chỉ có cách gặp trực tiếp. Nếu cuộc hẹn quan trọng vì công việc người ta sẽ viết thư cho nhau. Dán một con tem 2 xu ra bưu điện gửi. Thư trong thành phố sẽ đến tay người nhận trong vòng ba ngày. Bạn bè thân thiết hàng ngày của gia chủ sẽ đến chơi vào những giờ cố định. Lũ trẻ thuộc lòng bác Thông đến vào khoảng mười giờ sáng chủ nhật còn bác Thắng sẽ đến lúc năm giờ chiều thứ bảy. Thuộc lịch như thế để lúc nhà có khách lũ trẻ sẽ đi chỗ khác chơi không bao giờ dám mon men đến gần khách khứa của phụ huynh.

Có những ông khách đặc biệt chơi với cả bố lẫn con gia chủ khi đến nhà hay được hỏi câu đầu tiên “Hôm nay ông đến chơi với tôi hay với ông cụ nhà tôi”. Hỏi xong cũng là lúc đưa ra quyết định mình có nên ngồi lại ở phòng khách hay không. Khách bố khách con phân biệt rõ ràng là thế dù vẫn chỉ là một ông khách mà thôi.
Cuối những năm bao cấp, tình hình chỗ ở của người Hà Nội trở nên chật chội bề bộn kinh hoàng. Nhiều gia đình chỉ còn đủ chỗ tiếp khách cho những ai là bạn của cả hai vợ chồng chủ nhân. Rất may, lúc ấy bạn bè đến nhà thường cũng chỉ là những thành phần như thế. Nếu là bạn riêng của bà vợ hẳn là bà ấy chẳng biết phải “cất” ông ông chồng vào đâu. Trẻ con đủ lớn kéo bạn ra hàng nước chè đầu phố ngồi tán dóc. Trai gái đến tuổi hẹn hò thường chỉ có một đôi lần đến nhà nhau. Dĩ nhiên những lần ấy phải giáp mặt với toàn bộ phụ huynh trong nhà. Nên duyên hay không nhiều khi chỉ dựa vào những gặp gỡ sơ sài ấy. Cho nên lũ trẻ buộc phải có những quan sát nhận định chính xác về nơi chốn mà mình sẽ gắn bó lâu dài.

Bây giờ chỗ ở của người Hà Nội đã bớt chật hẹp hơn xưa rất nhiều. Hầu như nhà nào cũng có chỗ tiếp khách riêng biệt. Nhưng thật ngạc nhiên, rất hiếm khi có khách đến chơi nhà. Khách không muốn đến nhà nhiều hơn nhưng chủ nhà không muốn tiếp khách cũng chẳng thiếu gì. Rất hiếm khi có khách ở xa đến ngủ lại trong nhà mình. Và mình đi xa cũng chẳng bao giờ ngủ lại nhà bạn bè quen thuộc. Những đô thị lớn luôn là nơi tiếp cận nhanh nhất với văn minh thế giới. Hà Nội đã từng có thời gian dài hơn nửa thế kỷ XX tiếp xúc với văn mình Châu Âu do người Pháp mang vào.

Văn minh khách khứa ấy có phần gián đoạn vào những năm chiến tranh giặc giã và dần phục hồi lại khoảng vài ba chục năm nay sau hoà bình. Giờ thì người ta lại bắt đầu đề cao ý thức tôn trọng chốn riêng tư của nhau như đã từng. Lại thêm các phương tiện liên lạc như điện thoại, mạng internet hỗ trợ hẹn hò gặp gỡ. Không còn ai đột ngột đến nhà nhau chơi nữa. Khách ở xa đến đã có vô vàn nhà nghỉ khách sạn trên phố làm nơi tá túc.

Vẫn đầy đủ nghĩa tình sâu lắng nhưng nhiều người Hà Nội chơi với nhau hàng chục năm mà chưa hề đến nhà nhau. Phần vì ông, bà ấy không mời nhưng nếu có mời cũng thường rất ngại đến. Có cần thiết phải gặp mặt toàn bộ một gia đình không khi mà ta chỉ quan tâm đến một người duy nhất trong số họ?

8-2017

Đỗ Phấn

Lao động cuối tuần

Phạm Thuý Quỳnh đưa bài