italo calvino

 

 

Italo Calvino (1923-1985) là một trong những nhà văn người Ý quan trọng nhất của thế kỉ XX. Tiểu luận “Perché leggere i classici” được viết năm 1981, đăng lần đầu trên tờ “L’Espresso”, và sau này được in khi ông đã qua đời. Bản dịch dưới đây được thực hiện theo bản dịch tiếng Anh của Martin McLaughlin (New York: Pantheon Books, 1999)





Chúng ta hãy bắt đầu bằng cách đưa ra một số định nghĩa.


1. Tác phẩm kinh điển là những cuốn sách mà chúng ta thường nghe mọi người nói: “Tôi đang đọc lại…,” mà không bao giờ, “Tôi đang đọc…”

Điều này ít nhất đúng với những ai tự coi mình là người “đọc rộng”; nó không áp dụng cho những người trẻ, bởi vì họ đang ở một độ tuổi mà sự tiếp xúc của họ với thế giới, và với những tác phẩm kinh điển vốn là một phần của thế giới ấy, là đặc biệt quan trọng do đó lần tiếp xúc như vậy là đầu tiên của họ.

Hậu tố “lại” sau động từ “đọc” có thể đại diện cho một hành vi đạo đức giả nho nhỏ của những người xấu hổ khi phải thừa nhận mình chưa đọc một cuốn nổi tiếng. Để trấn an họ, tất cả những gì ta cần làm là chỉ ra rằng dù phạm vi đọc định hình của một người có rộng lớn đến đâu thì cũng luôn có số lượng khổng lồ những tác phẩm căn bản mà họ chưa đọc.

Giơ tay lên bất cứ ai từng đọc toàn bộ Herodotus và Thucydides. Còn Saint – Simon? và Đức hồng y de Retz? Ngay cả những bộ tiểu thuyết lớn của thế kỉ XIX cũng thường được nhắc đến hơn là được đọc. Ở Pháp người ta bắt đầu đọc Balzac từ khi đi học, và đánh giá bằng số lượng ấn bản lưu hành thì rõ ràng họ vẫn tiếp tục đọc ông sau khi ra trường đã lâu. Nhưng nếu có một khảo sát chính thức về độ nổi tiếng của Balzac ở Ý, tôi e ông sẽ đứng rất thấp trong danh sách. Hâm mộ Dickens ở Ý là một nhóm nhỏ những người bắt đầu hồi tưởng về những nhân vật và tình tiết như thể đang nói chuyện về những người họ thực sự biết mỗi lần gặp nhau. Hồi giảng dạy ở Mĩ, Michel Butor đã trở nên quá mệt mỏi với những người hỏi ông về Emile Zola, tác giả mà ông chưa đọc, đến nỗi ông quyết tâm đọc toàn bộ bộ tiểu thuyết Rougon-Macquart. Ông phát hiện ra nó hoàn toàn khác những gì mình tưởng tượng: một gia phả thần thoại và nguồn gốc vũ trụ tuyệt vời mà sau này ông mô tả trong một bài viết xuất sắc.

Điều này cho thấy việc đọc một tác phẩm vĩ đại lần đầu khi một người đã hoàn toàn trưởng thành là một khoái cảm đặc biệt, rất khác (dù khó có thể nói thỏa mãn ít hay nhiều hơn) việc đọc nó khi ở tuổi trẻ. Tuổi trẻ phú cho mỗi lần đọc, cũng như cho mọi trải nghiệm, một hương vị và ý nghĩa độc nhất, trong khi ở tuổi trưởng thành người ta đánh giá cao (hoặc nên đánh giá cao) nhiều chi tiết, mức độ, và ý nghĩa hơn. Do đó chúng ta có thể thử một hình thức khác của định nghĩa của chúng ta:

2. Tác phẩm kinh điển là những cuốn sách tạo nên một trải nghiệm quý báu cho những ai đã đọc và yêu chúng; nhưng vẫn là một trải nghiệm phong phú cho những ai để dành cơ hội đọc cho đến khi họ ở hoàn cảnh tốt nhất để thưởng thức chúng.

Bởi thực tế là việc đọc khi còn trẻ thường có thể có ít giá trị do chúng ta thiếu kiên nhẫn, không thể tập trung, thiếu chuyên môn về cách đọc, hoặc do chúng ta thiếu kinh nghiệm sống. Việc đọc khi còn trẻ có thể (và có lẽ đồng thời) mang tính định hình theo nghĩa nó đem lại một hình thức hoặc hình dạng cho những trải nghiệm của chúng ta trong tương lai, cho chúng những mô hình, cách thức đối phó với chúng, những điều kiện so sánh, những phương án phân loại chúng, những thang đo giá trị, những hình mẫu của vẻ đẹp: tất cả những thứ vẫn tiếp tục vận hành trong chúng ta ngay cả khi chúng ta nhớ rất ít hoặc không nhớ gì về cuốn sách chúng ta đã đọc hồi trẻ. Khi đã trưởng thành mà đọc lại cuốn sách ấy, chúng ta sẽ khám phá lại những hằng số mà giờ đã là một phần của những cơ chế bên trong chúng ta, dù chúng ta đã quên chúng đến từ đâu. Có một tiềm năng đặc biệt trong một tác phẩm có thể bị quên lãng nhưng để lại hạt giống của mình bên trong chúng ta. Định nghĩa mà chúng ta có thể đưa ra bây giờ như sau:

3. Tác phẩm kinh điển là những cuốn sách tạo nên một ảnh hưởng đặc biệt, cả khi chúng ghi dấu ấn không thể nào quên trong trí tưởng tượng của chúng ta, lẫn khi chúng trốn dưới những tầng lớp kí ức dưới dạng vô thức cá nhân hoặc tập thể.

Chính vì lẽ này mà trong cuộc đời trưởng thành một người nên có một khoảng thời gian dành riêng cho việc tìm lại những lần đọc quan trọng nhất hồi trẻ. Thậm chí nếu những cuốn sách ấy vẫn còn như cũ (dù chúng cũng thay đổi, dưới góc nhìn lịch sử đã thay đổi), chúng ta chắc chắn đã thay đổi, và cuộc tiếp xúc sau này do đó sẽ trở nên hoàn toàn mới.

Do vậy, việc sử dụng động từ “đọc” hay động từ “đọc lại” không thực sự quan trọng. Trên thực tế chúng ta có thể nói:

4. Một tác phẩm kinh điển là cuốn sách mà mỗi lần đọc lại đều đem lại nhiều cảm giác khám phá y hệt như lần đọc đầu tiên.

5. Một tác phẩm kinh điển là cuốn sách mà khi đọc lần đầu nó đã đem lại cảm giác như đọc lại thứ gì đó mà chúng ta từng đọc trước đó.
Định nghĩa 4 có thể được coi là một hệ quả tất yếu của định nghĩa sau:

6. Một tác phẩm kinh điển là cuốn sách chưa bao giờ cạn kiệt những gì mà nó phải nói với độc giả của mình.
Trong khi định nghĩa 5 gợi ý một công thức phức tạp hơn, như sau:

e2d97c02d2ba4d4b94e06cadb7ed4866


7. Tác phẩm kinh điển là những cuốn sách đến với chúng ta mang theo mình ánh hào quang của những diễn giải trước đó, và kéo theo sau những dấu vết mà chúng để lại trong nền văn hóa hoặc các nền văn hóa (hoặc đơn giản trong ngôn ngữ và phong tục) mà chúng đã đi qua.

Điều này áp dụng cho cả tác phẩm kinh điển cổ đại và hiện đại. Nếu đọc The Odyssey, tôi đọc văn bản của Homer nhưng không thể quên tất cả những gì mà những cuộc hành trình của Ulysses đã trở nên có ý nghĩa trong dòng chảy hàng thế kỉ, và tôi không thể ngừng tự hỏi những ý nghĩa ấy được hàm chứa trong văn bản gốc hay được bồi đắp sau này, những biến thể hoặc phần mở rộng của nó. Nếu đọc Kafka, tôi thấy mình chấp nhận hoặc bác bỏ tính hợp thức của tính từ “Kafkaesque” (kiểu Kafka) mà chúng ta liên tục nghe nó được sử dụng để mô tả bất cứ điều gì. Nếu đọc Cha và con của Turgenev hoặc Lũ người quỷ ám của Dostoevsky, tôi không thể ngừng nghĩ về cách mà những nhân vật trong hai cuốn sách này vẫn tiếp tục đầu thai xuống thời đại của chúng ta.

Đọc một tác phẩm kinh điển cũng phải làm chúng ta ngạc nhiên, khi so sánh với hình ảnh chúng ta từng có về nó. Đó là lí do tôi không bao giờ có thể khuyến nghị đủ việc đọc bản thân tác phẩm, tránh càng xa càng tốt tài liệu, bình luận, hoặc những diễn giải thứ cấp khác. Các trường học và trường đại học nên cố gắng truyền đạt ý tưởng rằng không cuốn sách nào nói về cuốn sách khác có thể nói nhiều hơn cuốn sách gốc được nói; nhưng họ thực ra đang làm mọi thứ để khiến học sinh và sinh viên tin điều ngược lại. Ở đây có một sự đảo lộn giá trị vốn rất phổ biến, có nghĩa là lời giới thiệu, bài phê bình, và tiểu sử đang được sử dụng như một màn khói để che giấu những gì văn bản phải nói và những gì nó chỉ có thể nói nếu được nói mà không qua trung gian là những người cho là mình biết nhiều hơn bản thân văn bản. Do đó, chúng ta có thể kết luận rằng:

8. Một tác phẩm kinh điển là cuốn sách liên tục tạo ra một đám mây bụi gồm những diễn ngôn phê bình quanh mình, nhưng nó luôn giũ những hạt bụi ấy ra.

Một tác phẩm kinh điển không nhất thiết phải dạy cho chúng ta những gì chúng ta chưa biết; những gì mà chúng ta khám phá ra trong một tác phẩm kinh điển là những gì mà chúng ta luôn biết (hoặc luôn nghĩ mình biết) nhưng không nhận ra rằng văn bản kinh điển ấy nói ra điều đó trước tiên (hoặc điều đó gắn kết với văn bản theo một cách đặc biệt). Phát hiện này cũng là một sự ngạc nhiên thích thú, giống như khi chúng ta khám phá nguồn gốc của một tư tưởng, hoặc mối liên kết của nó với một văn bản, hoặc ai nói ra nó trước tiên. Từ đây chúng ta có thể đưa ra một định nghĩa như sau:

9. Tác phẩm kinh điển là những cuốn sách mà chúng ta càng nghĩ mình biết nhiều về chúng qua lời đồn thì càng nhận ra chúng độc đáo, bất ngờ, và sáng tạo khi thực sự đọc.

Dĩ nhiên điều này diễn ra khi một văn bản kinh điển “hoạt động” như một tác phẩm kinh điển, đó là khi nó thiết lập một mối quan hệ cá nhân với người đọc. Nếu không có tia lửa, việc đọc là vô nghĩa: không tác dụng gì khi đọc tác phẩm kinh điển vì ý thức trách nhiệm hay tôn trọng, chúng ta chỉ nên đọc chúng vì tình yêu. Trừ khi ở trường: trường học phải dạy cho chúng ta biết, dù thích hay không, một số tác phẩm kinh điển nhất định mà trong đó (hoặc bằng cách sử dụng chúng như một thang đo) sau này chúng ta sẽ nhận ra những tác phẩm kinh điển “của mình.” Trường học có nghĩa vụ cung cấp những công cụ cho phép chúng ta có lựa chọn của riêng mình; nhưng chỉ những lựa chọn được đưa ra sau hoặc ngoài trường học mới được tính.

Chỉ trong quá trình đọc không bị cưỡng ép chúng ta mới đi qua cuốn sách sẽ trở thành cuốn sách “của mình.” Tôi biết một sử gia nghệ thuật xuất sắc, một người đọc rộng vô cùng, mà trong số tất cả những cuốn ông đã đọc ông thích nhất The Pickwick Papers, trích dẫn câu này câu kia từ sách của Dickens trong mọi thảo luận, và gắn kết mỗi sự kiện trong cuộc đời ông với các phần trong Pickwick. Dần dần bản thân ông, vũ trụ và triết lí thực sự của nó, mang lấy hình thức của The Pickwick Papers trong một quá trình đồng nhất hóa hoàn toàn. Nếu đi theo con đường này chúng ta sẽ đến một ý tưởng rất cao quý và đòi hỏi về tác phẩm kinh điển:

10. Tác phẩm kinh điển là danh xưng dành cho bất cứ cuốn sách nào đại diện cho toàn thể vũ trụ, một cuốn sách ngang hàng với những lá bùa cổ xưa.

Một định nghĩa như vậy đưa chúng ta gần hơn đến ý tưởng về một cuốn sách toàn thể, như Mallarmé hằng mơ. Nhưng tác phẩm kinh điển cũng có thể thiết lập một mối quan hệ mạnh mẽ không kém, không phải của bản thể mà của sự đối lập hoặc phản đề. Mọi tư tưởng và hành động của Jean-Jacques Rousseau đều thân mến với tôi, nhưng chúng cũng khơi dậy trong tôi một cơn thôi thúc không thể kìm nén dẫn đến mâu thuẫn, phê phán, và tranh luận với ông. Dĩ nhiên điều này có liên quan đến việc tôi có cảm giác tính cách của ông rất không hợp với tính khí của tôi, nhưng nếu chỉ có thế thì tôi đơn giản chỉ cần tránh đọc ông; trong khi trên thực tế tôi không thể không coi ông như một trong những tác giả của mình. Tôi sẽ nói như sau:

11. Tác phẩm kinh điển “của mình” là một cuốn sách mà ta không thể thờ ơ, và nó giúp ta định nghĩa bản thân so với hoặc thậm chí đối lập với nó.

Tôi không nghĩ mình cần biện minh cho việc sử dụng thuật ngữ “kinh điển” mà không phân biệt giữa thời đại, phong cách, hoặc thẩm quyền. (Về lịch sử những ý nghĩa này của thuật ngữ, có một mục từ thấu đáo về “Classico” trong Enciclopedia Einaudi, vol. III, của Franco Fortini). Với lập luận của tôi ở đây, cái phân biệt một tác phẩm kinh điển có lẽ chỉ là một dạng cộng hưởng bắt nguồn từ cả tác phẩm cổ đại lẫn tác phẩm hiện đại, nhưng có vị trí của riêng mình trong chuỗi liên tục của văn hóa. Chúng ta có thể nói:

12. Một tác phẩm kinh điển là tác phẩm đến trước những tác phẩm kinh điển khác; nhưng những ai đọc những tác phẩm kinh điển khác trước sẽ lập tức nhận ra vị trí của nó trong gia phả những tác phẩm kinh điển.

Đến thời điểm này tôi không còn trì hoãn được vấn đề quan trọng của việc liên hệ việc đọc các tác phẩm kinh điển với việc đọc mọi văn bản khác mà không phải kinh điển. Đây là một vấn đề có liên quan đến những câu hỏi như: “Tại sao đọc tác phẩm kinh điển thay vì đọc những tác phẩm cho chúng ta sự hiểu biết sâu hơn về thời đại của mình?” và “Ở nơi nào chúng ta có thể tìm được thời gian và sự yên bình của tâm trí để đọc những tác phẩm kinh điển, vốn bị tràn ngập như chúng ta bị tràn ngập dưới cơn lũ của những ấn phẩm về hiện tại?”

Dĩ nhiên, về mặt giả thuyết có thể tồn tại một độc giả may mắn có thể dành toàn bộ “thời gian đọc” cho Lucretius, Lucian, Montaigne, Erasmus, Quevedo, Marlowe, Diễn ngôn về phương pháp luận, Wilhelm Meister của Goethe, Coleridge, Ruskin, Proust, và Valéry, thỉnh thoảng chuyển hướng sang Murasaki hay các tác phẩm saga của Iceland. Và giả sử người đó có thể làm tất cả những điều này mà không cần phải viết điểm sách về bản in mới nhất, gửi bài viết để theo đuổi một vị trí trong trường đại học, hoặc gửi cho một nhà xuất bản với thời hạn hợp đồng sắp đến. Để chế độ này có thể tiếp tục mà không bị gián đoạn, con người may mắn này sẽ phải tránh đọc báo, và không bao giờ được để mình bị cám dỗ trước cuốn tiểu thuyết mới nhất hoặc khảo sát xã hội học gần đây nhất. Nhưng chúng ta vẫn còn phải xem chế độ hà khắc như thế có thể được biện minh hoặc thậm chí có ích đến mức độ nào. Thế giới đương đại có thể tầm thường và lố lăng, nhưng nó luôn là bối cảnh mà chúng ta phải đặt mình vào để có thể nhìn về đằng sau hoặc phía trước. Để đọc tác phẩm kinh điển, ta phải thiết lập chính xác “nơi mà từ đó” chúng ta đọc chúng, nếu không cả người đọc và văn bản sẽ có xu hướng trôi dạt trong một đám mây mù vô tận. Do đó chúng ta có thể nói người được hưởng lợi lớn nhất từ việc đọc tác phẩm kinh điển là người khéo léo đan xen việc đọc tác phẩm kinh điển với những liều lượng văn bản đương đại phù hợp. Điều này không nhất thiết phải giả định đó là một người có tính khí bình tĩnh hài hòa bên trong: nó cũng có thể là kết quả của sự thiếu kiên nhẫn, tính khí kích động, của ai đó liên tục khó chịu và bất mãn.

Có lẽ lí tưởng sẽ là được nghe hiện tại như một tiếng ồn bên ngoài cửa sổ, cảnh báo chúng ta về cảnh tắc nghẽn giao thông và thời tiết thay đổi bên ngoài, trong khi chúng ta tiếp tục theo dòng chảy rõ ràng và rành mạch của những tác phẩm kinh điển ở bên trong căn phòng. Nhưng phần lớn mọi người đều nghe tác phẩm kinh điển như một tiếng vọng xa xôi ở bên ngoài căn phòng vốn tràn ngập với hiện tại như thể nó là chiếc ti vi mở âm lượng cao nhất. Do đó chúng ta cần thêm:

13. Một tác phẩm kinh điển là tác phẩm đẩy lùi được tiếng ồn của hiện tại vào âm thanh nền, đồng thời nếu không có âm thanh nền ấy thì những tác phẩm kinh điển cũng không thể tồn tại.

14. Một tác phẩm kinh điển là tác phẩm vẫn tồn tại như âm thanh nền ngay cả khi một hiện tại hoàn toàn không tương thích với nó đang nắm ưu thế.

Thực tế là việc đọc tác phẩm kinh điển vẫn có vẻ lạc nhịp với cuộc sống của chúng ta, một cuộc sống không chấp nhận những khoảng thời gian kéo dài, hoặc không gian cho thời gian rảnh rỗi dành cho nhân văn; và lạc nhịp với cả chủ nghĩa chiết trung của nền văn hóa của chúng ta, vốn không bao giờ có thể lập một danh mục tác phẩm kinh điển sao cho phù hợp với thời đại.

Thay vào đó nó chính xác là hoàn cảnh sống của Leopardi: sống trong lâu đài của cha mình (“paterno ostello” của ông), ông có thể theo đuổi sự sùng bái dành cho cổ đại Hy La với thư viện đáng nể của cha mình, Monaldo, mà ông đã bổ sung thêm văn học Ý đến thời của mình, cùng với mọi tác phẩm văn học Pháp trừ tiểu thuyết và những tác phẩm mới được xuất bản, tất cả được đẩy sang lề, để thỏa mãn em gái ông (“Stendhal của em” là cách ông nói về tiểu thuyết gia Pháp với Paolina). Với lòng nhiệt tình sâu sắc dành cho khoa học và lịch sử, Giacomo hài lòng với cả những văn bản vốn không bao giờ thực sự được “cập nhật,” đọc về thói quen của những loài chim ở Buffon, về những xác ướp của Frederik Ruysch ở Fontanelle, và những chuyến đi của Columbus ở Robertson.

Ngày nay chúng ta không thể hình dung được một nền giáo dục cổ điển như Leopardi trẻ từng thụ hưởng, nhất là khi thư viện của cha ông, Bá tước Monaldo, đã tan rã. Tan rã trong cả ý nghĩa những tựa sách cũ đã tiêu hao, và những tựa sách mới đã sinh sôi trong mọi nền văn học và văn hóa hiện đại. Tất cả những gì có thể được thực hiện là mỗi người trong chúng ta tự sáng tạo ra thư viện lí tưởng gồm những tác phẩm kinh điển cho riêng mình; và tôi sẽ nói một nửa thư viện nên chứa những cuốn chúng ta đã đọc và có một ý nghĩa nhất định đối với chúng ta, và một nửa còn lại chứa những cuốn chúng ta định đọc mà chúng ta cho rằng có thể có ý nghĩa. Chúng ta cũng nên dành lại một phần không gian trống cho những điều bất ngờ và những khám phá tình cờ.
Tôi nhận ra Leopardi là cái tên duy nhất từ nền văn học Ý mà tôi trích dẫn. Đây là kết quả của sự tan rã của thư viện. Giờ tôi nên viết lại toàn bộ bài viết để làm rõ việc tác phẩm kinh điển giúp chúng ta hiểu mình là ai và đang đứng ở đâu, làm rõ việc tác phẩm kinh điển Ý là không thể thiếu đối với người Ý chúng ta để so sánh với tác phẩm kinh điển nước ngoài, và tác phẩm kinh điển nước ngoài cũng không thể thiếu để chúng ta có thể so sánh với tác phẩm kinh điển Ý.

Sau đó tôi nên viết lại lần thứ ba, để mọi người không tin rằng tác phẩm kinh điển phải được đọc bởi vì chúng phục vụ một mục đích nào đó. Lí do duy nhất có thể được viện dẫn là đọc tác phẩm kinh điển thì luôn tốt hơn là không đọc.

Và nếu có ai phản đối, rằng chúng không đáng giá so với toàn bộ nỗ lực ấy, tôi sẽ trích dẫn Cioran (không phải một tác gia kinh điển, ít nhất là chưa, nhưng là một nhà tư tưởng đương đại mới được dịch sang tiếng Ý): “Trong khi người ta chuẩn bị độc cầm, Socrates học một điệu sáo”. “Điều đó ích gì cho ngươi?” họ hỏi. “Ít nhất ta cũng học được điệu sáo này trước khi chết.”

NGUYỄN HUY HOÀNG dịch – Nguồn: Văn nghệ Quân đội