TVVHĐ- Trại sáng tác văn học trẻ Hòa Bình đã nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt của đông đảo các cây bút trẻ trong tỉnh. Đối với các bạn trẻ, đây là một hoạt động vô cùng ý nghĩa để học hỏi và trao đổi ý kiến giữa các cây bút với nhau. Đặc biệt là được gặp gỡ giao lưu với Ban Nhà văn Trẻ Hội Nhà văn Việt Nam đã để lại trong lòng mỗi người những ấn tượng khó phai. Dưới đây là tâm tư tình cảm của một số tác giả khi tham gia trại sáng tác lần này.

Trần Thị Hồng Hạnh: Viết văn để chia sẻ cảm xúc một cách chân thực nhất…

Từ nhỏ cha đã thường xuyên mua sách báo về cho các anh chị em mình đọc.Và  thói quen đọc sách còn đến  tận bây giờ, nó như một món ăn không thể thiếu và luôn ngon. Cha mình biết thơ Đường, biết tiếng Hán và hay làm thơ đọc thơ nên mình “nhiễm” vào người lúc nào không biết nữa …

Lúc còn đi học Phổ thông, mình đã có bài cộng tác với báo Hoa học trò , thời đó anh Đình Tú cũng đang là cộng tác viên của báo. Rồi sau đó tiếp tục viết báo Hòa Bình, Văn nghệ Hòa Bình đến nay. Văn chương đối với mình là đối trọng để giữ tinh thần thăng bằng trong cuộc sống  đầy áp lực hiện nay. Muốn chia sẻ cảm xúc của mình một cách chân thực nhất mình đã tìm đến văn chương. Trong thời gian tới mình sẽ tiếp tục học hỏi để nâng cao cách nhìn, cách suy ngẫm  và bày tỏ quan điểm, tình cảm của mình qua những bài viết có chất lượng hơn. Để không chỉ viết cho mình mà còn chia sẻ với mọi người trong xã hội.

Lê Thanh Nghĩa: Thơ là tiếng lòng, là tâm sự và rất nhiều nữa…

Từ khi học hết Trung học phần lớn mình sống xa nhà. Mình đi làm, đi bộ đội rồi học xa nhà thường làm cho con người ta cảm thấy khuyết một góc tình cảm. Bên cạnh đó, cuộc sống ngoài xã hội thì muôn màu đẹp, xấu, vui, buồn,.. làm mình cũng được thêm nhiều trải nghiệm. Khi còn học ở Hạ Long, mình thích đi dạo một mình bên bờ biển trong công viên gần như các buổi chiều, được ngắm nhìn biển, những con thuyền, những con người ở xóm vạn chài… mình thấy họ thật vất vả. Nghĩ đến bố mẹ mình ở quê cũng còn vất vả và tự nhiên mình nghĩ phải viết cài gì đó để trải lòng. Rồi tìm đến thơ như một điều tự nhiên, với mình thơ là tiếng lòng, là tâm sự và rất nhiều nữa… là người bạn dẫu vô hình nhưng lại được gửi vào đó thật nhiều thứ:  Công việc của mình khá bận rộn nhưng mình vẫn sẽ dành thời gian để sáng tác thơ và nhạc.

Bùi Thị Thanh Minh: Văn chương góp phần nhiều vào việc xóa bỏ và giảm bớt các tệ nạn xã hội.

Nhiều người thường cười và nói đùa với tôi ”cô cảnh sát cầm bút viết văn”. Qủa thật trước đây chưa bao giờ tôi nghĩ sẽ theo nghiệp viết văn, và có thể viết được văn. Tôi đến với văn chương rất tình cờ. Mấy năm trước Tỉnh Hòa Bình có phát động phong trào viết về phòng chống HIV ở lứa tuổi thanh thiếu niên, thấy đề tài khá thú vị nên tôi quyết định tham gia cho vui nhưng không ngờ lại đạt giải ba. Có thể nói đó là một cú huých lớn để đưa tôi đến với văn chương. Tôi nghĩ văn chương góp phần nhiều vào việc xóa bỏ và giảm bớt các tệ nạn xã hội. Và hơn thế nữa nó có thể giúp tôi chia sẻ những tâm tư tình cảm của mình, những điều mà đôi lúc chỉ có văn chương mới có thể làm được.

Mặc dù công việc rất bận rộn vì đặc thù nghề nghiệp nhưng tôi vẫn cố gắng dành thời gian để sáng tác, và hy vọng sẽ ra mắt bạn đọc những tác phẩm hay.