Phạm Văn Thuý

Thành phố hoa

Mỗi độ xuân về, trăm hoa đua hương khoe sắc trong nắng vàng ấm áp đất phương Nam. Thành phố của tôi, thành phố trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long đã hình thành và phát triển mấy trăm năm trong hương nồng của “gạo trắng nước trong”. Xuân về, thành phố càng rực rỡ sắc cờ hoa. Sắc cờ hoa tạo nên một nét đẹp đặc trưng: vừa dịu dàng đằm thắm, vừa quyến rũ đắm say.

Không biết tự bao giờ, cứ mỗi mùa xuân về, hàng trăm xuồng, ghe đầy ắp hoa từ khắp nơi tấp nập đổ về bến Ninh Kiều như mắc cửi, tạo nên chợ hoa muôn hồng ngàn tía – chợ hoa trung tâm của thành phố quê tôi. Từ chợ hoa này, du khách có thể toả đi hàng chục công viên hoa, chợ hoa và đường hoa khác, như: công viên Ninh Kiều, Nguyễn Đình Chiểu… chợ hoa khu thương mại Cai Khế, đình Bình Thuỷ… hay đường hoa Hoàng Văn Thụ, Võ Văn Kiệt… ngày đêm đang toả hương nồng sắc thắm.

Thành phố của tôi tuy chưa thể sánh được với thành phố hoa Đà Lạt, nhưng bạn bè và du khách gần xa đến thăm vào dịp lễ tết, đều cảm nhận: Cần Thơ là thành phố hoa của miền Tây.

Cần Thơ vốn là thành phố của gạo trắng nước trong; thành phố của màu xanh hy vọng; thành phố của văn minh, tin yêu và mến khách… Nay là thành phố hoa của miền Tây. Nghe mà lòng tự hào phấn khởi, tôi càng yêu thành phố biết bao nhiêu! Và, tôi chợt nhận ra: Thành phố của tôi còn có những “vòng xuyến hoa” lung linh, sống động…

Thành phố hoa không chỉ là những công viên hoa, chợ hoa, đường hoa… mà còn được tạo nên bởi những tâm hồn hoa, những vòng xuyến hoa hài hoà và độc đáo.

Thành phố của tôi; đôi khi những khúc quanh; những hợp giao của những con đường; những ngã ba, ngã bảy… tạo nên bao điều bất ngờ thú vị. Đó là những vòng xuyến giao thông, trong vòng xuyến được trồng các loài hoa tươi thắm, tôn thêm vẻ đẹp đằm thắm, cao sang cho thành phố.

Những ngày giáp tết, tiết xuân se se lạnh, nắng vàng như lụa trải trên đường. Gặp ai, mắt cũng lấp lánh hoa. Người người tấp nập đi mua hoa trưng tết. Chị mua chậu mai rực rỡ. Anh sắm cành bích đào xứ Bắc thắm tươi. Cô gái chọn khóm cúc vàng ngan ngát hương đưa. Cậu sinh viên lựa cặp hướng dương, mong bốn mùa gặp nhiều may mắn… Mua xong, họ ôm hoa toả vào các ngả đường trong thành phố. Từ trên cao ta có thể chiêm ngưỡng thoả lòng: Thành phố như một rừng hoa chuyển động, chảy về bốn phương. Dòng người ôm hoa trên xe máy đổ vào vòng xuyến giao thông. Hoa cộng hưởng hoa, tạo nên “vòng xuyến hoa” tự xoay quanh mình, theo ngược chiều kim đồng hồ. Nhất là vào ban đêm, vòng xuyến hoa xoay trong ánh đèn lung linh muôn màu rực rỡ. Đẹp! Đẹp như một bức tranh tuyệt tác giữa đất trời. Lãng mạn! Lãng mạn như mối tình đầu của nam thanh nữ tú. “Vòng xuyến hoa” tạo nên điểm nhấn hấp dẫn và kỳ diệu cho thành phố quê tôi. Theo tâm linh nhà Phật: đó là những “luân xa hoa” chuyển động không ngừng nghỉ dưới trần gian, mang đến cho con người những điều tốt lành, bình yên và hạnh phúc.

Trên đường phát triển, thành phố của tôi không chỉ là thành phố công nghiệp đầy tiềm năng; thành phố du lịch hấp dẫn; thành phố xanh, thân thiện với môi trường… mà còn là thành phố của muôn hoa đua nở; thành phố của những tấm lòng nhân hậu bao dung, biết vượt qua mọi thử thách khó khăn, để vươn tới ấm no giàu đẹp.

Sống trong mùa xuân hạnh phúc. Sống trong thành phố hoa. Không thể nào khác được, mỗi chúng ta là một bông hoa đẹp. Dù hương sắc có khác nhau, nhưng không thể là cỏ dại, tôi tự nhủ lòng và tôi tin mọi người cũng nghĩ như tôi. Đó là tình là nghĩa, là đạo làm người đối với thành phố thân yêu.

Chợ hoa nổi Cần Thơ (ảnh Lao động)

Trần Vân Hạc

Tản mạn đầu xuân

Xuân về, vạn vật tưng bừng trong vũ điệu sinh sôi, lòng người lại bồi hồi xốn xang với bao ước mơ và hy vọng. Những ước vọng chính đáng ấy bắt nguồn từ tính chân bản thiện của con người và khi có tri thức, có đức độ, có lý trí và bản lĩnh, con người sẽ có cuộc sống ngày một chất lượng hơn, đất nước sẽ ngày càng phồn thịnh.

Nhìn lại lịch sử hào hùng của dân tộc, chúng ta tự hào là con Lạc cháu Hồng của một đất nước đã từng có một xã hội phát triển vào bậc nhất trong khu vực với một nền văn minh lúa nước rực rỡ, có trống đồng Ngọc Lũ là niềm tự  hào, là một giá trị tâm linh vô giá của người Việt. Chúng ta tự hào đã giữ vững bản sắc văn hóa dân tộc trước những cơn thác lũ đồng hóa của giặc ngoại xâm và làn sóng ngoại lai. Chúng ta tự hào đã anh dũng chiến đấu và chiến thắng bao kẻ thù xâm lược hùng mạnh. Tất cả như một điểm tựa, như một chìa khóa vàng để chúng ta mở cánh cửa bước tới tương lai tươi sáng một cách tự tin.

Ta khao khát có một gia đình hòa thuận, trong đó mỗi thành viên đều biết kính trên nhường dưới. Bởi hiếu thảo với cha mẹ là một nét đẹp văn hóa đã trở thành truyền thống tự bao đời, tiêu biểu cho cốt cách con người Việt Nam, là bước đi đầu tiên trên con đường hoàn thiên nhân cách và đạo đức. Con người có lòng hiếu thảo mới hội tụ đủ: “Nhân – Nghĩa – Lý – Trí – Tín” và nếu ai không có đủ các phẩm chất đó có thể được coi là không thành người. Truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của người Việt Nam ta mãi không bao giờ thay đổi, bởi đấy không chỉ là đạo lý mà còn là cái gốc của đạo làm người. Nếu coi gia đình là tế bào của xã hội, thì yếu tố có tính quyết định sự hình thành và phát triển của gia phong chính là gia giáo. Đó cũng là nền tảng có tính cốt lõi bồi đắp nên truyền thống văn hóa và đạo lý của dân tộc, của quốc gia. Đồng thời đó cũng là một động lực, một sức mạnh nội sinh góp phần thúc đẩy sự phát triển xã hội. Nhìn vào văn hóa gia đình người ta có thể đánh giá văn hóa của một dân tộc, một quốc gia. Khi con người gắn bó máu thịt với gia đình thì mới biết trân quí những giá trị vật chất và tinh thần của mảnh đất ông, bà, cha, mẹ đã đổ mồ hôi, xương máu bồi đắp nên và mới biết cống hiến, hy sinh vì quê hương đất nước. Cánh đồng màu mỡ trù phú kia đâu chỉ được hình thành bằng những phù xa ngàn năm bồi lắng mà còn bằng công sức và trí tuệ của bao thế hệ và những thành quả ấy góp phần làm nên bao “Cánh đồng người” cần cù, thông minh, nhân ái và anh dũng.

Ta khao khát một xã hội văn minh, kỷ cương, tiến bộ mà mỗi ánh mắt, mỗi nụ cười, mỗi hành vi của mỗi công dân, mọi phúc lợi phục vụ nhân dân đều phản ánh chuẩn mực đạo đức của xã hội mang truyền thống tự ngàn xưa: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng” và “Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”, “lá lành đùm lá rách”, “thương người như thể thương thân”, “chí công vô tư”… mà trước hết là sự tuân thủ pháp luật của Nhà nước một cách tự nguyện, nghiêm minh và công bằng. Còn gì hơn khi mỗi người được sống và làm việc theo pháp luật và được pháp luật bảo vệ. Mỗi người yên tâm sống và làm việc, làm giàu chính đáng trên quê hương, cái ác bị diệt trừ, mầm thiện được chăm chút, mọi người không phải nơm nớp lo sợ những tai bay vạ gió sẽ tới bất cứ lúc nào. Quyền lợi của nhân dân, lợi ích của dân tộc luôn được đặt lên hàng đầu một cách chí công vô tư. Nhìn sang nước bạn, với chiến lược phát triển con người, xây dựng đất nước ngày một phồn vinh mà không khỏi chạnh lòng và mơ ước. Và khi nước Nhật trải qua cơn sóng thần khủng khiếp, cả thế giới mới thấy hết bản lĩnh con người được giáo dục và tôi luyện đáng ngưỡng mộ đến nhường nào. Ta khâm phục sự tiến bộ không ngừng và vững chắc về kinh tế của các nước anh em mà vẫn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc. Không có kho tài nguyên nào là vô hạn để cho con cháu, mà chỉ có tinh thần Việt là còn mãi nếu được chăm chút từng ngày, tỉa cành khô, diệt trừ tận gốc sâu bệnh, cho hôm nay và cho muôn đời sau. Chúng ta hy vọng cái tốt đẹp sẽ thành hiện thực, bởi:“Mọi lý thuyết đều màu xám, và cây đời vĩnh viễn xanh tươi”(Goethe).

Ta khao khát có một nền giáo dục vững mạnh, chất lượng giáo dục đáp ứng được yêu cầu phát triển của xã hội và thực sự gắn với nhu cầu của xã hội. Bởi chính “sản phẩm của giáo dục, dạy học là con người, là tương lai của dân tộc. Vì vậy không được phép tạo ra phế phẩm…” – (Giáo sư Phạm Minh Hạc). Chúng ta đã nói nhiều, cải cách nhiều nhưng chất lượng giáo dục ngày một đi xuống, tư duy trì trệ với sức ỳ nội tại quá lớn cùng căn bệnh thành tích trầm kha đã ăn sâu vào ý thức. Đội ngũ giáo viên và ngành nghề đào tạo cùng chất lượng đào tạo còn nhiều bất cập. Học sinh yếu về kiến thức cơ bản, thiếu sự sáng tạo, lệch lạc về văn hóa ứng xử, thậm chí sa đọa về đạo đức. Xã hội của chúng ta trì trệ, kinh tế manh mún, đạo đức xã hội xuống cấp… như trong thời gian qua chính một phần không nhỏ do kết quả giáo dục yếu kém mà chúng ta không giám nhìn thẳng vào sự thật. Mong sao giáo dục có bước nhảy vọt về quy mô giáo dục và chất lượng đào tạo, hiện đại hoá giáo dục để có đủ năng lực đào tạo ra những thế hệ đủ tài đức, ý chí cùng sự năng động, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, văn minh và hiện đại.

Và có ai trên trái đất này không khao khát một cuộc sống ngày một ấm no hạnh phúc. Song điều đó chỉ có được ở một xã hội ổn định về chính trị, vững mạnh về kinh tế, văn minh về văn hóa, hiện đại về giáo dục, xã hội công bằng bác ái và bảo vệ trọn vẹn được lãnh thổ. Cương vực của ta được bao đời gìn giữ bằng biết bao tâm sức và máu của những anh hùng, liệt sĩ cùng bao người dân hiền lành, vô tội đang bị các thế lực đen tối nước ngoài lăm le cướp đoạt, trong khi thế hệ trẻ mơ hồ  và thờ ơ với lịch sử. Đành rằng ta phải có phương pháp ngoại giao khôn khéo nhưng có cần nhìn đâu xa, mà hãy học hỏi ở chính những bậc anh hùng hào kiệt nước Nam ta, Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Quang Trung… và khơi dậy niềm tự hào dân tộc trong mỗi người dân.

Trên đất Việt thân yêu của chúng ta, mỗi bước đi, mỗi lá cây ngọn cỏ và trong từng thớ đất ta đều chạm vào lịch sử đau thương và anh dũng. Hồn thiêng những anh linh của dân tộc còn mãi với non sông. Trong chu trình tuần hoàn của đất trời, chúng ta hy vọng năm mới, đất nước ta sẽ nắm được vận hội mới để bắt đầu một chặng đường mới tốt đẹp hơn. Ta tin điều đó sẽ trở thành hiện thực trong một ngày không xa.  Bởi chúng ta có thiên thời, địa lợi ta có lợi thế hơn rất nhiều nước bạn phát triển hơn ta, trước vận hội mới nếu tất cả chung tay vì đất nước chúng ta sẽ có tất cả. Có lẽ nào một dân tộc có một bề dầy lịch sử nghìn năm văn hiến đáng tự hào lại không thể làm nên kỳ tích, xây dựng đất nước ta ngày một giàu có và vững mạnh, sánh ngang với các cường quốc năm châu?

Mùa xuân đất nước đã về trên mọi nẻo quê hương Việt Nam thân yêu, tất cả những người con đất Việt đều khát khao một sự đổi mới, khát khao những điều tốt đẹp nhất đến với non sông đất nước, đến với mọi người mọi nhà. Mong sao trên dưới đồng lòng nâng niu gìn giữ khát vọng đẹp và chung tay biến khát vọng thành hiện thực để khi hết năm con rắn đón năm con mèo chúng ta được hân hoan hơn.

Bùi Việt Phương

Tết Việt đang già đi

Người Việt vốn chuộng Tết cổ truyền bởi bởi sự đậm đà trong bản sắc. Khi dấu ấn chiếc lá dong dưới đáy nồi đồng thời Đông Sơn Âu Lạc hay những chứng tích về lúa gạo, tục lạ ngày xuân dần được hé lộ càng bổ khuyết thêm chân đế cho niềm tự hào đầy cảm tính kia thêm dền lửa, đậm hương. Tết ngàn đời vẫn lạ lẫm, tươi mới như một sinh thể nhưng ở đâu đó trong mỗi tâm hồn Tết việt lại đang có phần già đi khi lòng ta nhạt dần sự háo hức. Thời khắc giao thừa, lời chúc đầu năm, thịt mỡ, dưa hành dường cũng không còn linh thiêng, ấn tượng bằng Noel, Valentine, Chocolate… và đương nhiên không bằng cả tin đồn vu vơ Ngày tận thế.

Sống lâu lên lão, tất thảy những phong trào, xu thế, niềm tin đã lên “đỉnh” hẳn có lúc thoái trào rồi đánh mất vị thế. Gặp thời mở cửa nhiều người không giấu được ý định du xuân trời Tây, dùng rượu Tây mỗi dịp Tết về. Phong tục từ ông bà truyền lại không hẳn đã thành bất biến thậm chí còn rườm rà, bất tiện trói buộc trong cuộc sống hiện đại. Khi 360 ngày đã vật lộn mưu sinh, khó có thể oằn mình thêm lần nữa với trăm thứ lễ lạp cầu kì như gọt cũ thủy tiên, ngâm bí xanh làm mứt hay thức đêm trông nồi bánh. Không ít những nghi thức ấy đã nhường chỗ cho dịch vụ ẩm thực, lời chúc truyền qua cuộc gọi, tin nhắn, tình cảm phải đặt dưới tiêu chí thông cảm. Ngẫm ra, ấy cũng là cách cải biến để thích nghi, tinh giản để được lưu truyền của Tết vậy.

Nhưng Tết còn già đi bởi những hàng rào vô hình trong xã hội hiện đại. Ta thử tưởng tượng cảnh “Gậy trúc dắt bà già tóc bạc/Tay lần tràng hạt, miệng nam mô” sẽ giúp bà cụ ấy thọ hơn khi phải lầm lũi giam mình trong 4 bức tường căn hộ trung cư mà bốn phía là những cái tôi không muốn làm phiền chứ không còn là cái ta làng xã. Chúng ta vốn trẻ trung, giảo hoạt trong thường nhật nhưng Tết đến cũng hao hao như vậy. Một ai đó “mạnh dạn”bấm chuông từng nhà chúc Tết thì hẳn sẽ thành “hung thần”trong khu dân cư ấy và lưu danh trong dư luận. Một lời chúc chân thành liệu có dám níu chân cô gái đang chạy tới với chiếc xe người yêu  hẹn hò đầu ngõ, níu chân anh viên chức trẻ đang phăm phăm đi Tết sếp với bao ý tưởng thăng tiến? Thật xót xa mà thú nhận rằng ngày nay còn mấy ai đến với nhau ngày Tết bằng sự chân tình. Đến như một thứ chầu sính để đạt mục đích, đến cho hết trách nhiệm với đồng nghiệp, làng xóm. Và đương nhiên, ai cũng rõ ở phía bên kia có mấy ai thực bụng đón lời  chúc của mình ngoài mấy phụ huynh của  chủ nhà ngơ ngác từ quê lên ăn Tết (nếu có).

Tết già cũng còn bởi “lực bất tòng tâm”. Không có không gian để quất, đào tỏa rạng, để bập bùng bánh chưng, để thư nhàn vãn cảnh. Nhà chật, đường chật và cả những không gian cho sự thanh thản cũng chật. Lễ hội đang hao hao giống ngày siêu thị xả hàng, đường xá đang giống rạp xiếc, hàng Tết đang giống ám khí kịch độc trong phim kiếm hiệp thì đâu còn có chỗ thưởng xuân mà làm mới tâm hồn mình?

Mỗi năm Tết đến vẫn làm chúng ta háo hức và khi tết đi lại không khỏi hẫng hụt, tiếc nuối. Tết là mệt. Hẳn là như vậy nhưng cũng còn vì sự thi vị, hào hứng của Tết đã cạn dần như chiếc bánh chưng hấy vì thiếu lửa nhiệt tình, chân thật của lòng người. Với những khúc mắc ấy hẳn tinh thần, lí luận khoa học phương Tây hiện đại  khó có thể giải quyết được mà chỉ có chính bản thân chúng ta hãy tự tháo gỡ cho mình, cùng hướng đến di sản to lớn, độc đáo nhất của dân tộc mình mà phục hồi gìn giữ. Chỉ khi ấy lòng người lại trở về háo hức, thanh tân như trẻ thơ mỗi độ đào hoa nở báo xuân về. Tết trẻ là như thế.

Nguồn: vanhocquenha

Exit mobile version