(HNMCT) – Minh họa không chỉ là phần không thể thiếu khi xuất bản sách cho thiếu nhi. Những năm gần đây, các tác phẩm văn học nói chung cũng liên tục được “khoác áo mới” với phần minh họa phong phú, đặc sắc.
Các tác phẩm văn học hiện nay có nhiều minh họa phong phú, đặc sắc.
Tháng 3 năm nay, NXB Trẻ ra mắt độc giả phiên bản đặc biệt có minh họa của 3 đầu sách nổi tiếng “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”, “Cánh đồng bất tận”, “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ”. Dù mới tham gia “sản xuất” phiên bản đặc biệt nhưng 3 đầu sách nói trên của NXB Trẻ đều được độc giả “ngóng trông”. Một số minh họa của họa sĩ Minh Hải trong “Cánh đồng bất tận” (Nguyễn Ngọc Tư) khi được NXB đăng tải trên mạng xã hội đã nhận được nhiều lượt yêu thích của độc giả theo dõi. “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” có 8 trang truyện tranh do nhà văn Nguyễn Nhật Ánh viết lời và người bạn họa sĩ quen thuộc của nhà văn – Hoàng Tường vẽ tranh. Riêng “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” thì gợi hứng thú cho độc giả bởi được minh họa bởi chính nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần.
Ra mắt ấn bản có tranh minh họa đang là xu hướng của nhiều đơn vị xuất bản hiện nay. Mới đây, cuốn sách “Người kép già” của nhà văn Kim Lân ra mắt độc giả với 18 truyện ngắn và vừa nổi tiếng của ông. Các tác phẩm này từng được tái bản nhiều lần, song điều làm nên nét đặc biệt thu hút độc giả là ấn bản “Người kép già” lần này còn có những phụ bản của họa sĩ danh tiếng Thành Chương, con trai nhà văn Kim Lân. Theo Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều, ở ấn phẩm “Người kép già”, người đọc có thể nhận ra “giữa hai văn bản khác nhau của chữ và màu sắc, hình khối, giữa hai thế hệ khác nhau nhiều điều nhưng ta vẫn thấy một cây cầu bắc qua hai bờ của sự khác biệt đó. Nhưng đó chỉ là sự khác biệt của thời gian và hình thức, còn những trụ cầu để bắc cây cầu ấy là Cái đẹp và Tư tưởng”.
“Người kép già” chỉ là một trong những tác phẩm văn học được “làm mới” bằng tranh minh họa. Cùng với sự xuất hiện của các bản đặc biệt, thị trường sách đánh dấu sự góp mặt của minh họa cho mỗi ấn bản mới được chào đời, như “Số đỏ”, “Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp”, “Dế mèn phiêu lưu ký”… Thực tế, minh họa sách không phải là điều quá mới mẻ mà đã xuất hiện từ trước năm 1945, nhưng những năm gần đây càng phát triển mạnh khi có nhiều đơn vị xuất bản nhận ra thế mạnh của minh họa trong việc thu hút độc giả.
Điều này được chứng minh khi triển lãm 200 bức tranh minh họa “Lĩnh Nam chích quái” tại Hà Nội vào năm 2017 đã thu hút đông đảo độc giả đến tham quan, trong đó có nhiều học sinh, sinh viên. Đây là những tác phẩm được in trong ấn bản “Lĩnh Nam chích quái” của NXB Kim Đồng – ấn bản đầu tiên và duy nhất có tranh minh họa đi kèm. Những người làm sách mong muốn các minh họa đẹp – độc – lạ và đầy cảm hứng của họa sĩ Tạ Huy Long sẽ giúp bạn đọc thêm hiểu và trân trọng di sản mà ông cha để lại.
Đó có lẽ cũng là mong muốn của NXB Văn học và Đông A books khi liên kết xuất bản hai ấn bản “Truyện Kiều” và “Lục Vân Tiên” khổ lớn 24x29cm với phần minh họa của hàng chục họa sĩ tên tuổi đương thời như Thành Chương, Đặng Tiến, Đinh Quân, Phạm Quang Vinh, Hồng Việt Dũng… Đây không phải là lần đầu tiên “Truyện Kiều” được vẽ minh họa, nhưng với những độc giả yêu văn chương và hội họa, sự sáng tạo ở mỗi thời kỳ để lại dấu ấn riêng. Do đó, dù “Truyện Kiều” đã từng nhiều lần được minh họa thì ấn bản “Truyện Kiều” này vẫn sẽ mở ra những góc nhìn và cảm xúc mới.
Hiện nay, khi độc giả có xu hướng xem nhiều hơn đọc thì việc “khoác áo mới” cho các tác phẩm văn học bằng minh họa đặc sắc của các họa sĩ đương thời là một cách đưa văn học đến gần độc giả, đặc biệt là với những tác phẩm kinh điển Việt Nam. Không đơn thuần là minh họa kèm theo nội dung sách, mỗi trang minh họa hoàn toàn có thể đứng như bức tranh độc lập. Nhiều cuộc đấu giá tranh minh họa đã được tổ chức, thu hút sự tham gia của các họa sĩ, nhà văn, nhà nghiên cứu cùng đông đảo bạn đọc.
Điều này đòi hỏi các họa sĩ vẽ minh họa không chỉ đọc kỹ lớp nghĩa của tác phẩm văn học, “chuyển” tác phẩm từ câu chữ sang đường nét, hình khối, màu sắc mà còn phải có khả năng đồng sáng tạo với nhà văn. Minh họa không phải là đi kèm, mà là song hành cùng tác phẩm văn học, trở thành cầu nối kéo không gian, bối cảnh xưa cũ của tác phẩm kinh điển đến gần hơn với bạn đọc hôm nay. “Tấm áo mới” minh họa góp phần làm tăng giá trị của tác phẩm văn học, giúp tác phẩm thêm một lần nữa sống trong lòng độc giả.
Tác giả: Hạ Yến
Theo: Hà Nội mới cuối tuần