Thắng cảnh Taj Mahal (Ấn Độ) gắn liền với thiên tình sử bất diệt của một vị hoàng đế vĩ đại và vô cùng chung thủy.

Taj Mahal, một góc nhìn cận cảnh.

Nằm cách trung tâm thành phố Agra 3km, thắng cảnh Taj Mahal thường được nhắc tới bằng một cụm mỹ từ phổ biến “Biểu tượng của tình yêu bất diệt”.

Đoàn du khách đông nườm nượp từ tứ xứ, trong đó có nhóm nhà báo đến từ các nước ASEAN chúng tôi, được rà soát người rất kỹ trước khi vào trong khuôn viên khu lăng mộ đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới năm 1983 này. Các vật dụng như laptop hay kẹo cao su đều bị cấm mang vào vì lý do an ninh.

Anh hướng dẫn viên người Ấn bảo chúng tôi rằng cổng chính của Taj Mahal quá lớn nên nhiều người hay tưởng lầm đó là lăng, nhưng không phải.

Trên nóc cổng chính có 22 ngọn tháp con, nghe anh nói là tượng trưng cho 22 năm ròng rã, hơn 22.000 nhân công và nghệ nhân hàng đầu của các nước châu Á cùng hàng ngàn con voi đã làm việc cật lực ngày đêm để xây dựng nên công trình này.

Đi bộ qua cổng chính một quãng xa thì lăng Taj Mahal hiện ra trước mắt đầy uy nghi lộng lẫy. Lăng được xây từ đá cẩm thạch trắng và nhiều loại đá quý mang về từ nhiều vùng trên thế giới. Do đó màu sắc của lăng dường như thay đổi theo các thời điểm khác nhau trong ngày: ửng hồng vào buổi sáng sớm, trắng sữa vào giữa ban ngày và vàng ánh khi hoàng hôn xuống. Vào những đêm trăng sáng, Taj Mahal hiện lên như viên ngọc tỏa sáng cả khu vực.

Được thiết kế bởi một đội ngũ kiến trúc sư hùng hậu, Taj Mahal là công trình hòa quyện tuyệt vời kiến trúc Ba Tư, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Hồi giáo. Anh hướng dẫn cho biết, trong quá trình đục đẽo hoa cương để trang trí các bức tường của lăng, vô số thợ đá đã bị hỏng mắt do mảnh đá dăm bắn phải.

Với giọng nói tiếng Anh to, vang đầy tự hào, anh kể cho chúng tôi câu chuyện về tình yêu bất tử của Hoàng đế Shan Jahan (danh hiệu này nghĩa là “Chúa tể thế giới” và ông lên ngôi năm 1627) dành cho vợ yêu là Hoàng hậu Mumtaz Mahal (nghĩa là “Người được yêu quý nhất trong cung điện”). Tình yêu của ông dành cho nàng lớn tới mức hai người luôn bên nhau, yêu thương gắn bó suốt 19 năm chung sống. Năm 1630, trên đường chinh phạt một vương quốc nhỏ lân cận, Shan Jahan mang hoàng hậu đi theo dù nàng sắp đến ngày sinh nở. Công chúa nhỏ ra đời mạnh khỏe nhưng hoàng hậu đã kiệt sức sau lần sinh thứ 14! Nàng ra đi lúc vừa tròn 35 tuổi. Hoàng đế đau đớn, cho lui quân, đưa nàng về và ra lệnh xây công trình to lớn này để tưởng nhớ. Lúc sinh thời, Mumtaz Mahal đã từng mong ước hoàng đế sẽ xây tặng nàng một công trình bất diệt với thời gian để minh chứng tình yêu vĩnh cửu của họ. Chỉ sau mấy đêm râu tóc hoàng đế đã bạc trắng vì thương nhớ vợ. Ông cho rằng “chính tình yêu của ta đã giết chết nàng”. Từ đó ông không màng quốc sự, dành phần đời còn lại để thực hiện ước nguyện của Mumtaz Mahal và chăm sóc các con. Ông không cưới thêm ai nữa và sống bên lăng mộ nàng đến cuối đời.

Phần chính công trình là tòa lâu đài (cũng chính là lăng mộ hoàng đế và hoàng hậu) hình bát giác xây từ cẩm thạch trắng, chóp dát vàng cao tới 75m. Bên trong lâu đài này, quan tài tượng trưng của hoàng đế và hoàng hậu ở trên tầng hai còn hài cốt thật thì an táng dưới tầng một. Bốn góc có bốn tháp nhọn, mỗi tháp cao 40m. Theo quan niệm Hồi giáo, số bốn tượng trưng cho sự thiêng liêng và bất diệt. Người hướng dẫn cho biết các kiến trúc sư thời xưa đã xây dựng rất khéo, để các tháp phụ này hơi nghiêng ra ngoài chút xíu, mắt thường khó nhận thấy, phòng khi lỡ xảy ra động đất thì chúng chỉ có thể đổ ra phía ngoài chứ không đổ vào tòa lâu đài trung tâm. Công trình xây dựng bắt đầu năm 1632 và hoàn thành sau 22 năm. Điều hậu thế tranh cãi về sự bạo ngược của hoàng đế là khi công trình hoàn thành, ông đã ra lệnh chặt tay những thợ xây để không bao giờ họ có thể xây nên một công trình thứ hai vĩ đại như vậy nữa.

Được mệnh danh là công trình bất diệt nhưng Taj Mahal cũng chịu ảnh hưởng của thời gian và môi trường. Hiện tượng mưa axit do không khí ô nhiễm bởi khí thải công nghiệp đã làm một số phiến đá bên ngoài công trình bị biến màu, một số vết nứt xuất hiện. Dòng sông Yumunna chảy gần lăng cũng bị ô nhiễm bởi rác thải, gây ảnh hưởng tới Taj Mahal. Để bảo vệ sự trường tồn của thắng cảnh, chính quyền Agra đã có nhiều biện pháp tích cực như: du khách phải đi xe bus chạy pin, xe điện hoặc xe ngựa từ bãi xe cách đó 2km để vào lăng. Việc cải tạo dòng sông Yumunna chảy qua bên lăng cũng đang được gấp rút thực hiện.

Chia tay Taj Mahal khi nắng chiều vàng đang xuống, tôi thầm mong Di sản văn hóa thế giới này sẽ mãi trường tồn như một bảo vật, nhắc nhở loài người mãi mãi tôn thờ tình yêu và sự thủy chung.

 

Theo Hoàng Trung Hiếu – TGVN

Exit mobile version