Bước vào tuổi gần ngũ tuần thì thi nhân mòn mỏi, “chán cả giang hồ hết cả ngông”, bệnh hoạn triền miên thế mà rượu vẫn là bạn đồng hành khuya sớm. Ông quay sang dịch thơ Đường và Liêu trai chí dị. Nhưng tờ báo nào có thể giúp Tản Đà có thể trụ nổi trong hoàn cảnh cơ hàn những năm 38 và 39? Hà nội tân văn đã có Nhượng tống, Phụ nữ tân văn đã có Phan Khôi, Đào Trinh Nhất. Cũng may Tản Đà có duyên nợ với Tự lực văn đoàn có lẽ quaKhái Hưng(Trần Khánh Giư) nên đăng thơ dịch trên Ngày nay.

 


(Tản Đà)

 

Sau khi từ Pháp trở về với mảnh bằng cử nhân khoa học, Nhất Linh (1906-1963) ý thức được nhu cầu đổi mới trong xã hội ta và bước đầu ông quyết tâm làm là canh tân về văn học.

Ông muốn ra một tờ báo trào phúng hy vọng dùng nụ cười để phê phán hủ tục và hô hào việc canh tân, nhưng giới hữu trách thực dân ngày ấy có lẽ cảm thấyNhất Linh là nhân vật có tiềm năng phản kháng chế độ nên tìm cách ngăn cản ông ra báo.

Cơ may tới tay khi tờ Phong hóa của Phạm Hữu Ninh chủ trương sắp đình bản vì lỗ vốn, Nhất Linh đã mua lại tờ báo này và cho tục bản Phong hóa bộ mới từ số 14 vào năm 1932 với những cây viết trẻ của thời đại như bản thân ông và hai em là Hoàng Đạo(Nguyễn Tường Long, 1907-1948) và Thạch Lam (Nguyễn Tường Lân, 1910-1942). Tờ báo lại có sự góp mặt của Thế Lữ và hai cây viết tây học khác dù lớn tuổi hơn là Khái Hưng(1896-1947) và Tú Mỡ (1900-1976).

Năm 1934, Tự lực văn đoàn ra đời và đánh dấu đỉnh cao của nhóm nhà văn quy tụ quanh Nhất Linh, với hai tờ báo trong tay Phong hóa Ngày nay với một nhà xuất bản có tiếng: nhà Đời nay. Đây là lúc tiểu thuyết mới, kịch nghệ mới và thơ mới thành tựu rực rỡ với sự góp mặt của những cây viết trong Tự lực văn đoànnhư Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam (về tiểu thuyết), Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận (Thơ), Khái Hưng (kịch), Thạch Lam (phê bình văn học), Hoàng Đạo (cải cách xã hội)…

Trong lúc ấy, sau 1932, khi An nam tạp chí của Tản Đà vĩnh viễn đóng cửa, nhà thơ ở lại đất Bắc và sống trong cảnh phải than “đem văn lên bán chợ trời” vì văn ế, độc giả chuộng thơ cũ thưa dần. Có thể nói những năm cuối thập niên 1930, nhà thơ đã sống trong những ngày hoàng hôn của cuộc đời, đành dùng tài văn mặc, kinh nghiệm văn chương mở lớp dạy làm thơ, xem lý số hà lạc. Nhưng vắng khách tri âm. Bước vào tuổi gần ngũ tuần thì thi nhân mòn mỏi, “chán cả giang hồ hết cả ngông”, bệnh hoạn triền miên thế mà rượu vẫn là bạn đồng hành khuya sớm. Ông quay sang dịch thơ Đường và Liêu trai chí dị. Nhưng tờ báo nào có thể giúp Tản Đà có thể trụ nổi trong hoàn cảnh cơ hàn những năm 38 và 39? Hà nội tân văn đã có Nhượng tốngPhụ nữ tân văn đã có Phan Khôi, Đào Trinh Nhất. Cũng may Tản Đà có duyên nợ với Tự lực văn đoàn có lẽ quaKhái Hưng (Trần Khánh Giư) nên đăng thơ dịch trên Ngày nay. Vào cuối đời trong lần gặp Nguyễn Tuân, nhà thơ tâm sự về kế sinh nhai:

Tôi có lên trên báo Ngày Nay, nói chuyện cùng Trần Giư để lại dịch thơ Ðường. Nhưng ông ta bảo công việc ấy bây giờ giao cả cho ông Thạch Lam…

Tự lực văn đoàn chủ trương đổi mới và sở trường về thơ trào lộng, tranh châm biếm như đối với Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh và từng hý họa những cây viết đàn anh từ Tản Đàđến Nguyễn Văn Tố bên cạnh những bức tranh Lý Toét, Xã Xệ nổi tiếng. Tuy nhiên, thơ, họa trào phúng trên Phong hóa hay Ngày nay nhắm giễu cợt hủ tục, nhân vật cổ hủ, thoái hóa nên nhiều khi chỉ là nụ cười vô hại, không hề có ác ý. Riêng với Tản Đà (1889-1939), trong nhóm Tự lực văn đoàncó Khái Hưng và Tú Mỡ là hai cây viết tuy tây học nhưng có gốc cựu học và có giao tình thân thiết với thi nhân trong văn chương cũng như trong đời sống. Họ được kể là những bạn vong niên của Tản Đà.

Người ta không ngạc nhiên khi nghe những giai thoại chứng tỏ giữa thi nhân và văn đoàn có mối dây liên hệ bề trong rất khắng khít trong những năm tháng cuối cùng cuộc đời thi nhân.

Tú Mỡ thường xướng họa với Tản Đà chẳng hạn bài sau đây của Tản Đà Gửi ông Tú Mỡ Hồ Trọng Hiếu, giọng thực thân mật và cảm động:

Tôi bác, sao mà bác Tú ơi

Cùng tên, ta lại ở đôi nơi!

Khói mây non Tản tôi gầy lắm

Bơ sữa Thành Long bác béo hoài

Cốt có rượu thơ người sống nổi

Quản chi mưa gió cuộc đời trôi

Thơ này Hiếu gửi đăng “Phong Hóa”

Hiếu có thanh nhàn thử họa chơi

Khi An Nam tạp chí đình bản, Tú Mỡ vào năm 1933 còn làm một bài văn tế đăng trên tờ Phong hóa có tên Văn tế An Nam tạp chí:

Ngày 12 tháng Năm dư năm Quý Dậu

Ngu hữu là Phong Hóa tuần báo đứng trước linh vị An Nam tạp chí hậm hực mà than rằng:

Đỉnh non Tản mây đen mù mịt, quấn băng tang lặng lẽ âu sầu.

Giải sông Đà nước xám lờ đờ, cuộn dòng lệ rĩ rền buồn bã.

Than như không mà khóc cũng như không,

Im cũng dở mà nói ra cũng dở.

Nhớ bạn xưa:

Giấy trắng mực đen,

Nhà không tiếng cả.

Dựng tiểu nghiệp văn chương đất Bắc, kế sinh nhai khen đã cố công thay!

Lấy đại danh tạp chí nước Nam, tuyên chủ nghĩa thực đà to chuyện quá!

Duy trì đạo đức, giương Đông kích Tây,

Bồi bổ văn mình, dung Âu hợp Á.

Nhồi độc giả năm pho kinh sử, nhai đi nhai lại, chi, hồ, giả, dã, rõ cơ quan tiến thủ giật lùi,

Ru quốc dân hai hũ thơ sầu, mơ màng tiên, cuội, trời trăng, khiến niên thiếu liên miên bả lả.

Ố kim, nệ cổ đã từng phen nắm đuôi ngựa Phan Khôi,

Ghét cợt, chê cười còn nhớ trận vuốt râu hùm Phong Hóa.

Dằng dai như đỉa đói, chết đi sống lại bao lần,

Siêu bạt tựa vịt trời, nay đó, mai đây mấy thủa.

Hơn bảy, tám năm lăn lóc khi Hà thành khi Nam định ngoẻm trăm ấy, veo ngàn khác, than ôi thua vẫn hoàn thua,

Non ba mươi tháng vật vờ, hết Hàng lọng đền Hàng khoai thay dạng nọ đổi dạng kia ngán nỗi khá không thấy khá.

Vẻ vang thay nghìn rưỡi số in,

Hân hạnh lắm được một trăm độc giả.

Cứ tưởng tạm ngơi ít bữa, lấy đà dưỡng sức, cho qua thời kinh tế lung lay,

Nào hay đánh giấc ngàn thu, bặt tiếng im hơi, chẳng thoát nạn lý tài trắc trở.

Hay là ngán trần tục, viết văn không kẻ hiểu, luống uổng công phu,

Cho nên thăng thiên đường tái bản để Trời xem cho cao phẩm giá.

Than ôi!

Cùng làng ngôn luận tân cựu đôi đường,

Nửa kiếp kinh doanh, âm dương hai ngả.

Bâng khuâng luống xót xa lòng,

Thương nhớ thêm ngao ngán dạ.

Vừa độ nào, ta đây bạn đó, điều phải chăng còn giũa bút luận bàn,

Mà bây giờ kẻ khuất người còn, thơ chua chát biết cùng ai xướng họa.

Thôi! Chẳng may mỏng phận, ngắn đời,

Song nay đã yên mồ đẹp mả.

Ngu hữu gọi là lễ mọn vi thiềng:

Rượu lậu một bầu, trứng tươi hai quả

Mực nướng vài con, sò huyết một tá

Bạn có khôn thiêng

Xin về chứng quả!

Thượng hưởng!

Bài văn tế tuy thể hiện nụ cười, với lời hóm hỉnh pha vị chát chua nhưng toàn bài cũng bày tỏ được mối cảm thông và tương thân tương ái giữa hai kẻ tài hoa đều có tâm huyết với nghề văn mặc.

Khi Tản Đà mở phòng lý số ở Hà nội, Tú Mỡ cũng giễu bậc đàn anh trong bàiTản đà cốc tửvà Tản Đà cũng vui vẻ đáp lại lời bông đùa của bạn.

Trong Tự lực văn đoàn thân với Tản Đà còn có Khái Hưng. Khái Hưng là người đầu tiên nhận thơ dịch của Tản Đà cho đăng trên Ngày nay. Tác giả Hồn bướm mơ tiên còn kể lại một vài kỷ niệm về Tản Đà trên báo Ngày nay ra ngày 24/4/1939 trong bài Thi sĩ và cô đào hát.

“Con người thi sĩ trong Tản Đà ai cũng biết hết, nhưng ít người biết còn có một người kịch sĩ ở trong ông nữa. Hai vở “Người cá” và “Tây Thi” của Tản Đà đã diễn trên sân khấu mà không xuất bản thành sách.

Hai vở tuồng trên đều diễn ở nhà hát Thắng Ý phố Hàng Quạt. Khái Hưng đều xem không phải vì thích tuồng nhưng vì người dàn cảnh là Trần Quì. Trần Quì kéo Khái Hưng đi và đưa cả vào hậu trường. Nhờ thế, họ biết được một chuyện tình kín của thi sĩ.

Trần Quì nói với Khái Hưng:

– Hỏng bét cả! Con Liên có biết hát hỏng gì đâu mà anh Tản Đà cứ nhất định bắt nó đóng vai chính.

Khái Hưng mỉm cười:

– Thì đừng để nó đóng vai chính nữa.

– Đừng để! Đừng để! Khốn nhưng anh ấy không cho diễn vở tuồng của anh ấy nữa.

Thế là Đào Liên đóng vai chính Tây Thi.

Liên là một đào hát quá trẻ, khoảng 16 tuổi. Giọng Liên đờn đợt, the thé. Điệu bộ Liên cứng nhắc và trơ trẽn. Xưa nay, Liên chỉ được đóng vai phụ, vai thị tì, vai vợ vua Phiên ra ngồi làm vì trên sân khấu.

Nhưng Tản Đà có cần gì biết điều đó, ông chỉ thấy Liên đẹp nên để đóng vai Tây Thi. Trần Quì lại cho rằng Tản Đà viết Tây Thi là vì Liên. Hôm diễn “Người Cá” nhà thơ đã lưu ý đến cô đào hát xinh tươi, thế rồi ông về soạn vở “Tây Thi”.

Không rõ cuộc tình đi xa đến đâu: thi sĩ cùng cô đào hát có ngao du sơn thủy như Phạm Lãi với Tây Thi hay không, nhưng từ khi sắm vai Tây Thi, Liên nổi tiếng và nghiễm nhiên trở nên một đào chính của rạp Thắng Ý.”

Khái Hưng cũng là một trong những thân hữu gặp Tản Đà lúc thi nhân sắp mất vào ngày 6 tháng 6 năm 1939:

“Hôm mồng sáu, được tin ông Tản Đà mệt nặng, tôi (Khái Hưng) đến Ngã Tư Sở thăm ông tại nhà riêng.

Một người đàn bà có tuổi ra mở cửa. Bà mếu máo bảo tôi: “Nguy mất rồi, ông ạ!’’

Tôi cảm động nghẹn ngào, nhất là khi thấy bóng thi sĩ nằm co quắp trên tấm ghế ngựa quang dầu buông chiếc màn sô trắng, trong gian phòng trống trải trơ trọi một cái bàn siêu và hai cái ghế nát.

Bà Tản Đà ở phòng trong bước ra. Phòng trong có nghĩa là nửa gian nhà, cách gian ngoài một bức tường mỏng mảnh và một cái cửa không cánh không rèm.

Bà vừa mặc một cái áo lương vào người vừa bảo tôi: “Hôm qua tưởng đi rồi ông ạ! Phải tiêm thuốc hồi sinh mới tỉnh lại”.

Rồi bà đến bên giường, mở màn cúi xuống nói với chồng: “Ông Khái Hưng đến thăm.”

Thi sĩ trừng trừng nhìn tôi, mắt không chớp trong mấy giây: “Ông Khái Hưng đấy mà!”

Tản Đà gật đầu rồi giơ tay ra hiệu bảo anh người nhà vắt màn lên. Anh người nhà hầu chủ từ khi còn nhỏ đã khiến nhiều lần tôi tưởng tượng ra chú tiểu đồng mang bầu thơ túi rượu đi theo sau một thi sĩ trong các bức tranh thủy mặc của Tàu.

Tản Đà vẫn yên lặng nhìn tôi. Tôi hỏi bà Tản Đà:

– Thưa bà, ông mệt từ hôm nào?

– Thưa ông đã lâu. Nhà tôi đi ăn giỗ rồi bị cảm. Đã khỏi rồi phải lại.

Anh người nhà nói chen:

– Thưa ông, ông con mệt đã mười bốn hôm. Từ hôm mồng năm, hôm nay mười chín vị chi đúng mười bốn hôm.

Câu nói tỏ hết lòng của người đầy tớ trung thành. Anh đã tính nhẩm từng ngày ốm của chủ, và có lẽ đêm nào anh cũng túc trực bên giường bệnh.

Tôi đưa tay sờ trán người ốm. Một thứ lạnh ướt làm tôi rùng mình. Tôi có cảm giác như sờ vào một cái thây ma. Nhưng tôi gượng cười bảo thi sĩ:

– Không sao, thế nào rồi cũng khỏi. Trông sắc mặt bác tươi tắn và nhất là mắt bác còn tinh thần. Thế nào cũng khỏi!

Một nụ cười hé nở trên cặp môi nhợt nhạt của nhà văn. Đó là lời cám ơn lặng lẽ. Hay đó là một câu thơ trào phúng…?

Nhưng hy vọng dần dần trở lại trên nét mặt nặng nề. Và cả mắt lẫn miệng nhìn tôi đăm đăm. Tôi đoán đó là một câu hỏi và tôi trả lời:

– Bác đau gan. Trông da vàng đủ hiểu. Bệnh đau gan ngày nay người ta đã tìm được thuốc chữa rất công hiệu.

Cặp mắt mở to, thi sĩ lắng hết tinh thần chăm chú nghe tôi. Rồi ông thốt ra một câu nói khẽ, lời nói thứ nhất mà tôi nghe thấy:

– Uống sâm có được không?

Tôi lắc đầu:

– Không được, bác ạ. Sâm trệ. Vả sâm thực tốt khó mua. Uống sâm giả hiệu chỉ thêm nguy hiểm.

Bà Tản Đà đỡ lời bảo chồng:

– Phải đấy mình ạ. Phần nhiều là sâm xấu.

Thi sĩ lại hỏi:

– Ăn cháo có được không bác?

Tôi cảm động, nhận thấy người sắp chết cố níu lấy sự sống:

– Được chứ! Ăn súp cũng được.

Rồi tôi giơ tay từ biệt, nắm trong mấy giây bàn tay ướt lạnh như miếng thịt ướp nước đá:

– Chịu khó ăn cho chóng khỏe nhé. Mà khỏi rồi thì phải uống ít rượu thôi đấy!

Một nụ cười thứ hai lặng lẽ và tươi tắn đáp lại tôi.

Trưa hôm sau tôi đến thăm một lần nữa, lần cuối cùng thì Tản Đà đã mê man sắp từ trần.”

Sự giao thiệp của người xưa theo tiêu chuẩn “quân tử đạm nhược thủy” (người quân tử giao thiệp với nhau không tỏ ra quá nồng nàn nhưng vẫn hàm sự chân thiết và mênh mông như nước). Đọc lại hồi ức của Khái Hưng có thể thấy rõ điều này, ông tỏ ra thương xót và cảm thông với một nhà thơ mà mình kính mến trong phút lâm chung trong cảnh ngộ cơ hàn.

Hoàng Yên Lưu