Nếu hỏi tên nhân vật hoạt hình nổi tiếng nhất ở đất nước mình thì đương nhiên người Mỹ sẽ nói Chuột Mickey và người Bỉ sẽ tự hào giới thiệu nhân vật nhà báo Tintin. Còn ở Trung Quốc là Tam Mao, cậu bé mồ côi gày gò có 3 sợi tóc trên đầu.

Được ca ngợi là một trong những nhân vật truyện tranh “thọ” nhất thế giới, cậu bé Tam Mao ngoan cường đã chinh phục và truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ độc giả.

Ở tuổi 80, Tam Mao, người hùng truyện tranh nổi tiếng nhất Trung Quốc vẫn không hề lão hóa tí nào. Bộ truyện về Tam Mao vẫn dài nhất, là tiểu thuyết hư cấu hay và nổi tiếng nhất ở Trung Quốc cho tới nay.

Chân tay gày nhẳng, đầu to và chỉ có 3 sợi tóc trên đầu, Tam Mao là người dũng cảm và nhanh trí như nhân vật truyện tranh Tintin của Bỉ và hành động như một người sống sót cuối cùng, như nhân vật Charlie Brown.

Tuy nhiên, không giống các nhân vật phương Tây, các câu chuyện của Tam Mao đen tối hơn bởi chúng phản ánh những thời khắc hỗn loạn nhất của lịch sử Trung Quốc trong thế kỷ 20.

Từ “chú nhóc” ở Thượng Hải

Shao Jianqiu, độc giả 8X và là một fan của Tam Mao, chia sẻ. “Khi nhỏ, đọc các cuốn truyện về Tam Mao tôi chỉ nhớ đến các cảnh trong truyện. Nhưng khi lớn hơn, tôi bắt đầu nhận ra ý nghĩa chính trị và tính châm biếm của loạt truyện này, khi trong đó có nhiều yếu tố về bối cảnh lịch sử. Xét về cốt truyện, phong cách vẽ và sự phản ánh sâu sắc về xã hội, loạt truyện Tam Mao thực sự là kiệt tác”.

Hình ảnh cậu bé mồ côi Tam Mao khi gia nhập quân đội

Tam Mao được họa sĩ truyện tranh Trương Lạc Bình cho ra đời hồi năm 1935 ở Thượng Hải. Mặc dù thời điểm đó, truyện tranh hiện đại đã được phổ cập hóa từ 10 năm, song hiếm khi độc giả được đọc một cuốn truyện tranh với nhân vật chính là một đứa trẻ.

Zhang Weijun, con trai út của họa sĩ Trương Lạc Bình, nhớ lại: “Khi các câu chuyện về Tam Mao lần đầu được xuất bản hồi năm 1935, cậu ta không đi lang thang trên đường phố và gia nhập quân đội, mà chỉ là một đứa trẻ sống trong một ngõ nhà ở Thượng Hải. Tam Mao khá nghịch ngợm song lại có ý thức về sự công bằng”.

Sự ra đời của Tam Mao đã lấp đầy khoảng trống trong nền công nghiệp truyện tranh Trung Quốc. Áp dụng kỹ thuật vẽ đường nét, Trương Lạc Bình không sử dụng lời thoại mà lại thể hiện những nét vẽ đơn giản nhất để bộc lộ sự phức tạp trong thế giới nội tâm của nhân vật và những chuyện vặt ở Thượng Hải thời trước.

Đến người hùng trong những thời kỳ đen tối, khốc liệt

Tuy nhiên, nhanh chóng sau đó mọi chuyện thay đổi khi Nhật Bản tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Trung Quốc. Trương Lạc Bình và nhiều họa sĩ truyện tranh khác đã phải rời nhà, đi khắp đất nước để phổ biến thông điệp về kháng chiến và tinh thần yêu nước.

Trong 8 năm, Trương Lạc Bình đã chứng kiến nhiều cảnh đổ máu, bạo lực và đau thương diễn ra khắp Trung Quốc. Đau đớn hơn, ông còn phải chứng kiến cảnh người dân thường, đặc biệt là trẻ em, trở thành nạn nhân chiến tranh.

Zhang Weijun nói rằng, những trải nghiệm đó đã làm thay đổi hẳn cách sáng tác truyện của cha mình. “Tôi nghĩ rằng, trải nghiệm thời chiến đã làm ông thay đổi. Từ đó, ông bắt đầu quan sát thế giới và phản ánh những vấn đề vì lợi ích của dân thường.

Ông trở về Thượng Hải năm 1945. Một năm sau, ông tung ra cuốn truyện Tam Mao gia nhập quân đội, trong đó kết hợp cả những diễn biến mà ông đã trải qua. Sau khi xuất bản, cuốn truyện này đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của công chúng” – Weijun cho biết.

Trong truyện Tam Mao gia nhập quân đội, Tam Mao đã khoác lên mình bộ quân phục rộng thùng thình. Mặc dù “thấp bé nhẹ cân”, nhưng Tam Mao vẫn sống sót qua các làn đạn của kẻ thù ở chiến trường và còn vận dụng thân hình bé nhỏ cùng sự nhanh trí của mình để đánh bại kẻ thù vượt trội hơn.

Sau thành công của cuốn truyện đầu tiên, xuất bản hồi năm 1947, Trương Lạc Bình tiếp tục tung ra cuốn truyện kinh điển nữa về Tam Mao, mang tựa đề The Wonderings Of Sanmao.

Lần này, mô tả Tam Mao sống trên các đường phố một mình và lang thang cùng những người ăn mày, tị nạn và trẻ mồ côi ở Thượng Hải thời hậu chiến. Liên tục bị đánh đập và chế giễu, Tam Mao luôn trong tình trạng đói lả, trong khi người giàu thì sống xa hoa, tiệc tùng.

Trải nghiệm cay đắng hơn và nỗi khổ của Tam Mao đã nhận được sự đồng cảm của nhiều độc giả thời điểm đó và dần dần Tam Mao đã nổi tiếng khắp Trung Quốc. Sau khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc, Trương Lạc Bình bắt đầu tung ra các cuốn truyện mô tả cuộc sống mới của Tam Mao. Tuy nhiên, 2 cuốn truyện đầu vẫn nổi tiếng nhất.

Dong Xiaoyan, Giám đốc Bảo tàng Trương Lạc Bình, nơi tôn vinh sự đóng góp của nghệ sĩ cho nền công nghiệp truyện tranh Trung Quốc và nguồn cảm hứng từ các cuốn truyện của ông, nói:  “Tam Mao lớn lên cùng nhiều thế hệ trẻ em Trung Quốc.

Tam Mao rất khó khăn nhưng hoạt bát. Đó chính là lý do tại sao bảo tàng không chỉ tiếp đón được các du khách địa phương, mà còn người dân khắp Trung Quốc và thế giới”.

Mãi xúc động với “sự trong trắng và trái tim vàng” của Tam Mao

Nhiều thập kỷ qua, các nhà làm phim, nhạc sĩ và nhà sản xuất phim hoạt hình đã tung ra nhiều tác phẩm về cậu bé tinh nghịch, tốt bụng này. Thậm chí nhà văn nữ Đài Loan nổi tiếng Trần Mậu Bình đã cảm thông với nhân vật này đến mức đã lấy bút danh là Tam Mao.

Weijun giải thích về sức lôi cuốn mạnh mẽ và lâu dài của Tam Mao: “Loạt truyện về Tam Mao, đặc biệt là cuốn The Wonderings Of Sanamo, không chỉ dành cho trẻ em. Các câu chuyện về Tam Mao dường như phù hợp với độc giả lớn tuổi hơn, bởi chúng phản ánh sự không kiên định của xã hội.

Nói chung, truyện tranh là một loại hình nghệ thuật hài hước. Trong các cuốn truyện của cha tôi có nhiều yếu tố hài hước và thú vị, tuy nhiên ông mô tả chúng theo cách bi kịch. Theo tôi, so với hài kịch thì bi kịch dễ nhận được sự đồng cảm của độc giả hơn”.

Song qua thời gian, các câu chuyện về Tam Mao có còn nhận được sự hưởng ứng của độc giả ngày nay?

Là một người đặc biệt yêu thích loạt truyện về Tam Mao và từng là giám tuyển nhiều cuộc triển lãm về nhân vật này, Shao Jianqiu khẳng định: “Nếu một tác phẩm nghệ thuật có giá trị thẩm mỹ, nó sẽ không bao giờ bị lỗi thời. 80 năm trôi qua, Tam Mao vẫn là một người hùng nhỏ người độc giả Trung Quốc sùng bái. Cậu vẫn khiến độc giả xúc động với vẻ trong trắng và trái tim vàng của mình”.

Tam Mao trải qua rất nhiều biến cố và các nỗ lực của cậu luôn kết thúc trong vô vọng. Tuy nhiên, cậu ấy không bao giờ từ bỏ. Cho dù có chuyện gì xảy ra, Tam Mao vẫn tiếp bước…

Theo Việt Lâm – Thể thao & Văn hóa (dịch từ CRI)