Việc tái hiện những nhân vật lịch sử thành hình tượng văn chương – nghệ thuật không phải là chuyện mới mẻ gì. Từ thế kỷ XVIII – XIX, nhóm Ngô Gia Văn Phái đã đưa vua Lê, chúa Trịnh, Quang Trung và một số nhân vật lịch sử cùng thời vào trong tác phẩm “Hoàng Lê nhất thống chí” của mình. Các quan lại và nhiều tướng lĩnh khác như: Trưng Trắc, Trưng Nhị, Nguyên Phi Ỷ Lan, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Trần Quốc Tuấn, Đề Thám… và đặc biệt là Bác Hồ là những nhân vật lịch sử đã được xây dựng thành hình tượng nghệ thuật ở nhiều thể loại khác nhau như: điện ảnh, chèo, tuồng, cải lương và kịch nói… Tiểu thuyết “Hồ Quý Ly” của Nguyễn Xuân Khánh có gì mới mà “hút hồn” bạn đọc đến mức khiến các nhà làm sách phải tái bản nhiều lần?

1. Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh là người đầu tiên chọn vua Hồ Quý Ly để xây dựng thành hình tượng văn chương. Đây là công việc hết sức khó khăn, phức tạp, nhưng cũng là một lợi thế và rất thú vị. Bởi lẽ Hồ Quý Ly được các nhà nghiên cứu cho là một con người “lắm tài nhiều tật”, đến mức ngay giới sử gia và văn chương cùng thời đến tận hôm nay vẫn chưa thể nào tìm được tiếng nói đồng thuận về ông.

Nhưng với gần 850 trang viết, gồm 13 chương, cuốn tiểu thuyết “Hồ Quý Ly(1) của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đã làm sống lại một ông vua bằng xương bằng thịt, cùng một giai đoạn lịch sử bi tráng của dân tộc, những năm cuối của triều đại nhà Trần, mà ở đó Hồ Quý Ly nổi lên vừa như là một nhân vật trung tâm đang ra sức chèo lái con thuyền lịch sử dân tộc vượt quan cơn bão táp chính trị theo một hướng khác, vừa như một “mắt bão” trần gian tạo nên không ít sóng gió và áp lực cho nhà Trần và cho cả chính ông.

Tuy Hồ Quý Ly chỉ làm vua trong 7 năm (1400-1407), nhưng ông đã bước vào chính trường 30 năm trước đó, từ sau khi nhà Trần tiễu trừ được quân phiến loạn của ông vua “phường chèo” Dương Nhật Lễ và lập Trần Nghệ Tôn lên ngôi vua năm 1370. Vì đã có công trong việc đưa Nghệ Tôn lên ngôi, nên Hồ Quý Ly được vị tân vương này rất tin dùng. Nghệ Tôn chỉ làm vua có 3 năm rồi nhường ngôi cho Trần Ngung để trở về vị thế Thái Thượng hoàng, “nhưng lại vô cùng tín nhiệm Quý Ly” (2) trong suốt 30 năm cho đến lúc từ giã cõi đời này. Còn quan tư đồ Trần Nguyên Đán khi cáo quan về hưu đã nói rằng: “Tiếng là Nghệ Hoàng nắm việc đất nước, nhưng thực ra ông vua già rất tin yêu Quý Ly nên dần dần đã trao hết quyền bính cho Thái sư” (3).

Vì quá được tin dùng như vậy nên Nghệ Hoàng đã phong chức cho Hồ Quý Ly rất nhanh và ông đã làm tới chức quan Thái sư. Điều đó đã nhanh chóng biến ông thành trung tâm chú ý của các quan lại triều Trần. Có thể nói trong 30 năm làm Thái sư dưới triều Trần, Hồ Quý Ly thực sự đã trở thành một “mắt bão” giữa vương triều, không phải chỉ đối với những người thuộc tôn thất nhà Trần, mà còn đối với cả quân Chiêm Thành ở phía Nam, nhà Minh ở phương Bắc và lòng dân trăm họ.

2. Những người cùng phe cánh, những người chống đối từ bên trong và cả những kẻ thù ở bên ngoài biên ải như đều bị hút vào “mắt bão” Hồ Quý Ly và tạo thành một dòng xoáy bất tận của những cuộc chinh phạt và thanh toán phe cánh lẫn nhau triền miên trong sự đắp đổi thịnh suy của lịch sử, tạo nên một không khí vô cùng ngột ngạt và bức bí của tác phẩm. Tuy mỗi nhân vật một cuộc đời, không ai giống ai, nhưng tất cả lại đều có chung một số phận lịch sử của thời cuối nhà Trần. Dường như ai cũng muốn làm một cái gì đó lúc này với tâm thế của một con người “tự nhiệm” theo các chuẩn mực chính trị và đạo đức của Nho giáo đương thời, nhưng đã mấy ai làm được như Hồ Quý Ly. Ông chính là hợp lưu của mẫu người luôn bị giằng xé giữa các mối quan hệ vô cùng phức tạp: Sống – Chết; Trung – Nịnh; Cường quyền – Nhân phẩm; Vua – Tôi; Vợ – Chồng; Cha – Con; Ông – Cháu; Cá nhân – Gia đình – Dòng tộc; Chính trị – Đạo đức; Tôn giáo – Thế tục; Cách tân – Thủ cựu

Mỗi nhân vật từ vua quan đến các tướng lĩnh, những cận thần; từ nhà chép sử đến các nô tỳ đều đứng trước một sự lựa chọn không thể nào khác được. Tình thế lịch sử lúc bấy giờ không cho phép một người như Hồ Quý Ly thờ ơ, đứng ngoài cuộc. Ông đã bắt tay vào việc cải tổ triều chính và ban hành hàng loạt các chính sách mới. Điều đó đã làm thay đổi các quan hệ của ông quan Thái sư với các quan lại triều đình. Các mối quan hệ đó luôn được đặt ra trong tác phẩm một cách căng thẳng với những xung đột ở mức đỉnh điểm tạo nên kịch tính hết sức gay gắt làm phong phú và đa dạng thêm các tuyến chủ đề của tác phẩm.

3. Theo tôi, thành công lớn nhất của tiểu thuyết “Hồ Quý Ly chính là ở chỗ các mối quan hệ ấy luôn được miêu tả một cách chân thật và sống động trong suốt gần 850 trang tác phẩm. Chúng quện chặt với nhau thành một khối thống nhất, cái này vừa là nguyên nhân, vừa là hậu quả của cái kia và ngược lại. Nhân vật này là tấm gương phản chiếu đối với nhân vật kia. Và không ai khác, chính nhân vật Hồ Quý Ly đã được tác giả tiểu thuyết bổ sung thêm những phẩm chất mới mẻ, mà có lẽ trước đó và sau này không một vị trung quân nào có được. Đó là một con người “kiêu ngạo mà giản dị, cứng rắn mà dịu dàng”(4).

Là em con cô con cậu với vua Trần Nghệ Tôn, Hồ Quý Ly luôn mang trong mình mặc cảm ngoại tộc. Do vậy, dù ông có làm tốt đến mấy trọng trách của một quan Thái sư và dù ông có thanh liêm đến mấy thì vẫn bị các quan lại trong triều coi chỉ là kẻ giúp việc cho dòng họ nhà Trần mà thôi. Sự kiêu ngạo và cứng rắn ấy với tham vọng canh tân đất nước, lại bị mặc cảm ngoại tộc chèn ép buộc Hồ Quý Ly phải đi theo khuynh hướng tư tưởng vừa dân chủ vừa độc tài; vừa cách tân, lại vừa thủ cựu.

Những tư tưởng canh tân của Hồ Quý Ly có tham vọng làm cho muôn dân trăm họ đều có nghĩa vụ và quyền lợi bình đẳng trước thực trạng đất nước đang gặp vấn nạn từ nhiều phía, cả giặc ngoại bang lẫn quân nội phản: ở phía Nam, quân Chiêm Thành đã không ít hơn 10 lần tiến ra giao chiến với nhà Trần; phía Bắc nhà Minh cũng đang lăm le dòm ngó Đại Việt; bên trong vừa mới tiễu trừ được quân phiến loạn của Dương Nhật Lễ thì đến Phạm Sư Ôn trấn thủ ở lộ Quốc Oai kéo xuống đánh chiếm Thăng Long 3 ngày, buộc vua Nghệ Tôn phải rút về Bình Than lánh nạn. Hồ Quý Ly đã ý thức rất rõ vận mệnh xã tắc lúc này như ngàn cân treo sợi tóc. Vua tôi nhà Trần đã đến thời mạt vận. Triều đình lục đục, công việc triều chính bỏ bễ chẳng ai quan tâm, phần lớn các quan lại từ trung ương đến địa phương thì tham nhũng, lo đục khoét của dân, trở thành những tham quan, kẻ thì ăn chơi sa đoạ suốt ngày rượu và gái, một số người khác có tâm hơn thì trốn vào nương nhờ cửa Phật. “Thời này, thời đại loạn, thời của những mưu sâu, kế lạ; đâu có phải thời của những kẻ hữu dũng vô mưu” (5). Trước tình cảnh đó cải cách triều chính, tổ chức lại bộ máy quan lại là việc làm hết sức cấp thiết, dù có mất mát và thiệt hại. Hồ Quý Ly đã nói với con trai Nguyên Trừng: “Đất nước ta quá ư hỗn loạn, cần có một sự thay đổi, cần có một sự đảo lộn. Lẽ dĩ nhiên, tàn nhẫn đấy, đau thương đấy, nhưng ta sẽ cố gắng cho bớt cảnh đầu rơi máu chảy” (6).

4. Xét về khía cạnh lịch sử phát triển, tư tưởng đó của ông đã đem đến cho xã hội lúc bấy giờ một cuộc cách tân theo khuynh hướng tích cực và một bầu không khí dân chủ cần thiết để yên dân. Khác với những người thuộc dòng tôn thất nhà Trần như: Nguyên Uyên, Nguyên Dận, Trần Ngạc hay như các tướng lĩnh Trần Khát Chân, Phạm Khả Vĩnh và các quan tư đồ Trần Nguyên Đán, Trần Đĩnh, Trần Nguyên Hàng,… Hồ Quý Ly sẵn sàng chấp nhận thực tế đó để rồi biến cải nó. Hồ Nguyên Trừng đã bộc lộ rõ quan điểm của cha mình: “Sự tranh giành ấy cha tôi bảo là điều lành mạnh, ông bảo những người sinh ra nơi cửa quyền quý phải hiểu điều đó, ta đâu có thoát được số phận của mình, nên đón nhận nó bằng lòng cam chịu can đảm, để điều khiển nó” (7).

Về khía cạnh kinh tế – xã hội, Hồ Quý Ly đã cho ban hành một loạt chính sách như hạn điền: “bắt người có ruộng tự cung khai, cắm biển đề tên chủ ruộng, ai thừa số quy định thì sung công” (8), vì ông “không muốn trong dân gian có kẻ lang thang. Sắp tới, ta sẽ cho làm sổ hộ khẩu khắp nước. Không một người dân nào được sót. Các xã trưởng sẽ phải có trách nhiệm chú ý đến từng người dân, cấp đất cho họ làm ruộng” (9).

Về chính sách hạn nô, Hồ Quý Ly chỉ cho phép nhà giàu giữ lại một số nô tì nhất định, còn số thừa ra phải trả họ về với gia đình và bắt các sư sãi hoàn tục, không được lợi dụng nhà chùa để trốn tránh nghĩa vụ quốc gia. Những chính sách đó nhằm mục đích tập trung sức người, sức của để chống thù trong giặc ngoài, nhằm cứu đất nước ra khỏi cơn nguy khốn lúc bấy giờ là hết sức mới mẻ và táo bạo. Và theo ông “khi cơ đồ đã rệu rã; khi mà toàn bộ quan lại chỉ là lũ sâu mọt; khi mà nhà Trần không có nổi một nhân tài tầm cỡ; khi mà tất cả phải cày xới lên để gieo giống mới, thì dù nhà Trần có công với Đại Việt cũng phải trải qua một nạn kiếp, muôn dân cũng phải trải qua một cuộc đổi đời” (10).

5. Nhưng đồng thời các chính sách của ông đã đánh vào quyền lợi của giới quý tộc nhà Trần. Vì ruộng đất đã phần lớn tập trung vào các điền trang thái ấp của tầng lớp hoàng thân quốc thích và một phần trở thành ruộng của nhà chùa. Nhiều người chỉ còn cách đi làm thuê cho các gia đình địa chủ, quý tộc hoặc xuống tóc đi tu vừa tránh sự nhiễu nhương thế tục, vừa để kiếm ăn qua ngày.

Chính sách hạn điền, hạn nô và bắt cả tăng ni phật tử đăng lính của Hồ Quý Ly, lại một lần nữa đã vô tình đánh vào cả những người dân lương thiện, đặc biệt là giới tăng ni, phật tử, một thế lực đông đảo và khá mạnh lúc bấy giờ. Như vậy Hồ Quý Ly đã vấp phải một sự chống đối rất quyết liệt từ cả hai phía: giới quý tộc nhà Trần và muôn dân trăm họ. “Phàm cái gì mới là người ta hay chống lại” (11). Càng bị chống đối và đẩy vào thế chân tường, thì mặc cảm ngoại tộc của ông như càng được nhân lên gấp bội phần. Vì quá kiên trì thực hiện các chính sách đó, nên Hồ Quý Ly không còn cách lựa chọn nào khác là buộc phải độc tài đến mức tàn bạo. Đấy chính là hệ quả tất yếu của một xu hướng lịch sử. Đến mức dưới con mắt không chỉ của tôn thất nhà Trần, mà cả muôn dân trăm họ, kể cả những sử gia đương thời và hậu thế đều coi ông như là một bạo chúa. Bất cứ ai có mưu đồ chống lại chủ trương canh tân của ông thì sớm muộn cũng sẽ bị trừ tịch.


6. Minh chứng là hai Thượng tướng Trần Khát Chân và Phạm Khả Vĩnh, quan Thái bảo Trần Nguyên Hàng là những đại thần đã từng hiển danh trong cuộc kháng chiến bình Chiêm và cũng là những người có công trong việc xây dựng Tây Đô, nhưng là các trung quân của nhà Trần không thể chấp nhận chính sách cải cách của Hồ Quý Ly, nên đã bị ông tung mẻ lưới mưu lược cuối cùng tóm gọn 215 người ngay tại tư dinh của tướng Trần Khát Chân ở Tây Đô và sau đó thủ tiêu 85 người (12).

Một nhân vật được Trần Nghệ Tôn lúc sinh thời rất tin dùng là nhà chép sử Văn Hoa (tất nhiên đây là nhân vật hoàn toàn hư cấu), chỉ vì viết cuốn “Minh Đạo luận có ý chống lại tư tưởng cách tân và sau đó dâng tấu phản đối ý định dời đô vào Tây Kinh của Hồ Quý Ly, đã bị ông bắt và tra tấn bằng cách làm nhục. Ông lệnh cho Hồ Nguyên Trừng: “Hãy giam hắn vào hầm xử chém, đeo gông cổ thật nặng, cùm chân tay, mồm đóng hàm thiếc, bỏ đói, bỏ rét… Sau đó một sáng sớm, mang ra pháp trường. Hãy cho hắn sợ đến vãi cứt, vãi đái ra… đến lúc đó, con hãy mang lệnh của ta đến, ân xá cho hắn, đuổi về thôn quê” (13). Cuối cùng lúc về già có người cho là nhà chép sử Văn Hoa đã bị Hồ Quý Ly dùng tay chân giết chết bằng cách cắt bỏ ngọc hành tại một ngôi chùa đổ giữa đất kinh thành Thăng Long và sau đó đốt luôn cả ngôi chùa để phi tang.

Còn ông vua tu sĩ Trần Thuận Tôn, là con rể của Hồ Quý Ly, vì chán cảnh bon chen nơi triều chính, nên đã bỏ lên Yên Tử để tu hành và đã xuống chiếu truyền ngôi cho cậu con trai là Thái tử Trần An mới lên 3. Tưởng thế đã yên bề thoát tục. Nhưng Thuận Tôn là vua nhà Trần, lại có tư tưởng sùng bái Phật giáo, tức là hướng tâm và hướng thiện. Theo quan điểm của Hồ Quý Ly, công việc canh tân lúc này không có chỗ dành cho những kẻ yếu mềm và yếm thế đứng giữa hai phe phái như Thuận Tôn. Dưới con mắt của một người vừa giàu mưu lược lại vừa đa nghi như Hồ Quý Ly, đứng giữa cũng có nghĩa là chống đối. Vì nóng lòng thay đổi nên Hồ Quý Ly đã hành động theo cách của một bạo chúa. Và đến phút chót ông đã nhổ được cái gai làm vướng tầm mắt trên con đường đi tới thực hiện ý đồ chiến lược của mình, tức là bức ông vua tu sỹ Thuận Tôn phải tự vẫn. Cái chết bi thảm của Thuận Tôn và hàng loạt các người khác từ quan tư đồ Trần Đĩnh, quan thiếu bảo Trần Tôn, Trang Định Vương Trần Ngạc cho đến Trần Nhật Đôn, quan hành khiển Hà Đức Lân, Thượng thư Lương Nguyên Bưu… (14) là kết cục của dòng chảy lịch sử đã bị chặn lại và báo hiệu nó cần phải đổi sang hướng khác.

7. Sự diễn biến tâm lý và tư tưởng của nhân vật Hồ Quý Ly trong tác phẩm rất phức tạp. Ông đứng trước sự lựa chọn của những quan hệ đầy mâu thuẫn và đối địch nhau ở mức đỉnh điểm. Đó là các quan hệ Phụ – Tử, Quân – Thần, Quyền lực – Đạo đức… Tình thế lúc này không cho phép ông chần chừ và tính toán quá kỹ càng. Cái nào gây nên sức ép về tâm lý ưu trội hơn thì cái đó tất sẽ chiến thắng. Mặc cảm ngoại tộc và tham vọng thay đổi triều đình để canh tân đất nước lúc này dường như đã chín muồi và là hai nhân tố quan trọng nhất được chuyển hóa thành nội lực mãnh liệt trong lòng cậu bé thích chơi với lửa từ tuổi ấu thơ và “muốn một ngọn lửa không bao giờ tắt” (15), đã đè bẹp các quan hệ tình cảm và đạo đức khác.

Và thế là các quan hệ đạo đức và tình cảm đã vô tình trở thành vật thế chấp, làm mồi cho tham vọng quyền lực của ông. Hồ Quý Ly bẩm sinh là một con người thích phiêu lưu, ưa mạo hiểm và luôn thích thay đổi tình thế: “Cẩu nhật tân, nhật nhật tân, hựu nhật tân” (16) là điều mà ông hằng tâm đắc. Trò chơi giữ lửa trong hang với quận chúa Huy Ninh thuở nhỏ và truyền thuyết dân gian về “con cáo đen có 9 đuôi đã sống trong hang hàng ngàn năm hoá thành yêu quái có thể biến hoá vạn cách thành người hoặc thành quỷ đi khắp nhân gian. Sau đó đẻ được 9 con, 8 con và mẹ nó đã bị Long quân giết chết chỉ còn một con duy nhất chạy thoát về Diễn Châu và Hồ Quý Ly là cháu của con cáo đó” (17) đã phần nào nói lên nguồn gốc xuất thân và tính cách không bình thường của con người này.

Bản tính hiếu động khi bị kiềm chế, trói buộc và dồn nén quá mức thì nó sẽ tạo nên sức bật trở lại mạnh đến mức dường như không có gì ngăn cản nổi. Ranh giới giữa sức bật đó và những hành vi bạo ngược chỉ cách nhau một sợi tóc. Việc thanh trừng những người chống đối của Hồ Quý Ly có thể được giải thích bởi nhu cầu giải thoát khỏi những kiềm chế trước sức ép của tình thế lịch sử luôn có xu hướng đi ngược lại những tham vọng cá nhân của ông ta.

Mặt khác đối với một con người không bình thường như Hồ Quý Ly thì giết chóc, tra tấn cực hình, làm nhục người khác là biểu hiện sức mạnh của động lực tâm lý cá nhân muốn trả thù nhằm thoát ra khỏi mặc cảm ngoại tộc và như là để cứu rỗi bổn phận trước sự trớ trêu của lịch sử. Dường như càng ra tay trừng phạt bao nhiêu thì ông càng tìm thấy sức mạnh cá nhân của mình bấy nhiêu. Hay nói đúng hơn sức mạnh của ông chính là sức mạnh của sự trừng phạt.

8. Qua tác phẩm ta thấy ngoài ông quan hoạn Nguyễn Cẩn là kẻ duy nhất trung thành với Hồ Quý Ly và được ông ân sủng, còn lại tất cả từ Hoàng đế, Thái Thượng hoàng, đến các hoàng thân, quốc thích của nhà Trần; từ vợ con, cháu chắt cả nội lẫn ngoại đến anh em họ hàng, kết nghĩa; từ các sư sãi đến nhà chép sử; từ các thày dạy chữ và dạy võ đến các học trò… đều sớm muộn nằm trong tầm giáo trừng phạt của ông. Chỉ có khác là mỗi người chết theo một cách, tùy thuộc vào quan hệ thân sơ, tước vị và khả năng ngăn cản của họ đối với tham vọng cá nhân của Hồ Quý Ly.

Tình thế lịch sử lúc bấy giờ như lửa cháy đổ thêm dầu vào, đã khiến ông càng đẩy nhanh quá trình canh tân bao nhiêu, thì càng lún sâu vào con đường chém giết bấy nhiêu. Điều đó làm cho nhiều người dễ có những cách nhìn nhận và đánh giá rất khác nhau về ông: “Người đời bảo ông táo bạo, cương nghị, sắc sảo, cả gan làm đất trời rung chuyển. Có kẻ chê ông tàn nhẫn, gian hùng, xảo quyệt và lắm tham vọng” (18). Còn nhà chép sử Văn Hoa lại cho rằng: “Chí của cha con họ thật rõ ràng như vậy. Một người thì muốn làm mây làm mưa để thấm nhuần cho toàn thiên hạ. Một người ngay từ lúc trẻ đã dự định làm rường cột cho nước non” (19). Nhưng ở một chỗ khác khi Thượng tướng Trần Khát Chân giao cho Văn Hoa viết một cuốn sách về Hồ Quý Ly thì nhà chép sử lại nói: “Quý Ly là một người đầy táo bạo. Một kẻ cướp phải có gan lắm mới dám trên đầu chẳng có ai” (20).

9. Cùng với những cải cách về chính trị và kinh tế khác, Hồ Quý Ly còn là người đầu tiên trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam trước đấy chủ trương dùng tiền giấy thay tiền đồng. Tiền đồng đã được sử dụng từ lâu và trở thành một thói quen trong đời sống dân sinh. Thay đổi nó tức là thay đổi một tập quán lâu đời, mà trước đó chưa một vị vua nào dám làm, ngoài Hồ Quý Ly ra, vì thế bị mọi người phản đối cũng là lẽ đương nhiên. Nhưng chắc chắn lúc bấy giờ và đến tận ngày nay, không mấy người có thể hiểu được dụng ý sâu xa phía sau sự canh tân ấy. Nên nhớ rằng, vào thời điểm ấy, Hồ Quý Ly đang cần nhiều đồng để rèn đúc vũ khí đáp ứng nhu cầu vừa để chống giặc ngoài, vừa để trừ thù trong mới dẫn đến việc đổi tiền đồng ra tiền giấy .

Một chủ trương nữa mang tính cải cách rõ rệt là Hồ Quý Ly đã cho “đặt chức liêm phóng sứ để dò la những kẻ tham nhũng, chống đối” (21) và “làm sổ hộ khẩu để biết thực lực số người trong nước” (22). Vì ông đã quan niệm rằng: “Quản lý được từng người dân mới đích thực thời thái bình” (23).

Nhưng chính những chính sách canh tân đó đã gây cho ông bao phen lao đao, trong khi trên danh nghĩa ông chỉ là một người giúp việc cho nhà Trần. Hồ Quý Ly “đã phạm vào chính danh nên kẻ sỹ trong nước nhao nhao phản đối. Lại cũng vì muốn nhanh nên chính sách thay đổi trong khi người dân đen chỉ muốn ăn no ngủ kỹ” (24). Thật khó có thể biết được rằng đó là sự nhìn xa trông rộng của một người đầy mưu lược như Hồ Quý Ly, là một chủ trương cải cách xã hội, một tham vọng cá nhân hay là sự thúc ép của xu thế lịch sử mà ông không thể nào cưỡng lại được? Những chính sách mới ấy luôn là con dao hai lưỡi mà bản thân Hồ Quý Ly lại luôn tin rằng mình đã nắm được phần chuôi dao. Hồ Quý Ly càng chủ động ra sức cải cách bao nhiêu thì ông càng biến mình trở thành kẻ chống lại nhà Trần bấy nhiêu. Càng tìm cách chống lại tôn thất nhà Trần thì ông càng bị cô lập. Càng cô lập, ông lại càng phải tiến thêm những bước mới trong việc trừng phạt kẻ thù. Càng chống lại kẻ thù thì càng đẩy nhanh công cuộc cải cách.

10. Có thể nói, chỗ sâu xa nhất Hồ Quý Ly là hiện thân của một con người chứa đầy mâu thuẫn và những bi kịch cá nhân và thời đại. Ông càng ra sức gỡ thì tình thế càng trở nên rối thêm, càng rối lại càng ra sức để gỡ. Cứ thế trong cái vòng luẩn quẩn đó, Hồ Quý Ly đã có lúc rơi vào trạng thái hư vô trống rỗng và “những người như ông, nỗi cô đơn là bạn đồng hành” (25). Vì thế nên ông muốn làm một cái gì đó để thoát khỏi sự ám ảnh của nỗi cô đơn đến cùng cực trong lòng một kẻ ngoại thích. Hồ Quý Ly đã biết cách hay nói đúng hơn là bằng mọi cách, dù cho nó có tàn bạo, nhẫn tâm đến mấy ông cũng kiên quyết giành cho bằng được quyền lực từ tay nhà Trần, không hẳn chỉ vì tham vọng quyền lực cá nhân, mà còn muốn canh tân đất nước để chống thù trong giặc ngoài. Và ông đã làm được điều đó khiến nhiều người nghĩ rằng ông đã tiếm vị nhà Trần.

Âu đấy cũng là cái giá mà một người như Hồ Quý Ly đáng phải trả cho một cuộc hoá sinh. Nhưng từ cổ chí kim, từ đông sang tây có cuộc chiến nào không đẫm máu, nhất là cuộc chiến tranh giành ngôi báu và quyền lực. Bởi vì: “Hỡi ôi! Kẻ làm quan làm vua có thể chẳng ác nhưng phải làm ác. Cái ác gắn với vua quan. Cái ác làm món ăn của vua quan. Cái ác là đôi cánh của vua quan. Thiếu cái ác một ngày ngai vàng buồn rầu. Thiếu cái ác vài tuần trăng ngai vàng rung rinh. Thiếu cái ác một năm ngai vàng sụp đổ. Cái ác là nguồn sống của vua quan. Điều đó đã ghi rành rành trong sử sách” (26).

Thanh trừng phe cánh đối lập không bằng sự thuyết phục của các ý tưởng mới mẻ và táo bạo, mà bằng sự chém giết lẫn nhau, dẫn đến cảnh nồi da nấu thịt, huynh đệ tương tàn mà Hồ Quý Ly đã áp dụng thực sự cũng là cái cách mà xưa nay các vua chúa và quan lại phong kiến phương Đông vẫn hay làm. Vậy là ông càng ra sức canh tân bao nhiêu thì ông càng thủ cựu bấy nhiêu, càng dân chủ bao nhiêu thì càng độc tài bấy nhiêu. Xét đến cùng canh tân hay thủ cựu, dân chủ hay độc tài chỉ là tương đối và không có ranh giới thật rõ ràng. Nó giống như điểm đầu và điểm cuối của một đường tròn trong quá trình vận động của những quy luật lịch sử.

11. Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đã không quá câu nệ vào các sự kiện lịch sử và tiến trình thời gian xảy ra các sự kiện ấy. Ông đã tái hiện lịch sử theo cách riêng của mình với một cấu trúc phức hệ, đan xen các tuyến chủ đề với nhau nhằm làm nổi rõ chủ đề chính và hình tượng nhân vật trung tâm Hồ Quý Ly. Các tuyến chủ đề và các nhân vật khác đều xoay quanh hình tượng Hồ Quý Ly mà gắn quện với nhau và phát triển, tạo cho người đọc cảm giác ngày càng như bị hút sâu hơn vào chủ đề chính. Khi nhân vật Hồ Quý Ly ngày càng bộc lộ rõ tính cách tàn bạo mà mưu lược, đa nghi mà cô độc thì cũng chính là lúc các mâu thuẫn càng được đẩy cao đến mức đỉnh điểm. Sự tàn bạo trong tính cách Hồ Quý Ly là biểu hiện tập trung nhất, bản chất nhất của quá trình giành giật và nắm giữ quyền lực của các triều đại phong kiến phương Đông.

Mặt khác nếu được nhìn nhận và lý giải từ các khía cạnh: đạo đức, tâm lý, huyết thống, lịch sử xã hội và cả vô thức nữa, thì chúng ta thấy rằng Hồ Quý Ly chém giết tàn bạo không phải là cứu cánh tự thân, mà chỉ là phương tiện để đạt đến những mục đích của mình. Thực chất sự tàn bạo của ông chỉ nhằm đánh vào những ai có ý định chống đối lại tư tưởng canh tân của ông mà thôi. Tuy nhiên những hành động tàn bạo của Hồ Quý Ly đã làm lu mờ tư tưởng cách tân của ông khiến cho giới sử gia và mọi người tỏ ra quan ngại là có căn cứ và không có gì là khó hiểu. Hoàn cảnh lịch sử cuối triều Trần đã đặt ông vào thế không cưỡng lại được và đã tạo ra một tính cách Hồ Quý Ly hàm chứa các mâu thuẫn mang tính bi kịch cá nhân và thời đại lịch sử mà ông sống. Chính những điều đó đã làm thành một cấu trúc chỉnh thể chặt chẽ, nhưng cũng vô cùng phức tạp trong sự thống nhất giữa vai trò cá nhân và lịch sử, như là mối liên kết rường cột góp phần tạo nên sức sống và giá trị cho tác phẩm.

12. Ở một phía khác, những trang viết về Hồ Nguyên Trừng, cô gái vườn mai, Sử Văn Hoa, Phạm Sinh hay cuộc hội ngộ giữa Thượng tướng Trần Khát Chân và Hồ Nguyên Trừng, Hồ Nguyên Trừng với Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Trãi… thực sự đã gây xúc động lòng người. Cuộc chiến đấu chống quân Chiêm Thành hay các Hội thề Đồng Cổ và Đốn Sơn đã được tác giả khắc hoạ bằng một cảm quan hoành tráng của những sự kiện quân sự và văn hoá trọng đại mang tầm cỡ quốc gia.

Khi miêu tả những vụ giết chóc trừ tịch của Hồ Quý Ly đối với những người thuộc phe chống đối, đặc biệt là cảnh ngược đãi và cái chết của Sử Văn Hoa; cảnh ban đêm nơi nghĩa trang chôn tàn quân những người thuộc phe tôn thất nhà Trần đã thực sự gây cho độc giả nỗi kinh hoàng, rùng rợn và sự khiếp hãi của những trò nhục hình thời Trung cổ. “Một trăm gương mặt, một trăm dáng vẻ. Có những đầu lâu đôi mắt còn mở tròn xoe. Có những chiếc đầu lâu bị xổ cái búi tó củ hành, tóc bị gió thổi tung xoè che kín mặt. Lại có những chiếc đầu lâu cạo nhẵn thín, mồm há ra như đang hét. Thỉnh thoảng mới gặp một chiếc đầu lâu mắt khép kín vẻ như cam chịu” (27).

Ngược lại nỗi tiếc thương người vợ quá cố, quận chúa Quỳnh Hoa của Hồ Nguyên Trừng; cuộc tình trăng gió của Thiên Nhiên tăng với cô gái quê cắt cỏ trên đồng; tình yêu của Hồ Nguyên Trừng với Thanh Mai, Phạm Sinh với Thị Hạnh… lại thực sự là những trang viết về những mối tình vừa mãnh liệt vừa lãng mạn, đầy chất thơ và cũng không thiếu những giọt nước mắt. Ở những trang này dường như Nguyễn Xuân Khánh muốn qua đó để bạn đọc được sống lại thời trai trẻ của mình một cách vô thức, tạo nên sự đam mê và ma lực cuốn hút lòng người. Điều đó chứng tỏ bút pháp nghệ thuật tiểu thuyết của nhà văn Nguyên Xuân Khánh đa dạng mà cao kiến, thanh tao mà tục luỵ biết nhường nào.

13. Qua Hồ Quý Ly, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh không chỉ mang đến cho thể loại tiểu thuyết lịch sử một sinh khí mới, nâng vị thế của nó lên một tầm cao mới về nội dung đề tài, chủ đề, kết cấu tác phẩm, cách xây dựng tính cách nhân vật và hình thức thể hiện.

Nhưng theo tôi với tiểu thuyết này, lão nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đã giải quyết một cách căn bản và khá dứt khoát rằng, tiểu thuyết lịch sử cao hơn biên niên sử vì nó hoàn toàn có khả năng vươn ra và vượt lên trên những sự kiện lịch sử, bởi việc lựa chọn các nhân vật lịch sử để hư cấu miêu tả và nhà tiểu thuyết thổi vào đó luồng xúc cảm thẩm mỹ của chủ thể sáng tạo, đã làm cho các sự kiện ấy trở nên sinh động hơn, gây hứng thú cho bạn đọc. Từ đó bạn đọc có thể nhận thức sâu hơn về bản chất của quá trình vận động lịch sử, tự rút ra cho mình những bài học bổ ích và lý thú. Điều này biên niên sử rất khó có thể đạt tới và không phải ai cũng làm được như Nguyễn Xuân Khánh.

Với thực trạng của nền văn học nước nhà hiện nay, có một cuốn sách như Hồ Quý Ly của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh để đọc là điều vô cùng quý. Một cuốn sách hay và nghiêm túc không chỉ chứng tỏ tài năng và thái độ của tác giả đối với cuộc sống, mà hơn thế nó đã góp phần định hướng lại thị hiếu cho công chúng. Tôi tin rằng ai đã đọc Hồ Quý Ly của Nguyễn Xuân Khánh thì sớm muộn cũng nhận ra đâu là giá trị đích thực của văn chương. Chỉ như vậy thôi nhà văn Nguyễn Xuân Khánh cũng xứng đáng là một trong số những nhà tiểu thuyết hàng đầu của thập niên cuối cùng của thế kỷ XX và những năm đầu của thế kỷ XXI.

Nguồn: Tổ quốc

——————-

(1). Hồ Quý Ly. Tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh, Nxb Phụ nữ, H, 2000. Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam. Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội.

(2). Sđd. tr.167

(3). Sđd. tr.364

(4). Sđd. tr.93

(5). Sđd. tr.225

(6). Sđd. tr.486

(7). Sđd. tr.58-59

(8). Sđd. tr.468

(9). Sđd. tr.559

(10). Sđd. tr.476

(11). Sđd. tr.491

(12). Sđd. tr.828

(13). Sđd. tr.551

(14). Sđd. tr.605 và 815

(15). Sđd. tr.564

(16). Sđd. tr.534

(17). Sđd. tr.56

(18). Sđd. tr.524

(19). Sđd. tr.538

(20). Sđd. tr.661

(21). Sđd. tr.307

(22). Sđd. tr.136

(23). Sđd. tr.559

(24). Sđd. tr.486

(25). Sđd. tr.571

(26). Sđd. tr.723

(27). Sđd. tr.831