Isaac Bashevis Singer (14/7/1904 – 24/7/1991) nhà văn Mỹ gốc Do Thái Ba Lan đoạt giải Nobel Văn học năm 1978. Những sáng tác của ông chủ yếu viết bằng tiếng Yiddish (tiếng Đức cổ của người Do Thái).
Isaac Bashevis Singer năm 1977 – Ảnh: internet
Trong Diễn từ nhận giải Nobel, I.B. Singer coi việc tặng giải cho ông là “sự thừa nhận đối với ngôn ngữ Yiddish – thứ ngôn ngữ của lưu đầy, không đất đai, không biên thùy, không chính quyền nào ủng hộ, một ngôn ngữ không có từ nào để nói về vũ khí, vũ trang, tập quân sự, thuật chiến tranh, cái ngôn ngữ bị khinh rẻ bởi cả những người không phải Do Thái lẫn những người Do Thái đã thoát khỏi gông xiềng”… Các nhà phê bình có những đánh giá khác nhau về I.B. Singer, nhưng ông được coi là một người kể chuyện tài hoa, hấp dẫn.
|
I.B. Singer viết rất nhiều sách cho trẻ em. Năm 1970 ông nhận giải thưởng sách Quốc gia Hoa Kỳ (National Book Awards) với cuốn hồi kí A day of pleasure: Stories of a Boy Growing Up in Warsaw. Dưới đây là một tiểu luận thể hiện rất rõ quan điểm của ông về việc viết sách cho trẻ em.
ISAAC BASHEVIS SINGER
Tại sao tôi viết cho trẻ em?
Trẻ em là độc giả tuyệt vời nhất của văn chương đích thực. Người lớn bị mê hoặc bởi những tên tuổi lớn, những trích dẫn phóng đại, và những quảng cáo ấn tượng. Các nhà phê bình, những người có mối liên hệ với xã hội học hơn là văn chương, đã thuyết phục hàng triệu độc giả rằng nếu một câu chuyện không cố gắng mang lại một cuộc cách mạng xã hội thì không có giá trị. Hàng trăm giáo sư, những người chuyên viết bài giới thiệu sách, cố gắng làm cho học trò của mình tin rằng chỉ những nhà văn cần nhiều lý giải phức tạp và vô số các chú thích mới đúng là những thiên tài sáng tạo của thời đại chúng ta.
Nhưng trẻ em không tin vào điều đó. Chúng vẫn cứ thích sự rõ ràng, sự hợp lý, thậm chí các chi tiết lỗi thời như dấu chấm câu. Hơn nữa, độc giả nhỏ tuổi đòi hỏi một câu chuyện có thật, với một khởi đầu, diễn biến và kết thúc, những câu chuyện theo lối truyền thống đã được kể hàng ngàn năm nay.
Trong thời đại chúng ta, khi kể chuyện đã trở thành một nghệ thuật bị xem thường và được thay thế bởi xã hội học nghiệp dư và tâm lý học nhàm chán, trẻ em vẫn là những độc giả độc lập không tin vào bất cứ điều gì ngoài cảm nhận của riêng chúng. Tên tuổi và uy tín của nhà văn chả có ý nghĩa gì cả. Một thời gian dài sau khi văn chương cho người lớn cáo chung, văn chương cho trẻ em sẽ được coi là di sản cuối cùng của nghệ thuật kể chuyện, tính hợp lý, niềm tin vào gia đình, vào Thượng đế và vào tính nhân bản đích thực.
Khi tôi bắt tay vào viết một câu chuyện, đầu tiên tôi phải có một chủ đề hoặc đề tài thiết thực. Ta không thể viết cho trẻ em những gì mà một số nhà phê bình gọi là “một mảnh của cuộc sống.” Thật ra cái gọi là những mảnh cuộc sống là thứ chán phèo ngay cả đối với người lớn.
Tôi cũng phải có một khao khát hoặc một cảm xúc thực sự để viết nên câu chuyện. Đôi khi tôi có một chủ đề, nhưng tôi lại chẳng có động lực để triển khai nó. Tôi đã liệt kê ra hàng trăm chủ đề mà tôi sẽ chẳng bao giờ sử dụng vì chúng thực sự chả cuốn hút tôi.
Cuối cùng, tôi phải có niềm xác tín – hoặc ít nhất là ảo tưởng – rằng chỉ có tôi mới là người có thể viết nên câu chuyện đặc biệt này. Nó phải là câu chuyện của riêng tôi. Nó phải thể hiện cá tính của tôi, nhân vật của tôi, thế giới quan của tôi.
Nếu hội đủ ba điều kiện trên, tôi sẽ viết một câu chuyện. Điều này đúng cả khi tôi viết cho trẻ em hay viết cho người lớn.
Vài cuốn sách tệ thiếu ba điều kiện này. Chúng chả có cốt truyện, chả có cảm xúc, và cũng chả có mối liên hệ thực tế nào với tác giả.
Vì trẻ em thích sự rõ ràng và hợp lý, bạn có thể lấy làm lạ là làm thế nào tôi có thể viết về những chuyện thần bí, mà theo định nghĩa thì nó chả có bất cứ sự rõ ràng và hợp lý nào cả. Tính hợp lý và “hiện thực chủ nghĩa”, như là một phương pháp văn chương, là hai điều khác nhau. Một người có thể là một thực tế rất vô lý và một nhà thần bí rất hợp lý. Bản chất trẻ em là có xu hướng thích những điều thần bí. Chúng tin vào Thượng đế, vào ma quỷ, vào điều thiện và điều ác, và vào mọi loại phép thuật. Tuy nhiên, chúng đòi hỏi tính thống nhất thực sự trong những câu chuyện này. Tính hợp lý thường rất cao trong tôn giáo và có rất thấp trong chủ nghĩa duy vật. Thường thì những người cứ khăng khăng rằng thế giới tự sinh ra thì không có bất kỳ sự tôn trọng nào vào lý trí.
Thật bi kịch khi nhiều nhà văn coi thường những câu chuyện thần bí, lại cố viết những thứ cho trẻ em mà thực ra chẳng có gì ngoài một mớ hổ lốn. Có những cuốn sách cho trẻ em mà ý này chả ăn nhập gì với ý kia. Mọi thứ xảy ra một cách tùy tiện và bừa bãi, chẳng có bất kỳ mối liên hệ nào với kinh nghiệm hay sự tưởng tượng của trẻ em.
Những trang viết như vậy chẳng những chả mang lại chút giải trí nào cho trẻ mà còn làm tổn hại đến cách suy nghĩ của chúng. Đôi khi tôi có cảm giác rằng những người được gọi là các tác giả tiên phong cho văn chương trẻ em đang cố gắng chuẩn bị cho trẻ tiếp cận tác phẩm “Finnegan’s Wake” của James Joyce hoặc sa và các trò chơi chữ nghĩa kiểu như vậy mà một vài vị các giáo sư quá say mê giảng giải. Thay vì giúp chúng suy nghĩ, những trang viết như vậy làm què quặt tâm hồn trẻ nhỏ. Do đó có thể nói – trong văn chương trẻ em thì sự thần bí là phải có nhưng sự vô nghĩa thì không.
Văn học dân gian đóng vai trò tối quan trọng trong văn chương cho trẻ em. Bi kịch của văn chương người lớn hiện đại là nó hoàn toàn xa rời văn học dân gian. Nhiều tác giả hiện đại đã hoàn toàn mất gốc. Họ không thuộc về và cũng không muốn thuộc về bất kỳ trào lưu đặc biệt nào cả. Họ sợ bị gọi là những người thị tộc chủ nghĩa, dân tộc chủ nghĩa hoặc sô vanh chủ nghĩa.
Thực ra không có văn chương mất gốc. Một người không thể viết truyện hay mà chỉ toàn nói về con người chung chung. Trong văn chương, cũng như trong cuộc sống, tất cả mọi thứ đều có đặc tính. Mỗi người đều có nơi chốn thực và nơi chốn trong tâm thức của mình. Đúng là trong truyện ngụ ngôn không nhất thiết hoặc thậm chí không cần phải có nơi chốn cụ thể, nhưng mọi loại văn chương ngoài ngụ ngôn thì phải có. Một nhà văn càng bám rễ sâu vào môi trường sống của mình thì càng được cảm nhận rộng rãi, càng mang tính dân tộc, và càng được phổ biến ra thế giới.
Khi tôi bắt đầu viết những câu chuyện trong tập “Chú dê Zlateh”, tôi biết rằng những câu chuyện này sẽ không chỉ được đọc bởi trẻ em Do Thái mà còn được đọc bởi những người ngoài Do Thái nữa. Tôi kể về trẻ em Do Thái, những nhà hiền triết Do Thái, những kẻ ngốc Do Thái, những chú rể Do Thái, những cô dâu Do Thái. Các sự kiện liên quan không phải xảy ra ở một nơi vô định nào đó mà ở các thị trấn và những ngôi làng nhỏ mà tôi biết rất rõ và là nơi tôi đã lớn lên. Thánh thần của tôi là những vị thánh Do Thái và những con quỷ cũng là quỷ Do Thái. Và cuốn sách này đã được dịch ra nhiều thứ tiếng.
Nhiều cuốn sách dành cho trẻ em ngày nay không có màu sắc bản địa, không có sự quyến rũ dân tộc. Các nhà văn cố gắng quốc tế hóa – để cho ra đời những trang viết hấp dẫn mọi người – nhưng rồi chẳng đến được với ai. (Tiện thể xin nhắc đến Kinh Thánh, đặc biệt là Sách Sáng Thế, nó tràn ngập những câu chuyện dành cho trẻ em – tất cả chúng đều ngắn gọn, rõ ràng, bắt rễ sâu xa vào thời gian và không gian. Điều này lý giải cho sự phổ biến rộng rãi của chúng).
Nếu không có văn học dân gian và sự bắt rễ sâu trong vùng đất cụ thể, văn chương sẽ suy tàn và khô héo. Điều này đúng trong tất cả mọi nền văn chương ở mọi thời đại. May thay, ngày nay văn chương cho trẻ em thậm chí còn bắt nguồn từ văn hóa dân gian nhiều hơn so với văn chương cho người lớn. Và chỉ có điều này mới khiến văn chương trẻ em trở nên quan trọng như thế trong thời đại chúng ta.
Một số nhà văn viết sách, không phải vì họ yêu thích những câu chuyện, mà bởi họ tâm đắc với thông điệp họ đưa ra trong tác phẩm. Không hề thiếu thông điệp trong thời đại của chúng ta hoặc bất kỳ thời nào khác. Nếu tất cả các thông điệp đều biến mất và chỉ còn lại Mười Điều Răn của Chúa, chúng ta vẫn sẽ có những thông điệp đủ cho hiện tại và tương lai. Rắc rối của chúng ta không phải là chúng ta không có đủ thông điệp mà chúng ta từ chối đưa ra và chuyển tải chúng.
Nhà văn viết một cuốn tiểu thuyết tệ mang thông điệp về hòa bình, công bằng và những điều cao cả khác không làm chúng ta nhiệt tình hưởng ứng. Chúng ta đã nghe những điều này trước đó và sẽ tiếp tục nghe về nó trong các bài xã luận trên báo, trong những bài giảng, thậm chí từ các nhà ngoại giao của các quốc gia hiếu chiến nhất. Có vô số các nhà văn mà chỉ đòi hỏi ở văn chương rằng họ đúng và thông điệp của họ là chính đáng.
Văn chương cần những câu chuyện được xây dựng tốt và sáng tạo, không phải là những thông điệp cũ mèm, với mỗi một câu chuyện hay thì thông điệp mà nó mang đến, mặc dù là không rõ ràng, thì sớm hay muộn cũng sẽ được các độc giả hoặc những nhà phê bình nhận ra. Tôi chả biết thông điệp của Tolstoy trong “Chiến tranh và Hòa bình”, nhưng đó là một cuốn sách tuyệt vời, chỉ cần như vậy. Một câu chuyện đích thực có thể có nhiều cách diễn giải, vô số các thông điệp, hàng núi những luận giải. Các sự kiện không bao giờ cũ, nhưng những nhận xét thường là cũ ngay từ đầu.
Khi còn nhỏ, tôi rất hạnh phúc khi được kể những câu chuyện giống nhau từ cha và ông nội tôi. Bọn trẻ ở thời của tôi không được đọc những câu chuyện về vịt con rơi vào ấm súp và nổi lên như ếch đất. Chúng tôi thích thú những câu chuyện về Adam và Eva, nạn hồng thủy, những người xây Tháp Babel, các cuộc phiêu lưu kỳ diệu của Abraham, Isaac, Jacob, Joseph. Chúng tôi được dạy không bao giờ phải phó thác hoàn toàn vào đấng nào. Chúng tôi đã cố gắng tìm động cơ và tính nhất quán trong các quy luật và những điều răn của Thiên Chúa. Tôi thường cảm thấy rất nhiều tội lỗi diễn ra ngày nay là kết quả của những thứ suy đồi mà thế hệ hiện đại đã đọc được khi còn trên ghế nhà trường.
Kể từ khi tôi bắt đầu viết sách cho trẻ em tôi đã nói chuyện với nhiều trẻ em, đọc cho chúng nghe những câu chuyện (mặc dù giọng của tôi còn lâu mới hoàn hảo), và trả lời hàng trăm câu hỏi của chúng. Tôi luôn luôn kinh ngạc khi thấy rằng khi đề cập đến việc đặt câu hỏi, trẻ em cũng có cùng một sự tò mò như người lớn: Làm thế nào ông có được ý tưởng cho một cuốn sách? Ông tưởng tượng hay lấy từ cuộc sống? Ông viết một cuốn sách hết bao lâu? Ông có dùng những câu chuyện mà cha mẹ ông đã kể với ông không?
Bất kể lớn nhỏ, trẻ em có mối liên hệ sâu sắc với cái gọi là những câu hỏi bất tận: Ai đã tạo ra thế giới? Ai đã tạo ra trái đất, bầu trời, con người, muôn thú? Trẻ em không thể hình dung được khởi đầu hoặc kết thúc của thời gian và không gian. Khi còn bé tôi đã đặt mọi câu hỏi mà sau này tôi đã tìm thấy những luận giải trong các tác phẩm của Plato, Aristotle, Spinoza, Leibnitz, Hume, Kant, và Schopenhauer. Trẻ em suy nghĩ và suy tư về những vấn đề như công bằng, mục đích sống, nguyên nhân đau khổ. Chúng thường cảm thấy khó chấp nhận ý nghĩ rằng thú vật được giết mổ để làm thức ăn cho con người. Chúng hoang mang và sợ hãi cái chết. Chúng không thể chấp nhận thực tế là kẻ mạnh thống trị kẻ yếu.
Nhiều người lớn cho rằng chẳng có mục đích gì khi đặt những câu hỏi và ta nên chấp nhận sự thật như chúng hẳn thế. Tuy nhiên, trẻ em thường là một triết gia và một người kiếm tìm Thượng đế. Đây là một trong những lý do tôi luôn luôn đề nghị chúng đọc Kinh Thánh. Kinh Thánh không trả lời mọi câu hỏi, nhưng nó giúp lý giải những câu hỏi. Nó cho chúng ta biết rằng có một Thiên Chúa, Đấng tạo ra trời đất. Nó lên án Cain giết Abel. Nó cho chúng ta biết kẻ ác bị trừng phạt và những người tốt, mặc dù có thể trải qua nhiều đau khổ, thì được tưởng thưởng và yêu mến bởi Đấng Toàn Năng.
Nếu có điều kiện, tôi sẽ xuất bản một cuốn sách về lịch sử triết học cho trẻ em, qua đó tôi sẽ truyền đạt những ý tưởng cơ bản của tất cả các triết gia với ngôn ngữ đơn giản. Trẻ em, những người cực kỳ nghiêm túc, sẽ đọc cuốn sách này với sự thích thú cao độ. Trong thời đại của chúng ta, khi văn chương cho người lớn trở nên xấu xa, những cuốn sách hay cho trẻ em là hy vọng và nơi trú ẩn duy nhất. Nhiều người lớn đọc và thưởng thức những cuốn sách cho trẻ em. Chúng tôi viết không chỉ cho trẻ em mà còn cho các bậc cha mẹ của chúng nữa. Họ cũng là những đứa trẻ nghiêm túc.
Ngô Thanh Tuấn
dịch từ bản tiếng Anh Are Children the Ultimate Literary Critics? in trong tập Isaac Bashevis Singer – Stories For Children,FarrarlStrauslGiroux, 1985.
(TCSH328/06-2016)