Tôi gọi cuộc gặp gỡ giao lưu giữa chị – Nhà thơ Phan thị Thanh Nhàn – Tác giả bài thơ “Hương thầm”, và các Văn nghệ sĩ Tỉnh nhà với thầy cô, học sinh tại Thị xã Hoàng Mai là “duyên kỳ ngộ”.

Duyên kỳ ngộ, cuộc gặp gỡ ngẫu nhiên do trời định, nên tâm đầu ý hợp, bởi cũng không có ai dự toán lên kế hoạch gì, nhưng lại có điểm chung: yêu cái đẹp, thơ ca, văn học, và yêu thương con người trên mảnh đất mình đang sinh sống! Cuộc gặp gỡ đó thành công, để lại ấn tượng tình cảm thật lớn cho chị và bạn bè trên mảnh đất Hoàng Mai, địa đầu xứ Nghệ.

Ở mảnh đất còn nghèo, khô cằn cát sỏi, nắng và gió Lào rát bỏng, mưa bão bùng, lũ lụt, những người dân lam lũ da nâu, tóc khét nắng hiền hậu, giờ đang “thức giấc” một Đô thị trẻ, xao lòng khi nghe tin chị về quê hương của họ.

Là bởi họ đã từng biết đến chị năm hai mươi lăm tuổi khi bài thơ “Hương thầm” ra đời.

Tên tuổi chị đã đi cùng năm tháng với bài thơ về tình yêu thầm lặng ngan ngát hương bưởi trong chiếc khăn tay của người lính trẻ với cô gái làng trước khi ra trận. Tình yêu của người lính kín đáo, âm thầm nhưng nồng nàn lãng mạn. Chàng trai trẻ vì lý tưởng, lên đường, ấp trong tim một khối tình chẳng bao giờ dám ngỏ. Có những người lính đã ngã xuống, vẫn chưa từng một lần được yêu, chưa từng được nếm vị ngọt ngào của bờ môi thiếu nữ.

Bài thơ của chị ra đời trong điều kiện, hoàn cảnh như thế. Và cũng vui mừng, niềm tự hào của thơ ca, tiếng nói của Văn học Nghệ thuật đã làm lay động bao trái tim trước tình yêu âm thầm của của người lính, nhất là khi bài thơ được phổ nhạc cho đến nay đã hơn 30 năm.

Chị về, trong một ngày khô ráo, ấm áp của mùa đông. Ngày này, ở Miền tây xứ Nghệ hoa Hướng dương khoe sắc rực rỡ, hàng vạn du khách nôn nao trước vẻ đẹp của thiên nhiên theo quy luật của đất trời. Chị về, những người bạn kết trên phây búc, hay người lãnh đạo Thị xã, hoặc người dân, cô giáo, học sinh đã từng biết đến tác phẩm “Hương thầm”, coi chị như người nhà, người thân, dù chưa một lần biết mặt nhau ở ngoài đời. Ai đó nói văn thơ bây giờ bị coi thường, ít người đọc, ít người nghe ngâm thơ? Nhầm to, vấn đề ở đây là văn học có đi vào lòng người, rung động trái tim không thôi!

Chị về, không ai hỏi chị bao nhiêu tuổi? Nhà cửa có khang trang không? Đã trải qua chức vụ gì khi đi làm việc nhà nước? Những người hâm mộ thơ gọi chị bằng tên “Hương thầm” đầy thương mến. Bài thơ làm nên tên tuổi, từ ngày ra đời! Cũng có lý khi anh Đoàn Hồng Vũ- Bí thư Thị ủy Hoàng Mai xởi lởi chuyện trò trong cuộc giao lưu ấm áp đã thật thà nói với chị: “Với em, chị mãi mãi tuổi hai lăm”.

Sau này, chị còn có nhiều thơ, văn xuôi được đưa vào sách giáo khoa, và giải thưởng, như bài thơ “Làm anh khó lắm” hay truyện “Xóm đê ngày ấy” được tái bản đến mấy lần. Cho dù thể loại văn học nào đi chăng nữa thì tác phẩm của chị vẫn chân thành, gần gũi như con người chị vậy, và vì thế chiếm được chỗ trong lòng người đọc. Nhưng vẫn không thể vượt qua được bài thơ “Hương thầm”, phổ nhạc dễ lan tỏa đi vào lòng người, và cả một thế hệ thời chiến tranh sống lâu bền mãi cho đến bây giờ.

Ngày chị quyết định về Nghệ An tìm hiểu về đất và người, nói là ngẫu hứng, nhưng tôi biết ý định ấy ở chị lâu rồi nhưng chưa thực hiện được. Cũng bởi do tính cách dùng dằng xê dịch của con người ai cũng có. Ừ, có ý thăm bạn bè, tìm hiểu đất, thiên nhiên là quý, nhưng từ từ, đi đâu mà vội, hôm nay chưa, để mai vậy. Dùng dằng thế, nhưng không quên, đến một sáng, trời mùa đông ấm áp, xem mạng, thấy hoa Hướng dương rực rỡ cả một vùng đồi miền tây xứ Nghệ, người rộn ràng đi về nơi ấy tấp nập. Hào hứng trỗi dậy, chị quyết định khởi động lên đường về vùng quê nhiều hoa đang nở rộ, điểm nhấn bắt đầu từ đó.

Chị có nhiều bạn bè, yêu thơ là một nhẽ, yêu thương từ quan điểm, lối sống, tính cách của con người nữa. Chị tiếp xúc với bất cứ giai tầng nào cũng thân mật, gần gũi, chân thành, và có phần dí dỏm, không kênh kiệu. Tôi biết bài thơ “Hương thầm” hiện thời bị lớp trẻ chế bản, hoặc như trong cuộc sống đời tư của chị không được trọn vẹn như bao thi sĩ khác, nhưng chị vẫn vui, lạc quan với cuộc đời. Có lẽ vì thế, hình ảnh chị với chiếc áo dài màu xanh là sở thích, càng ngày càng đẹp hơn lên trong công chúng.

Biết chị lên đường về xứ Nghệ, bạn bè là kỹ sư, cô giáo, những tri thức yêu văn học đã từng có nhiều kỷ niệm ở xứ Nghệ dành thời gian đưa xe tháp tùng chị. Anh Võ Văn Dũng – Phó Bí thư Thường trực Thị Uỷ Hoàng Mai Nghệ An – bạn phây búc, biết tin chị về gọi điện hỏi thăm, và: “Mời chị về, đến mảnh đất Hoàng Mai quê em cho biết cuộc sống hiện tại còn nghèo, và đang gắng sức vươn lên thành Đô thị hiện đại vất vả đến mức nào!”.

Chị sống tình cảm, nhiều cảm xúc, vậy nên trưa ngày 27 tháng 12 năm 2016  về tới Hoàng Mai, chị biết Thị xã đang thời kỳ xây dựng, trước mắt đã định hình cuộc sống của một Đô thị trong tương lai, nhưng còn bộn bề vất vả nhiều. Thấy anh Võ Văn Dũng, Tô Huy Hùng – P.Chủ tịch Thị xã, anh Nguyễn Viết Lộc – Trưởng phòng Giáo dục và các cán bộ Phòng văn hóa – TT- DL đã chờ đón. Sau nữa có nhà văn Đàm Quỳnh Ngọc, nhà thơ Tùng Bách, nhạc sĩ Phan Thanh Chương từ Vinh đi ngược ra Hoàng Mai đón, chị cảm động vô cùng trước tình cảm của bạn bè đất Nghệ.

Ngay ngày đầu tiên về tới Nghệ An, chị lên Miền tây chiêm ngưỡng vẻ đẹp của hoa, không gian của trời và đất, không khí trong lành của thiên nhiên còn tinh khiết. Nét mặt chị rạng ngời với tâm trạng như hòa tan vào trời và đất:

“Đất khiêm nhường màu xanh lay động

Và thẳm sâu lặng lẽ sinh sôi

Trên mặt đất chính là cuộc sống

Có cần chi biện bạch nhiều lời”.

Vâng, mấy câu thơ trên trong bài thơ: “Trời và đất” của chị. Đúng vậy: “Có cần chi biện bạch nhiều lời”! Với cuộc sống hôm nay, Thị xã mới đang xây dựng ngổn ngang, có tình yêu, phải hành động, đó mới thiết thực của cuộc sống trong tương lai.

Những ngày ở Thị xã Hoàng Mai và Huyện Quỳnh Lưu, chị đã thăm mộ bà Hồ Xuân Hương, làng Quỳnh, Đến Cờn, Biển ở Đông Hồi, hay Vực Mấu, đến đâu chị cũng sôi nổi, tươi trẻ hào hứng hẳn lên. Tôi đã gặp chị nhiều lần, cũng đã từng đi đường dài với chị, và lần nào cũng như lần nào, cảm nhận tâm hồn chị hình như không bị già đi theo năm tháng. Anh Võ Văn Dũng kể: Mình lần đầu gọi điện thoại cho chị Nhàn, nghe tiếng nói trong veo dịu dàng trẻ trung, cứ tưởng nhầm số điện thoại của cô nào, phải hỏi đi hỏi lại: có phải chị Phan Thị Thanh Nhàn không?

Buổi chiều ngày 28/12 chị và các nhà văn, nhạc sĩ giao lưu với thầy cô, học sinh, cán bộ, và những người dân trên địa bàn Thị xã. Anh Nguyễn Viết Lộc nói, toàn bộ học sinh nghỉ ngoại khóa tham gia buổi giao lưu với nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn và các Văn nghệ sĩ, coi như là một buổi học. Chị biết vậy, cảm động lắm, bởi có lần chị tâm sự trong nỗi buồn ưu tư: Văn học bây giờ ít người để ý quá, ống kính của kinh tế thị trường soi khắp nơi, trong đó có Văn học Nghệ thuật không tránh được. Thị xã Hoàng Mai, buổi đầu xây dựng, khó khăn đủ mọi bề, nhưng quan tâm tới Văn học thế này, khiến chị rưng rưng!

Chị rất vui, những người nhiều tuổi, người đã trưởng thành có mặt trong hội trường đều biết đến thơ và tên tuổi chị. Tôi lại nhớ một bác khoảng tuổi hơn bảy mươi ở nhà thờ họ Hồ làng Quỳnh phát hiện ra tác giả bài thơ “Hương thầm”đã hớt hải chạy theo và gọi: Phan Thị Thanh Nhàn ơi, khi chị đã đi ra một đoạn đường khá xa. Điều đó nói lên, người cùng thời với chị hiểu nhau hơn, còn lớp trẻ cuả cuộc sống hôm nay có lối sống khác, nhưng không phải vì thế mà quên cuộc sống trong quá khứ! Buổi giao lưu, chị lên diễn đàn, điểm qua các gương mặt nữ tên tuổi trên thi đàn Việt Nam theo yêu cầu khán giả. Đến phần trao đổi giữa nhà thơ với học sinh và thầy cô trong không khí sôi nổi, chị hỏi, có ai thuộc thơ một chữ, hai chữ, rồi ba chữ? Không có ai! Chị hỏi tiếp, có ai thuộc thơ đồng dao không? Một cô giáo xung phong, chị cười rạng rỡ. Chị lại hỏi, có ai thuộc bài thơ “Làm anh khó lắm” của chị trong sách giáo khoa không? Một em tình nguyện lên đọc. Tôi quan sát trong hội trường và biết nhiều em thuộc bài thơ này, đã giơ tay, nhưng rụt rè bỏ tay xuống, chắc còn e ngại! Chị nói, phê bình các cô giáo và học sinh bây giờ thuộc thơ còn ít quá. Chị nói vậy ở hội trường, nhưng khi về phòng nghỉ, chị băn khoăn, không biết mình nói vậy, các thầy cô và học sinh ở Thị xã có giận mình không?

Cuối buổi gia lưu, nhạc sĩ Phan Thanh Chương hát ca khúc “Chiếu làng”  phát hành chưa lâu. Hình ảnh làng quê Việt Nam hiện lên qua các điểm nhấn nổi bật của ca từ, không khí trong hội trường trầm xuống, xúc động, và vỡ òa trong tiếng vỗ tay vang lên rất nhiều lần.

Cô giáo Đàm Thị Thơ từ Ninh Bình vào hát bài “ Bến đợi” ấm áp thu hút người nghe.

Buổi giao lưu của thầy cô, học sinh với chị, và các VNS sinh sống ở tỉnh nhà đã kết thúc lúc hơn năm giờ chiều. Trời mùa đông, không gian lờ mờ tối, trong hội trường đã vắng. Các anh Đoàn Hồng Vũ, Võ Văn Dũng, Nguyễn Viết Lộc, Nguyễn Anh Văn- Trưởng ban Tuyên giáo và một số cán bộ văn hóa vẫn chưa về, nán lại chuyện trò với tác giả “Hương thầm” và các VNS rất lâu mới chia tay khi đã vào tận phòng tặng hoa chị và những người cùng đoàn.

Vĩ thanh.

Chị, nhà thơ của tác phẩm “Hương thầm” và bạn bè đã về chốn cũ. Nhưng râm ran chuyện trò đâu đó của các thầy cô, học sinh và người dân vẫn còn dư âm ấm áp của buổi giao lưu trong một chiều đông lạnh. Tình cảm, tấm lòng chất phác hồn hậu của người Nghệ cũng sẽ còn mãi trong lòng chị, trong  tôi, và trong bao người khác. Mỗi lần có dịp gặp lại chị, bao giờ chị cũng hỏi: anh Vũ, Anh Dũng, Anh Lộc, Anh Văn…bây giờ ra sao? Ngày ấy các anh ấy đã từng có những lời nói, những hình ảnh, cử chỉ ấm áp với chị như thế này. ‘‘Hương thầm’’ năm xưa như đang quyện với sắc hương của một vùng quê đang cựa mình nãy lộc.

Chắc chắn là như thế!

31/12/2016

Đàm Quỳnh Ngọc – Vanvn.net

Exit mobile version